Giá cước vận tải biển 2021 tăng phi mã, vận tải biển Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào?

Đại dịch COVID-19 đã gây nên tình trạng thiếu container và tắc nghẽn tại các cảng trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng của người dân cao, khiến giá cước vận tải biển thế giới tăng phi mã năm 2021. Bên cạnh đó, một thực tế tại Việt Nam là giá cước và mức phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển của các hãng tàu nước ngoài tại nước ta lại đang là “vùng tối”. Điều này càng đặt thêm một vấn đề cho vận tải biển và các doanh nghiệp tham gia logistic Việt Nam trước sự tăng cao của giá cước vận tải biển.

Nguyên nhân, tình hình tăng giá cước vận tải biển trên thế giới và Việt Nam như thế nào, Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi tình hình tăng giá cước không và giải pháp cho vấn đề này là gì? Bài viết sau sẽ giải thích những câu hỏi đặt ra cho vận tải biển Việt Nam.

1. Vận tải biển là gì? Giá cước vận tải biển được tính như thế nào?

1.1. Vận tải đường biển là gì?

Vận tải đường biển là hình thức vận chuyển hàng hóa sử dụng phương tiện và cơ sở hạ tầng đường biển để phục vụ cho mục đích vận chuyển. Phương tiện thường dùng sẽ là các tàu thuyền và phương tiện xếp, tháo gỡ hàng hóa như xe cần cẩu…

Cơ sở hạ tầng để phục vụ cho vận tải đường biển bao gồm các cảng biển, các cảng trung chuyển…

1.2. Giá cước vận tải biển được tính như thế nào?

Giá cước vận tải biển được tính như thế nào? - Giá cước vận tải biển phi mã, vận tải biển Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào?
Giá cước vận tải biển được tính như thế nào?

Cách tính cước phí vận chuyển đường biển không cố định mà phải căn cứ vào khoảng cách, trọng lượng, hãng tàu, Forwarder (trung gian vận chuyển). Các doanh nghiệp có thể tính chi phí vận chuyển hàng hóa đường biển bằng cách dưới đây.

Đơn vị tính cước vận chuyển đường biển được áp dụng theo 2 phương thức

  • Tính theo trọng lượng thực tế của hàng hóa vận chuyển (số kilogram)
  • Tính chi phí vận chuyển hàng hóa theo thể tích của hàng hóa (CBM: cubic meter hay còn gọi là mét khối): Dựa vào công thức (Dài x Rộng x Cao)

Sau đó áp dụng theo quy chuẩn quốc tế sẽ có được cách tính cước phí vận chuyển đường biển như sau:

  • 1 tấn < 3 CBM: hàng hóa nặng, cách tính áp dụng theo bảng giá KGS.
  • 1 tấn >= 3 CBM: hàng hóa nhẹ, cách tính áp dụng theo bảng giá CBM.
  • Trong vận chuyển đường biển: 1CBM = 1000 KG.

Tham khảo: Cách tính cước vận chuyển

2. Giá cước vận tải biển tăng cao, vận tải biển Việt Nam đối diện nhiều vấn đề 

2.1. Giá cước vận tải biển đã tăng như thế nào

Drewry World Container Index là chỉ số giá cước vận tải biển của 8 tuyến chính trên toàn cầu. Số liệu cho thấy, toàn bộ chỉ số tăng 2% trong tuần qua, lên mức 6.257 USD, cao hơn 293% (gấp gần 4 lần) so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hãng tin Bloomberg, một container hàng 40 feet, chở từ Thượng Hải (Trung Quốc) sang Rotterdam (Hà Lan) có giá cước lên đến 10.174 USD, cao hơn 3,1% so với tuần trước và tăng 485% (gấp gần 6 lần) so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cước vận tải biển tăng cao - Giá cước vận tải biển phi mã, vận tải biển Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào?
Giá cước vận tải container đạt 8.399 USD tại ngày 1/7. Ảnh: Drewry

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay giá cước vận tải biển tăng phi mã theo xu hướng chung của thế giới. Từ tháng 10/2021 đến nay, các hãng tàu CMC, Yang Ming, OOCL, Wan Hai, Maersk Line, Cosco, ZIM đã tăng thêm từ 2.000-5.000 USD/container 40 feet cho các tuyến dịch vụ từ Việt Nam đi Mỹ, châu Âu, Australia, Nga. Với mức tăng như trên, hiện giá đi Mỹ đã chạm mốc 20.000 USD/container 40 feet; cước của một container đến một số cảng biển tại Nga đã tăng lên mức 15.000 USD/container 40 feet.

Bà Nguyễn Thị Anh (TP.HCM), đại diện công ty logistics lớn tại TP.HCM, cho hay chi phí cước biển tuyến Á – Âu tăng mạnh từ hơn một năm qua. Mức 10.000 USD/container vận tải đường biển từ TP.HCM sang cảng châu Âu xuất hiện từ cuối năm trước. Không chỉ có giá cước vận tải biển, các loại phí khác như phí lưu kho bãi của các hãng tàu đưa ra cũng tăng mạnh.

2.2. Nguyên nhân giá cước vận tải biển tăng cao trong năm 2021

Nguyên nhân giá cước vận tải biển tăng cao trong năm 2021 - Giá cước vận tải biển phi mã, vận tải biển Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào?
Đại diện các hãng tàu lý giải giá cước vận tải tăng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng bị kéo dài.

 Liên quan đến việc tăng giá cước vận tải biển, đại diện các hãng tàu lý giải do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng bị kéo dài. Đại dịch COVID-19 đã gây nên tình trạng thiếu container và tắc nghẽn tại các cảng trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng của người dân cao. Điều này đã đẩy giá cước tăng lên mức kỷ lục.

Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chật vật với các khoản chi phí trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thì một thực tế là giá cước và mức phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam lại đang là “vùng tối,” khó kiểm soát dẫn đến hiện tượng giá “tăng phi mã” thời gian qua.

2.3. Vận tải biển Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào?

Trong bối cảnh nhiều cảng lớn trên thế giới ùn tắc nghiêm trọng, kéo theo giá cước vận tải biển tăng cao ảnh hưởng không nhỏ tới tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, tắc nghẽn tại các cảng lớn trên thế giới khiến tình trạng thiếu container, thiếu tàu liên tục xảy ra, song, các khoản phụ phí hãng tàu áp dụng tại Việt Nam vẫn không tăng, không phát sinh phụ phí mới.

Như công ty Sơn Hà sản lượng xuất khẩu 8 tháng đầu năm đã giảm 28%, giá cước vận tải biển công ty phải chi trả tăng 500% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong hơn 8 tháng năm 2021, lượng hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu đã đạt gần 10 tỷ USD. “Nghịch lý là có những chặng, tiền hàng một container chỉ 15.000 – 16.000 USD, song, chi phí giá cước lại lên đến 17.000 – 18.000 USD, triệt tiêu tính cạnh tranh của hàng hóa”, ông Hoài – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thông tin.

3. Giải pháp của vận tải biển Việt Nam trước sự tăng cao của giá cước vận tải biển

Giải pháp của vận tải biển Việt Nam trước sự tăng cao của giá cước vận tải biển
Giải pháp của vận tải biển Việt Nam

Để nâng cao công tác quản lý Nhà nước Việt Nam nhằm tạo sự công khai minh bạch, bình đẳng, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ giao bộ rà soát, bổ sung các quy định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hãng tàu container nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như khi hãng tàu nước ngoài khi vào hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký tuyến vận tải, lịch trình, lượng hàng… nhằm tránh tạo ra sự tùy tiện trong việc hãng tàu tự ý bỏ tuyến, chậm chuyến hoặc hủy đặt chỗ gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải cần sửa đổi Nghị định số 142/2017/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó bổ sung chế tài xử phạt đối với trường hợp vi phạm các quy định về kê khai, niêm yết; tăng mức xử phạt đối với trường hợp doanh nghiệp không thực hiện quy định về kê khai, niêm yết giá và rà soát sửa đổi Nghị định số 146/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Nhờ đó, hãng tàu CMA-CGM có thông báo chính thức về việc không tăng giá cước vận tải biển đến hết tháng 2/2022.

4. Kết luận

Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng do sự tăng giá cước vận tải biển trên thế giới, khiến vận tải biển Việt Nam cũng như các doanh nghiệp tham gia logistic bị kìm hãm, chật vật trong việc ứng phó. Tuy nhiên, trước những giải pháp từ nhà nước và các cơ quan quản lý với sự tăng cao của giá cước vận tải biển thì có lẽ sắp tới đây sẽ có những dấu hiệu đáng mừng hơn từ vận tải biển Việt Nam.

 

Xem thêm các bài viết liên quan đến chủ đề Logistics và SCM: 

6 nguyên nhân dẫn đến thói quen mua CIF bán FOB của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam

Chuỗi cung ứng xanh: Chuỗi cung ứng vì thiên nhiên của Vinamilk

Top 8 tiêu chí khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ Logistics

Tên: Phùng Thị Thanh Thảo

MSV: 19051214

Lớp: INE3104-4