Nội dung bài viết
Mở đầu
Nhiều người nghĩ rằng kế toán nội bộ là kế toán tiền lương, công nợ hay làm kho… Tuy nhiên, trên thực tế, khi làm kế toán nội bộ của một doanh nghiệp lại bao gồm nhiều phân loại công việc khác biệt ở nhiều vị trí khác nhau. Vậy kế toán nội bộ là gì? Hãy cùng tìm hiểu những điều cần biết về công việc kế toán nội bộ nhé!
1. Kế toán nội bộ là gì?
Kế toán nội bộ hay còn gọi là kế toán quản trị. Kế toán nội bộ là vị trí xử lý các số liệu phát sinh khi không có hóa đơn, chứng từ. Mục đích của hoạt động thống kê, phân tích các số liệu này đó chính là tính được lãi lỗ trong hoạt động kinh doanh của công ty. Từ đó, công ty có thể quyết định được chiến lược phù hợp nhất, giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài trong tương lai.
Tìm hiểu thêm: Kế toán quản trị – 6 công việc mà một kế toán quản trị cần nắm
2. Công việc của kế toán nội bộ
Công việc của kế toán nội bộ khá đa dạng, phải đảm nhiệm ghi chép những hoạt động diễn ra hàng ngày vào sổ sách kế toán, gồm các công việc cụ thể như:
- Phát hành, kiểm soát, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ kế toán nội bộ và theo đúng trình tự để luân chuyển hợp lý.
- Hạch toán các chứng từ kế toán nội bộ.
- Lưu giữ chứng từ kế toán an toàn, khoa học.
- Phối hợp và kiểm soát các công việc, phối hợp với kế toán nội bộ khác.
- Dựa theo yêu cầu nhà quản trị lập các báo cáo đột xuất, lập báo cáo năm, quý, tháng, tuần.
- Thống kê, phân tích các số liệu về tình hình kinh doanh của công ty. Sau khi có số liệu bản báo cáo cụ thể sẽ đưa ra phân tích, góp ý tư vấn cho giám đốc điều hành.
Tuy nhiên, cần chú ý, mỗi doanh nghiệp sẽ có những công việc kế toán nội bộ khác nhau dựa vào đặc trưng hoạt động hay năng lực nhân viên.
3. Phân loại kế toán nội bộ
3.1 Kế toán thu chi (thủ quỹ)
Người quản lý chứng từ thu chi và phát sinh trong doanh nghiệp được gọi là kế toán thu chi. Những chứng từ này cực kỳ quan trọng, bởi lẽ nó dùng để chứng minh, giải trình về chi phí phát sinh liên quan cơ quan khác với cơ quan thuế. Vì vậy, kế toán cần phải lưu ý những giấy tờ có liên quan đến việc doanh nghiệp hoạt động nếu đảm nhận vai trò kế toán thu chi trong công ty. Dựa theo quy định công ty, quỹ tiền mặt, chứng từ đi kèm, kế toán thu chi sẽ phải quản lý mọi khoản thu, chi phí phát sinh.
3.2 Kế toán kho
Kế toán kho thường làm việc tại kho chứa nguyên vật liệu, hàng hóa của doanh nghiệp. Họ sẽ chịu trách nhiệm trong việc lập hóa đơn chứng từ theo dõi hàng hóa trong kho một cách chi tiết:
- Tình hình hàng nhập – xuất – tồn
- Đối chiếu chứng từ, hóa đơn, sổ sách do thủ kho trình lên so với thực tế từ đó hạn chế cho doanh nghiệp những thất thoát, rủi ro.
3.3 Kế toán ngân hàng
Kế toán ngân hàng là vị trí bao gồm các công việc như:
- Thu thập, ghi chép, xử lý, phân tích những thông tin, nghiệp vụ về tài chính, kinh tế
- Cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý hoạt động tiền tệ ở ngân hàng
- Cung cấp thông tin cho cá nhân, tổ chức theo đúng quy định mà pháp luật đề ra
3.4 Kế toán tiền lương
Dựa trên các dữ liệu có sẵn như bảng theo dõi công tác, bảng chấm công, hợp đồng lao động, phiếu làm thêm giờ, hợp đồng khoán… kế toán tiền lương sẽ phụ trách việc hạch toán tiền lương. Từ đây, kế toán sẽ có nhiệm vụ lập bảng tính lương, thanh toán cho người lao động lương thưởng, chế độ bảo hiểm tương ứng. Kế toán tiền lương có vai trò cực kỳ quan trọng về đảm bảo những quyền lợi mà người lao động được hưởng:
- Tính lương đúng và đủ
- Trả đủ lương, phụ cấp, trợ cấp cũng như thưởng theo quy định → người lao động yên tâm làm việc
- Hạn chế tối đa phát sinh mâu thuẫn hay những tranh chấp, bất đồng liên quan tới lương → giúp doanh nghiệp quản lý nhân sự hiệu quả, ổn định sản xuất.
3.5 Kế toán bán hàng
- Làm thẻ vip cho khách hàng nếu khách có nhu cầu
- Thực hiện những nghiệp vụ kế toán của công ty phát sinh
- Nhập lên phần mềm kế toán số liệu hàng hóa mua vào bán ra
- Tổng hợp số liệu hàng hóa bán và mua hàng ngày để báo cáo cho trưởng phòng kế toán
- Hỗ trợ công việc cho kế toán tổng hợp
- Đối chiếu số liệu trên phần mềm với công nợ và số liệu kho về việc mua bán hàng
- Hỗ trợ bộ phận kế toán khi cần
- Theo dõi, tính chiết khấu cho khách hàng
Cuối ngày:
- Tính tổng giá trị hàng đã bán, nếu có sẽ tính luôn thuế giá trị gia tăng trong ngày
- Kiểm tra số lượng xuất, tồn vào cuối ngày để làm việc, đối chiếu với thủ kho
3.6 Kế toán công nợ
Công việc của kế toán công nợ sẽ bao gồm:
- Xác nhận chứng từ thanh toán, hóa đơn bán hàng
- Kiểm tra công nợ
- Lập bút toán chuyển công nợ dịch vụ, hàng hóa
- Theo dõi dõi các thông tin khách hàng thanh toán
- Lập báo cáo công nợ và công nợ đặc biệt.
- Công nợ tạm ứng và công nợ ủy thác
3.7 Kế toán tổng hợp
Dựa theo chỉ tiêu giá trị của doanh nghiệp, kế toán tổng hợp sẽ chịu trách nhiệm ghi pháp, phản ánh từ đó thống kê theo cách tổng quát những dữ liệu trên sổ sách kế toán, tài khoản, báo cáo tài chính. Hay hiểu một cách đơn giản, kế toán tổng hợp có vai trò rất quan trọng trong việc chịu trách nhiệm chung về số liệu trên sổ kế toán từ chi tiết đến tổng hợp. Người đảm nhận vị trí này sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết chính xác các vấn đề tài chính.
3.8 Kế toán trưởng
Kế toán trưởng là người có trình độ, kiến thức chuyên môn cao, năng lực điều hành cũng như phẩm chất đạo đức tốt. Người này có khả năng tổ chức được công tác kế toán trong đơn vị hạch toán cơ sở độc lập. Hầu hết trong các đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp công ty, kế toán trưởng luôn là người làm việc dưới quyền của giám đốc tài chính.
Kế toán trưởng có chức năng tổ chức, kiểm tra công tác kế toán ở doanh nghiệp mà mình đảm nhận. Như vậy, kế toán trưởng đóng vai trò giúp việc trong lĩnh vực tài chính, chuyên môn kế toán cho giám đốc điều hành. Kế toán trưởng là người chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ của kế toán trưởng các cấp trên đồng thời chịu sự lãnh đạo trực tiếp của giám đốc doanh nghiệp về mặt tài chính. Nhà nước quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, thưởng, thuyên chuyển kỷ luật kế toán trưởng…
3.9 Kiểm soát nội bộ
Công việc của kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp thường là:
- Giám sát chất lượng nhân viên, hoạt động của doanh nghiệp
- Giám sát sự hỏng hóc của trang thiết bị, hệ thống, hạ tầng cơ sở, sự mở rộng, phát triển của doanh nghiệp
- Giám sát chi phí quản lý
Để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, kế toán kiểm soát nội bộ phải nắm kịp thời kết quả điều tra từ đó có đề xuất hợp lý.
4. Yêu cầu đối với công việc của một kế toán nội bộ
Kế toán nội bộ không chỉ cần nắm rõ công việc mình cần làm, họ còn phải rèn luyện nhiều kỹ năng khác để trở thành một kế toán chuyên nghiệp, chẳng hạn:
- Nghiệp vụ kế toán thành thạo: Sau khi nhuần nhuyễn các quá trình đào tạo chuyên ngành kế toán, anh chị kế toán cần nắm rõ các nghiệp vụ thống kê, lưu trữ, làm báo cáo, làm hồ sơ…
- Nhanh nhạy trong khả năng tính toán: Ngoài việc dùng các phần mềm hỗ trợ rất hiện đại, các anh chị kế toán cần rèn luyện khả năng tính toán để hạn chế tối đa sai số.
- Biết cách sử dụng máy tính hiệu quả: Rèn luyện kỹ năng sử dụng phần mềm cũng như sử dụng tin học văn phòng tốt.
- Tuyệt đối bảo mật thông tin: Nếu để lộ rò rỉ thông tin ra ngoài, kế toán nội bộ có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì vậy, kỹ năng bảo mật thông tin chặt chẽ là điều cực kỳ cần thiết mà mỗi kế toán cần có.
- Giao tiếp: Để phối hợp tốt với các bộ phận khác, kế toán nội bộ cũng cần khả năng giao tiếp tốt.
5. Quy trình kế toán nội bộ
Quản lý trong quy trình kế toán nội bộ thường bao gồm:
- Quy trình kế toán thuế → Phục vụ báo cáo cho nhà nước
- Quy trình kế toán tài chính → Phục vụ báo cáo cho chủ (chủ sở hữu và chủ nợ)
- Quy trình kế toán quản trị → Phục vụ báo cáo cho lãnh đạo công ty
Bài viết liên quan:
Những điều sinh viên cần biết khi lựa chọn ngành kế toán năm 2022
Kế toán tài chính là gì? 5 điều cơ bản cần biết về kế toán tài chính
Kế toán nội bộ là gì? Bí quyết thành kế toán nội bộ đạt lương khủng
Người thực hiện: Từ Thị Thu Hà
Mã sinh viên: 18040802
Lớp học phần: INE3104 3