Cuộc khủng hoảng tài chính 2008: Cú sụp đổ thổi bay 10000 tỷ đô

Khủng hoảng tài chính 2008 - Khủng hoảng tài chính 2008

Lịch sử kinh tế thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhỏ, từ khủng hoảng giá dầu OPEC năm 1973 tới khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Tuy nhiên, hiếm có sự kiện nào có thể so sánh được với cuộc khủng hoảng tài chính 2008 về mức độ nghiệm trọng và phạm vi tác động mà sự kiện này mang lại

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những khía cạnh quan trọng nhất, xoay quanh cuộc khủng hoảng này để từ đó có một cái nhìn rõ nét hơn về sự kiện “hàng trăm năm mới có một lần” như lời của ông Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

1. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 là gì?

Khủng hoảng tài chính 2008 hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là một cuộc khủng hoảng diễn ra tại nhiều quốc gia vào các năm 2007 và 2008. Đây là cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1929 – 1939, bao gồm sự đổ vỡ hàng loạt của hệ thống ngân hàng, tình trạng đói tín dụng, tình trạng sụt giá chứng khoán và mất giá tiền tệ quy mô lớn ở Mỹ và nhiều nước châu Âu

2. Nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính 2008

2.1. Chính sách tiền tệ lỏng lẻo với việc hạ lãi suất liên tục tạo ra bong bóng bất động sản bùng nổ

Sau cuộc khủng hảng dot-com 2001, đặc biệt là sự kiện khủng bố 11/9 đã khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Trong một nỗ lực phục hồi nền kinh tế, bắt đầu từ năm 2001, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã bơm tiền vào nền kinh tế Mỹ đồng thời hạ lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng. Chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 5/2001 đến tháng 1/2002, lãi suất liên ngân hàng giảm 11 đợt từ 6,5% xuống còn 1,75%.

Diễn biến thay đổi của lãi suất chính sách ở Hoa Kỳ (đường màu xanh) - Khủng hoảng tài chính 2008
Diễn biến thay đổi của lãi suất chính sách ở Hoa Kỳ (đường màu xanh

 

Trong môi trường tín dụng dễ dãi, các ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại đã bắt đầu gia tăng đáng kể các khoản cho vay dưới chuẩn. Vào thời điểm 2006-2007, những tổ chức tài chính này đã nới lỏng việc cho vay mua nhà dành cho những đối tượng vay ít tin cậy. Kết quả là bất kỳ ai cũng có thể vay tiền mua nhà, cho dù họ ít có khả năng và thậm chí không có khả năng trả nợ.

Giá bất động sản tăng cao khiến các ngân hàng cảm thấy an toàn để đem tiền cho những người không có khả năng trả nợ vay bởi các ngân hàng cho rằng, nếu những người vay không trả nợ được, họ sẽ tịch thu nhà với giá trị đã được đẩy lên cao hơn. Theo đó, nhiều ngân hàng tiếp tục mạnh tay tiếp thị các khoản cho vay dưới chuẩn cho khách hàng có tín dụng kém hoặc ít tài sản, biết rằng những người đi vay đó không có khả năng trả các khoản vay và thường gây hiểu lầm cho họ về những rủi ro liên quan.

Hệ quả là vay và đi vay ồ ạt nhằm mục đích đầu cơ dẫn tới hình thành “bong bóng nhà ở”.

  • Theo thống kê vào năm 2005, có tới 28% số nhà được mua nhằm phục vụ cho mục đích đầu cơ và 12% mua chỉ để không. “Bong bóng nhà ở” phát triển đến mức cực đại và vỡ.
  • Từ quý IV năm 2005 đến quý I năm 2006, giá trị trung vị của giá nhà giảm 3,3%. Thời điểm đó, tổng giá trị lũy tích các khoản tín dụng nhà ở thứ cấp lên đến 600 tỷ Đô la Mỹ.
Diễn biến thay đổi giá nhà trong thời kỳ bong bóng thị trường nhà ở - Cuộc khủng hoảng tài chính 2008
Diễn biến thay đổi giá nhà trong thời kỳ bong bóng thị trường nhà ở.

Sau khi bong bóng nhà ở vỡ, các cá nhân gặp khó khăn trong việc trả nợ. Đồng thời, nhiều tổ chức tín dụng cho vay mua nhà gặp khó khăn vì không thu hồi được nợ. Giá nhà ở giảm nhanh khiến cho các loại giấy nợ đảm bảo bằng tài sản và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp do các tổ chức tài chính phát hành bị giảm giá nghiêm trọng. Kết quả là bảng cân đối tài sản của các tổ chức này xấu đi và xếp hạng tín dụng của họ bị các tổ chức đánh giá đánh tụt. Cuộc khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp nổ ra

2.2. Sự phổ biến của chứng khoán hóa

Các sản phẩm chứng khoán hóa xuất hiện từ đầu thập niên 1970 và phát triển mạnh trong môi trường chính sách tiền tệ được nới lỏng từ năm 2001.

Chứng khoán hoá là việc các ngân hàng gộp hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn khoản thế chấp dưới chuẩn và các hình thức nợ tiêu dùng khác, ít rủi ro hơn và bán chúng (hoặc các phần của chúng) trên thị trường vốn như chứng khoán (trái phiếu) cho các ngân hàng và nhà đầu tư khác, bao gồm cả quỹ đầu cơ và quỹ hưu trí.

Chứng khoán hóa và việc ra đời các sản phẩm của quá trình này như chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS), giấy nợ đảm bảo bằng tài sản (CDO) và các loại tương tự được coi là một phát minh lớn về công cụ tài chính.

Tuy nhiên, vì tới bốn loại chủ thể kinh tế liên quan đến chứng khoán hóa, vì sự xuất hiện của bảo hiểm cho các sản phẩm chứng khoán hóa như hợp đồng hoán đổi tổn thất tín dụng (CDS), sự ra đời của các thể chế như các thể chế mục đích đặc biệt (SPV) và những công cụ đầu tư kết cấu (SIV) để mua bán MBS và CDO, nên đã tồn tại những rủi ro hệ thống bao gồm cả rủi ro đạo đức và lựa chọn trái ý. Trong khi đó, mô hình giám sát tài chính của Hoa Kỳ trước khủng hoảng không đủ năng lực giám sát các rủi ro này.

Chứng khoán hoá - Cuộc khủng hoảng tài chính 2008
Chứng khoán hoá

Trong trường hợp cuộc khủng hoảng tài chính 2008, việc phát hành chứng khoán hóa các khoản vay thế chấp bất động sản (MBS) được khởi tạo.

Chúng ta có thể tưởng tượng MBS như một “cái kén” có nhiều lớp, bên trong chứa nhiều loại nợ tín dụng địa ốc được sử dụng như sau:

  • Công ty tài trợ địa ốc đã lấy tiền hoa hồng của khách sau khi nắm lấy giấy nợ, họ bán giấy nợ ấy cho một tổ hợp tài chính khác. Tổ hợp này gom các giấy nợ đó thành gói như một cái kén, bên trong có đủ loại xấu tốt, và dùng đó làm tài sản để vay thêm tiền tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực khác.
  • Các ngân hàng và tổ hợp đầu tư tài chính đã trao đổi những “kén thối” ấy trong những quan hệ chằng chịt như tơ vò mà không thể biết đích xác bên trong xấu, tốt ra sao. Các bản quyết toán của ngân hàng khi đó xuất hiện đầy những khoản cầm cố, được khoanh bằng những hình thức rất phức tạp khiến cho việc đánh giá các nguy cơ trở nên vô cùng khó khăn.
  • Các công ty chuyên về định giá tài sản cũng không rõ và lại định giá theo kiểu lạc quan

Bán các khoản thế chấp dưới chuẩn như MBS được coi là một cách tốt để các ngân hàng tăng thanh khoản và giảm rủi ro cho các khoản vay rủi ro, trong khi mua MBS được coi là một cách tốt để các ngân hàng và nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư và kiếm tiền. Khi giá nhà tiếp tục tăng cao đến đầu những năm 2000, MBS đã trở nên phổ biến rộng rãi và giá của chúng trên thị trường vốn cũng tăng theo.

Đến năm 2004, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đã làm suy yếu yêu cầu về vốn ròng, điều này đã khuyến khích các ngân hàng đầu tư nhiều tiền hơn vào MBS. Mặc dù quyết định của SEC mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các ngân hàng, nhưng nó cũng khiến danh mục đầu tư của họ gặp rủi ro đáng kể, bởi vì giá trị tài sản của MBS đã ngầm được hiểu trước sự gia tăng của bong bóng nhà đất.

Cuối cùng, thời kỳ ổn định và tăng trưởng kinh tế toàn cầu kéo dài ngay trước cuộc khủng hoảng đã khiến nhiều giám đốc điều hành ngân hàng Hoa Kỳ, quan chức chính phủ và nhà kinh tế sinh ra một thái độ tự tin, hầu hết tất cả họ phớt lờ hoặc giảm bớt các dấu hiệu rõ ràng của một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra.

Thực tế, thị trường nhà đất tại Mỹ bắt đầu tự điều chỉnh từ năm 2005 khiến cho giá nhà đất giảm và chất lượng tài sản đảm bảo cho các MBS và các CDO giảm theo. Rủi ro mang tính hệ thống đã làm cho khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp nổ ra vào tháng 5/2006 khi mà nhiều tổ chức phát hành MBS và CDO cũng như các tổ chức tài chính có nhiều MBS và CDO trong danh mục tài sản của mình sụp đổ.

Tiếp theo đó, khủng hoảng tài chính nổ ra vào tháng 8 năm 2007 khi đến lượt cả các SPV và SIV cũng sụp đổ, rồi phát triển thành cuộc khủng hoảng tài chính 2008 khi cả những tổ chức tài chính khổng lồ như Lehman Brothers sụp đổ.

Sự sụp đổ của Lehman Brothers - Cuộc khủng hoảng 2008
Sự sụp đổ của Lehman Brothers

3. Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2008

Trước hết là đối với nước Mỹ, cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã biến thành cuộc khủng hoảng kinh tế, sản xuất đình trệ, nền kinh tế rơi vào suy thoái, thất nghiệp tăng lên. Khủng hoảng tài chính 2008 làm phá sản hàng loạt các tổ chức tài chính lớn, bao gồm các ngân hàng, công ty tài chính hàng đầu nước Mỹ.

  • Bear Stearn –  là một ngân hàng đầu tư toàn cầu, công ty môi giới và kinh doanh chứng khoán hàng đầu phố Wall, với bề dày lịch sử hoạt động hơn 85 năm trên thị trường tài chính Mỹ, đã tuyên bố phá sản ngày 16/3/2008.
  • Lehman Brothers, 1 trong 5 định chế tài chính cho vay lớn nhất nước Mỹ với 158 năm hoạt động, ngày 15/9/2008 đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản do thua lỗ, tổng số nợ lên đến 768 tỷ USD.
  • Tình hình thua lỗ, phá sản diễn ra với hàng loạt ngân hàng, công ty tài chính lớn khác như: Freddie Mac và Fannie Mae, Merrill Lynch & Co, Bank of Clark Country, National Bank of Commerce..

Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc, nhiều cổ phiếu rớt giá thế thảm:

  • Cả bốn chỉ số quan trọng của thị trường chứng khoán Mỹ là các chỉ số DowJone, S&P 500, Nasdaq và FTSE đều sụt giảm nghiêm trọng, một sự sụt giảm mạnh nhất từ những năm 1930 trở lại đây.
  • Cổ phiếu của ngân hàng Lehman Brother giảm 94%, cổ phiếu của Freddie và Fannie giảm 90%; từ đầu năm 2008 đến tháng 3/2009, cổ phiếu của AIG giảm 79%; cổ phiếu của City Group, Bank of America, Goldman Sachs giảm hơn 60%,…

Hoạt động sản xuất và tiêu dùng tại Mỹ cũng rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Doanh thu ngành sản xuất ô tô – một trong những ngành sản xuất quan trọng nhất của nước Mỹ sụt giảm nghiêm trọng.

  • Ba hãng sản xuất ô tô hàng đầu nước Mỹ là General Motor, Ford, Chrysler đều thua lỗ nặng nề.
  • Tháng 1 và tháng 2 năm 2008, Nortel Networks Corp – một trong những tập đoàn thiết bị viễn thông lớn nhất của Mỹ và Lyondell Chemical – một trong những nhà sản xuất hoá chất lớn nhất nước Mý đã phải nộp đơn xin bảo lãnh phá sản…

Kinh tế suy thoái, tiêu dùng suy giảm nghiêm trọng làm hàng loạt các công ty bán lẻ lớn của Mỹ như Circuit City Store Inc, Sharper Image Corp, Steve & Barry’s LLC…buộc phải phá sản hoặc xin bảo hộ phá sản. Sản xuất đình đốn, sa thải lao động làm thất nghiệp của Mỹ tăng liên tục và đạt mức cao nhất trong 25 năm qua, từ 2,59 triệu người năm 2007 lên 4,61 triệu người vào tháng 2/2009.

Không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi nước Mỹ, cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã làm chao đảo thị trường tài chính, làm phá sản nhiều nhiều tập đoàn kinh tế – tài chính lớn tại nhiều quốc gia, gây suy giảm nghiêm trọng các quan hệ thương mại, tài chính, đầu tư quốc tế và kinh tế thế giới nói chung: Các ngân hàng DZ Bank, Deutsche Bank, Sachsen LB, Northern Bank (Đức), ngân hàng Royal Bank (Scotland), công ty cho vay thế chấp Brandford & Binglay (Anh), Tập đoàn Bảo hiểm Yamato Life Insurance (Nhật Bản) ….và nhiều tổ chức tài chính đã buộc phải xin trợ giúp của chính phủ

Nghiên cứu của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, cuộc khủng khoảng tài chính 2008 đã làm tổn thất 50 nghìn tỷ USD trong tổng tài sản tài chính của thế giới, trong đó, các nước đang phát triển tại châu Á là những lợi chịu thiệt hại nặng nề hơn cả với tổng giá trị bị thiệt hại là 9,6 nghìn tỷ USD, cao hơn tổng giá trị GDP trong một năm của những nước này.

Mặc dù chỉ có hơn 20 nước chính thức tuyên bố rơi vào suy thoái kinh tế do tác động của khủng hoảng tài chính 2008, nhưng trên thực tế hầu hết các nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng, gặp khó khăn và suy giảm tốc độ tăng trưởng ở các mức độ khác nhau.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2009, kinh tế thế giới tăng trưởng chỉ còn 0,9%, tốc độ tăng trưởng của các nước OECD là -0,3% (trong đó, của Mỹ là -0,9%, khu vực đồng EURO là – 0,6%), tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển là chỉ là 4,5%

4. Phần kết

10.000 tỷ USD bị thổi bay, gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đều chịu ảnh hưởng, hơn 30 triệu người mất việc, 50 triệu người quay lại chuẩn dưới nghèo là cái giá “đắt đỏ” phải trả cho cuộc khủng hoảng 2008.

Thế giới rõ ràng đã rút ra được những bài học đắt giá từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, chu kỳ 10 năm một cuộc khủng hoảng cũng khó có thể tài diễn ở hiện tại. Tuy nhiên, với yếu tố không chắc chắn kể trên, nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tương lai vẫn hiện hữu, và chắc chắn một khi đã xảy ra, quy mô chỉ có thể lớn hơn chứ không giảm đi.