Bối cảnh Covid-19 với nhiều biến động phức tạp khiến Logistics phải đối mặt với nhiều bất lợi như chính sách “bế quan toả cảnh” gây khó khăn trong vận chuyển…Vậy đâu là điều các doanh nghiệp logistics cần phải quan tâm trong giai đoạn này? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để thấy được những xu hướng phát triển của logistics trong giai đoạn tới từ đó có cái nhìn tổng quan, đánh giá và đưa ra những phương án tối ưu mang lại hiệu quả nhất trong hoạt động của mình.
1. Logistics là gì?
Logistics là một thuật ngữ có nguồn gốc Hy Lạp – logistikos. Ngày nay, Logistics được giải thích và định nghĩa như sau: Logistics là khâu trung gian để đưa hàng hoá (sản phẩm hoặc dịch vụ) đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Nó bao gồm các hoạt động vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung cầu. Ngoài ra Logistics cũng là một phần của toàn bộ chuỗi cung ứng bao gồm các công việc từ lập kế hoạch sản xuất, thực hiện và kiểm soát luồng dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ cũng như các thông tin liên quan đến luồng dịch chuyển từ điểm xuất phát đến nơi tiêu thụ.
2. Vai trò của Logistics đối với doanh nghiệp và nền kinh tế
Logistics được ví như cầu nối và động lực thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu. Đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, logistics góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Đối với nền kinh tế quốc gia, logistics có vai trò quan trọng trong sản xuất, phân phối và lưu thông. Dịch vụ logistics hiệu quả sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội của quốc gia. Cụ thể:
- Logistics là công cụ liên kết các hoạt động trong nền kinh tế của quốc gia và toàn cầu qua việc cung cấp nguyên liệu, sản xuất, lưu thông phân phối, mở rộng thị trường.
- Tối ưu hóa quá trình lưu chuyển của sản xuất, kinh doanh từ các nguyên liệu đầu vào đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
- Giúp tiết kiệm và giảm chi phi phí trong lưu thông và phân phối hàng hóa.
- Mở rộng thị trường trong nước với thị trường quốc tế, góp phần giảm chi phí, hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa chứng từ trong kinh doanh đặc biệt trong buôn bán và vận tải quốc tế.
- Logistics góp phần tạo ra giá trị gia tăng về thời gian và địa điểm, gia tăng lợi nhuận.
- Logistics còn hỗ trợ các nhà quản lý đưa ra quyết định chính xác trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
3. Thực trạng logistics của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Số lượng và quy mô doanh nghiệp tham gia ngành logistics
Số lượng doanh nghiệp gia nhập ngành ngày càng nhiều.Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam; trong đó, loại hình doanh nghiệp nhà nước chiếm 20%, tư nhân 10%, TNHH 20%. Quy mô về vốn khoảng 40-42 tỷ USD/năm, chiếm gần 21% GDP của cả nước.
Đây là một con số khá lớn nhưng đa phần lại là những doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Do vốn ít nên cơ cấu tổ chức doanh nghiệp cũng đơn giản, không thật sự chuyên sâu, không tổ chức được các văn phòng đại diện ở nước ngoài nên nguồn thông tin bị hạn chế, các công việc ở nước ngoài đều phải thông qua các đại lý của các công ty đa quốc gia. Dẫn đến đa số các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc làm đại lý cấp 2, cấp 3, thậm chí cấp 4 cho các đối tác nước ngoài có mạng lưới toàn cầu, chưa tổ chức kết nối được các hoạt động vận tải đa phương thức. Tuy nhiên, các công ty logistics Việt Nam mới đáp ứng được 25% nhu cầu nội địa và mới chỉ tập trung vào một vài ngành dịch vụ trong chuỗi giá trị dịch vụ có doanh số hàng tỷ đô la Mỹ này.
Tác động của đại dịch COVID-19:
Năm 2020, nền kinh tế đã phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề từ đại dịch COVID-19 gây ra. Ngành Logistics cũng không ngoại lệ, thậm chí còn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do các chính sách “bế quan tỏa cảng” để phòng chống đại dịch. Chính phủ phải liên tục có những động thái nỗ lực duy trì hoạt động của chuỗi cung ứng hàng hóa, và ưu tiên thúc đẩy lưu thông hàng hóa thiết yếu.
Mặc dù vậy, ngành này vẫn phải chịu những ảnh hưởng nặng nề. Đồng thời, Đại dịch COVID-19 còn ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ thị trường lao động, đặc biệt lao động trong ngành Logistics. Nguy cơ phá sản hàng loạt của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics cũng như sự “đứt gãy”, thay đổi và gián đoạn của các chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng nặng nề đến cục diện của thị trường lao động. Thị trường lao động thay đổi dẫn đến yêu cầu về kỹ năng của người lao động cũng phải thay đổi, nguồn cung cầu lao động hậu dịch COVID-19 cũng có những chuyển đổi nhất định.
Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nỗ lực của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, trong giai đoạn 2016-2020, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh, bước đầu đáp ứng được yêu cầu khách quan từ các khách hàng quốc tế và trong nước. Đặc biệt, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, ngành dịch vụ logistics của Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc góp phần thực hiện các FTA thế hệ mới: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,89 tỷ USD, giảm 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,41 tỷ USD, tăng 2%.
Tính chung kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng, khu vực kinh tế trong nước đạt 69,77 tỷ USD, tăng 7,7%, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 198,16 tỷ USD, tăng 20,1%, chiếm 74%. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu), trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD (chiếm 63%). Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 3,03 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 238,81 tỷ USD, tăng 17,3%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 19,2 tỷ USD, tăng 15,1%.
Theo Báo cáo “Đánh giá Cạnh tranh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): Ngành Logistics tại Việt Nam” năm 2019: Ngành logistics của Việt Nam đạt tốc độ phát triển bình quân 12%-14%/năm, đóng góp vào GDP từ 4%-5% và bình quân 10 nước ASEAN, ngành Logistics đóng góp vào GDP trung bình 5% ở các nước thành viên ASEAN, thu nhận 5% việc làm trong ASEAN, tỷ lệ thuê ngoài khoảng 60%-70%, chi phí logistic tương đương 16,8% GDP.
Có thể tham khảo các bài báo cáo của Bộ Công thương trong thời gian gần đây để có cái nhìn chính xác về thực trạng ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhất: https://moit.gov.vn/
Ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics
Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn ở mức độ thấp, nhất là trong các hoạt động vận tải đường bộ hiện đang chiếm hơn 77% thị phần vận tải của toàn xã hội. Đây là một yếu tố khiến các doanh nghiệp không thể vận hành một cách có hiệu quả, cắt giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ. Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin thấp do nhiều lý do, nhưng không thể bỏ qua vấn đề môi trường ứng dụng công nghệ thông tin của cả nền kinh tế.
Đây là điểm yếu nhất của ngành logistics Việt Nam. Mặc dù các công ty Việt cũng đã ý thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin với sự phát triển của ngành nhưng mức độ áp dụng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng. Như mảng website, đa phần đều là giới thiệu dịch vụ, chưa có được các tính năng theo dõi đơn hàng, lịch tàu, booking… Vì vậy, để tồn tại và phát triển trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0, cuộc chạy đua về công nghệ thông tin là rất cần thiết.
Phân khúc thị trường có sự biến đổi
Dịch bệnh có sự bùng phát mạnh mẽ dẫn đến các hoạt động trong ngành logistics hầu như bị ngưng hoạt động. Một số hoạt động có thể kể tới là: hoạt động sản xuất nhà máy, vận chuyển hàng hóa xuất – nhập khẩu….ngưng hoạt động kéo theo nền kinh tế tụt giảm.
Bên cạnh đó ở một khía cạnh khác dịch bệnh lại tạo nên cơ hội cho một số phân khúc như logistics trong ngành thương mại điện tử có thể phát triển, thậm chí trở nên quá tải. Số lượng người tham gia mua hàng tại nhà tăng đột biến. Điều đó vừa là cơ hội cho những doanh nghiệp TMĐT và các doanh nghiệp logistics , vừa là thách thức đối với những doanh nghiệp theo hướng truyền thống. Nếu các doanh nghiệp không có các chiến lược để chuẩn bị, phân tích và thích nghi với xu hướng phát triển của ngành logistics tại Việt Nam thì doanh nghiệp logistics và cả khách hàng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cơ sở hạ tầng
Hạ tầng là một vấn đề nan giải của ngành logistics Việt Nam. Phần lớn cảng biển Việt Nam còn hạn chế chưa được thiết kế trang bị đầy đủ trang thiết bị để phục vụ bốc dỡ hàng hóa tàu biển chuyên dụng.Đôi khi, các cảng biển lớn nhỏ như Hải Phòng , Hồ Chí Minh,… còn là điểm tắc nghẽn vì hệ thống đường biển chưa được cải thiện,khắc phục về quy mô,các cửa ngõ giao thông vận tải. Chỉ số ít cảng có kết nối quốc tế với các cảng biển Châu u hoặc Mỹ. Hệ thống sân bay cũng thiếu phương tiện bốc dỡ hàng hóa. Hệ thống kho bãi chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều kho bãi còn xuống cấp trầm trọng.
4. Xu hướng phát triển của Logistics trong bối cảnh mới
Ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành vận tải và Logistics
Hiện nay, công nghệ thông tin đang hiện diện và đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong quá trình quản trị, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh và vận tải của mỗi doanh nghiệp.Sự phát triển của ứng dụng công nghệ thông tin đã làm thay đổi rõ rệt mô hình đến cách thức hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Mặt khác, việc chuyển dần các giao dịch từ truyền thống sang điện tử đã ảnh hưởng đến vị trí, vai trò và cả nhu cầu của các.bên tham gia vào chuỗi cung ứng. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 với các công nghệ ưu việt, mang tính đột phá về trí tuệ nhân tạo, rô bốt, không gian mạng, kết nối vạn vật, dịch vụ internet….
Vì vậy, trong thời đại 4.0, xu hướng công nghệ hóa yêu cầu các doanh nghiệp cần nâng cấp, ứng dụng các giải pháp công nghệ trực tuyến sáng tạo và hiện đại. Đặc biệt thiết lập và triển khai các hệ thống công nghệ thông tin, Big data có thể tùy chỉnh, phân tích báo cáo, hoạch định chiến lược hiệu quả để đáp ứng nhanh yêu cầu đặc thù của khách hàng. Với những xu hướng ứng dụng công nghệ hiện đại như AI, ERP… doanh nghiệp logistics sẽ giúp gặt hái được nhiều sự đổi mới trong thời đại công nghệ 4.0 mang lại những ích lợi đáng kể trong quá trình vận hàng.
Xu hướng xanh trong ngành logistics
Bên cạnh đặt ra mục tiêu đạt doanh thu cao, tăng trưởng mạnh doanh nghiệp cần phải hoàn thành trách nhiệm về môi trường, cuộc sống ‘xanh’ cho toàn xã hội. Trong thời gian dịch bệnh, thiên tai liên tục xảy ra, đây là một hồi chuông cảnh báo.Vì vậy, ta cần quan tâm và có các giải pháp bảo vệ môi trường bền vững hơn. Để đảm bảo hoạt động của logistics luôn ổn định và tăng trưởng, phải có môi trường lao động, sức khỏe đảm bảo an toàn. Doanh nghiệp logistics cần siết chặt hơn về vấn đề này trong quá trình lao động, kinh doanh, vận tải…
Chuyển đổi tự động hóa của các kho bãi
Theo thống kê thực trạng số hóa ngành logistics trên địa bàn TP, tỉ lệ doanh nghiệp trên địa bàn TP có ứng dụng ERP đạt 44,8%, ứng dụng hệ thống quản lý kho hàng đạt 41,4%, quản lý vận tải đạt 44,8% và vẫn còn số lượng lớn DN chưa tiếp cận được. Con số này cho thấy ngành logistics vẫn chưa tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.Sự phát triển mạnh mẽ của Thương mại điện tử đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống tự động hóa từ kho bãi đến giao nhận.
Đây là một yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tăng trưởng giúp đáp ứng nhanh nhu cầu của khách hàng một cách hiệu quả. Ví dụ như: Xây dựng kho phân phối, kho trung chuyển, kho ký gửi hàng hóa trong ngành Logistics. Các kho này sẽ trang bị dây chuyền nhặt lẻ cho từng hệ thống ngành hàng riêng biệt. Các dây chuyền nhặt lẻ này sẽ giảm nhân công và diện tích mặt bằng, kiểm soát số liệu tồn kho theo thời gian thực trong quá trình nhặt lẻ và lưu kho. Để có quy trình kinh doanh tối ưu thì doanh nghiệp nên có các hệ thống tích hợp chặt chẽ giữa các bộ phận kho, bán hàng, giao hàng…
Xu hướng logistics trong thương mại điện tử
Thương mại điện tử là một trong những ngành được nâng cấp và mở rộng trong suốt 5 năm qua. Đặc biệt hơn, trong thời kỳ giãn cách xã hội diễn ra, xu hướng hành vi mua hàng hàng, thói quen tiêu dùng thay đổi hoặc yêu cầu về dịch vụ cao hơn như giao hàng nhanh, miễn phí, cước ngắn, so sánh giá…, doanh nghiệp cần phải chú ý và tập trung hơn vào việc đáp ứng hiệu quả nhu cầu này nhưng vẫn mang lại nguồn doanh thu tiềm năng.Với tình hình biến động như hiện nay, doanh nghiệp có các mô hình chuỗi cung ứng, logistics truyền thống sẽ phải đối mặt với thách thức mới này. Điều đòi hỏi ở họ chính là phải tìm cách điều chỉnh chiến lược, giải pháp cung cấp dịch vụ giao hàng theo yêu cầu nhưng chi phí tối thiểu nhất.
Xu thế mua bán và sáp nhập trong ngành logistics.
Trong thập kỷ qua, thị trường M&A Việt Nam đã chuyển mình với tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế. Các thống kê về thị trường M&A tại Việt Nam đã cho thấy, nhà đầu tư châu Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore… sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. Đây cũng là động lực đóng góp vào sự hồi phục của hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Việt Nam chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư hạ tầng thông qua phương thức chuyển nhượng quyền khai thác một số hạ tầng (logistics, sân bay, cảng biển…), thu hút nhiều nhà đầu tư lớn với các thương vụ được dự tính sẽ có quy mô hàng tỷ USD. Với đặc thù là ngành có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự tham gia của các tên tuổi lớn nước ngoài được kỳ vọng sẽ “vá lỗ hổng” về vốn, nhân sự, công nghệ… cho các doanh nghiệp trong nước.
Tìm hiểu kĩ hơn về hình thức mua bán và xác nhập ở link sau đây: https://luattriminh.vn/m-a-la-gi-loi-ich-cua-m-a-va-cac-hinh-thuc-m-a-pho-bien.html
Ứng dụng nền tảng công nghệ đám mây vào Logistics (Cloud Logistics)
Các môi trường làm việc phức tạp, dễ tiến đại chính là môi trường lí tưởng cho viết ứng dụng nền tảng công nghệ đám mây. Không những cho phép một loạt các mô hình kinh doanh mới dựa trên nguyên tắc xem Logistics là một loại hình dịch vụ (Service – LaaS). Nền tảng này ngoài ra còn giúp các nhà cung cấp dịch vụ Logistics có thể kích hoạt hoặc hủy kích hoạt các dịch vụ tùy chỉnh theo nhu cầu, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ mở rộng mô hình của mình mà không yêu cầu chi phi truyền thống trong phát triển, thiết lập và bảo trị cơ sở hạ tầng CNTT riêng.
Tạm kết
Trên đây là một số xu hướng phát triển của logistics trong bối cảnh hiện nay dịch bệnh Covid 19 ảnh hưởng nghiêm trọng, công nghệ 4.0 đang là xu hướng thời đại và chuyển đổi số càng trở lên cấp thiết. Nắm bắt và đánh giá được tình hình khách quan và xu hướng phát triển sẽ phần nào góp phần giúp cho các doanh nghiệp logistics có những giải pháp thực hiện hiệu quả các hoạt động vận tải, lưu kho,… Từ đó sẽ giúp tối ưu hóa về mọi phương diện của hoạt động làm cho việc kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung ngày càng tăng trưởng,năng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.
Bài viết tham khảo
Tham khảo các bài viết dưới đây để có thêm nhiều kiến thức về chủ đề Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng:
Logistics:
https://clibme.com/top-8-tieu-chi-lua-chon-nha-cung-cap-dich-vu-logistics/
https://clibme.com/logistics-va-vai-tro-cua-logistics-doi-voi-nen-kinh-te/
Quản trị chuỗi cung ứng:
https://clibme.com/dut-gay-chuoi-cung-ung-trong-mua-dich-covid-19/
Người thực hiện: Phạm Thị Thanh
Mã sinh viên: 19051207
Lớp: INE 3104 3_Bài tập lớn