Covid-19 – “cú hích” làm bùng nổ dịch vụ ngân hàng điện tử

e-Banking. Ngân hàng điện tử

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang thực hiện lộ trình hội nhập vào kinh tế thế giới đã đặt ra những thách thức cho các ngân hàng thương mại trong nước. Vì vậy, để nâng cao năng lực của mình trước sức ép cạnh tranh từ những sản phẩm dịch vụ hiện đại của các ngân hàng đến từ nước ngoài, các ngân hàng thương mại trong nước không chỉ hoàn thiện những nghiệp vụ truyền thống, mà còn phải đưa ra các sản phẩm ứng dụng ngân hàng hiện đại mang tính tương đồng hoặc hơn thế nữa.

Ngoài việc cải cách về nguồn lực tài chính, năng lực con người, kinh nghiệm quản trị, chất lượng dịch vụ,… ngân hàng còn phải đa dạng sản phẩm dịch vụ điện tử như Home banking, SMS banking, Mobile banking, đặc biệt là sản phẩm dịch vụ về ngân hàng điện tử. Tại các nước phát triển, từ lâu việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành xu hướng thanh toán được thúc đẩy mạnh mẽ, tuy nhiên đây vẫn là khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Vậy cụ thể ngân hàng điện tử là gì? Hãy cùng tôi tìm hiểu rõ hơn về nó trong bài viết này nhé.

e-Banking. Ngân hàng điện tử

Khái quát về ngân hàng điện tử

Trước khi tiếp cận với khái niệm dịch vụ ngân hàng điện tử, chúng ta cùng tìm hiểu về thương mại điện tử vì ngân hàng điện tử chính là ứng dụng của thương mại điện tử trong lĩnh vực ngân hàng:

  • Thương mại điện tử (TMĐT) là một khái niệm dùng để chỉ quá trình mua và bán một sản phẩm (hữu hình) hoặc dịch vụ (vô hình) thông qua một mạng điện tử (electronic network), phương tiện trung gian (medium) phổ biến nhất của TMĐT là Internet. Qua môi trường mạng, người ta có thể thiết lập giao dịch, thanh toán, mua bán bất cứ sản phẩm gì từ hàng hoá cho đến dịch vụ, kể cả dịch vụ ngân hàng.
  • Dịch vụ ngân hàng điện tử (e-banking) được hiểu là các nghiệp vụ, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng được phân phối trên các kênh điện tử như Internet, điện thoại, mạng không dây, … Hiểu theo nghĩa trực quan, đó là loại dịch vụ ngân hàng được khách hàng thực hiện nhưng không phải đến quầy giao dịch gặp nhân viên ngân hàng. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, đây là sự kết hợp giữa một số hoạt động dịch vụ ngân hàng truyền thống với công nghệ thông tin (CNTT) và điện tử viễn thông. E-banking là một dạng của thương mại điện tử ứng dụng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Phân biệt e-Banking và i-Banking

e-Banking và i-Banking. Ngân hàng điện tử

Hiện nay ở nước ta một số người vẫn thường đồng nhất dịch vụ internet banking (i-Banking) với dịch vụ ngân hàng điện tử (e-Banking). Trên thực tế, dịch vụ e-Banking có nội hàm rộng hơn i-Banking rất nhiều. Nếu như i-Banking chỉ đơn thuần là việc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua mạng internet, thì dịch vụ e-Banking còn bao hàm cả việc cung cấp các dịch vụ thông qua một số phương tiện khác như: fax, điện thoại, e-mail,…

Như vậy, i-Banking là một bộ phận của e-Banking và với những tiện ích của internet so với các phương tiện khác là giá giao dịch tương đối rẻ, tốc độ nhanh và có thể truyền được dữ liệu tới khắp mọi nơi trên thế giới một cách nhanh nhất thì i-Banking được coi là linh hồn của e-Banking.

Xem thêm sự khác nhau giữa e-Banking và i-Banking tại đây

Sự phát triển của e-Banking ở Việt Nam

Phát triển dịch vụ e-Banking là xu hướng tất yếu ở nước ta cũng như trên thế giới do công nghệ thông tin ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi; Do những hạn chế của giao dịch trực tiếp; Do tính ưu việt của dịch vụ e-Banking và đặc biệt do sự cạnh tranh mạnh mẽ của các ngân hàng trong mối quan hệ giữa phát triển khách hàng, tăng nguồn thu với việc không tăng chi phí tương ứng,…

Nhìn chung hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các ngân hàng cung cấp cho khách hàng các sản phẩm dịch vụ e-Banking như: Các loại thẻ điện tử (Cards) và máy rút tiền tự động (ATMs); Hệ thống thanh toán điện tử tại các điểm bán hàng (POS), kể cả thanh toán các dịch vụ khác; Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại (Telephone Banking); Trung tâm dịch vụ khách hàng (Call Contact hay Call Center); Dịch vụ ngân hàng qua mạng Internet (Internet Banking hay Online Banking); Dịch vụ ngân hàng tại nhà (Home Banking); Dịch vụ ngân hàng qua mạng viễn thông không dây (Mobile Banking – Wireless Banking); Ví điện tử (eWallet), Tiền điện tử (Digital Cash).

Bùng nổ cuộc chiến giữa ví điện tử và ngân hàng số thời 4.0

Thanh toán không dùng tiền mặt. Ngân hàng điện tử

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và trở thành “cú hích” khiến dịch vụ ngân hàng điện tử bùng nổ. Năm 2021, các ngân hàng thương mại tiếp tục đầu tư để phát triển dịch vụ ngân hàng theo xu thế này. Một thực tế là với các ngân hàng thương mại, dịch Covid-19 đã đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, vì nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã chuyển đổi hoàn toàn mô hình bán hàng sang trực tuyến hoặc đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến song song với hình thức kinh doanh truyền thống.

Trưởng phòng Phát triển kênh kinh doanh thay thế, khối bán lẻ (Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – VietinBank) Lê Anh Tuấn cho biết: “Trên nền tảng công nghệ tiên tiến, VietinBank tiếp tục tiên phong cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử. Trong đó, VietinBank iPay Mobile có thể giúp khách hàng quản lý tài khoản thanh toán, tài khoản thẻ tín dụng, truy vấn số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm, mua sắm trực tuyến…”. Việc này nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

thanh toán không dùng tiền mặt. ngân hàng điện tử

Theo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đều tích cực đầu tư đổi mới, phát triển dịch vụ bằng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Hiện, Việt Nam có 78 ngân hàng triển khai internet banking và 49 ngân hàng có ứng dụng mobile banking. Khoảng 30 ngân hàng và 6 tổ chức trung gian thanh toán triển khai dịch vụ QR code. Các chuyên gia cho rằng, năm 2021 sẽ tiếp tục là một năm bùng nổ của dịch vụ ngân hàng điện tử.

Chuyển đổi số: Cuộc chạy đua khốc liệt giữa các ngân hàng Việt Nam năm 2021

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Theo đó, ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM); xây dựng sửa đổi bổ sung các thông tư, hướng dẫn Nghị định TTKDTM; xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng;… Ngoài ra, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán đã tích cực nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, tích hợp kết nối các dịch vụ khác trong nền kinh tế; thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, nâng cao sự trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng.

thanh toán hoá đơn trực tuyến. ngân hàng điện tử

Nhiều phương thức, giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí đã ra đời với những tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích to lớn và giá trị thiết thực cho khách hàng. Những cố gắng đó đã được phản ánh qua số liệu tăng trưởng, cụ thể: Thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng mạnh hằng năm, 90% về số lượng và 150% về giá trị; nhiều ngân hàng đạt hơn 90% giá trị giao dịch thực hiện trên kênh số hóa. Trong 9 tháng năm 2021, thanh toán qua Mobile Banking tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; thanh toán qua Internet Banking tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Hạn chế của dịch vụ ngân hàng điện tử

Mặc dù, đạt được một số kết quả nhưng phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử vẫn còn một số hạn chế, đó là: Cơ sở hạ tầng cho thanh toán số đã phát triển mạnh trong thời gian gần đây, nhưng vẫn chưa đồng bộ. Cho đến nay, hệ thống ATM/POS vẫn chủ yếu tập trung ở 5 thành phố lớn là: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, trong khi số lượng ATM/POS ở các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn còn hạn chế.

Các giao dịch thông qua ATM hầu hết là để rút tiền mặt; còn lại là giao dịch chuyển khoản và thanh toán. Hạ tầng thanh toán số trên di động, hóa đơn điện, nước, truyền hình, điện thoại, internet, bảo hiểm, tài chính cá nhân, hành chính công… đã được triển khai nhưng phạm vi chưa tương xứng với tiềm năng thị trường.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa hệ thống thẻ của các ngân hàng chưa thực sự hoàn hảo. Ngoài ra, các sự cố an ninh bảo mật cũng là hạn chế lớn của dịch vụ ngân hàng điện tử, nhiều trường hợp khách hàng bị đánh cắp dữ liệu, làm thẻ giả, rút tiền trái phép tại các máy ATM hoặc phải thanh toán những khoản nợ thẻ tín dụng mà khách hàng không thực hiện.

Tham khảo thêm các bài viết liên quan:

Người thực hiện: Bùi Khánh Linh

Mã sinh viên: 19051324

Lớp: QH-2019-E KTQT CLC 3