Khủng Hoảng Kinh Tế là gì? 5 Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới Lớn Nhất Trong Lịch Sử.

Khủng hoảng kinh tế là gì? 5 cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất lịch sử

Các cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm cho kinh tế thị trường trên toàn thế giới có sự biến đổi nghiêm trọng và gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội. Vậy thực chất để xảy ra cuộc khủng hoảng về kinh tế này thì nguyên nhân từ đâu mà ra? Đây vẫn là thắc mắc khiến nhiều người vẫn chưa hiểu được. Bài viết dưới đây chúng mình xin giải đáp chi tiết về nội dung này. Mời bạn đọc theo dõi ngay dưới đây.

I. Khủng hoảng kinh tế là gì?

Khủng hoảng kinh tế là hiện tượng nền kinh tế của một quốc gia hoặc một khu vực, thậm chí toàn thế giới suy thoái đột ngột, trầm trọng và theo chiều hướng kéo dài.

Trong thời kỳ khủng hoảng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thường giảm, thanh khoản cạn kiệt, giá trị bất động sản và thị trường chứng khoán giảm sâu. Điều này gây ra tình trạng “Bán tháo” trên thị trường.

Mặc dù khủng hoảng kinh tế có thể giới hạn ở phạm vị quốc gia hay một khu vực, song với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, khủng hoảng rất dễ lan rộng ra phạm vi toàn cầu.

II. Nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế

Nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế rất đa dạng. Dưới đây là năm nguyên nhân thường gặp của khủng hoảng kinh tế.

1. Khủng hoảng tài chính

Khủng hoảng tài chính xảy ra khi giá trị của các tài sản sụt giảm mạnh kéo theo sự mất khả năng thanh toán của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Khủng hoảng tài chính gây ra khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và các lĩnh vực tài chính khác.

Khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ năm 2007 tác động đến nền kinh tế thế giới.
Khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Hoa Kỳ đã gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008

Ví dụ điển hình là cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2007-2008. Hiện tượng bong bóng bất động sản cùng với sự thiếu hoàn hiện trong hệ thống giám sát tài chính Mỹ đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính tại đất nước này.

Mối liên hệ mật thiết giữa quan hệ tài chính và kinh tế của Mỹ với nhiều nước khác đã làm cuộc khủng hoảng lan rộng. Hàng loạt hệ thống ngân hàng đổ vỡ; giá chứng khoán sụt giảm nghiêm trọng; tình trạng đói tín dụng xảy ra; tiền tệ mất giá quy mô lớn ở Mỹ và nhiều nước châu Âu. Hậu quả là làm đình trệ  tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước và gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

2. Lạm phát

Lạm phát là hiện tượng tăng giá liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian khiến sức mua của đồng tiền giảm. Với cùng một đơn vị tiền tệ, người tiêu dùng mua được ít hàng hóa hơn so với trước.

Như ở Venezuela, chính phủ đã phát hành 3 tờ tiền có mệnh giá 200.000, 500.000 và 1.000.000 Bolivar trong thời kỳ lạm phát phi mã. Tuy nhiên, ngay cả khi cộng ba tờ tiền này lại, giá trị cũng không đến 1 USD.

Lạm phát khiến cho cuộc sống người dân đảo lộn, gia tăng sự không chắc chắn trong quyết định đầu tư và tiết kiệm cùng với sự khan hiếm hàng hóa. Trong trường hợp tăng trưởng kinh tế thấp mà tỷ lệ lạm phát cao, khủng hoảng kinh tế chắc chắn sẽ xảy ra.

3. Giảm phát

Ngược lại với lạm phát, giảm phát là hiện tượng mức giá chung của sản phẩm và tài sản trên thị trường liên tục giảm.

Giảm phát
Hoạt động kinh tế chậm lại, lợi nhuận doanh nghiệp giảm

Người tiêu dùng chờ đợi để mua hàng hóa với giá thấp hơn, gây ra một vòng xoáy đi xuống liên tục, hoạt động kinh tế chậm lại, lợi nhuận doanh nghiệp giảm và  tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Giảm phát buộc các nhà sản xuất phải thanh lý hàng tồn kho mà mọi người không còn muốn mua. Để phòng tổn thất tài chính gia tăng, người tiêu dùng và các nhà đầu tư cũng bắt đầu dự trữ tiền mặt. Xu hướng tiết kiệm càng tăng, lượng tiền dùng cho chi tiêu càng ít khiến cho tổng cầu càng giảm, gây ra suy thoái kinh tế.

4. Giảm chi tiêu cá nhân và hộ gia đình

Khi người tiêu dùng lo lắng về tình trạng của nền kinh tế, họ sẽ giảm chi tiêu và giữ lại bất cứ số tiền nào có thể. Sự cắt giảm chi tiêu sẽ khiến nền kinh tế phát triển chậm lại vì trung bình gần 60% GDP của các nước trên thế giới phụ thuộc vào chi tiêu của người tiêu dùng.

Giảm chi tiêu cá nhân và hộ gia đình
Giảm chi tiêu cá nhân và hộ gia đình

Ngoài ra, lãi suất cao cũng khiến cho người tiêu dùng phải đối mặt với các khoản chi tiêu đắt đỏ nếu muốn mua nhà, xe hay các tài sản giá trị khác. Các doanh nghiệp cũng phải cắt giảm kế hoạch chi tiêu vì chi phí tài chính quá cao.

Vì vậy, việc cắt giảm chi tiêu làm chững lại tăng trưởng GDP của một quốc gia, là yếu tố góp phần tạo nên một cuộc khủng hoảng kinh tế.

5. Bong bóng kinh tế

Cụm từ Bong bóng kinh tế dùng để chỉ hiện tượng giá trị hàng hóa hoặc tài sản trên thị trường tăng đột biến đến một mức vô lý, không ổn định.

Bong bóng kinh tế
Bong bóng kinh tế

Trường hợp điển hình nhất phải kể đến là Vụ đầu cơ hoa Tulip năm 1637. Khi đó, hoa tulip trở thành mặt hàng xa xỉ, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Hà Lan. Đỉnh điểm là một số củ tulip đạt đến mốc 100.000 USD.

Những bong bóng như thế này kéo theo một số tiền lớn đổ vào đầu tư, khiến thị trường biến động lớn. Khi vỡ, bong bóng sẽ xóa sạch lợi nhuận ảo trên giấy tờ, làm thất thoát tài sản của nhiều cá nhân hay tổ chức và kéo theo các khoản nợ xấu tác động đến nền kinh tế.

III. Hậu quả của khủng hoảng kinh tế là gì?

Tình trạng bất ổn trong nước và khu vực

Khủng hoảng kinh tế khiến các doanh nghiệp phá sản vì không thể thanh toán các khoản vay đến hạn, đình trệ sản xuất, phải cắt giảm lao động để cân đối các khoản chi tiêu. Điều này khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Đời sống người lao động bị tác động về cả vật chất, thể chất và tinh thần.

Tình trạng bất ổn xã hội gia tăng trong thời kỳ khủng hoảng
Doanh nghiệp phá sản vì không thể thanh toán các khoản vay

Khủng hoảng kinh tế còn gây ra tình trạng bất ổn xã hội, lạm phát phi mã, tạo thành một vòng xoáy mà quốc gia phải mất nhiều năm để có thể thoát ra.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Quá trình toàn cầu hóa diễn ra sâu rộng khiến quan hệ hợp tác và sự phụ thuộc của các quốc gia ngày càng chặt chẽ trên mọi lĩnh vực. Khi một quốc gia rơi vào khủng hoảng kinh tế thì những quốc gia còn lại ít nhiều cũng phải chịu ảnh hưởng. Đặc biệt đối với những quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu hay Trung Quốc, nếu nền kinh tế suy thoái sẽ có tác động mạnh đến hoạt động của toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Khủng hoảng nhân đạo

Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế diễn ra, chất lượng sống của người dân giảm. Một số nhóm người lao động không thể đáp ứng được những nhu cầu thiết yêu như thức ăn, nơi ở với mức sống đắt đỏ và thu nhập eo hẹp.

Nghèo đói hay tỷ lệ thất học ở trẻ em tăng cao kéo theo tệ nạn và bạo lực, đặc biệt nhắm vào nhóm người dễ tổn thương trong xã hội.

Hơn nữa, khi đất nước rơi vào vũng lầy kinh tế, người dân có thể quyết định di cư đến một đất nước khác có điều kiện sống tốt hơn. Việc di cư ồ ạt sẽ gây ra khủng hoảng di cư và trở thành gánh nặng cho các nước khác.

IV. 5 cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử thế giới

1. Khủng hoảng hoa Tulip năm 1636-1637

Cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên trên thế giới có tên: Khủng hoảng hoa Tulip hay còn gọi là Hội chứng hoa Tulip ở Hà Lan.

Khủng hoảng hoa Tulip năm 1636-1637
Khủng hoảng hoa Tulip năm 1636-1637

Vào những năm 1636-1637, cơn sốt hoa Tulip bất ngờ trở nên bùng nổ, hàng ngàn người đổ xô đi mua hoa tulip nhiều màu đến từ Hà Lan. Giá cả của những bông hoa này tăng cao đến mức cắt cổ. Nhiều người phải bán nhà để có thể mua được chúng. Thậm chí, ngay cả những bông hoa chưa được thu hoạch cũng có một thị trường của riêng mình.

Đỉnh điểm của bong bóng là cuộc đấu giá huyền thoại diễn ra tại thị trấn Alkmaar vào ngày 05/02/1637. Cuộc đấu giá này được tổ chức để quyên góp tiền cho trẻ mồ côi. Tại đó, một củ tulip Viceroy được bán với giá 4.203 florin và một củ Admirael Van Enchuysen được bán với giá lên tới 5.200 florin, tương ứng với hơn 2000 đô la Mỹ.

Tuy nhiên, bong bóng hoa tulip nhanh chóng vỡ tan chỉ sau một tin đồn dịch bệnh phát tán từ loài hoa này. Những người đã bỏ số tiền lớn để ôm hoa bắt đầu rao bán một cách tuyệt vọng, tạo ra sự sụt giảm mạnh về giá cả. Nhiều người lâm vào cảnh phá sản. Nền kinh tế Hà Lan vốn quá phụ thuộc vào sản phẩm này đã phải chịu cú sốc bong bóng đầu tiên trong lịch sử hiện đại.

2. Đại khủng hoảng 1929 – 1939

Sự sụp đổ lớn nhất trong lịch sử tài chính Phố Wall đã được báo trước với cao trào đầu cơ xuất hiện trong những năm 1920, khi hàng nghìn người đổ xô đầu tư vào thị trường chứng khoán. Nhiều người đã vay nợ để mua thêm cổ phiếu, tạo ra một bong bóng không thể kiểm soát.

đại khủng hoảng kinh tế 1929
Đại khủng hoảng 1929 – 1939

Cho đến ngày 24/10/1929, cú sốc đầu tiên xảy ra, khi bảng niêm yết giá chứng khoán sụp đổ trong nháy mắt, khiến sự hoảng loạn tài chính lan ra khắp đường phố New York.

Ngày “Thứ Hai đen tối” ập xuống, chấm dứt cơn sốt đầu cơ, vốn đã mang lại nhiều lợi nhuận cho những người đầu tư vào sàn chứng khoán. Các ngân hàng phá sản, các công ty đóng cửa và hàng trăm nghìn người trắng tay. Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đạt gần 25% (1933) – giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế này.

Cuộc khủng hoảng này đã ghi dấu ấn mãi mãi trong lịch sử, khi nó không chỉ tàn phá nền kinh tế Mỹ mà còn mở ra thời kỳ Đại Suy thoái kéo dài gần 10 năm từ 1929 đến 1939.

3. Cú sốc giá dầu OPEC năm 1973

Cuộc khủng hoảng kinh tế này bắt đầu khi các nước thành viên OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) mà chủ yếu bao gồm các quốc gia thuộc tiểu vương quốc Ả Rập, quyết định trả đũa Mỹ nhằm đáp trả việc nước này đã cung cấp vũ khí cho Israel trong Chiến tranh Ả Rập – Israel lần thứ tư.

Các nước OPEC tuyên bố cấm vận dầu mỏ, đột ngột ngừng xuất khẩu dầu sang Mỹ và các nước đồng minh. Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt lượng lớn dầu và giá dầu tăng đột biến. Dẫn đến khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và nhiều nước phát triển khác.

Cú sốc giá dầu OPEC năm 1973
Khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và nhiều nước phát triển khác

Cùng lúc đó sự xuất hiện của lạm phát cực cao. Nguyên nhân là do sự tăng vọt của giá năng lượng. Do vậy, các nhà kinh tế đã đặt tên cho kỷ nguyên này là thời kỳ “stagflation” – một thuật ngữ tài chính chỉ sự trì trệ kết hợp với lạm phát. Phải mất vài năm sau đó thì sản xuất kinh doanh Mỹ cùng các nước đồng minh mới hồi phục và lạm phát trở về mức trước khi khủng hoảng kinh tế xảy ra.

4. Cuộc khủng hoảng TÀI CHÍNH CHÂU Á năm 1997

Cuộc khủng hoảng kinh tế này bắt nguồn từ Thái Lan vào năm 1997, đã nhanh chóng lan sang phần còn lại của Đông Á và các đối tác thương mại. Dòng vốn đầu cơ từ các nước phát triển chảy vào các nền kinh tế Đông Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hồng Kông và Hàn Quốc (được coi là con hổ châu Á) đã tạo ra một kỷ nguyên lạc quan quá độ dẫn đến tình trạng quá mức tín dụng và tích lũy nợ lớn tại các nền kinh tế.

Cuộc khủng hoảng TÀI CHÍNH CHÂU Á năm 1997
Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997

Vào tháng 7 năm 1997, chính phủ Thái Lan đã phải từ bỏ tỷ giá hối đoái cố định so với đồng USD đã có từ trước đó rất lâu, với lý do thiếu nguồn lực ngoại tệ. Điều này đã khơi nguồn cho làn sóng hoảng loạn trên khắp thị trường tài chính châu Á và nhanh chóng dẫn đến sự đảo ngược dòng đầu tư hàng tỷ USD từ nước ngoài.

Khi sự hoảng loạn bùng phát trên thị trường và các nhà đầu tư cảnh giác trước những vụ phá sản có thể xảy ra của các chính phủ Đông Á, nỗi lo về một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính trên toàn thế giới bắt đầu lan rộng. Phải mất nhiều năm để mọi thứ trở lại bình thường. Quỹ tiền tệ Quốc tế đã phải can thiệp để tạo ra các gói cứu trợ cho các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhằm giúp các Quốc gia này thoát khỏi tình trạng vỡ nợ.

5. Cuộc khủng hoảng TÀI CHÍNH năm 2008

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần đây nhất đã bùng phát vào cuối thập niên vừa qua. “Cuộc khủng hoảng thế chấp độc hại” này xảy ra khi các ngân hàng Mỹ cho vay thế chấp mua nhà lãi suất cao với những người không có khả năng thanh toán tài chính. Sau đó, số ngân hàng này đã tập trung đầu tư vào lĩnh vực không có nhiều lợi nhuận, cũng như bán lại nhiều lần trên thị trường tài chính.

Cuộc khủng hoảng tài chính 2008
Khủng hoảng thế chấp độc hại

Bong bóng tài chính bùng nổ khi các khoản nợ tín dụng không thể chi trả được. Giá nhà đất chạm đáy, trong khi hàng triệu người mất nhà cửa. Thị trường chứng khoán sụp đổ, thất nghiệp tăng cao, hệ thống ngân hàng lao đao. Đỉnh điểm là việc ngân hàng Lehman Brothers – một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới đệ đơn phá sản vào năm 2008.

Đáng chú ý, mặc dù bắt nguồn gốc từ Mỹ, nhưng cuộc khủng hoảng đã nhanh chóng lan sang các quốc gia khác, tạo thành một thảm họa tài chính đối với những nền kinh tế không thể tự bảo vệ được mình. “Căn bệnh” này đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của kinh tế thế giới và khiến nhiều nước một lần nữa rơi vào suy thoái. Phải mất gần một thập kỷ để mọi thứ trở lại bình thường, nhưng trước đó nó đã kịp xóa sạch hàng triệu việc làm và hàng tỷ USD thu nhập trong vỏn vẹn hơn một năm.

Trên đây là 5 cuộc khủng hoảng tài chính được xem là tàn khốc nhất trong lịch sử. Từ đầu năm 2021, kinh tế toàn cầu đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc khủng hoảng mới với quy mô và mức độ thậm chí còn lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009 dưới tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, dựa trên những diễn biến mới nhất về tình hình dịch bệnh cũng như những nỗ lực đối phó với khủng hoảng của các quốc gia trên thế giới, chúng ta có thể kỳ vọng về một kịch bản tích cực sẽ tới với nền kinh tế toàn cầu trong tương lai sắp tới.

Lời Kết:

Đó là tất cả những thông tin để trả lời cho câu hỏi “Khủng hoảng kinh tế là gì? 5 Cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử”. Hơn thế nữa qua bài viết, bạn cũng sẽ biết được khi khủng hoảng kinh tế xảy ra sẽ kéo theo một loạt các biến động lớn đối với đời sống của người dân và những hậu quả tàn phá không thể lường trước được.

Hy vọng bài viết sẽ cung cấp đủ thông tin cho nội dung bạn đang tìm kiếm!!!

 

Sinh viên thực hiện: Nguyễn Minh Hào

Mã sinh viên: 19051463

Lớp: QH-2019-E QTKD CLC 3

Mã học phần: INE 3104-3

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM:

11 thoughts on “Khủng Hoảng Kinh Tế là gì? 5 Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới Lớn Nhất Trong Lịch Sử.

Comments are closed.