THẾ HỆ Z – TƯƠNG LAI CỦA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ XUYÊN BIÊN GIỚI

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang có tốc độ tăng trưởng nhanh không chỉ trong các quốc gia phát triển mà còn ở các quốc gia đang phát triển, điều này đã góp phần giúp cho nhiều doanh nghiệp có cơ hội mở rộng quy mô trên phạm vi toàn cầu.

Đặc biệt, một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới chính là thế hệ Z – thế hệ chiếm tỷ lệ lớn dân số toàn cầu hiện nay. Với sự tiếp cận công nghệ cũng như nhu cầu mua lớn như hiện nay, vậy liệu thế hệ Z có đúng là tương lai của thương mại điện tử xuyên biên giới hay không?

Thương mại điện tử xuyên biên giới là gì?

thương mại điện tử xuyên biên giới

Thương mại điện tử xuyên biên giới được định nghĩa là hình thức mua – bán của một doanh nghiệp (hoặc người) ở quốc gia này với một doanh nghiệp (hoặc người) ở quốc gia khác. Khách hàng tìm kiếm, tra cứu thông tin về sản phẩm, về doanh nghiệp thông qua trang thương mại điện tử và qua Internet, sau đó tiến hành đặt hàng và thanh toán đơn hàng. Thương mại điện tử xuyên biên giới có thể được thực hiện dưới cả ba hình thức B2B, B2C và C2C.

Xem thêm về thương mại điện tử xuyên biên giới tại đây: Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá

Thế hệ Z – Họ là ai?

thế hệ Z

Đã từng có rất nhiều tài liệu định nghĩa về thế hệ Z. Thế hệ Z, hay còn gọi là Gen Z, iGen, Centennials và một số tên gọi khác, theo từ điển trực tuyến Merriam-Webster định nghĩa “là thế hệ của những người sinh ra vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000”. Hầu hết các thành viên thuộc Thế hệ Z đều sử dụng công nghệ kỹ thuật từ nhỏ và cảm thấy thoải mái, dễ dàng khi sử dụng Internet cũng như các phương tiện truyền thông xã hội, nhưng không nhất thiết là phải có trình độ kỹ thuật số.

Trên thế giới, có khoảng 2,6 tỷ người thuộc thế hệ Z, chiếm khoảng ⅓ dân số. Theo nghiên cứu của red.dk và pewresearch.org, đến năm 2030, thế hệ này sẽ là lực lượng lao động chính trong hầu hết các ngành nghề, dù là ở quốc gia nào. Điều này dẫn tới việc trong tương lai, thế hệ Z sẽ trở thành nhóm tiêu dùng lớn nhất thế giới, đặc biệt đây cũng sẽ là nhóm khách hàng tiềm năng cho sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới. 

Thế hệ Z – “khách ruột” của thương mại điện tử xuyên biên giới

Lớn lên trong kỷ nguyên số, hơn ai hết, thế hệ Z là những người có khả năng nắm bắt nhanh nhạy nhất những xu thế mới, đương nhiên trong đó phải kể đến thương mại điện tử. Đặc biệt trong thời kỳ toàn cầu hóa như hiện nay, việc mua sắm xuyên biên giới càng trở nên dễ dàng thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Chỉ với một cú click chuột, một món hàng như ý được giao đến tận tay người dùng một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất, không mất quá nhiều thời gian và kể cả công sức. Tất cả những điểm cộng này đã tạo nên lực hấp dẫn quá lớn cho thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới. 

Nói không ngoa, có thể xem thế hệ Z chính là nhóm “khách ruột” của thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới. So với việc phải bỏ ra nhiều thời gian đi khắp nơi cùng chốn mà chưa chắc mua được món đồ như ý, những con người trẻ thuộc thế hệ Z vốn chuộng tốc độ, ưa tiện ích và thích những trải nghiệm hấp dẫn, mới lạ giờ đây sẽ chọn công nghệ để đáp ứng nhu cầu mua sắm của mình. 

Các sàn giao dịch đã nắm bắt nhanh những xu hướng này của thế hệ Z, bên cạnh các thương hiệu có sẵn trong nước, họ hợp tác với nhiều hãng nước ngoài để tăng độ đa dạng sản phẩm cũng như sức hút của mình. Có thể kể đến như Shoppe, Lazada,… đây là các sàn thương mại điện tử được giới trẻ yêu chuộng, họ đã kết hợp với nhiều thương hiệu nước ngoài đặc biệt trong đó có các thương hiệu đến từ Taobao – một trong những sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc.

Điều này đã tạo nên một sức hút lớn với thế hệ Z khi mà họ chỉ cần một cú “click” chuột, sản phẩm sẽ được giao về tận tay một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí mà không cần tốn nhiều thời gian đặt hàng thông qua một bên trung gian.

Thế hệ Z – Những đặc điểm thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới

Theo cuộc khảo sát của công ty phân tích di động data.ai có trụ sở tại Mỹ cho biết, thế hệ Z chiếm 1/3 dân số toàn cầu, trở thành nhóm thế hệ lớn nhất trên thế giới. Mức độ sẵn sàng tiêu dùng mạnh mẽ của nhóm này đang dẫn đầu xu hướng tiêu dùng và mang lại những thay đổi lớn cho thương mại toàn cầu. Do đó lực lượng này đã, đang và sẽ còn tạo ra nhiều ảnh hưởng đến thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thế hệ Z – những con người của công nghệ

công nghệ

Theo khảo sát, có hơn 90% thanh thiếu niên từ 14-18 tuổi ở Hoa Kỳ sở hữu điện thoại thông minh. Vì thế bên cạnh việc lớn lên cùng với những công nghệ tiên tiến thì việc sử dụng chúng không chỉ là thói quen mà còn là cách sống của thế hệ Z.

Đặc điểm lớn nhất của thế hệ Z chính là họ được lớn lên trong thời đại mà công nghệ thông tin phát triển vượt bậc với những chiếc smartphone hay những chiếc laptop, được tiếp xúc và sử dụng chúng từ nhỏ. Với lợi thế này, không khó hiểu khi mà đa số các bạn trẻ thuộc thế hệ Z cảm thấy rất thoải mái và dễ dàng bắt kịp với những cập nhất mới của công nghệ, Internet và các phương tiện truyền thông xã hội, từ Facebook, Google, Youtube, Instagram.

Một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy công nghệ chính là sự sáng tạọ, học hỏi và nghiên cứu. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của thế hệ Z chính là sự sáng tạo và tìm tòi. Theo nghiên cứu từ nền tảng Social Listening và Data Analytics của YouNet Media, thế hệ Z là thế hệ thích phá cách và sáng tạo từ những quy tắc đã có sẵn. Họ vừa có khả năng tiếp nhận thông tin nhanh nhạy vừa có khả năng biến đổi, sáng tạo không giới hạn. Đây chính là một điểm quan trọng khiến thế hệ Z là những con người của công nghệ.

Với sự phát triển công nghệ đi kèm khả năng tìm tòi, học hỏi nhanh của thế hệ này, họ ngày càng có thể dễ dàng tiếp cận với các thương hiệu đến từ nước ngoài một cách nhanh chóng chỉ với vài thao tác trên thiết bị điện tử thông minh. Do đó mà nhu cầu mua sắm hàng hoá của thế hệ này ngày càng đa dạng và ngày càng có xu hướng hướng ra nước ngoài. 

Xem thêm về những yếu tố phát triển công nghệ của Thế hệ Z tại: Gen Z – thế hệ hội tụ tố chất để bùng nổ với công nghệ thông tin

Sức mua và thói quen mua sắm của thế hệ Z

Theo báo cáo thống kê từ eMarketer.com, doanh thu thương mại điện tử B2C (mô hình kinh doanh bán lẻ trực tuyến trên cơ sở ứng dụng Internet) năm 2020 đạt hơn 4.000 tỷ USD, sẽ tăng lên hơn 7.000 tỷ USD vào năm 2025. Sự tăng trưởng dự đoán chủ yếu do thế hệ Z và những người dùng mạng xã hội thế trẻ thúc đẩy, sẽ chiếm 62% chi tiêu thương mại xã hội toàn cầu vào năm 2025. 

sức mua

Một trong những minh chứng rõ ràng cho sức mua của thế hệ Z hiện nay chính là tại thị trường Trung Quốc. Theo số liệu Trung Quốc công bố, xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm 2020 của nước này đạt tổng cộng 1,69 nghìn tỷ NDT (tương đương 251 tỷ USD), tăng 31,1% so với năm 2019, đặc biệt trong đó lượng mua của thế hệ Z đóng góp 68% trong tổng số lượng mua thống kê được.

Với sức mua ngày càng tăng trưởng như hiện nay, việc thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ còn lớn mạnh và mở rộng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Ngoài ra thói quen mua sắm của thế hệ Z cũng đang ngày càng thay đổi từ phương thức mua trực tiếp tại các cửa hàng, giờ đây họ ưu tiên mua sắm thông qua hình thức online. Do đó mà sức mua trên các sàn thương mại đang ngày càng tăng cao, góp phần mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới.

Xem thế về thói quen mua sắm của Thế hệ Z tại: Nghiên cứu phát hiện những thói quen mua sắm khác biệt của thế hệ Z

Thế hệ Z không có sự trung thành với thương hiệu cố định

Có thể thế hệ Z đang là những người theo dõi thương hiệu của bạn trên mạng xã hội, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ là người mua trung thành với nhãn hiệu của bạn. Thế hệ này thường có xu hướng quan tâm nhiều hơn về giá cả khi mua sản phẩm khi mà họ chưa có nguồn tài chính cố định.

Họ chắc chắn có những thương hiệu yêu thích riêng, nhưng nếu tìm được một sản phẩm khác có chất lượng tương tự với giá thành thấp hơn thì họ sẽ sẵn sàng chuyển sang mua sản phẩm đó. Và đương nhiên thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu này của họ, khi mà tích hợp nhiều sản phẩm, mẫu mã cũng như giá cả đến từ nhiều cửa hàng trên các quốc gia khác nhau. 

Theo một khảo sát cho thấy, ở độ tuổi càng trẻ thì càng có xu hướng tin tưởng những gợi ý, lời khuyên của người nổi tiếng, KOLs, Influencers… Tuy nhiên với đặc thù công việc của mình, các KOLs hay Influencers sẽ không cố định quảng cáo cho một thương hiệu riêng biệt, mà họ sẽ quảng cáo đa dạng các sản phẩm cũng như đa dạng các nhãn hàng đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Điều này khiến cho thế hệ Z sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc mua sắm hàng hoá, khiến cho sức mua bị phân tán trên nhiều nền tảng thương mại điện tử khác nhau. Với cơ hội đa dạng trong lựa trong mua sắm, thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển khi có sự trao đổi, mua bán hàng hoá giữa các nước.

KẾT LUẬN

Trong bối cảnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá như hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới là điều tất yếu và quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế của các doanh nghiệp nói riêng và đất nước nói chung.

Với tỷ lệ chiếm 1/3 dân số trên toàn cầu, thế hệ Z chính là nhóm khách hàng chính và tiềm năng đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử. Đặc biệt, với những đặc điểm của thế hệ này, tương lai của thương mại điện tử xuyên biên giới chắc chắn sẽ còn phụ thuộc và ảnh hưởng bởi thế hệ Z, các doanh nghiệp nên cần có những chính sách hướng tới thế hệ này ngay từ bây giờ.

Xem thêm về thương mại điện tử xuyên biên giới tại đây:

Bất ngờ! Các ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới đã thay đổi thói quen tiêu dùng của chúng ta trong năm 2022 như thế nào?

Tầm quan trọng thương mại điện tử xuyên biên giới đối với doanh nghiệp Việt giai đoạn 2021-2026

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Bật mí 5 “công thức thành công” cho Doanh nghiệp

  Sinh viên: Nguyễn Hà Phương 

  Mã sinh viên: 20050151

9 thoughts on “THẾ HỆ Z – TƯƠNG LAI CỦA THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ XUYÊN BIÊN GIỚI

Comments are closed.