Với vị trí thông thương chiến lược, đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kinh tế biển chính là động lực, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế của Việt Nam. Vì vậy, có thể nói, việc hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển trở thành nhu cầu tất yếu trong suốt quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với một số vấn đề thách thức sự phát triển bền vững kinh tế biển. Vậy chính phủ đã có chủ trương gì và chúng ta cần làm gì để đạt mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển?
Nội dung bài viết
1. Khái niệm phát triển bền vững, kinh tế biển
1.1. Phát triển bền vững là gì?
Năm 1987, trong Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED-World Commission on Environment and Development) của Liên hợp quốc, “phát triển bền vững” được định nghĩa là “Sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương khả năng cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển, tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh năm 2002 có đề cập: “Phát triển bền vững” là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).
Có thể nói, phát triển bền vững là quá trình vận hành đồng thời ba bình diện phát triển: kinh tế tăng trưởng bền vững, xã hội thịnh vượng, công bằng, ổn định, văn hoá đa dạng và môi trường được trong lành, tài nguyên được duy trì bền vững.
1.2. Kinh tế biển là gì?
Trong Đề án: “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển, vùng ven biển và các hải đảo Việt Nam đến năm 2010” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đã nêu: “Kinh tế biển là sự kết hợp hữu cơ giữa các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển, trong đó biển chủ yếu đóng vai trò vùng khai thác nguyên liệu, là môi trường cho các hoạt động vận tải, du lịch biển,… còn toàn bộ các hoạt động sản xuất và phục vụ khai thác biển lại nằm trên dải đất liền ven biển. Do vậy, khi nói đến kinh tế biển không thể tách vùng biển với vùng ven biển và ngược lại”.
Kinh tế biển bao gồm các lĩnh vực: Kinh tế hàng hải; Nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản; Công nghiệp dầu khí; Du lịch biển; Xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với các khu đô thị ven biển; Phát triển, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học – công nghệ về khai thác và quản lý kinh tế biển.
Vậy có thể hiểu phát triển bền vững kinh tế biển là việc sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, việc làm cũng như sức khỏe của hệ sinh thái đại dương.
2. Mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam
Việt Nam là quốc gia cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đối với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết 36/NQ-TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trong đó, xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Nghị quyết cũng chỉ rõ tầm nhìn đến năm 2045 là đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.
3. Những thách thức phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam
Bên cạnh mục tiêu phát triển bền vững, trong bối cảnh hiện nay, sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kinh tế ven biển và các ngành kinh tế biển càng có vai trò quan trọng trong việc phục hồi các hoạt động kinh tế – xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thực trạng phát triển kinh tế biển Việt Nam hiện nay chưa bền vững do tồn đọng một số vấn đề sau:
Thứ nhất, việc phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hoà với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu ngành chưa phù hợp.
Thứ hai, vấn đề ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi còn diễn ra nghiêm trọng, đặc biệt ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức. Theo cảnh báo của Liên hợp quốc, 90% quần thể cá lớn sẽ bị khai thác đến cạn kiệt và 50% rạn san hô sẽ bị phá hủy; tình hình ô nhiễm rác thải nhựa cũng đặc biệt nghiêm trọng.
Còn theo Ngân hàng Thế giới, nước biển dâng 5m sẽ khiến Việt Nam mất 16% diện tích đất liền, đe dọa 35% dân số và 35% tổng sản phẩm quốc nội. Các vùng đất thấp ven biển, các rạn san hô vòng cùng hàng loạt hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng bị phá hủy do ngập lụt.
Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển, các cơ sở quan trắc, dự báo và cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiến cứu hộ, cứu nạn… ở ven biển còn nhỏ, trang bị thô sơ, năng lực yếu.
Và một số vấn đề khác còn tồn tại như như việc hợp tác quốc tế về biển chưa hiệu quả. Khoảng cách giàu – nghèo của người dân ven biển có xu hướng ngày càng tăng. Việc giữ gìn giá trị, phát huy bản sắc văn hoá biển chưa được quan tâm đúng mức.
4. Chủ trương, giải pháp hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam
Để từng bước hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển cũng như đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, Chính phủ đã chủ trương phân chia phát triển bền vững kinh tế biển theo ngành trong đó thứ tự ưu tiên lần lượt là (1) ngành Du lịch và dịch vụ biển; (2) ngành Kinh tế hàng hải; (3) ngành Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) ngành Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) ngành Công nghiệp ven biển; (6) ngành Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Cụ thể:
- Đối với ngành Du lịch và dịch vụ biển: Chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; đồng thời đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới. Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.
- Đối với ngành Kinh tế hàng hải: Cần khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế.
- Đối với ngành Khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác: Nâng cao năng lực của ngành Dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; các bể trầm tích mới; đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược; cần nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hoà giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.
- Đối với ngành Nuôi trồng và khai thác hải sản: Giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ phù hợp với khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
- Đối với ngành Công nghiệp ven biển: Phải dựa trên cơ sở quy hoạch, cân nhắc lợi thế về điều kiện tự nhiên của từng vùng, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn.
- Đối với ngành Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới: Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác. Đồng thời, cần phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Bên cạnh việc phát triển bền vững kinh tế biển theo ngành, Việt Nam cũng cần mở rộng diện tích, thành lập các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần xây dựng các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế về môi trường đối với các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao khu vực ven biển; bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các sự cố gây ô nhiễm môi trường; giảm thiểu và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm. Đầu tư xây dựng, củng cố lực lượng, trang thiết bị giám sát, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường, ứng phó với sự cố môi trường, hoá chất độc hại trên biển; quản lý rác thải biển, nhất là rác thải nhựa; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển.
Mặt khác, việc nâng cao đời sống, bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư vùng ven biển, trên đảo và những người lao động trên biển cũng rất quan trọng. Chúng ta cần chú trọng phát triển các thiết chế văn hoá cho cộng đồng dân cư biển và ven biển; bảo tồn không gian văn hoá, kiến trúc và di sản thiên nhiên. Đồng thời, nâng cao nhận thức về biển và đại dương; phát huy tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng dân cư vùng biển, ven biển; và bảo đảm quyền tiếp cận, tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với biển một cách công bằng, bình đẳng.
Việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế cũng là yếu tố quan trọng đối với phát triển bền vững kinh tế biển. Việt Nam cần xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ theo hướng hiện đại; bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển. Ngoài ra, cũng cần kiên trì xây dựng và duy trì môi trường hoà bình, ổn định và trật tự pháp lý trên biển, tạo cơ sở cho việc khai thác và sử dụng biển an toàn, hiệu quả; tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn, sử dụng bền vững biển và đại dương.
https://clibme.com/logistics-xanh-5-giai-phap-huong-den-kho-bai-xanh/
https://clibme.com/nang-luong-tai-tao-xu-huong-phat-trien-ben-vung-2022/
https://clibme.com/5-giai-phap-phat-trien-ben-vung-cung-voi-kinh-te-xanh/
Bài viết đã đăng trên trang cá nhân:
https://www.facebook.com/siomio.45lh/
5. Lời kết
Bài viết đã trình bày khái niệm về phát triển bền vững, kinh tế biển; đồng thời đề cập đến những vấn đề đối với phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; từ đó đưa ra những giải pháp và chủ trương hướng tới mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam. Cảm ơn quý vị và bạn đọc đã theo dõi. Để tìm hiểu thêm các bài viết liên quan đến phát triển bền vững, mời quý vị và bạn đọc tham khảo thêm tại những bài viết dưới đây:
Người thực hiện: Hoàng Thị Ngọc Lan
Mã sinh viên: 17050240
Khóa QH 2017E Kinh tế quốc tế hệ Chuẩn
Lớp học phần: INE 3104 4