Nội dung bài viết
Khái quát tình hình thu hút vốn FDI vào Việt Nam
Việt Nam sau giai đoạn đổi mới đã không ngừng thay đổi và chuyển mình để có thể hội nhập phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân đồng thời khẳng định vị thế trên Thế giới. Do đó việc không ngừng thay đổi cách chính sách nhằm thu hút những lợi ích kinh tế từ bên ngoài đã và đang trở thành điều tất yếu đối với sự phát triển của đất nước. Theo đà xu hướng trên thì việc nhận đầu tư trực tiếp góp phần cải thiện và làm cầu nối và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, một nhân tố đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới. FDI có lợi thế là có thể được duy trì sử dụng lâu dài, từ khi một nền kinh tế còn ở mức phát triển thấp cho đến khi đạt được trình độ phát triển rất cao.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước phát triển thường có ưu thế về công nghệ và kỹ năng quản lý, được lan truyền hoặc bắt chước bởi các doanh nghiệp ở nước nhận đầu tư. Theo Spencer (2008), tác động lan tỏa (hay còn gọi là hiệu ứng tràn) được định nghĩa là ngoại tác tích cực mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong nước với sự hiện diện của FDI, dẫn đến tăng năng suất của các doanh nghiệp trong nước. Sari và các cộng sự (2016) cho rằng, tác động lan tỏa chủ yếu được nhắc đến là lan tỏa năng suất, đó là các lợi ích gián tiếp ở dạng ngoại tác tri thức, được tạo ra thông qua các cơ chế phi thị trường đối với nền kinh tế của nước nhận đầu tư và các doanh nghiệp trong nước, các công ty nước ngoài tăng áp lực cạnh tranh, điều này thúc đẩy các công ty địa phương cải thiện năng suất. FDI tạo ra những tác động lan tỏa khác nhau đối với các doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên không phải lúc nào cũng mang tính tích cực.
Tùy thuộc vào môi trường kinh doanh và đặc điểm riêng mà doanh nghiệp trong nước sẽ có những hành vi thích ứng khác nhau đối với sự hiện diện của doanh nghiệp FDI, vậy nên cũng sẽ chịu ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau. Do vậy, đặc điểm riêng và khả năng hấp thụ của mỗi doanh nghiệp trong nước đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định doanh nghiệp có thể hưởng lợi hay chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các tác động lan tỏa của FDI.
Nói về các con số, giai đoạn 2011-2015 chứng kiến đà phục hồi của dòng vốn FDI vào Việt Nam nhưng mức độ phục hồi còn chậm, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn này, duy chỉ có năm 2014 là vốn FDI đăng ký vào nước ta giảm so với năm 2013 (nhưng mức giảm không đáng kể, giảm 430,5 triệu USD ứng với giảm 1,90%), các năm còn lại, số dự án và vốn FDI đăng ký đều có xu hướng tăng lên.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và đầu tư
Giai đoạn 2016-2019, Việt Nam liên tục chứng kiến những con số ấn tượng về số vốn FDI vào Việt Nam. Năm 2016, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong năm đạt 26.890,5 triệu USD. Năm 2017 đánh dấu cột mốc 30 năm FDI vào Việt Nam, nước ta thu hút được 2.741 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 37.100,6 triệu USD. Năm 2018 là năm duy nhất trong giai đoạn này FDI vào Việt Nam giảm so với năm trước, nhưng mức giảm cũng không đáng kể (giảm 732 triệu USD ứng với giảm 1,97%).
Đến năm 2019, tổng số vốn FDI đăng ký đạt được là 38.951,7 triệu USD (chỉ thấp hơn năm 2008), còn số dự án và số vốn FDI thực hiện lại cao nhất kể từ khi dòng vốn này vào Việt Nam, với 4.028 dự án FDI và tổng số vốn thực hiện đạt 20.380 triệu USD. Đây là giai đoạn Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế và có nhiều cải thiện về các chính sách liên quan đến đầu tư, điển hình như: Năm 2016, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công các hội nghị cấp cao ACMECS-7, CLMV-8, WEF Mekong, tích cực tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế; Năm 2017, Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ APEC 2017, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của thế giới; Năm 2018, Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba trên thế giới; Năm 2019, Việt Nam và EU ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Những hoạt động đó đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thu hút dòng vốn FDI.
Tuy nhiên đến giai đoạn từ năm 2020 đổ đi, do ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 đã khiến cho dòng vốn FDI vào Việt Nam có sự giảm đột biến cùng với đó là hàng loạt các dự án đầu tư cũng như các cơ hội hợp tác từ nước ngoài vào Việt Nam đã bị hoãn thậm chí là hủy bỏ. Điều này khiến cho những kế hoạch thu hút vốn ban đầu gặp rất nhiều khó khăn khi các nhà đầu tư cảm thấy thời điểm trên là khá mạo hiểm để tìm kiếm các phi vụ đầu tư mới.
Thành tựu thu hút vốn FDI của Việt Nam
1. Hàn Quốc
Việt Nam và Hàn Quốc đã có nổ phát súng tiên phong cho sự hợp tác giữa hai nước bằng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Đây cũng chính là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên trong số các FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 20/12/2015 và cho đến nay đã hơn 7 năm vẫn tiếp tục có những bước phát triển đột phá.
Nổi bật nhất là thu hút vốn FDI từ Hàn Quốc đã tăng mạnh mẽ. Tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng từ 43,7 tỷ USD năm 2015 lên 74,1 tỷ USD năm 2021 (tính đến tháng 11/2021). Tính riêng từ đầu năm nay đến hết tháng 11, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ đứng thứ hai tại nước ta với 4,36 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư, tăng 17,6% so với cùng kỳ.
Nguồn : Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Những năm gần đây, Hàn Quốc luôn nằm trong top những quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam. Năm 2020, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam 3,949 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm và đứng thứ 2 trong tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau Singapore.
Các dự án tỷ đô được Hàn Quốc xem xét tại Việt Nam
Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu quốc gia, trong đó hơn 1/2 là các mặt hàng điện tử và khoảng 1/4 là của 1 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc trong đó có Samsung Việt Nam. Điều này cho thấy tác động cũng như đóng góp quan trọng của FDI Hàn Quốc đối với xuất khẩu của Việt Nam.
Doanh nghiệp Hàn Quốc hiện có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam: dịch vụ, logistics, tài chính ngân hàng, may mặc, xây dựng, chế tạo, công nghiệp chế biến,… tạo việc làm cho khoảng 700.000 lao động địa phương, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, dịch vụ, xuất khẩu phát triển, góp phần chuyển đổi cơ cấu.
Gia tăng dòng vốn FDI của Hàn Quốc trong giai đoạn vừa qua còn giúp Việt Nam cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như thay đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.
2. Singapore
Suốt hai năm liên tục, Singapore là nhà đầu tư FDI nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Với gần 7 tỷ đô la Mỹ, các công ty Singapore đã chiếm khoảng 1/3 tổng đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Việt Nam.
Những con số này không có dấu hiệu chững lại trong năm 2022. Thậm chí, nhà bán lẻ sản phẩm mẹ và trẻ sơ sinh có tuổi đời chưa đầy một thập kỷ – “Con Cưng” đã nhận được khoản đầu tư khổng lồ lên tới 90 Triệu Đô la Mỹ. Vòng đầu tư được dẫn dắt bởi Quadria Capital, nhà cung cấp quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Singapore. Khoảng đầu tư này đánh dấu bước đột phá thứ hai của Quadria Capital vào thị trường Việt Nam, sau khi mua lại Bệnh viện FV vào năm 2017.
Hiện có khoảng 2.700 dự án của công ty Singapore đã được phê duyệt tại Việt Nam. Như vậy, không chỉ các công ty trong nước mà ngay cả chính quyền Việt Nam cũng rất ủng hộ số vốn đầu từ khổng lồ sắp tới này.
Vào tháng 6/2021, chính phủ đã công khai khuyến khích các doanh nghiệp Singapore đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, cụ thể là vào thành phố Đà Nẵng. Đà Nẵng hiện đang có khoảng 30 dự án do các công ty Singapore quản lý với tổng giá trị lên đến gần 840 triệu đô la Mỹ.
Thúc đẩy đầu tư từ Singapore vào Việt Nam
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
3. Trung Quốc
Không thể không kể đến người “hàng xóm” quen thuộc của Việt Nam, nền kinh tế đứng thứ 2 trên Thế giới Trung Quốc cũng có nhiều dự án đầu tư vào Việt Nam ta. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc liên tục rót tiền đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, tính đến hết năm 2021, Trung Quốc đầu tư FDI vào Việt Nam khoảng 21.337 triệu USD với 3.325 và xếp thứ 7 trong tổng số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, tính riêng tháng 12/2021, Trung Quốc xếp thứ 4 trong danh sách các nước đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn lên tới 2.921 triệu USD và 204 dự án cấp mới.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trên thực tế, FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam. Tuy nhiên, các dự án này chủ yếu tập trung tại các tỉnh biên giới có khu kinh tế cửa khẩu, ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư FDI Trung Quốc còn rót nguồn vốn đầu tư vào liên doanh liên kết, góp vốn bằng tiền hoặc công nghệ, máy móc ở trong các doanh nghiệp Việt Nam trong đủ mọi lĩnh vực. Các dòng vốn của Trung Quốc đổ vào nhiều lĩnh vực, điển hình như dệt may, da giày, xơ sợi, nhiệt điện, khai thác khoáng sản,…
Một số dự án lớn mà các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư tại Việt Nam như: Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 trị giá 1,75 tỷ USD tại tỉnh Bình Thuận; Dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 có mức đầu tư 2,187 tỷ USD tại tỉnh Hà Tĩnh và Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 trị giá 2 tỷ USD tại tỉnh Bình Thuận.
4. Hoa Kỳ
Trong giai đoạn hội nhập kinh tế tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới thì Hoa Kỳ không ngần ngại đầu tư FDI vào những nơi có tiềm năng phát triển lớn và châu Á luôn là lựa chọn hàng đầu của Quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên Thế giới. Cùng với các nước khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam cũng nhận được những gói đầu tư đầy tiềm năng từ Quốc gia này.
Tính lũy kế đến hết tháng 7/2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam ước tính gần 9,7 tỷ USD với hơn 1.000 dự án hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như dịch vụ khách sạn, công nghiệp chế biến, chế tạo. Với số vốn này, Mỹ hiện xếp thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn FDI vào nước ta.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thực tế số vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam có thể cao hơn con số 9,7 tỷ USD được thống kê, thậm chí lên đến 15 tỷ USD do các doanh nghiệp Mỹ thường đầu tư thông qua nhiều kênh khác nhau như qua một nước thứ ba Panama, Hong Kong (Trung Quốc) hay Singapore…. Chẳng hạn, các gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Apple, Google hiện đang đầu tư vào Việt Nam gián tiếp thông qua các doanh nghiệp sản xuất ODM/OEM thuộc chuỗi cung ứng.
Hồi cuối năm 2021, AmCham đã công bố một khảo sát về tình hình đầu tư FDI của nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam. Theo đó, gần 80% hội viên Amcham được khảo sát đã đánh giá là rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn của họ về Việt Nam và đã lên kế hoạch hoặc đang cân nhắc đầu tư thêm.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ có 24 dự án đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp phép và 8 dự án FDI đang hoạt động điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký là hơn 147 triệu USD. Ngoài ra, có 59 lượt nhà đầu tư nước này góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn là 22,4 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm, đầu tư FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam đạt gần 170 triệu USD, đứng thứ 9 trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Giải pháp nhằm cải thiện khả năng thu hút vốn FDI vào Việt Nam
Các bước chính mà chính phủ cần thực hiện để nâng cao chất lượng FDI trong giai đoạn tới là:
- Xây dựng kế hoạch phát triển kỹ năng quốc gia để tăng tỷ lệ lao động có kỹ năng trong lực lượng lao động;
- Hiện đại hóa hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên;
- Rà soát, sửa đổi các chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành để đảm bảo FDI có chất lượng;
- Mở cửa các ngành dịch vụ như giáo dục, hậu cần, dịch vụ tài chính để tăng khả năng cạnh tranh và tăng trưởng;
- Thúc đẩy và tạo điều kiện đầu tư ra nước ngoài;
- Nắm bắt cơ hội để giảm tác động tiêu cực của Công nghiệp 4.0;
- Thực hiện các chính sách hỗ trợ để giúp đỡ các nhà cung cấp trong nước và tăng cường liên kết và lan tỏa FDI; và
- Thành lập cơ quan quản lý FDI mới với nhiều ngân sách, năng lực và thẩm quyền hơn cơ quan hiện tại để thực hiện hiệu quả các chính sách và chiến lược.
- Chính phủ cũng cần tập trung vào các ngành ưu tiên như sản xuất công nghệ cao, hậu cần, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, y tế và giáo dục trong thập kỷ tới, bên cạnh các ngành mũi nhọn như dệt may, da giày, gia công kim loại, và khoáng sản.
Tài liệu tham khảo
- E-Magazine Dân Việt : https://danviet.vn/quan-he-viet-my-viet-nam-lot-top-3-diem-den-cua-von-fdi-doanh-nghiep-my-va-nhung-con-so-phep-mau-20210825020214501.htm
- Nhật Minh : https://vietnammoi.vn/quan-quan-fdi-han-quoc-tai-viet-nam-rot-hon-70-ti-usd-gan-9000-du-an-nhieu-dai-doanh-nghiep-gop-mat-20201103164658113.htm
- Sean Campbell : https://vietcetera.com/vn/tai-sao-singapore-la-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-lon-nhat-o-viet-nam
- Koushan Das : https://www.vietnam-briefing.com/news/vietnam-recommendations-fdi-strategy-2020-2030.html/
Các bài viết liên quan
ƯU VÀ NHƯỢC ĐIỂM VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI FDI
4 mặt trái của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam
Các hình thức FDI tại Việt Nam và 3 loại FDI chính
Đầu tư trực tiếp nước ngoài – Những nhân tố ảnh hưởng ?
Sinh viên thực hiện: Lê Tuấn Dũng
MSV: 20050073
Lớp: QH-2020-E KTQT CLC 2
Mã lớp học phần: INE3104 4