Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) : Phân biệt 2 hình thức đầu tư Greenfield và Brownfield

Khi một công ty muốn lan tỏa tầm ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế bằng cách đầu tư vốn ra nước ngoài, họ có thể chọn hình thức thiết lập một cơ sở hoàn toàn mới ở nước nhận đầu tư hoặc mua lại một công ty địa phương vốn đã quen thuộc với thị trường nước sở tại. Hai phương thức xâm nhập trên tương ứng với 2 hình thức cơ bản của loại hình đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI mà cụ thể là Greenfield và Brownfield Investment.

Bài viết dưới đây sẽ đưa tới cái nhìn rõ nét về hai hình thức đầu tư, từ đó giúp mọi người nhận diện dễ dàng hơn các dự án FDI Greenfield và Brownfield cũng như những lợi ích và rủi ro của chúng.

1. Khái niệm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

 

FDI
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Đầu tư trực tiếp nước ngoài, hay Foreign direct investment, viết tắt là FDI, là hình thức đầu tư trung và dài hạn của một tổ chức hoặc công ty vào tài sản của một nước khác. Những tài sản này có thể bao gồm cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, công ty,…Khi các chủ đầu tư đóng góp một tỷ lệ vốn nhất định cho doanh nghiệp, tỷ lệ đó sẽ quy định quyền và nghĩa vụ mỗi bên, đồng thời, cũng là cơ sở để phân chia lợi nhuận và rủi ro theo quy định. Dưới hình thức này, nhà đầu tư FDI sẽ nắm quyền quản lý cũng như điều hành hoạt động kinh doanh, trong đó bao gồm cả quyết định việc sử dụng nguồn vốn đầu tư như thế nào để đạt mục tiêu cuối cùng về lợi nhuận. Quyền quản lý và kiểm soát của nhà đầu tư cũng chính là điểm mấu chốt để phân biệt hình thức đầu tư FDI với các hình thức đầu tư khác.

2. Một số hình thức đầu tư FDI

FDI có thể được nhận diện dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào khía cạnh và hình thức xem xét. Xét trên phương diện phương thức xâm nhập thị trường, FDI được chia thành 2 loại chính:

  • Greenfield investment (đầu tư mới): Đối với hình thức này, tổ chức, công ty ở nước chủ đầu tư, hay công ty mẹ, sẽ dùng vốn đầu tư để xây dựng và thiết lập các cơ sở hay chi nhánh hoàn toàn mới ở nước ngoài. Quá trình này bao gồm cả việc xây dựng các cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng hoạt động kinh doanh từ những bước đầu tiên như xây dựng cơ sở sản xuất, văn phòng, khu nhà ở cho nhân viên,…
  • Brownfield investment (đầu tư “đất nâu” ): khi đầu tư FDI ở nước ngoài, công ty hoặc đầu tư vào cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng hiện có thông qua thương vụ mua bán và sáp nhập, hay còn được gọi là M&A (Merge and Acquisition), hoặc thuê các tài sản và cơ sở sẵn có ở nước sở tại.

3. Phân biệt 2 hình thức đầu tư FDI Greenfield và Brownfield

Mặc dù đều đóng vai trò là hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, giữa 2 hình thức đầu tư Greenfield và Brownfield tồn tại tương đối nhiều điểm khác biệt.

Về thuật ngữ Greenfield và Brownfield

Thuật ngữ “Greenfield” liên quan tới việc xây dựng và phát triển trên một khu vực mới, hay trên một “mảnh đất xanh”. Từ “xanh” ở đây có ý chỉ những gì đó mới mẻ và gợi lên một khởi đầu mới, và đối với lĩnh vực FDI, đó là việc xâm nhập thị trường quốc tế bằng cách xây dựng và phát triển một cơ sở hoàn toàn mới ở một nước khác. Và như đã đề cập ở trên, các công ty thực hiện đầu tư Greenfield phần lớn đều là các tập đoàn đa quốc gia, thực hiện đầu tư ra nước ngoài và xây dựng từ những bước đầu tiên ở nước nhận đầu tư, đặc biệt là ở những khu vực mà cơ sở vật chất hầu như chưa có.

Trong khi đó, “Brownfield” lại mang hàm ý chỉ những “mảnh đất nâu”, hay “đất cũ”, là những khu vực vốn đã có hoạt động sản xuất nền tảng với những cơ sở vật chất sẵn có, và có thể là các công ty hay tập đoàn đã hoạt động một thời gian nhất định ở nước chủ nhà.

Về những lợi ích

Đầu tư Greenfield
Ưu điểm của hình thức đầu tư Greenfield

Như đã đề cập ở trên, những dự án đầu tư Greenfield thường hấp dẫn nguồn vốn FDI là bởi tính mới mẻ, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu cao và khắt khe của nhà đầu tư. Ngoài mức độ kiểm soát cao nhất thuộc về công ty tài trợ, việc xây dựng trên một “khu đất trống” sẽ giúp họ có một nền tảng vững vàng, dễ dàng điều chỉnh về thiết kế, quy trình cũng như đào tạo nhân viên mới phù hợp với tiêu chuẩn ngay từ ban đầu. Hình thức xâm nhập này không những đáp ứng nhu cầu muốn mở rộng và tạo sức ảnh hưởng trên thị trường quốc tế của nhà đầu tư nước ngoài mà còn đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế nước sở tại. Việc xây dựng cơ sở sản xuất hay kinh doanh mới sẽ góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo môi trường kinh doanh sôi động và đa dạng, đi kèm với việc chuyển giao kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Chính vì thế, các nước đang phát triển sẽ có khuynh hướng muốn thu hút nguồn vốn từ những doanh nghiệp nước ngoài tiềm năng bằng nhiều đề xuất hấp dẫn như giảm thuế, miễn thuế,… nhằm tạo môi trường khuyến khích đầu tư. Bản thân các nhà đầu tư cũng sẽ được lợi từ những đề nghị này.

Đầu tư Brownfield
Ưu điểm của hình thức đầu tư Brownfield

Tuy không có được sự linh hoạt và mới mẻ như đầu tư Greenfield, những dự án đầu tư Brownfield cũng sẽ mang về không ít lợi thế cho công ty đầu tư khi lựa chọn được khu vực hoặc công ty nhận đầu tư phù hợp.  Đầu tư Brownfield bao gồm cả việc mua và thuê các cơ sở hiện có, do vậy, cách tiếp cận này có thể được ưa thích hơn trong nhiều trường hợp, vì mọi thứ đã tương đối vững vàng. Hình thức đầu tư FDI này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp đầu tư, mà còn có thể bớt các bước cần thiết khi xây dựng các cơ sở mới trên các khu vực trống hay các “mảnh đất xanh”, chẳng hạn như việc xin giấy phép xây dựng, kết nối các tiện ích và nhiều thủ tục giấy tờ khác. Không chỉ vậy, đối với việc mua lại một cơ sở đã hoạt động từ trước, tư liệu và kinh nghiệm sẵn có về quản lý cũng như hiểu biết về thị trường địa phương sẽ là một lợi thế không nhỏ giúp công ty đầu tư không mất quá nhiều thời gian cho việc tìm hiểu và nghiên cứu ban đầu.

Về hạn chế/ rủi ro

Trên thực tế, không một lựa chọn nào là hoàn hảo, vì thế nhà đầu tư cần xem xét và cân nhắc các hạn chế và rủi ro có thể xảy ra của từng hình thức đầu tư FDI trước khi thực hiện đầu tư ra một nước khác.

Nhược điểm greenfield
Vấn đề chi phí và giấy phép là một trong những mối lo của các nhà đầu tư dự án Greenfield

Những dự án đầu tư Greenfield cũng có điểm giống với bất kỳ công ty khởi nghiệp nào, đó là thường đòi hỏi rủi ro và chi phí tương đối cao so với hình thức khác, vì liên quan đến việc xây dựng và phát triển mới. Bên cạnh đó, vấn đề về thủ tục giấy phép hay khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực và các vấn đề với môi trường địa phương cũng là những mối lo ngại không nhỏ đối với các nhà đầu tư FDI. Đồng thời, vì bắt đầu xây dựng từ những bước đầu tiên, việc nghiên cứu và lên kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo hướng phát triển hợp lý cho công ty cũng đòi hỏi sự phức tạp và thường khó khăn hơn so với khi mua lại một công ty đã có nền tảng sẵn. Điều này thể hiện ở việc các công ty dự tính dự án Greenfield thường phải đầu tư một khoản lớn cả về thời gian và tiền bạc để làm tiền nghiên cứu nhằm xác định tính khả thi và hiệu quả chi phí.

Nhược điểm brownfield
Vấn đề bảo trì và bảo dưỡng các nhà máy đã cũ để phù hợp với tình hình thực tế

Còn đối với các dự án đầu tư Brownfield, ngay cả khi mặt bằng hay cơ sở trước đây đã từng được sử dụng cho hoạt động sản xuất và kinh doanh tương tự, hiếm khi công ty đầu tư tìm được một cơ sở với loại thiết bị sản xuất và công nghệ phù hợp hoàn toàn với mục đích của họ. Vì thế, việc cải tạo hoặc nâng cấp các cơ sở vật chất sao cho tương thích là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, điều đó lại dẫn đến một số những hạn chế về việc thực hiện cải thiện trên nền tảng đã có sẵn và đôi khi nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận cũng thay đổi linh hoạt để thích ứng với điều kiện đó, đặc biệt là đối với các tài sản đi thuê. Cùng với đó, một số trường hợp cơ sở có thể đã cũ và sẽ đòi hỏi chi phí bảo trì và bảo dưỡng cao.

Khi nào thì lựa chọn đầu tư Greenfield và khi nào thì lựa chọn đầu tư Brownfield ?

Khi một tập đoàn hoặc tổ chức quyết định đầu tư ở một nước khác, họ sẽ phải xem xét về nguyên nhân thúc đẩy họ đầu tư và mức độ phù hợp với tình hình tập đoàn/ tổ chức ở hiện tại, từ đó lựa chọn hình thức đầu tư cho phù hợp.

Thông thường, công ty chủ đầu tư sẽ thực hiện đầu tư Brownfield khi tìm thấy khu vực hay công ty ở nước ngoài có mức tương thích cao đối với các yêu cầu về mô hình kinh doanh hoặc quy trình sản xuất của họ. Nếu như mục tiêu phát triển và hướng đi có sự nhất quán, cơ sở vật chất lại tương đồng và có khả năng hỗ trợ đối với chủ đầu tư, họ chắc chắn sẽ đầu tư theo hình thức Brownfield bởi đây thực sự là một món “hời” không thể nào bỏ lỡ.

Mặt khác, hình thức Greenfield phù hợp với những trường hợp chủ đầu tư yêu cầu tính mới mẻ và linh hoạt trong xây dựng và thiết kế, cùng với đó là phải có khả năng đáp ứng nhu cầu của dự án và mang lại hiệu quả cao, nhất là các dự án về nhà máy hay chuỗi sản xuất thành phẩm. Đồng thời, hình thức này cũng sẽ đòi hỏi nguồn vốn không nhỏ và phù hợp hơn với tập đoàn/ tổ chức đã có những hiểu biết và kinh nghiệm về kinh doanh quốc tế cũng như về nước nhận đầu tư. Một trường hợp khác dẫn đến lựa chọn hình thức đầu tư Greenfield đó là khi nhà đầu tư tính toán ra rằng việc thuê hoặc mua lại một cơ sở kinh doanh đòi hỏi tu sửa hoặc nâng cấp còn tốn kém hơn cả việc xây dựng mới từ đầu.

4. Ví dụ về dự án đầu tư FDI Greenfield và Brownfield tại Việt Nam

Đầu tư Greenfield

Samsung

Samsung
Tập đoàn Samsung – Hàn Quốc

Samsung là một doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) và các khoản đầu tư vào Việt Nam chủ yếu dưới hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Có ba lí do Samsung đầu tư vào Việt Nam chủ yếu qua các dự án Greenfield để mở rộng sản xuất, đó là nguồn lao động rẻ và dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn và sự ưu đãi cũng như hỗ trợ lớn từ chính phủ. Trong vòng chưa đầy một thập kỷ (2008 – 2017), Samsung đã xây dựng 4 nhà máy tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD.

Xem thêm: Top 5 yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) năm 2021

Đầu tư Brownfield

Unilever

Unilever và P/s
Unilever và P/s

Chắc hẳn cái tên Unilever đã quá quen thuộc với người dùng toàn cầu bởi mức độ lớn mạnh và sự phổ biến của các thương hiệu mà tập đoàn đa quốc gia này sở hữu. Unilever thực tế đã bước chân vào thị trường Việt Nam từ năm 1995, khi những thuật ngữ như FDI, M&A vẫn chưa được biết đến quá nhiều. Ban đầu, tập đoàn Unilever thuyết phục được Công ty Hóa phẩm P/S tham gia liên doanh vào năm 1997, lập ra công ty Elida P/S, cùng khai thác nhãn hiệu P/S. Những năm sau, Unilever tiếp tục đầu tư vốn FDI vào các nhà máy sản xuất của P/s để sản xuất các sản phẩm kem đánh răng đúng yêu cầu của Unilever hơn nhưng khi nhà máy vận hành, sản phẩm lại không đạt tiêu chuẩn. Vì thế sau đó, P/s đã chính thức được bán cho Unilever và thu về tổng cộng 14 triệu USD ở thời điểm đó, đánh dấu mốc Unilever chính thức xâm nhập và thâu tóm thị trường nội địa của P/s.

5. Kết luận

Như vậy, có 2 phương thức cơ bản để nhà đầu tư có thể thực hiện đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi đầu tư Greenfield mang lại sự mới mẻ, tính linh hoạt và đáp ứng nhiều tiêu chuẩn quan trọng của công ty đầu tư, hình thức Brownfield lại có thể giúp công ty giảm bớt gánh nặng về chi phí, đồng thời mang lại lợi thế sẵn có về tư liệu và kinh nghiệm đối với thị trường địa phương.

Dù là hình thức nào, công ty cũng sẽ phải đối mặt với những cơ hội và thách thức nhất định khi tiến hành, bởi vậy, việc hiểu rõ và xác định hình thức phù hợp nhất với công ty để tối thiểu hoá các rủi ro cũng như tối đa hoá lợi nhuận mang lại là điều vô cùng quan trọng.

Hi vọng bài viết đã giúp ích cho bạn, theo dõi clibme.com để có thể đọc thêm nhiều thông tin thú vị nhé!

Bạn có thể quan tâm:

ODA và sự cần thiết trong quản lý vốn vay ở Việt Nam

Cơ hội và áp lực nào cho Việt Nam trước ngưỡng cửa RCEP?

EVFTA – “4” cơ hội và thách thức đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam

 

Người thực hiện: Lại Thị Huyền Trang

Mã sinh viên: 19051232

Lớp: INE3104 – 4

 

2 thoughts on “Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) : Phân biệt 2 hình thức đầu tư Greenfield và Brownfield

Comments are closed.