Nội dung bài viết
Khái niệm
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, năng lượng tái tạo là năng lượng được khai thác từ nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, nhiên liệu sinh học và các nguồn tài nguyên năng lượng có khả năng tái tạo khác.
Nguồn năng lượng này, hay còn gọi là năng lượng tái sinh, năng lượng bền vững được hiểu đơn giản là nguồn năng lượng vô hạn hoặc tự tái tạo trong thời gian ngắn và liên tục. Nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng năng lượng tái sinh là tách một phần năng lượng từ các quy trình diễn biến liên tục trong môi trường và sử dụng cho mục đích khác.
Chúng ta có thể phân chia năng lượng tái tạo ra thành 8 dạng, bao gồm:
– Năng lượng mặt trời
– Năng lượng gió
– Thủy điện
– Năng lượng sinh học
– Nhiên liệu hydrogen và pin nhiên liệu hydro
– Năng lượng địa nhiệt
– Năng lượng thủy triều
Năng lượng tái tạo cũng có những ưu – nhược điểm riêng.
- Về ưu điểm:
+ Đây là nguồn năng lượng có chất lượng sạch, ít gây ô nhiễm nên thân thiện với môi trường.
+ Có khả năng phục hồi nên không bị cạn kiệt.
+ Hữu ích và có tính sử dụng cao (tối ưu chi phí sử dụng điện cho các hộ gia đình, nhà máy, doanh nghiệp, …) - Về nhược điểm:
+ Đầu tư ban đầu tốn kém do chi phí dành cho xây dựng hệ thống các trang thiết bị cao cấp và hiện đại.
+ Có tính ổn định không cao do bắt nguồn từ thiên nhiên và phải chịu tác động từ các tác nhân làm ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động.
Quy hoạch nhà nước
Xu hướng sử dụng bền vững điện tái tạo tại Việt Nam đang ngày một lớn mạnh. Dự kiến đến năm 2045, tỷ trọng điện than trong tổng công suất các nguồn điện sẽ giảm về 9,6%, còn năng lượng tái tạo tăng dần và đạt hơn 50%. Con số này dù chỉ là ước tính nhưng đã ngược hoàn toàn với số liệu hiện thời khi điện than đang chiếm 54.4% và năng lượng tái tạo thì chỉ vỏn vẹn dưới 20%.
Theo Bộ Công Thương, phương án sau rà soát sẽ giảm tối đa điện than với tỷ trọng giảm dần từ 25,7% vào 2030 và giảm về còn 9,6% năm 2045.
Tỷ trọng công suất các nguồn điện giai đoạn 2025 – 2045
Đơn vị: %
Chỉ tiêu/Năm | Năm 2025 | Năm 2035 | Năm 2045 |
Điện than/biomass/amoniac | 29,3 | 17,7 | 9,6 |
LNG, chuyển dùng LNG/hydrogen | 11,1 | 7 | 3,8 |
Turbin khí dùng LNG, hydrogen mới | 3,6 | 14,8 | 8 |
Nhiệt điện chạy khí hydrogen | 0 | 3 | 7,2 |
Điện than, turbin khí chạy dầu | 0,6 | 0 | 0 |
Thuỷ điện (gồm thuỷ điện nhỏ) | 27,2 | 15,9 | 9 |
Điện gió trên bờ, gần bờ | 13,8 | 12,6 | 14,3 |
Điện gió ngoài khơi | 0 | 8,5 | 17 |
Điện mặt trời quy mô lớn | 8,9 | 11,8 | 19,4 |
Điện sinh khối, năng lượng tái tạo khác | 1 | 1,5 | 1,3 |
Thuỷ điện tích năng, pin lưu trữ | 0 | 3,6 | 7,5 |
Nhập khẩu | 4,5 | 3,7 | 2,8 |
Thực trạng hiện tại phát triển
Thế giới
Theo số liệu nghiên cứu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), châu Âu là khu vực đi đầu trong việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nguồn năng lượng sạch.
Với quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi này, châu Âu đặt mục tiêu sẽ tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sinh học lên 60% vào năm 2030 và tăng cường công suất điện gió ngoài khơi lên gấp 25 lần vào năm 2050, để đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon năm 2050.
Tại Hoa Kỳ, trong nghiên cứu “Triển vọng năng lượng tái tạo” do Cơ quan Thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia (NREL) thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ tiến hành cho thấy, hầu hết các nhà máy nhiệt điện than và nhà máy điện hạt nhân sẽ được cho “nghỉ hưu” vào năm 2030, những nhà máy còn lại sẽ hoạt động đến năm 2050.
Như vậy, Mỹ có thể sản xuất ra 80% điện năng từ năng lượng tái tạo bằng công nghệ hiện có, bao gồm turbine gió, điện quang mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học, địa nhiệt và thủy điện.
Vào năm 2004,Trung Quốc, mới đầu tư 3 tỷ USD cho năng lượng tái tạo, nhưng đến năm 2015 đã tăng lên 103 tỷ USD, và chiếm khoảng 36% đầu tư của các nước trên toàn thế giới. Tổng kết giai đoạn từ 2016 – 2020, tổng đầu tư Trung Quốc vào ngành công nghiệp này đã lên đến hơn 360 tỷ USD.
Cục Quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA) đặt ra mục tiêu sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ đạt 16.5% vào năm 2025. Dự kiến đến 2030, tỷ trọng nhiên liệu tái tạo trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp mà Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ rơi vào khoảng 25%.
Việt Nam
Việt Nam: đổ xô đi làm điện gió mà bỏ qua năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng điện gió chưa đủ
Tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2021, các nguồn năng lượng tái tạo có tổng công suất lắp đặt là 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống (76.620 MW); tổng sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 31.508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng toàn hệ thống.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng gây ra hệ luỵ không nhỏ cho an toàn vận hành, an ninh hệ thống điện, tăng truyền tải 500 kV (do điện mặt trời/điện gió hầu hết phát triển ở khu vực miền Nam và miền Trung, nơi có tiềm năng tốt hơn).
Điều này tác động đến huy động công suất và số lần tăng/giảm công suất của các nhà máy nhiệt điện, tua bin khí, làm tăng chi phí, giá thành ngành điện, nhất là một số loại hình năng lượng tái tạo vẫn đang có giá thành đắt hơn nhiều so với giá thành bình quân ngành điện.
Hơn nữa, hiện tại, điện gió tại Việt Nam nổi lên như một “trending” khiến cho số lượng nhà máy điện gió tăng vọt trong 5 năm trở lại đây.
Với sản lượng tiêu thụ điện của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2020 đã cho thấy rõ điện gió đang ngày càng mở rộng thị phần của mình trong thị trường điện chung, đứng sau thủy điện và vượt lên trên các loại năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời, sinh học, địa nhiệt, … Điều này cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu điện của Việt Nam nhưng đồng thời chỉ ra bất cập trong cơ sở hạ tầng.
Giải pháp, đề xuất
Về phía nhà hoạch định chính sách:
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2068/TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quyết định số 428/TTg ngày 18/3/2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện 7).
Đặc biệt trong nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 – 20% vào năm 2030; 25 – 30% vào năm 2045.
Tin vui cho các nhà đầu tư là các dự án năng lượng tái tạo quy mô công suất lớn sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu tại Việt Nam nhờ Nghị quyết 55. Cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo và lưới truyền tải.
Trước đây, EVN (Tổng công ty Điện lực Việt Nam) độc quyền hoàn toàn về ngành điện trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam trong tất cả các công đoạn. Dù có một vài nhà máy điện như Phả Lại, Cát Bà, Vũng Áng, … được cổ phần hóa và có sự tham gia của các doanh nghiệp làm chủ đầu tư, tuy nhiên các doanh nghiệp chỉ được tham gia vào phần xây dựng và sản xuất,
Còn lại EVN vẫn nắm quyền kiểm soát, đặc biệt là khâu truyền tải và phân phối điện. Như vậy, nghị quyết 55-NQ/TW là một cánh cửa lớn rộng mở cho các doanh nghiệp năng lượng có thể có một “miếng bánh” của thị trường điện lớn mạnh này.
Tại Hội nghị lần thứ 26 về Biến đổi khí hậu của các bên (COP26) diễn ra vào đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải khí nhà kính trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia.
Đồng thời khẳng định Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.
Về phía nhà sản xuất điện:
Thứ nhất, cải thiện quy trình nội bộ, xem xét và đánh giá hệ thống điện tại nhà máy: triển khai Hệ thống Quản lý Tòa nhà (Building Management System – BMS) để kiểm soát thiết bị và loại bỏ sai sót có yếu tố con người trong quá trình sản xuất ;
Thứ hai, triển khai hệ thống giám sát năng lượng (Energy Monitoring System) để theo dõi và xác định rò rỉ điện tại nhà máy;
Thứ ba, thay thế các thiết bị tiêu hao quá nhiều năng lượng sang thiết bị mới có hiệu suất và công nghệ tiên tiến hơn, giúp tiết kiệm điện năng và nâng tầm hệ thống sản xuất tự động hóa;
Thứ tư, cải thiện hệ thống lạnh;
Thứ năm, thay đổi hệ thống chiếu sáng từ đèn compact sang hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED;
Thứ sáu, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để đạt chi phí sử dụng điện thấp hơn và giảm CO2 ra môi trường.
Những bài viết liên quan – có thể độc giả quan tâm:
5 giải pháp phát triển bền vững gắn liền với kinh tế xanh
Logistics xanh – 5 giải pháp hướng tới xanh hoá kho bãi
Người làm bài:
Sinh viên: Ngô Thu Hương
Mã sinh viên: 18040753
Lớp: 2022-INE3104-4