Những năm gần đây, thương mại điện tử xuyên biên giới đã thúc đẩy kênh bán hàng trực tuyến cho sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến.
Nội dung bài viết
Tình hình chung tại thị trường quốc tế
Thương mại điện tử xuyên biên giới được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với TMĐT đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng thương mại điện tử phát triển như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… và lan rộng tới các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam…
Thương mại điện tử xuyên biên giới từ lâu đã là phương thức phổ biến ở nhiều quốc gia. Tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ gần đây. Tại các thị trường EU, số liệu thống kê từ Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, năm 2020, doanh số Thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ euro và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu.
Theo số liệu Trung Quốc công bố, xuất nhập khẩu Thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm 2020 của nước này đạt tổng cộng 1,69 nghìn tỷ NDT, tăng 31,1%. Tổng giao dịch xuất khẩu qua thương mại điện tử tăng hơn 40% lên 1,12 nghìn tỷ NDT, Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ thị trường nước ngoài qua thương mại điện tử đạt 570 tỷ NDT, tăng trưởng 16,5%.
Tỷ trọng Thương mại điện tử xuyên biên giới trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trở lại đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu (27,4%/năm trong giai đoạn 2016-2020).
Doanh thu TMĐT giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 nghìn tỷ USD. Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống,Thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Tiềm năng tại thị trường Việt Nam
Thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam đối với doanh nghiệp xuất khẩu còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và các nền tảng TMĐT quốc tế. Doanh nghiệp làm Thương mại điện tử xuyên biên giới cần phải được trang bị kỹ năng đầy đủ về thương mại quốc tế, hiểu biết về thị trường, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như kỹ năng TMĐT của nước sở tại.
Nhận thấy những tiềm năng của kênh Thương mại điện tử xuyên biên giới, ngay trong vụ vải thiều Bắc Giang năm nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã hợp tác với Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) và sàn TMĐT Voso xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang sang thị trường châu Âu theo phương thức Thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng TMĐT của Việt Nam – Voso Global.
Đây là một bước đi đáng ghi nhận đối với ngành TMĐT nước ta trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu qua Thương mại điện tử xuyên biên giới.
Việt Nam triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài qua Thương mại điện tử xuyên biên giới theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, trong khuôn khổ chương trình hợp tác cấp Chính phủ về thương mại điện tử giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì phối hợp với các đối tác lớn trong và ngoài nước như Sàn thương mại điện tử lớn và uy tín hàng đầu của Trung Quốc JD.com, Vinanutrifood.
Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), VP Bank, Visa … tổ chức xây dựng “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com. Đây sẽ là khu gian hàng Việt Nam đầu tiên nền tảng thương mại điện tử quốc tế với các sản phẩm Việt của các doanh nghiệp Việt được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại thị trường nước nhập khẩu triển khai qua phương thức Thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thông qua các kênh phân phối quy mô lớn có sự phối hợp, hỗ trợ trực tiếp từ đội ngũ của JD và các đối tác, hàng hoá do doanh nghiệp Việt sản xuất sẽ được phân phối qua kênh chính thức, uy tín này tại thị trường Trung Quốc. Thương hiệu của doanh nghiệp tham gia các chương trình sẽ được hỗ trợ quảng bá ngay tại thị trường nước nhập khẩu, điều mà không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có thể làm được.
Hoạt động này không chỉ thúc đẩy kênh bán hàng trực tuyến cho sản phẩm của doanh nghiệp mà còn gián tiếp giúp thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với các nhà nhập khẩu lớn ở nước sở tại.
Với vai trò là đơn vị tổ chức, hỗ trợ kết nối, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp, các thương hiệu Việt tổ chức phân phối trên “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” theo đúng quy định của nền tảng thương mại điện tử đồng thời tìm kiếm các nguồn lực từ các đối tác để quảng bá, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt phân phối thuận lợi trên nền tảng thương mại điện tử của JD, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh nhanh nhất để kết nối trực tiếp với khách hàng, hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống khi thương hiệu doanh nghiệp được quảng bá trực tiếp tại thị trường nhập khẩu. Phương thức này một mặt sẽ giúp giảm chi phí doanh nghiệp mặt khác giúp phân phối sản phẩm đến người dùng cuối, giúp phát triển và duy trì thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp tại thị trường nhập khẩu.
Đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), dù gặp những ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2020 do dịch COVID-19 nhưng thương mại điện tử Việt Nam vẫn có những bước tăng tốc mạnh mẽ và trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam cho hay, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.
Kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến năm 2020, Việt Nam có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến (số liệu này năm 2016 mới chỉ ghi nhận 32,7 triệu người).
Bên cạnh đó, thương mại điện tử xuyên biên giới giúp người tiêu dùng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”. Đồng thời, giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế.
Ngoài ra, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, cọ sát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình; nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.
Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, TMĐTXBG trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với TMĐT đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng thương mại điện tử phát triển như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc … và lan rộng tới các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như: Indonesia, Thái Lan, Việt Nam… Đơn cử, tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ gần đây.
Tiềm năng lớn trong việc thúc đẩy xuất khẩu
Ngày 8/6, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” với Amazon Global Selling Việt Nam.
Sáng kiến đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam trong 5 năm tới, từ đó nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp địa phương. Tham gia chương trình, các doanh nghiệp và nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam sẽ được đào tạo với hơn 20 khóa học đa dạng nội dung như: Thương mại điện tử xuyên biên giới, nghiên cứu thị trường, xây dựng danh mục sản phẩm, đăng ký và bảo vệ thương hiệu, quy trình bán hàng trên Amazon.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Năm 2021, doanh thu Thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam tăng 16%, đạt 13,7 tỷ USD. Dự báo giai đoạn 2022-2025, thương mại điện tử Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết quá trình chuyển đổi số hay điện tử hóa trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã góp phần làm giảm khối lượng công việc, góp phần tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ của các thủ tục hành chính. “Lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.”
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội phát triển, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu và mở rộng thị trường tiềm năng, nhờ vào thương mại điện tử xuyên biên giới, vẫn tồn tại bất cập đối với doanh nghiệp Việt Nam như thiếu thông tin, chưa có sự chuẩn bị để đáp ứng được sở thích và tâm lý người tiêu dùng nước ngoài, chưa chuẩn bị đầy đủ các kỹ năng, xây dựng định hướng kinh doanh, bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới…
Chính vì vậy, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, với mong muốn hỗ trợ mạnh mẽ doanh nghiệp Việt Nam, triển khai chuyển đổi số, được trang bị kiến thức chuyên ngành xuất nhập khẩu, nắm bắt thông tin thị trường, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam, Bộ Công Thương đã bảo trợ và hợp tác với Amazon triển khai sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới, kỷ nguyên bứt phá” đến các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội ngành hàng trên toàn quốc.
THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ XUYÊN BIÊN GIỚI LÀ GÌ? TOP 5 WEBSITE TMĐT PHỔ BIẾN THẾ GIỚI 2022
Bài viết khá bổ ích