Xôi xéo từ lâu đã trở thành một món đặc sản của Hà Nội. Chỉ khi tự mình thưởng thức những nắm xôi xéo thơm ngon, nóng hổi, ta mới hiểu tại sao một món ăn bình dị, dân dã và vô cùng dễ nấu lại hấp dẫn này nhiều người dân đến như vậy. Vậy còn chần chừ gì mà không lăn ngay vào bếp với công thức nấu xôi xéo chuẩn vị đất Thủ đô ngay dưới đây!
Nội dung bài viết
Xôi xéo – món ăn sáng đặc sản Hà Thành
Xôi xéo được ví như nắng sớm đầu ngày, bởi thứ màu vàng óng ả, đẹp tinh tươm, bọc trong lá sen thơm hay lá chuối đậm xanh như gói hết cả phong vị của đất trời. Bên cạnh những đặc sản nức tiếng của Hà Nội như phở, bánh mì, bánh cuốn,… xôi xéo là một trong những món ăn sáng luôn được lựa chọn hàng đầu những món ăn sáng luôn được người dân lựa chọn hàng đầu.
Lý do không chỉ vì sự dẻo thơm, nóng hổi, cung cấp đầy đủ năng lượng cho một buổi sáng mà xôi xéo còn có thể ăn quanh năm, đặc biệt là vào những ngày Hà Nội trở đông, chắc dạ mà không lo đầy bụng. Đồng thời, bạn có thể dễ dàng mua cho mình một vò xôi thơm ngon vì những gánh xôi nóng hổi đong đầy nét xưa đã len lỏi vào từng con phố, ngã rẽ của Hà Nội.
Không ai lý giải được ý nghĩa của cái tên “xôi xéo”, song cách lý giải phổ biến nhất là do người bán hàng cắt xéo những viên đậu xanh thành từng lát mỏng, rồi rải đều lên từng vò xôi. Một nắm xôi vàng ươm ngập đỗ xanh, hành phi hòa quyện với mỡ gà và chà bông được bọc trong những chiếc lá chuối vô cùng dân dã mà đã đi vào tiềm thức của bao người con đất Việt.
Người Hà Nội còn nói vui rằng, xôi tuy “xéo” nhưng mà chẳng ai đi, càng đuổi thì càng được nhiều thực khách tự níu chân ở lại, thưởng thức sự thơm ngon, béo ngậy đặc trưng của món xôi này.
Thậm chí, nhiều người còn tìm hiểu công thức nấu xôi xéo truyền thống này để nấu tại nhà cho mình và người thân. Bài viết dưới đây chia sẻ đầy đủ cách làm cũng như những lưu ý khi nấu xôi xéo bạn nên biết, chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng!
Công thức nấu xôi xéo dẻo thơm, đậm vị truyền thống
Nguyên liệu cần chuẩn bị
Món ăn sáng quốc dân của người Hà Nội này thường được nấu trong thời gian trung bình từ 50 – 60 phút với những nguyên liệu vô cùng đơn giản. Cụ thể:
- 600gr gạo nếp cái hoa vàng;
- 400gr đậu xanh cà vỏ;
- 100gr bột nghệ;
- 5 củ hành khô;
- Mỡ gà hoặc mỡ lợn;
- Gia vị: bột nghệ, muối, nước mắm, dầu ăn.
Lưu ý: Nguyên liệu trên đây có thể đáp ứng khẩu phần của 5 – 6 người ăn. Bạn có thể tùy chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Cách làm xôi xéo chuẩn vị thủ đô vô cùng đơn giản
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Đầu tiên, mang gạo nếp vo sạch rồi ngâm với 1/2 thìa bột nghệ cùng với 1/4 thìa muối trong vòng 8 giờ. Sau đó, vớt gạo ra rồi để ráo. Lúc này, gạo nếp đã ngấm bột nghệ nên có màu vàng ươm vô cùng bắt mắt.
Bên cạnh đó, loại gạo nếp thích hợp nhất để nấu xôi xéo là nếp cái hoa vàng, hay còn gọi là nếp ả vì sự dẻo thơm đặc biệt. Song, nếu trong gian bếp của bạn không sẵn có loại gạo này, bạn có thể sử dụng loại gạo khác.
Đồng thời, nếu bạn không có bột nghệ thì có thể dùng nghệ tươi giã nhỏ (một lượng vừa đủ) hoặc thủ công hơn là ngâm gạo nếp bằng lá dành dành như ngày xưa ông bà hay làm.
Lưu ý: Trong quá trình ngâm gạo nếp, bột nghệ rất dễ lắng xuống đáy. Vì vậy, thỉnh thoảng bạn nên dùng đũa đảo đều để tránh tình trạng gạo nếp lên màu không đều.
- Tiếp theo, vo sạch đậu xanh cà vỏ. Loại bỏ những hạt lép, sâu bẩn có trong đậu. Sau đó, ngâm đậu trong khoảng 3 – 4 tiếng rồi vớt ra, để ráo;
- Mỡ gà (mỡ lợn) rửa sạch, thái những miếng mỡ gà (mỡ lợn) thành con chì. Bắc chảo lên để đun những miếng mỡ này chảy ra, đảo đều tay để không bị cháy khét. Đến khi tóp mỡ vàng giòn, bạn chắt lấy riêng nước mỡ để sau sử dụng;
- Hành tím bóc vỏ, thái thành khoanh mỏng vừa phải (khoảng 2cm) để hành không bị cháy quá nhanh, phi xong hành còn tép, nhai vào có thể cảm nhận được độ giòn của hành phi.
Lời khuyên: Bạn có thể dùng tóp mỡ sau khi chiên để nấu những món ăn ngon, tham khảo thêm tại đây.
Bước 2: Làm nhân đậu xanh
- Đầu tiên, trộn phần đậu xanh đã làm sạch với 1 thìa muối rồi cho vào hấp cách thủy trong vòng 15 – 20 phút. Chú ý dàn đều đậu xanh trong xửng để đậu được chín đều, không bị chỗ sống chỗ chín;
- Sau khi đậu chín, cho 2 thìa dầu ăn vào rồi tán nhuyễn bằng thìa hoặc cho vào cối dùng chày giã nhuyễn;
Một kinh nghiệm nhỏ rằng nếu bạn muốn biết xem đậu xanh chín chưa, bạn chỉ cần lấy một hạt đậu miết nhẹ. Nếu hạt đậu bở tơi ra, tức là đậu đã chín rồi.
- Sau đó, hấp lại hỗn hợp đậu xanh vừa tán nhuyễn trong vòng 3 phút để đậu được nhừ hơn;
- Vo thành từng viên tròn vừa ăn, ép chặt để đậu dính vào nhau. Bạn có thể sử dụng luôn đậu vừa tán nhuyễn thay vì vo thành từng nắm.
Lưu ý: Bạn nên tán nhuyễn và vo đậu xanh khi còn nóng vì đậu sẽ dễ dính và dễ nhào hơn.
Bên cạnh đó, nếu bạn là một tín đồ ẩm thực thì có thể tham khảo thêm 6 món đặc sản của kinh đô Huế bạn nhất định phải thử.
Bước 3: Đồ xôi
Tùy thuộc vào từng loại gạo nếp bạn chọn thì lượng nước đồ xôi sẽ thay đổi tương ứng. Bạn nên tham khảo kỹ loại gạo mình sử dụng có ưa nước hay không. Nếu bạn cho quá nhiều nước thì xôi rất dễ nhão, không tơi, rền. Còn nếu bạn cho ít nước quá thì xôi lại khô và cứng.
Đồng thời, bí quyết để đồ xôi rền, thơm ngon, chín đều đó chính là bạn nên đồ xôi 2 lần.
- Gạo nếp sau khi đã được để ráo thì cho vào nồi hấp cách thủy lần 1 trong vòng 20 – 25 phút. Sau đó, mở nắp nồi hấp cách thủy và cho 1 thìa mỡ hoặc 1 thìa dầu ăn vào, xới đều;
- Tiếp tục để xôi nguội ở nhiệt độ phòng khoảng 2 – 3 tiếng. Mục đích của việc này chính là muốn hạt gạo sẽ được săn hơn, dẻo quyện hơn;
Bước này bạn có thể bỏ qua nếu như bạn không có quá nhiều thời gian.
- Sau khoảng thời gian đó, tếp tục hấp cách thủy thêm trong khoảng 15 – 20 phút nữa để dầu được thấm đều vào xôi rồi tắt bếp.
Lưu ý: Bạn nên dùng mỡ gà hoặc mỡ lợn thay vì dùng dầu ăn vì xôi xéo được trộn với mỡ gà (mỡ lợn) sẽ dẻo hơn, thơm hơn, đậm vị hơn.
Bước 4: Làm hành phi
- Bắc chảo (nồi) lên bếp, đổ dầu hoặc mỡ vừa đun vào. Bạn nên để lượng dầu (mỡ) nhiều một chút, ngập kín phần hành để hành sẽ chín đều, thơm lừng, giòn rụm;
- Dầu (mỡ) đã nóng già thì cho phần hành tím đã thái sẵn vào đảo đều;
- Khi hành dần chuyển sang màu vàng, bạn đảo thấy cứng hơn thì phải bắc xuống bếp ngay;
- Cuối cùng, bạn vớt hành ra bát. Lót một ít khăn giấy hoặc để vào muôi thủng để giảm bớt lượng dầu có trong hành, giúp hành giòn hơn, không bị ỉu, đồng thời cũng bảo đảm sức khỏe cho bạn hơn.
Lưu ý: Không nên để hành chuyển sang màu vàng hẳn như thành phẩm mới bắc xuống vì như thế hành sẽ rất dễ bị cháy khét (do nhiệt độ dầu khá cao). Đặc biệt, khi phi hành, nhiệt độ cao khiến dầu sẽ sủi bóng to, trào lên vì thế bạn nên dùng chảo hoặc nồi có thành cao.
Bước 5: Trình bày và thưởng thức xôi xéo
- Thái viên đậu xanh đã vo tròn thành các lát mỏng;
- Xơi xôi nóng hổi ra bát (đĩa) hoặc lá chuối (lá sen) đã rửa sạch, cho các lát đậu xanh vừa cắt lên trên;
- Rắc thêm hành phi thơm giòn đã chuẩn bị để món xôi xéo chuẩn vị hơn.
Vậy là món xôi xéo Hà Nội truyền thống đã được hoàn thành. Hạt xôi xéo vàng ươm, căng mẩy, dẻo rền kết hợp với đỗ xanh cắt lát mỏng mịn màng, ăn thơm bùi mà không bị khô là một sự kết hợp vô cùng hấp dẫn. Một miếng xôi mang đủ vị ngọt, mặn của gạo nếp, đậu xanh, béo ngậy của nước mỡ gà (lợn) cùng với mùi hăng, độ giòn đặc trưng của hành phi tan ngập trong khoang miệng, khiến ai ai cũng muốn ăn thêm một miếng.
Nếu bạn cũng quan tâm đến những món ăn gia đình khác, bạn có thể tham khảo thêm 5 bước làm nem rán siêu đơn giản tại nhà.
Cách thưởng thức xôi xéo ngon, chuẩn vị Hà Nội
Cầm nắm xôi nóng hổi vừa làm xong trên tay, chắc chắn bạn sẽ bị hấp dẫn ngay bởi cả màu sắc và mùi vị của xôi xéo. Tuy nhiên, để có trải nghiệm với món xôi xéo truyền thống này được trọn vẹn nhất thì bạn có thể tham khảo thêm một số tips nhỏ dưới đây nhé:
Thêm chút mỡ gà (mỡ lợn)
Nếu bạn cảm thấy xôi chưa đạt được độ dẻo như mong đợi thì bạn có thể cho thêm một chút mỡ đã chuẩn bị từ trước đó. Mỡ hành giúp xôi được dẻo hơn, đậm vị hơn và ngậy mùi hơn nhiều.
Tuy nhiên, bạn nên thêm từ từ mỡ lợn (mỡ gà) vào nắm xôi để có thể kiểm soát được lượng mỡ. Thêm quá nhiều mỡ thì bạn rất dễ bị ngán khi ăn xôi, đồng thời nếu ăn nhiều mỡ trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.
Ăn lúc còn nóng
Xôi khi còn nóng sẽ rất mềm dẻo, mùi thơm của các nguyên liệu trong xôi sẽ ập ngay lên người của bạn. Chính vì thế, bạn nên thưởng thức xôi xéo ngay khi còn nóng vì nếu để xôi nguội thì ăn sẽ bị cứng, không còn mềm dẻo, đậm vị như trước.
Đặc biệt, việc ăn đồ nếp khi bị nguội trong một thời gian lâu dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bạn, đặc biệt không tốt với những người bị đau dạ dày.
Nếu bạn quan tâm nhiều về chủ đề sức khỏe, bạn có thể tìm hiểu thêm những nhóm người nên hạn chế ăn xôi quá thường xuyên.
Ăn kèm với nhiều món khác
Ngày nay, cuộc sống của người dân Việt ngày càng cải thiện nên nhu cầu ăn uống cũng được nâng cao hơn. Theo thời gian, món xôi xéo truyền thống từ những nguyên liệu ăn kèm rất cơ bản như đậu xanh, hành phi và chà bông,… đã được bổ sung thêm nhiều đồ ăn kèm nhiều dinh dưỡng giúp mọi người dễ ăn hơn, đa dạng hơn.
Tùy khẩu vị của mỗi người mà có thể thêm những nguyên liệu thơm ngon khác nhau như: chả trứng, pate, gà luộc, thịt kho tàu,… Đây đều là những món ăn truyền thống của Việt Nam với những hương vị khác nhau nhưng vô cùng dễ ăn, đạm vị đã tạo ra một sự kết hợp hoàn hảo trong món xôi xéo.
Dù ở thời điểm nào, xôi xéo luôn có một sức hút lạ kỳ, cả với người Hà Nội với các du khách khi đến đây. Sức hút ấy không chỉ nằm ở sự thơm ngon bổ dưỡng mà còn bởi sự đa dạng trong khẩu vị của từng quán ăn truyền thống của thủ đô, khiến cho nhiều thực khách khó chọn được đâu là “quán tủ” của mình.
Nếu bạn muốn thử thêm mùi vị của nhiều loại xôi xéo khác nhau thì có thể tham khảo thêm một vài gợi ý về top 10 quán xôi xéo Hà Nội ngon nức tiếng lâu đời.
Trên đây là toàn bộ công thức làm xôi xéo vô cùng đơn giản mà vẫn giữ được trọn vẹn hương vị Hà Nội xưa cũng như những tips giúp bạn thưởng thức món đặc sản này một cách đúng nhất.
Hy vọng những chia sẻ trong bài viết có thể giúp ích được bạn giúp bạn tự tay nấu được những bát xôi xéo dẻo thơm, béo ngậy cho mình và người thân. Còn ngại ngần gì mà không thử ngay và chia sẻ thành phẩm của mình cho mọi người ngay!
Một số chủ đề khác có thể bạn quan tâm:
- Khám phá top các yếu tố thu hút FDI Trung Quốc vào Việt Nam 2012-2020
- 7 bước giúp bạn trở thành affiliate marketing kiếm thêm thu nhập
- Chi phí đi du lịch Hạ Long từ A đến Z
Người thực hiện: Phạm Thị Trung An
Mã sinh viên 21050760
Lớp QH2021E KTQT CLC 4
Lớp học phần INE3 104 5