Kinh tế số – xu hướng phát triển tất yếu của thời đại CN 4.0

Kinh tế số - Xu hướng phát triển của thời đại

Năm 2021, thế giới chứng kiến sự bùng nổ của kinh tế số, thể hiện qua lượng dữ liệu cực lớn được luân chuyển trên hệ thống internet. Sự xuất hiện của những tiến bộ vượt bậc như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI),… của CMCN 4.0 đã tạo nên làn sóng chuyển đổi số và đưa kinh tế số trở nên ngày một phổ biến và dường như là xu hướng tất yếu đối với bất cứ quốc gia nào nếu không muốn tụt lại phía sau. Với Việt Nam, phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách phát triển.

1. Kinh tế số là gì?

Theo TS. Phạm Việt Dũng (2020), thuật ngữ “kinh tế số” đã được đề cập từ khá lâu trước khái niệm Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Tuy nhiên, chỉ khi CMCN 4.0 xuất hiện thì kinh tế số mới được nhắc đến nhiều hơn và trở thành xu thế phát triển.

Có nhiều định nghĩa về Kinh tế số.  Theo định nghĩa chung của nhóm cộng tác Kinh tế số của Oxford thì kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet”.

Ở Việt Nam, tại “Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019”, kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số, và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Ngoài ra còn có nhiều định nghĩa khác nhau. 

Khái niệm kinh tế số
Kinh tế số là gì?

Với sự lan tỏa của “số hóa” vào nền kinh tế thực thì việc phân định rạch ròi kinh tế số không đơn giản. Tuy nhiên, có thể khái quát, kinh tế số bao gồm các hiện tượng mới nổi như công nghệ blockchain, nền tảng số, phương tiện truyền thông xã hội, doanh nghiệp điện tử (ví dụ như thương mại điện tử, các ngành truyền thống như sản xuất hoặc nông nghiệp có sử dụng công nghệ số hỗ trợ).

Các doanh nghiệp liên quan đến phát triển phần mềm, ứng dụng, phát triển nội dung số và truyền thông, các dịch vụ và đào tạo liên quan, cùng với các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và phát triển thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông.

Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng và điều này sẽ làm tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động.

 

2. Xu hướng phát triển kinh tế số trên thế giới

Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới, cả các nước phát triển và các nước đang phát triển đều rất coi trọng phát triển kinh tế số, coi đây là bước phát triển mới, mô hình kinh tế mới trong tương lai và đều đưa ra các giải pháp để chuyển đổi sang kinh tế số…

Xu hướng phát triển kinh tế số trên thế giới
Xu hướng phái triển của kinh tế số

Nhận thức được xu thế đó, hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều đưa ra chiến lược phát triển công nghệ số gắn với tăng trưởng kinh tế. Mỹ – nơi khởi nguồn cho sự bùng nổ của công nghệ tin học với nhiều công ty nổi tiếng như: Google, Amazon, Facebook, Apple… đã xác định được tầm quan trọng của kinh tế số. Còn ở châu Âu có kế hoạch “Single Digital Market”, Australia có “Digital Australia”…

Bên cạnh những nước phát triển vốn có tiềm lực khoa học công nghệ, hệ thống giáo dục đào tạo tốt, thì một số nền kinh tế đi sau như Hàn Quốc, Trung Quốc nhờ biết thực hiện chiến lược “rút ngắn”, ưu tiên tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế số.

Hàn Quốc có chiến lược Sáng tạo Công nghiệp chế tác 3.0 giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo dựng các quy trình sản xuất tối ưu, thông minh. Trung Quốc trong 10 lĩnh vực then chốt của sáng kiến “Made in China 2025” đã ưu tiên 2 lĩnh vực chính là phát triển công nghệ thông tin, công cụ số và robotics.

Theo báo cáo của Google và Temasek, vào năm 2018, quy mô thị trường kinh tế số khu vực Đông Nam Á đạt giá trị 72 tỷ USD; Việt Nam xếp vị trí thứ 6 sau Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam chỉ chiếm 1/8 tổng giá trị (tương ứng  khoảng 11%).  Đến năm 2025, dự báo quy mô thị trường kinh tế số khu vực Đông Nam Á đã tăng lên 240 tỷ USD và Việt Nam chiếm khoảng 18% giá trị thị trường kinh tế số Đông Nam Á.

Có thể tìm hiểu thêm về Một số mô hình kinh tế số thành công trên thế giới tại đây, hoặc tại đây >>>

 

3. Nền kinh tế số Việt Nam: Thuận lợi và khó khăn

Tổng quan

(Chinhphu.vn)Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á với trung bình 38%/năm so với 33%/năm của cả khu vực tính từ năm 2015 đến nay.

Hội thảo kinh tế số
Hội thảo “Phát triển kinh tế số – Con đường dẫn tới tương lại Việt Nam”

Thương mại điện tử là một trong những ngành phát triển nhanh nhất của nền kinh tế số Việt Nam. Theo Cơ quan Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin Việt Nam (VECITA), thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang tăng trưởng 35% mỗi năm – nhanh hơn 2,5 lần so với Nhật Bản. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng vọt lên 13 tỷ vào năm 2020 (chi tiết tại đây>>.)

Công nghiệp sản xuất là một ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam chiếm 16,49% GDP của đất nước (dữ liệu năm 2019, theo Ngân hàng thế giới 13). Theo khảo sát do CSIRO thực hiện (2019), phần lớn các doanh nghiệp được khảo sát trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất của mình. Các ứng dụng chính bao gồm quản lý kinh doanh hàng ngày cũng như liên hệ với khách hàng và nhà cung cấp thông qua email và trang web. Tuy nhiên, tỷ lệ áp dụng này thấp hơn nhiều ở các hộ nông nghiệp. 

Đại dịch Covid-19 đã phần nào thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số đi nhanh hơn. Việt Nam đã phát triển nhiều phương thức trực tuyến trong điều hành, làm việc, đào tạo của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, trường học,… Hiện nay, phổ biến nhất trong các doanh nghiệp đó là số hóa trong lưu trữ, xử lý dữ liệu từ sản xuất đến đưa sản phẩm ra thị trường. Mạng lưới 5G của Việt Nam cũng đang thử nghiệm, dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2021. 

Cơ hội

Cơ hội phát triển kinh tế số
Hội thảo “Cơ hội lớn phát triển kinh tế số quốc gia và khát vọng hùng cường”

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách, thể hiện quyết tâm lớn trong định hướng, hành động và tận dụng mọi cơ hội của cuộc CMCN 4.0 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ cao, cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Đây chính là chìa khóa thành công để thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam phát triển.

Thứ ba, nền tảng hạ tầng kinh tế số của Việt Nam khá thuận lợi cho việc chuyển đổi và ứng dụng số. Việt Nam có mạng lưới hạ tầng mạng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin và internet phát triển nhanh chóng, bao phủ rộng khắp và hiện đại không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới. 

Thứ tư, các hình thức của kinh tế số ở Việt Nam đang phát triển đa dạng và có xu hướng phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

Thương mại điện tử trong nền kinh tế số
Bảng Xếp hạng TMĐT Việt Nam Q3 2019

Trong khi các thương hiệu TMĐT nổi tiếng thế giới đang đổ bộ mạnh mẽ vào Việt Nam, như Alibaba, Amazon, Ebay, Shopee… thì các trang TMĐT có nguồn gốc Việt Nam cũng đang nở rộ, một số trang như Lazada Việt Nam, Tiki, Sendo, FPT Shop, Điện máy xanh, Thế giới di động,… đang dần chiếm lĩnh thị phần trong nước và từ đó thúc đẩy thay đổi xu hướng và hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.

Thứ năm, hệ thống chính trị và nền kinh tế vĩ mô Việt Nam luôn duy trì ổn định. 

Khó khăn

Thứ nhất, hệ thống thể chế, chính sách cũng như các thiết chế thực thi, giải quyết tranh chấp và hiệu lực của cơ quan thực thi liên quan đến phát triển kinh tế số còn yếu, chưa đồng bộ và hiệu quả nên chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển kinh tế số. 

Thứ hai, cơ sở dữ liệu của nhiều bộ, ngành, địa phương đang xây dựng còn manh mún và phân tán, không có sự kết nối liên thông. 

Thứ ba,  các doanh nghiệp kinh tế số ở Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài. Gần 70% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam thuộc về các công ty nước ngoài như Facebook, Google. Chỉ trong 10 năm Việt Nam mất khoảng 50% thị phần quảng cáo.

Kinh tế số - Khó khăn cần khắc phục
Kinh tế số và những khó khăn

Thứ tư, thói quen giao dịch, thanh toán tiền mặt của đa số người tiêu dùng là trở ngại lớn. Kinh tế số nói chung và TMĐT nói riêng vẫn có một khoảng cách lớn giữa thành thị với các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của nước ta.

Thứ năm, nhận thức của người dân và một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế số còn hạn chế, kỹ năng sử dụng internet an toàn thấp và chưa theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ.

Thứ sáu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang kinh tế số. Vấn đề này nếu không được quan tâm đầu tư đúng mức trong thời gian tới sẽ trở thành một điểm nghẽn lớn cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam.

4. Kết luận

Như vậy, có thể thấy kinh tế số sẽ mở ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Để phát triển kinh tế số ở Việt Nam cần triển khai một số giải pháp thích hợp dựa trên bối cảnh hiện tại của đất nước. 

 

Một số bài viết có liên quan:

 

Tài liệu tham khảo:

  1. TS Đặng Văn Sáng, Xu Hướng Phát Triển Kinh Tế Số Trên Thế Giới Và Hàm Ý Cho Việt Nam, Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 – Tháng 9/2020
  2. TS Tô Trọng Hùng, Nhận thức về kinh tế số và một số giải pháp phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam, Bài viết đăng trên Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ- Số 9, tháng 4 năm 2021

 

Sinh viên thực hiện: Hà Nguyễn Phương Lan

MSV: 19051499