Luật Đầu tư 2020 và 05 điểm sửa đổi bổ sung

Luật Đầu tư 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Luật này được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành tựu của Luật Đầu tư năm 2014, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Việc cải cách và bổ sung Luật Đầu tư năm 2020 đã tạo ra một bước tiến đáng kể trong việc tạo ra môi trường đầu tư tích cực và cung cấp khung pháp lý rõ ràng hơn cho cả người đầu tư và các tổ chức liên quan. Sự thay đổi này không chỉ đem lại sự minh bạch và dễ dàng tiếp cận thông tin mà còn tạo ra cơ hội lớn cho việc phát triển kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

1. Mục tiêu tổng quát của Luật Đầu tư 2020

Luật đầu tư 2020
Luật đầu tư 2020

Mục tiêu, quan điểm tổng quát của Luật này là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Hai là, hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Ba là, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư; cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

2. 05 điểm sửa đổi bổ sung của Luật Đầu tư 2020 là gì?

Luật Đầu tư 2020
Điểm mới của Luật Đầu tư 2020

2.1. Bổ sung 01 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Điều 3) trong Luật Đầu tư 2020

Tại khoản 5 Điều 3 Luật số 03/2022/QH15 bổ sung ngành, nghề số thứ tự 132a vào sau số thứ tự 132 của Phụ lục IV về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như sau:

Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng (không bao gồm kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự).

Như vậy, từ ngày 01/3/2022, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

2.2. Bổ sung các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, cắt, giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết (Điều 6,7,8,9) trong Luật Đầu tư 2020

Nhằm tiếp tục thể chế hóa nguyên tắc Hiến định và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm, đồng thời góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, Luật này đã bổ sung một số quy định sau:

Bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh.

Sửa đổi, bổ sung quy định tại các phụ lục I, II, III về cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy; hóa chất, khoáng vật độc hại và động, thực vật hoang dã cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý nhà nước với sản phẩm này theo theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế có liên quan.

Tiếp tục cắt, giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp (gồm 22 ngành nghề quy định tại phụ lục IV).

Đồng thời, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Luật này đã quy định Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận “chọn bỏ” (Điều 9).

2.3. Thêm dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng trong Luật Đầu tư 2020

Theo khoản 1 Điều 3 Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung điểm g và bổ sung điểm g1 vào sau điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư,  Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên;

Hiện hành, điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư quy định dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp:

  • Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị;
  • Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị;
  • Dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt

– Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới. (Nội dung mới bổ sung)

2.4. Bổ sung dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh trong Luật Đầu tư 2020

Theo khoản 2 Điều 3 Luật số 03/2022/QH15, dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh được sửa đổi, bổ sung như sau:

– Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 300 ha và quy mô dân số dưới 50.000 người;

Hiện hành điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư quy định dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp:

  • Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 50 ha và có quy mô dân số dưới 15.000 người tại khu vực đô thị;
  • Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 100 ha và có quy mô dân số dưới 10.000 người tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt).

– Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, trừ di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt. (Nội dung mới bổ sung)

Lưu ý: Kể từ ngày 01/3/2022, hồ sơ hợp lệ đề nghị chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 31 của Luật Đầu tư nay thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh theo quy định nêu trên đã tiếp nhận và quá thời hạn giải quyết nhưng chưa trả kết quả theo quy định của Luật Đầu tư thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.

2.5. Sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư, nhằm bảo đảm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng trong Luật Đầu tư 2020

Luật Đầu tư 2020
Danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư

Luật này đã sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm đảm bảo thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng theo Nghi quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Luật thuế và các Luật có liên quan; cụ thể là:

Bổ sung quy định khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành; phát triển công nghiệp môi trường.

Bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện chính sách này (như áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án; nhà đầu tư phải đảm bảo đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật).

Bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay (cho phép áp dụng ưu đãi tối đa thêm 50% so với mức cao nhất theo quy định của Luật hiện hành).

Kết luận về Luật Đầu tư 2020

Sự mở rộng phạm vi đầu tư vào các ngành, nghề có điều kiện thông qua Luật Đầu Tư 2020 và điều chỉnh bổ sung đã tạo ra một cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tham gia vào các lĩnh vực quan trọng đồng thời đảm bảo tính ổn định và bảo vệ quyền lợi. Việc này không chỉ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh mà còn thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững trong nền kinh tế

 Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thị Thu Phương

                                 Mã sinh viên: 21050984

                              Lớp học phần: INE3104 9

                          Lớp QH2021 E KTQT CLC2

              Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN

XEM THÊM

Luật phá sản – 3 bất cập điển hình trong hoạt động doanh nghiệp