Việt Nam hiện nay được đánh giá là một trong những điểm đến thu hút vốn FDI nhiều nhất của khu vực Đông Nam Á dựa trên mức độ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng. Dưới đây là 5 yếu tố quan trọng giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) năm 2021.
Nội dung bài viết
1. Tổng quan về FDI (Đầu tư trực tiếp nước ngoài) tại Việt Nam
1.1. Định nghĩa về FDI
FDI (Foreign Direct Investment) hay còn gọi là đầu tư trực tiếp nước ngoài, là cách thức đầu tư dài hạn của tổ chức hay cá nhân nước ngoài bằng cách xây dựng các nhà máy, xưởng sản xuất hay cơ sở kinh doanh tại nước khác. Mục đích của các doanh nghiệp FDI là thu về lợi ích lâu dài và trực tiếp nắm quyền quản lý các cơ sở kinh doanh này. FDI cũng được nhìn nhận và định nghĩa qua nhiều quan điểm khác nhau của các tổ chức khác nhau như sau:
Theo khái niệm của IMF, FDI là một hoạt động đầu tư được thực hiện nhằm đạt được những lợi ích lâu dài trong một doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ của một nền kinh tế khác nền kinh tế nước chủ đầu tư, mục đích của chủ đầu tư là giành quyền quản lý thực sự doanh nghiệp.
Còn theo WTO, FDI xảy ra khi một nhà đầu tư từ một nước này (còn được gọi là nước chủ đầu tư) có được một tài sản ở nước ngoài (nước thu hút FDI) đi cùng với quyền quản lý số tài sản đó. Xét trên phương diện quản lý là thứ để phân biệt FDI với các nguồn vốn đầu tư khác.
1.2. Thực trạng nguồn vốn FDI tại Việt Nam (tính đến tháng 11/2021)
Về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài:
Theo Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính đạt 17,1 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 26,462 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng trưởng mạnh mẽ 26,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8 tỷ USD.
Về tình hình xuất – nhập khẩu:
Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 220,184 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm gần 34.72% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt sự tăng trưởng mạnh, đạt đến 218,493 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 34.45% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn so với xuất khẩu của khu vực FDI kể cả dầu thô.
Nhập khẩu của khu vực FDI đạt gần 195,54 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 30,83% kim ngạch nhập khẩu.
Tính chung trong 11 tháng năm 2021, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu trên 24,6 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 23 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 24,3 tỷ USD.
Về lĩnh vực đầu tư:
Trong suốt 11 tháng qua, các nhà ĐTNN chủ yếu đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt hơn 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đăng ký cả về đăng ký dự án cấp mới, dự án điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMCP). Nối tiếp chính là các ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa với tổng vốn đầu tư 5,7 tỷ USD; khoảng 21,58% tổng số vốn đầu tư đăng ký. Lần lượt sau đó là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô; mô tô; xe…
Về đối tác đầu tư:
Hiện nay đã có 100 đối tác đầu tư nước ngoài vào Việt Nam suốt 11 tháng năm 2021. Theo số liệu cho thấy, Singapore là nước dẫn đầu với tổng số đầu tư lên đến 7, 6 tỷ USD; chiếm đến 28,53% tổng số vốn đầu tư của 100 quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam. Tiếp đến là Hàn Quốc với 4,355 tỷ USD; chiếm đến 16,34% tổng số vốn đầu tư. Nhật Bản là nước thứ 3 với 3,7 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, chiếm gần 13,9%. Lần lượt sau đó là các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hà Lan…
Về việc đầu tư theo địa phương:
Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố của Việt Nam trong 11 tháng. Long An là địa phương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 3,764 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP Hồ Chí Minh đứng vị trí thứ 2 với gần 3,43 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký trên 2,8 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư.
Nếu xét về số dự án, các nhà ĐTNN hầu như vẫn tập trung đầu tư tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh… Trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả về số dự án mới (36%), số lượt dự án điều chỉnh (18,5%) và GVMCP (59,6%). Hà Nội tuy không thuộc top 5 địa phương thu hút ĐTNN trong 11 tháng nhưng vẫn xếp thứ 2 về số dự án mới (21,8%) và số lượt GVMCP (12,5%).
Qua các con số mang tính tích cực trên, Việt Nam ta đã chứng tỏ được những thành công của mình, không những về chiến lược mà còn về việc phát triển kinh tế dựa trên cơ sở thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
2. 5 yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút nguồn vốn FDI năm 2021
2.1. Vị trí địa lý kinh tế thuận tiện
Việt Nam nằm ở vị trí địa lý kinh tế thuận lợi: khu vực Đông Nam Á – nơi có các nền kinh tế phát triển mạnh và năng động, là động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới.
Việt Nam là cầu nối giữa hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của các nước Đông Nam Á và châu Á, có điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực .
Thứ nhất, với “mặt tiền” trông ra Biển Đông, Việt Nam đóng vai trò quan trọng về kinh tế và cung ứng dịch vụ logistics cho các quốc gia ở khu vực trong và ngoài nước.
Thứ hai, Việt Nam nằm trên tuyến đường bộ xuyên Á trong dự án xây dựng tuyến đường cao tốc, nối liền các quốc gia khu vực Âu – Á do Ủy ban Kinh tế – Xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) khởi xướng. Việt Nam cũng nằm trong trục chính của Hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tạo ra tiềm năng to lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công và khu vực. Với lợi thế đó, Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm, đầu tư của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực.
2.2. Tình hình chính trị và ngoại giao ổn định
Ổn định chính trị, xã hội và viễn cảnh hội nhập kinh tế khu vực là động cơ đưa dòng chảy tư bản của thế giới hướng về châu Á. Theo báo Anh, sự ổn định về mặt chính trị là một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư đến Việt Nam và điều này được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Nếu nhìn sang một số nước trong khu vực, có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết các nước đều đã hoặc đang trải qua các cuộc đảo chính, khủng hoảng chính trị. Ví dụ điển hình là các nước Thái Lan, Malaysia và Philippines không nằm trong 25 nước hàng đầu xếp hạng theo Chỉ số tin cậy FDI là do sự bất ổn chính trị và nền kinh tế vận hành kém, thiếu lao động trình độ chuyên môn cao, tăng chi phí lao động.
Đối với Việt Nam, Việt Nam ngày càng có vị thế quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước lớn. Tính đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước lớn, góp phần định vị vững chắc hơn vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh cục diện khu vực, thế giới có nhiều biến đổi.
Ngoài ra, việc quan hệ thương mại với 230 thị trường trên thế giới, đàm phán và ký kết nhiều FTA thế hệ mới giúp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong các liên kết khu vực. Việt Nam đã xây dựng nền thương mại tự do với gần 60 nền kinh tế thông qua 16 FTA, bao gồm cả các FTA thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA, RCEP… Từ đó mà môi trường hoạt động kinh doanh ở Việt Nam không ngừng cải thiện.
Tiếng nói của Việt Nam cũng ngày càng có trọng lượng hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Năng lực chủ trì, điều hành và vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại các hội nghị, diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế ngày càng được khẳng định. Đặc biệt trong năm 2020, với việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 41 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp cùng nhiều thách thức chưa từng có, Việt Nam đã có những hình thức hoạt động phù hợp, linh hoạt, với những sáng kiến, đề xuất được bạn bè quốc tế đánh giá cao, góp phần nâng tầm vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
2.3. Nền Kinh tế ổn định
Vào năm 2020, dưới tác động của Covid-19, nhiều nước trên thế giới đã rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương (+2,91%), dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo đánh giá của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế. Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất..
Hiện nay, Việt Nam đang là nước có thu nhập bình quân đầu người từ 1.120 USD năm 2009 đã lên mức 2.786 USD năm 2020. Mức thu nhập này được đánh giá theo Báo cáo “Dự báo kinh tế châu Á” trung hạn của JCER công bố sẽ lên cao vào năm 2023, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 11.000 USD/năm.
Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia duy trì được tăng trưởng GDP và xuất khẩu dương, mức độ suy giảm FDI thấp nhất trong khu vực ASEAN và lọt vào top 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất thế giới. Trong tương lai, Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển và trở thành địa điểm hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trên thế giới hơn nhờ các yếu tố tích cực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như những cải thiện đổi mới và phát triển của môi trường kinh doanh.
2.4. Cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện
Trong những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thời gian qua tương đối ổn định và có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Nợ công có xu hướng giảm. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đã được quan tâm đầu tư, tới nay đã một phần đáp ứng nhu cầu phát triển hiện tại về kinh tế – xã hội.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam đa số có quy mô nhỏ bé, chưa đồng bộ và khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông và an toàn giao thông còn hạn chế. So với một số nước tiên tiến trong khu vực, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam chỉ ở mức trung bình.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, để tháo gỡ những rào cản này, chính quyền và các địa phương đã tích cực triển khai thu hút mọi nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, mạng lưới đường giao thông, sân bay, đường ra cửa khẩu, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, …
2.5. Lực lượng lao động dồi dào
Việt Nam hiện là nước có cơ cấu dân số trẻ, với gần 88% dân số trong độ tuổi 25-59 tham gia lực lượng lao động, trong đó gần 40% tốt nghiệp trung học phổ thông; 23,1% đã được đào tạo có bằng cấp hoặc chứng chỉ vào năm 2019.
Đến năm 2020, năng suất lao động (NSLĐ) toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 117,9 triệu đồng/lao động; tính theo giá so sánh, tăng 5,4% so với năm 2019. Bình quân giai đoạn 2016 – 2020, NSLĐ tăng 5,88%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011 – 2015. Tính chung giai đoạn 2011 – 2020, NSLĐ tăng trung bình 5,07%/năm. Đây cũng là cơ sở cho việc các nhà ĐTNN lựa chọn Việt Nam để mở rộng thị trường và đầu tư mạnh hơn.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam cho thấy sự tác động thúc đẩy sự phát triển của thị trường và năng suất cũng như thu nhập của người lao động. Cụ thể, số lượng việc làm trực tiếp và gián tiếp đã được gia tăng đáng kể. Số lượng lao động làm việc trong DN có vốn FDI năm 1995 mới chỉ đạt 330 nghìn người, nhưng đến năm 2019 đã lên khoảng 6,1 triệu người.
Ðáng chú ý, đã có sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao hơn. Tỷ trọng lao động trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ hỗ trợ, logistics, điện tử, cơ khí… đang gia tăng nhanh chóng.
Qua đó, lực lượng lao động Việt Nam được đánh giá cao nhờ sự chăm chỉ, trình độ học vấn cao và dễ đào tạo. Việt Nam cũng đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư cho giáo dục và đào tạo hơn các nước đang phát triển khác.
3. Kết luận
Như vậy, Việt Nam có rất nhiều yếu tố quan trọng, giúp thu hút thật nhiều nguồn vốn FDI từ các nhà ĐTNN mặc cho tình hình dịch đang gây thiệt hại nặng nề đến nền kinh tế. Bên cạnh những cơ hội lớn như vậy, để níu chân và thu hút thêm nhiều nhà ĐTNN, việc tiếp tục nâng cao hiệu quả chính sách; hoàn thiện môi trường đầu tư, Chính phủ và các bộ; ngành; địa phương của Việt Nam cũng cần có sự linh hoạt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời giải quyết sớm nhất những khó khăn về cơ sở hạ tầng, logistics và chuỗi cung ứng, những tác hại bất lợi từ dịch COVID-19… Tránh trường hợp Việt Nam sẽ đi thụt lùi trong việc thu hút FDI về trung và dài hạn.
Xem thêm các bài viết liên quan:
-
5 Vai trò quan trọng và những ảnh hưởng tiêu cực của FDI đến kinh tế Việt Nam
-
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) : Phân biệt 2 hình thức đầu tư Greenfield và Brownfield
Người viết: Nguyễn Hà Thương
Mã sinh viên: 19051220
INE3104_4
Bài viết hấp dẫn, đem lại nhiều thông tin và có số liệu rất mang tính cập nhật luôn
Tác giả có vẻ đã nghiên cứu rất nhiều về thực trạng và cơ hội của FDI ở Việt Nam, xứng đáng được 1 tràng vỗ tay!