Kinh tế thế giới trong bối cảnh mới 2022: Tìm kiếm mô hình toàn cầu hóa mới

Đại dịch COVID-19 và xung đột Ukraine đã khiến thương mại thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thụy Sĩ phải đối mặt với một thực tế hoàn toàn mới của tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, đó là xu hướng co cụm hợp tác trong từng khối lớn.

Mô hình toàn cầu hóa kinh tế, thương mại tự do từ hàng chục năm qua đã tận dụng thế mạnh riêng của từng khu vực, từng quốc gia, tạo nên những công xưởng toàn cầu, đưa chi phí sản xuất xuống mức thấp nhất có thể. Hiểu đơn giản ai có thế mạnh gì thì sản xuất theo thế mạnh đó và cùng tạo nên một chuỗi cung ứng xuyên suốt nhằm tối ưu hóa sản xuất, xuất nhập khẩu.

Mặc dù có không ít những nghi ngại về sự bền vững của toàn cầu hóa, song nhiều chuyên gia phân tích vẫn đặt niềm tin rằng xu hướng hợp tác và hội nhập quốc tế là tiến trình khó có thể đảo ngược, nhất là khi các nước đang hướng đến mục tiêu vực dậy nền kinh tế hậu đại dịch. Tái cơ cấu chuỗi cung ứng, “hồi hương” các lĩnh vực thiết yếu, xây dựng khả năng chống đỡ những “cơn gió ngược” tiềm tàng được cho là những ưu tiên hàng đầu trong các chính sách kinh tế của các quốc gia trong thời gian tới.

Tuy nhiên trong 2 năm gián đoạn vừa qua, thế giới đã chứng kiến những biến động lớn diễn ra, tạo nghi ngại về mô hình toàn cầu hóa kinh tế. Câu hỏi đặt ra là liệu tự mỗi quốc gia tự chủ sẽ tốt hơn?

Đó cũng là vấn đề nóng giữa các quốc gia, các định chế tài chính bàn thảo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay diễn ra tại Thụy Sĩ. Nhiều quốc gia, khu vực đều đang tìm cách củng cố quyền tự chủ chiến lược của riêng mình, không còn ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế và tự do thương mại một cách vô điều kiện như trước, mà có xu hướng co cụm hợp tác trong từng khối lớn.

1. Diễn đàn Kinh tế Thế giới tìm mô hình toàn cầu hóa mới trước tình hình Ukraine

Công nghiệp xe hơi là ví dụ điển hình của mô hình sản xuất dựa trên nền tảng toàn cầu hóa kinh tế. Quy trình chế tạo được chẻ nhỏ, cái gì làm được ở nước nào rẻ nhất thì thuê gia công tại nước đó. Hãng Renault của Pháp thuê tới 17.000 nhà cung cấp trên toàn thế giới chế tạo các linh kiện khác nhau.

xu huong toan cau hoa trong nen kinh te the gioi 2022
Công nghiệp xe hơi là ví dụ điển hình của mô hình sản xuất dựa trên nền tảng toàn cầu hóa kinh tế. (Ảnh minh họa – Ảnh: AP)

Khi đại dịch bùng nổ, chip bán dẫn từ châu Á không thể tới được các nhà máy lắp ráp xe hơi châu Âu. “Thiếu hụt chip bán dẫn đã khiến hàng trăm nghìn chiếc xe ô tô không thể lắp ráp xong. Trong một chiếc xe có 6 – 7 chip bán dẫn quan trọng, chỉ cần thiếu 1 chiếc là không thể hoàn thành chiếc xe, không thể giao xe”, ông Peter Altmaier, Bộ trưởng Kinh tế Đức, cho biết.

Linh kiện xe hơi được chế tạo tại bất cứ nơi nào trên thế giới có chi phí sản xuất thấp nhất, với điều kiện phải giao hàng đúng hạn. Còn nếu đường biển tắc nghẽn, thì dù chỉ một tuần, mô hình sản xuất đó sẽ rối loạn. “Vấn đề lớn là dây chuyền lắp ráp. Nếu nhà máy BMW ở Đức phải nhập khẩu linh kiện từ châu Á, vận chuyển đường biển rối loạn, có nghĩa là nhà máy phải ngưng hoạt động”, ông Salvatore Mercogliano, Giáo sư Đại học Campbell, cho hay.

Chiến sự tại Ukraine, thêm một tai họa với ngành sản xuất xe hơi châu Âu. Ukraine gia công các bó dây điện, thường được ví như hệ nơ-ron thần kinh điều khiển chiếc xe. Mọi khi vận chuyển linh kiện từ Ukraine sang Tây Âu theo đường bộ rất dễ dàng. Tuy nhiên, bom đạn làm tê liệt nhiều nhà máy chế tạo linh kiện xe hơi tại Ukraine.

“Cú sốc từ sự kiện Nga và Ukraine đang rung chuyển thế giới, tác động trực tiếp đến sự sụp đổ hoạt động thương mại tại khu vực tiếp giáp phía đông Liên minh châu Âu. Những tác động tiêu cực gián tiếp đến nhu cầu của toàn thế giới là giá cả hàng hóa tăng cao, nguồn cung nguyên liệu thô và linh kiện đầu vào bị gián đoạn”, ông Paolo Gentiloni, Cao ủy châu Âu về Kinh tế, đánh giá.

Âu Mỹ và Nga cấm vận lẫn nhau càng làm cho câu chuyện thêm phức tạp. Trừng phạt kinh tế, chiến tranh thương mại…, thêm những hàng rào vô hình, ngăn cách các thị trường. Sửa đổi mô hình toàn cầu hóa kinh tế sao cho phù hợp với bối cảnh mới đang trở thành chủ đề chính của các cuộc thảo luận diễn ra tại đây.

2. Định nghĩa lại chuỗi cung ứng để tối ưu hóa lợi thế so sánh 

Nhìn lại khái niệm “toàn cầu hóa”

Trong nhiều thập kỷ, cùng với tiến trình toàn cầu hóa, chuỗi giá trị toàn cầu đã phát triển thành một mạng lưới phức tạp, rộng khắp dựa trên những tính toán về chi phí cơ hội của từng quốc gia, trong đó Trung Quốc nổi lên là “công xưởng của thế giới”. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đồng thời cũng là nước tiêu thụ hàng hóa hàng đầu thế giới.

Sự biến đổi không ngừng của môi trường kinh tế vĩ mô, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, áp lực chính trị và lợi ích kinh tế là những lý do thúc đẩy việc sắp xếp lại “bức tranh” chuỗi cung ứng nhằm tối ưu hóa các lợi thế so sánh. Các công ty đa quốc gia lâu nay vẫn không ngừng tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế, đa dạng hóa nguồn cung ứng hoặc lựa chọn giữa việc di chuyển toàn bộ hoặc một phần cơ sở sản xuất để giảm chi phí vận hành.

xu huong toan cau hoa trong nen kinh te the gioi 2022
Thị phần xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng vọt vào năm 2020 và đầu tư nước ngoài liên tục đổ vào quốc gia đông dân nhất thế giới. (Nguồn: Reuters)

Và khi dịch COVID-19 bùng phát, các biện pháp phong tỏa trung tâm chế tạo và xuất khẩu tại Trung Quốc đã nhanh chóng làm “trật khớp” các mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu từ điện tử, ô tô, điện thoại di động, hàng tiêu dùng cho tới các nguyên liệu đầu vào để sản xuất dược phẩm hay trang thiết bị y tế..

“Giọt nước tràn ly” COVID-19 đã góp phần đẩy nhanh những quyết định đa dạng hóa nguồn cung và thị trường. Các quốc gia nhanh chóng cảm nhận được sự mong manh và những rủi ro xuất phát từ sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp lớn, nhất là trong những lĩnh vực có thể đe dọa an ninh quốc gia.

Theo Viện nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (MGI), trong giai đoạn 2014-2017, chỉ có khoảng 7% các tuyến thương mại trên thế giới bị thay đổi. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ tăng lên đáng kể trong bối cảnh xuất hiện nhiều rủi ro từ chính trị cho tới biến đổi khí hậu và nhất là đại dịch, còn các “cú sốc” thương mại toàn cầu cũng thường xuyên hơn. Và nếu có sự di dời liên quan tới chuỗi cung ứng thì ước tính khoảng 16-26% kim ngạch xuất khẩu bị dịch chuyển trong 5 năm tới. Động thái này có thể liên quan tới việc đưa hoạt động sản xuất về trong nước, sản xuất gần hoặc tiến hành các hoạt động di dời sang các địa điểm sản xuất mới.

Để đa dạng hóa thành công chuỗi cung ứng

Do áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng chiến lược “Trung Quốc+1” để tránh thuế quan của Mỹ. Theo đó, các công ty chuyển một số nhà máy sang các quốc gia Đông Nam Á hay những nước khác. Cùng lúc, các công ty vẫn tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc để phục vụ thị trường đông dân nhất thế giới này và những thị trường khác ngoài Mỹ.

xu huong toan cau hoa trong nen kinh te the gioi 2022
Một nhà máy sản xuất khẩu trang của Tập đoàn Y tế Naton ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 11/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ưu tiên giờ đây là tính toán lại hiệu quả kinh tế cũng như phân tán rủi ro theo khu vực, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt và đáng tin cậy, rút ngắn khoảng cách theo quy mô khu vực hóa thay vì bỏ toàn bộ “trứng vào một giỏ”.

Theo nghiên cứu của ngân hàng Thụy Sỹ UBS hồi tháng 6/2020, khoảng 76% các công ty Mỹ có nhà máy ở Trung Quốc đã ra quyết định hoặc đang xem xét chuyển một phần hoạt động sang các nước khác để đa dạng hóa nguồn cung và thị trường tiêu thụ.

Ngay cả “người khổng lồ” công nghệ Apple cũng đang hối thúc các đối tác chính chuyển 15-30% cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc mà Ấn Độ được coi là một điểm đến giàu tiềm năng. Tập đoàn Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc), nhà thầu chuyên lắp ráp các điện thoại thoại thông minh cho các hãng lớn, đang có kế hoạch đầu tư và mở rộng quy mô nhà máy ở Ấn Độ. Theo báo cáo từ Counterpoint Research, thị trường điện thoại tại Ấn Độ đã chính thức vượt qua Mỹ để trở thành thị trường lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, và cũng là điểm tập kết lớn thứ hai thế giới về tổng số nhà máy sản xuất điện thoại.

Về phía các chính phủ, Nhật Bản nổi lên là một nước thể hiện rõ quyết tâm đưa doanh nghiệp nước này di chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, với khoản ngân sách hỗ trợ kế hoạch lên tới 243,5 tỷ yê (khoảng 2,2 tỷ USD) nằm trong gói kích thích kinh tế khẩn cấp công bố hồi tháng 4/2020. Tokyo đang khuyến khích các công ty đưa hoạt động sản xuất mặt hàng có giá trị cao trở lại Nhật Bản và phân bổ việc sản xuất các sản phẩm trọng yếu khác ở khắp Đông Nam Á.

Chính phủ các nước ở khu vực Mỹ Latinh, Đông Nam Á hay Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng năng suất lao động và điều chỉnh chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để “đón đầu” dòng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn đa quốc gia. Indonesia – nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á – đang có kế hoạch thành lập 19 khu công nghiệp trong thời gian từ nay tới năm 2024 và đẩy nhanh lộ trình giảm thuế doanh nghiệp. Tổng thống Joko Widodo nói: “Nếu các quốc gia khác đang yêu cầu 1 triệu USD chi phí đất đai, chúng tôi có thể cung cấp với chi phí 500.000 USD”. Tuy rằng việc phân hóa và bố trí lại hoạt động sản xuất sẽ chưa thể diễn ra ngay, nhưng các trung tâm công nghiệp và chế tạo mới sẽ dần nổi lên.

Đối với những quốc gia mới nổi phụ thuộc vào xuất khẩu, nhu cầu giảm do ảnh hưởng của đại dịch cũng là động lực thúc đẩy các chính sách xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, mở rộng quan hệ đối tác để hỗ trợ dòng chảy hàng hóa và đầu tư.

Những nỗ lực này được ưu tiên đẩy mạnh thông qua hình thức hợp tác với chính phủ các nước, như vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Xem thêm tại: Việt Nam có thể giành danh hiệu “công xưởng của thế giới” từ Trung Quốc?

3. Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Với Việt Nam, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng với hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia là những cánh cửa lớn, đa chiều.

Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP và cải thiện cán cân thương mại hàng hóa, chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 6 năm liên tục kể từ năm 2016 đến nay. Theo Tổng cục Thống kê, nếu năm 2006, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước chỉ ở mức 84,7 tỷ USD, thì đến năm 2021 đạt tới 668,5 tỷ USD, tăng hơn 7 lần.

xu huong toan cau hoa trong nen kinh te the gioi 2022
Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP và cải thiện cán cân thương mại hàng hóa, chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 6 năm liên tục. (Ảnh minh họa – Ảnh: Báo Đầu tư)

Báo cáo rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2020 của WTO ghi nhận, trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009, lọt vào top 20 năm 2021.

Trong năm 2019, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam được coi là quốc gia có nền kinh tế ổn định, tăng trưởng nhanh tốp đầu khu vực và thế giới; được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu.

Theo bảng xếp hạng về chỉ số tự do kinh tế năm 2021 của tổ chức giáo dục và nghiên cứu Heritage Foundation (Mỹ), Việt Nam đạt 61,7 điểm (cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới). Việt Nam là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giới.

Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò và vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên trường quốc tế, góp phần quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh hiện nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo việc nền kinh tế thế giới bị phân mảnh thành các khối địa chính trị với các tiêu chuẩn thương mại và công nghệ, hệ thống thanh toán và tiền tệ dự trữ khác nhau, sẽ gây ra nhiều biến động và khiến kinh tế toàn cầu bị tổn thất lớn về mặt hiệu quả trong dài hạn. Quá trình toàn cầu hóa cũng chuyển mạnh sang xu hướng ưu tiên hợp tác sản xuất và kinh doanh hàng thiết yếu giữa các quốc gia thân thiện với nhau, nhằm tránh yếu tố chính trị tác động tới kinh doanh.

Những biến động toàn cầu 2 năm qua khiến các quốc gia phải cân nhắc đến “sự phụ thuộc” vào nhau, thậm chí các tờ báo quốc tế có nhắc đến 2 từ “tự chủ”. Liệu xu hướng toàn cầu hóa có bị đảo ngược hay đây chỉ là thời điểm để định hình lại?

Xem thêm tại: Tự chủ nguồn nguyên vật liệu phát triển công nghiệp

4. Tự chủ – Giải pháp toàn diện để đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng?

Những tranh cãi xung quanh việc đảm bảo an ninh nguồn cung đang khiến các quốc gia tỏ ra ngần ngại hay có thái độ dè chừng khi tìm kiếm những lợi ích từ toàn cầu hóa, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng các thiết bị di động và truyền thông.

xu huong toan cau hoa trong nen kinh te the gioi 2022
Tập đoàn viễn thông Bouygues Telecom của Pháp cho biết theo yêu cầu của Chính phủ, tập đoàn này sẽ dỡ bỏ 3.000 cột ăng-ten thu phát sóng di động của Huawei tại “các khu vực có mật độ dân cư rất đông” từ nay đến năm 2028, vì những vấn đề an ninh liên quan đến mạng 5G. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều này được thể hiện rõ nét nhất qua các quan ngại của giới chức phương Tây về công nghệ mạng di động 5G của tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc). “Chủ quyền” dường như đang là lý do thôi thúc các nước khuyến nghị các công ty công nghệ di dời dữ liệu về khuôn khổ biên giới quốc gia.

Thực tế này đã thúc đẩy sự can thiệp mạnh mẽ của các chính phủ vào tiến trình cải tổ mạng lưới cung ứng theo hướng kiểm soát để dự phòng cho các cú sốc có thể làm gián đoạn nguồn cung những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và dược phẩm. Dù có cách tiếp cận về việc dịch chuyển chuỗi cung ứng khác nhau, song nhìn chung các kết luận đều cho rằng các thành phần của chuỗi cung ứng nên được đưa về trong biên giới quốc gia hoặc sang các quốc gia được coi là “đồng minh” hay đối tác tin cậy của nước đó.

xu huong toan cau hoa trong nen kinh te the gioi 2022
Người lao động đăng ký tìm việc tại trung tâm bán lẻ Target ở San Francisco, bang California (Mỹ) ngày 9/8/2012. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Mỹ là một trong những quốc gia đi đầu trào lưu “chia tách” để giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã công khai kêu gọi đồng thời xúc tiến việc bàn thảo các chính sách ưu đãi thuế và lãi suất cho vay để khuyến khích các công ty nước này “hồi hương” nhằm “trả lại” việc làm cho người dân Mỹ.

Chính vì vậy, nội địa hóa chuỗi cung ứng được cho là xu hướng chuyển đối cấu trúc có tính chi phối nhất trong một thế giới hậu COVID-19, theo khảo sát của ngân hàng Bank of America (BofA). Ở cấp độ ngành, các công ty thuộc nhóm công nghệ cao như kỹ thuật, tự động hóa và robot, sản xuất thiết bị điện và hàng điện tử, phần mềm ứng dụng và các sản phẩm thiết yếu như dược phẩm, thiết bị y tế và bảo hộ sẽ dẫn đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất này. Về dài hạn, nhiều quốc gia sẽ thúc đẩy sản xuất tại chính nước sở tại bằng cách cải tiến công nghệ, tăng tốc độ tự động hóa các hoạt động cần thâm dụng lao động. Chẳng hạn, Singapore đã phân bổ 19 tỷ USD cho Kế hoạch Nghiên cứu, Đổi mới sáng tạo và Doanh nghiệp 2020, và đặt khoản chi này lên vị trí hàng đầu trong ngân sách 2020.

Đối với vấn đề an ninh lương thực, hiện nay, trên thế giới, 70% sản lượng gạo và 70% sản lượng ngô của thế giới chỉ do 5 nước sản xuất, 80% sản lượng đậu tương do ba nước sản xuất. Do đó, ưu tiên trong dài hạn là triển khai các chính sách thúc đẩy chuỗi cung ứng trong nước, tăng năng suất và dự trữ chiến lược để đảm bảo khả năng “tự cung tự cấp”. Đồng thời, có các chiến dịch khuyến khích tiêu thụ nông sản địa phương và giảm phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu.

Mặc dù trên thực tế, đại dịch COVID-19 đang khiến các quốc gia “hướng nội” và tìm kiếm các giải pháp mang tính địa phương, song việc di dời cắt đứt hẳn chuỗi cung ứng với Trung Quốc không phải là chuyện một sớm một chiều. Bởi chỉ riêng trong lĩnh vực dược phẩm, Trung Quốc hiện là nơi bào chế hơn 80% các hoạt chất chính được dùng trong ngành sản xuất dược phẩm thế giới. Ngoài ra, theo khảo sát BofA, việc chuyển tất cả các hoạt động chế tạo liên quan đến hàng hóa xuất khẩu không phục vụ cho tiêu dùng của Trung Quốc ra khỏi nước này có thể khiến các công ty tốn 1.000 tỷ USD trong vòng 5 năm.

xu huong toan cau hoa trong nen kinh te the gioi 2022
Ngày 15/9/2020, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ gia hạn những biện pháp miễn thuế hiện tại với 16 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có dầu nhờn, sữa nước (whey) và thức ăn chăn nuôi cá, thêm 1 năm. Những sản phẩm trên được miễn các loại thuế quan mà Trung Quốc áp dụng với các sản phẩm nhập từ Mỹ để đáp trả những biện pháp thuế quan mà Mỹ đã áp dụng theo điều 301 năm 2019. Việc gia hạn sẽ giúp các biện pháp này sẽ kéo dài tới hết ngày 16/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

KẾT LUẬN:

Giới chuyên gia cho rằng đại dịch COVID-19 đã tấn công một thế giới vốn đã nhiều bất ổn, khi mà bản năng cạnh tranh vượt qua những suy nghĩ cùng hợp tác. Tuy nhiên, bài học trong Chiến tranh Thế giới thứ hai cho thấy việc đóng cửa nền kinh tế, cắt giảm thương mại, dựng lên hàng rào bảo hộ là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế các nước suy giảm. Điều này được thể hiện rõ trong bối cảnh cuộc xung đột Nga và Ukraine leo thang, Nga và Âu Mỹ liên tục đưa các các đòn trả đũa bằng việc đưa ra các chính sách trừng phạt dày đặc. An ninh lương thực và nhiên liệu đột nhiên là một vấn đề nhức nhối ở những nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Thế giới ngày nay thậm chí còn đan xen và phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc hơn so với hơn một thập niên trước. Do đó, để những lợi ích từ toàn cầu hóa có thể đóng góp cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thì việc củng cố các liên kết dựa trên những ưu đãi từ các hiệp định thương mại quốc tế, tăng cường thương mại điện tử và logistics để đảm bảo sự thông suốt của các dòng thương mại và đầu tư xuyên quốc gia là những giải pháp cần thiết.

Cùng với đó, một cách tiếp cận toàn diện hơn, sự cân bằng chiến lược phù hợp với xu thế toàn cầu để tạo đòn bẩy cho những thế mạnh của mình được coi là những động lực mới cho sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Xem thêm tại:

Bất ổn trong các chính sách kinh tế mới, viễn cảnh nào cho hoạt động kinh tế quốc tế giai đoạn 2022-2030?

Biến động kinh tế quốc tế ảnh hưởng mạnh mẽ đến Việt Nam 2022, đâu sẽ là giải pháp cho nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh mới?

Sự biến động mạnh mẽ trong quan hệ thương mại toàn cầu năm 2022

Sinh viên thực hiện: Lê Nguyễn Yến Linh

Mã sinh viên: 20050119

Mã lớp học phần: INE3104-2