Hiện nay, thương mại quốc tế tại Việt Nam và ngoài nước đang phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ, cơ cấu ngành nghề trong nước; tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy phân công lao động trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, ngành dịch vụ ảnh hưởng khá đặc biệt và sâu sắc đến thương mại quốc tế nói chung. Vậy ảnh hưởng của chúng là gì? Tác động ra sao đến các hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế? Chúng ta hãy cùng đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!
Nội dung bài viết
1. Khiến cho ngành kinh tế thế giới chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ
Bốn mươi năm trước, Victor R. Fuchs (1968) đã nói về sự xuất hiện của nền kinh tế dịch vụ ở Mỹ. Ngày nay, cả thế giới đang bước sang một nền kinh tế mới: nền kinh tế dịch vụ. Ngành dịch vụ hiện đóng góp 60% GDP của thế giới (Lovelock và Wirtz, 2007). Ở các nước OECD, tỷ trọng này lên đến 70% (OECD, 2000: 3).
GDP của lĩnh vực dịch vụ chiếm tới 90% GDP của Hồng Kông, 80% GDP của Mỹ, 74% GDP của Nhật Bản, 73% GDP của Pháp, 73% GDP của Anh và 71% GDP của Canađa. Dịch vụ cũng trở thành ngành kinh tế thu hút chủ yếu lực lượng lao động hiện nay. Lao động trong ngành dịch vụ ở bảy nước công nghiệp phát triển (G7) năm 2000 tăng 60% so với năm 1960 và tăng 6% trong giai đoạn 2000-2004 (FORFAS, 2006: 31).
Trong giai đoạn 1970 – 2001, lao động trong ngành dịch vụ của Mỹ tăng từ mức 67% lên 79% trong khi lao động trong ngành công nghiệp giảm từ mức 29% xuống còn 19%, còn mức thay đổi này của các nước Tây Âu (EU 15 hiện nay) tương ứng là từ 47% lên 70% và từ 40% xuống còn 26% (D’Agostino, Serafini và Ward-Warmedinger, 2006: 27).
Nền kinh tế dịch vụ hiện nay dựa trên hai nền tảng chính là toàn cầu hóa và kinh tế tri thức và được thúc đẩy bởi những thành tựu của tiến bộ khoa học kỹ thuật. Toàn cầu hóa và kinh tế tri thức làm thay đổi thói quen sinh hoạt và tiêu dùng trong đời sống kinh tế-xã hội, xu hướng kinh doanh và chính sách của chính phủ đối với ngành kinh tế dịch vụ.
Khi nền kinh tế ở một trình độ phát triển cao, xu hướng tiêu dùng cận biên (MPC) đối với dịch vụ lớn hơn nhiều xu hướng tiêu dùng cận biên đối với sản phẩm hàng hóa.
Con người có nhu cầu nhiều hơn đối với các sản phẩm phi vật chất của dịch vụ như thẩm mỹ, giáo dục và giải trí thuộc những thang bậc nhu cầu cao hơn mà nhà tâm lý học Abraham Maslow (1943) đã liệt kê là nhu cầu về quan hệ xã hội, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu hoàn thiện.
Xu hướng kinh doanh cũng thay đổi để đáp ứng các nhu cầu nói trên. Các công ty ngày nay tập trung nhiều hơn vào việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ có hàm lượng trí tuệ cao như phần mềm máy tính, vẽ kiểu dáng, phát minh máy móc tự động và chăm sóc phần tâm hồn của con người.
Khả năng phát triển của các công ty trong những lĩnh vực dịch vụ có hàm lượng trí tuệ cao này gần như không bị hạn chế. Cạnh tranh, như Michael Porter (1990) đã chỉ ra, chủ yếu dựa trên tính độc đáo, sáng tạo của dịch vụ thay vì dựa trên yếu tố đầu vào hay vốn đầu tư.
Kế đó, chính sách chính phủ cũng thay đổi để thích ứng với những thay đổi trong xã hội và cạnh tranh kinh tế.
Đầu tiên, các chính phủ không những khuyến khích những ngành dịch vụ mũi nhọn phát triển làm động lực cho nền kinh tế mà còn quan tâm đến việc cung ứng tốt hơn các loại hình dịch vụ xã hội như môi trường, y tế và an sinh xã hội cho người dân.
Tiếp đến, dưới sức ép của cạnh tranh và hiệu quả kinh tế, các chính phủ sẽ phải mở cửa ngành dịch vụ trong nước.
Sau nhiều năm đàm phán, năm 1995 Hiệp định về thương mại dịch vụ (GATS) đã được ký kết và trở thành một trong những hiệp định quan trọng nhất của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Phát triển và tự do hóa ngành dịch vụ nói chung, phát triển và tự do hóa thương mại dịch vụ nói riêng đang trở thành chính sách ưu tiên của các nước.
2. Là một trong hai loại hình quan trọng nhất của thương mại quốc tế:
Có nhiều cách tiếp cận về các loại hình thương mại quốc tế. Trước đây, khi nói về thương mại quốc tế, dưới góc độ quốc gia, người ta thường phân thành hai luồng hàng hóa: xuất khẩu và nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong điều kiện thương mại hiện đại, xuất hiện những hình thức thương mại quốc tế mới như: xuất khẩu tại chỗ, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập…; đặc biệt còn xuất hiện thương mại về dịch vụ. Nên cách phân loại về hình thức thương mại quốc tế này trở nên kém phù hợp.
Do đó, thương mại quốc tế được tiếp cận với hai loại hình: Thương mại quốc tế về hàng hóa và thương mại quốc tế về dịch vụ.
Thương mại quốc tế về hàng hóa bao gồm: Thương mại quốc tế về hàng hóa hữu hình và thương mại quốc tế về hàng hóa vô hình.
Trong đó, thương mại quốc tế về hàng hóa hữu hình bao gồm tất cả các hoạt động thương mại quốc tế liên quan đến hàng hóa nhìn thấy được, đo đếm được, từ máy móc thiết bị, đến nông sản, thực phẩm, nguyên, nhiên, vật liệu…
Thương mại quốc tế về hàng hóa vô hình bao gồm thương mại quốc tế liên quan đến các hàng hóa không nhìn thấy được như phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả, độc quyền nhãn hiệu…
Khác biệt so với hàng hóa, thương mại quốc tế về dịch vụ là một hoạt động hay lợi ích cung ứng nhằm trao đổi, chủ yếu là vô hình và không dẫn đến việc chuyển quyền sở hữu. Dịch vụ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, do dịch vụ có nhiều tính chất phức tạp nên cho đến nay, chưa có một định nghĩa nào hoàn chỉnh về dịch vụ.
Có thế định nghĩa một cách chung nhất: Dịch vụ là những hoạt động tạo ra các sản phẩm không tồn tại dưới hình thái vật thế, không dân đến việc chuyển quyền sở hữu, nhằm thoả mãn kịp thời các nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của con người.
Hàm lượng tri thức trong dịch vụ chiếm tỉ lệ lớn. Người ta không cần các nguyên vật liệu đầu vào hữu hình như dây chuyền sản xuất hay nhà máy như sản xuất hàng hóa để sản xuất ra dịch vụ, mà giữ vai trò quan trọng nhất trong hoạt động dịch vụ là yếu tố con người, thể hiện qua quá trình sử dụng chất xám và các kĩ năng chuyên biệt với sự hỗ trợ của các dụng cụ, trang thiết bị và công nghệ.
Đối với những ngành dịch vụ có tính truyền thống như phân phối, vận tải hay du lịch thì tầm quan họng của cơ sở vật chất kĩ thuật cũng rất đáng kể, tuy thế, vai trò của tri thức vẫn là chủ yếu và không thể thiếu.
Đồng thời, sự nhạy cảm của dịch vụ có liên kết sâu sắc với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Đây là đặc điểm nổi bật và quan trọng của dịch vụ, thể hiện ở chất lượng dịch vụ không ngừng được tinh vi hóa, chuyên nghiệp hóa và quan trọng hơn là sự xuất hiện liên tục những dịch vụ mới
3. Sản phẩm dịch vụ ngày nay có thể lưu trữ, vận chuyển và trao đổi tại thị trường thương mại quốc tế
Theo quan niệm truyền thống, dịch vụ là những hoạt động có tính xã hội, tạo ra các sản phẩm phi vật thể. Vì thế, khác với các sản phẩm hàng hoá hữu hình, dịch vụ thường không thể lưu trữ được, không thể vận chuyển được mà chỉ có thể sử dụng ở nơi sản xuất.
Khoa học kỹ thuật hiện đại đã làm thay đổi tính chất truyền thống của dịch vụ, khiến dịch vụ có tính chất hàng hoá nhiều hơn, vừa lưu trữ và vận chuyển được đến mọi nơi, vừa có thể sử dụng được trong một thời gian dài, thậm chí gần như vô hạn.
Ngày nay, các sản phẩm dịch vụ như phần mềm máy tính được sản xuất, đóng gói và bán hàng loạt trên thị trường như hàng hoá thông thường.
Các buổi biểu diễn ca nhạc không những có thể được ghi thành những đĩa CD và DVD mà còn có thể được truyền hình trực tiếp đến khắp nơi cho mọi người. Nhờ có internet, các sản phầm dịch vụ tri thức như trang web đã vượt xa tính chất của hàng hóa thông thường là có thể được truy cập vô số lần mà không bị hao mòn.
Một trong những yếu tố khiến các sản phẩm dịch vụ mang tính chất hàng hóa nhiều hơn là quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ ngày càng giống như quá trình sản xuất hàng hóa.
Thí dụ, trong hệ thống tài chính-ngân hàng hiện đại, các ngân hàng nhận các yếu tố đầu vào như thông tin, tài sản thế chấp và tiền gửi tiết kiệm, cơ cấu lại theo từng hạng mục rồi cung cấp các sản phẩm đầu ra như các thẻ tín dụng, khoản vay, cổ phiếu, bảo lãnh, tư vấn và nhiều loại dịch vụ khác theo những trình tự, tiêu chuẩn, giá cả và chất lượng nhất định giống như quá trình trong một dây chuyền sản xuất xe hơi.
Ngày nay, một nhà cung cấp dịch vụ có thể sản xuất hàng loạt một sản phẩm cho rất nhiều người như các băng đĩa hình giải trí và các phần mềm máy tính để khai thác lợi thế kinh tế quy mô (economy of scale), hoặc thậm chí, vượt xa tính chất của quá trình sản xuất hàng hóa thông thường, là chỉ cần cung cấp một sản phẩm như một trang web song lại được sử dụng bởi rất nhiều người (OECD, 2000: 7).
Công nghệ thông tin đã tạo ra những công ty cung ứng dịch vụ toàn cầu giống như các công ty sản xuất hàng hoá có quy mô toàn cầu đã xuất hiện mấy chục năm về trước.
4. Có đến 12 ngành dịch vụ với 155 phân ngành được phân loại bởi WTO
Ban Thư ký WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) phân thương mại dịch vụ thành 12 khu vực bao gồm:
Dịch vụ kinh doanh,
Dịch vụ thông tin,
Dịch vụ xây dựng và kỹ thuật,
Dịch vụ kinh tiêu,
Dịch vụ đào tạo,
Dịch vụ môi trường,
Dịch vụ tài chính,
Dịch vụ liên quan đến sức khỏe và xã hội,
Dịch vụ du lịch và các hoạt động có liên quan,
Dịch vụ giải trí, văn hóa, thể thao,
Dịch vụ vận tải,
Các dịch vụ khác.
Từ 12 khu vực trên đây lại chia thành 155 tiểu khu vực. Theo GATS thương mại dịch vụ bao gồm các dịch vụ ở bất kỳ khu vực nào trừ dịch vụ do yêu cầu của chính phủ, là những dịch vụ không dựa trên kinh doanh hoặc cạnh tranh.
5. Có sự lan tỏa rất lớn đồng thời sở hữu vị trí chủ chốt trong các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế
Thương mại là một ngành kinh tế độc lập mà hoạt động của nó là mua, bán hàng hóa và dịch vụ. Luật thương mại quốc tế lại coi hoạt động đầu tư, tín dụng và chuyển giao công nghệ cũng là hoạt động thương mại. Trong ngành thương mại có ba lĩnh vực chính, đó là thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và thương mại đầu tư, trong đó thương mại dịch vụ là hoạt động mua bán các loại dịch vụ.
Trong hoạt động thương mại lại có các loại hoạt động hỗ trợ như xúc tiến thương mại, dịch vụ thương mại. Dịch vụ thương mại là các dịch vụ phục vụ cho việc mua bán hàng hóa và dịch vụ, như maketing chẳng hạn.
Việc coi các ngành sự nghiệp như giáo dục, y tế, văn hóa…thuộc khu vực dịch vụ và được hạch toán trong hệ thống kinh tế quốc dân có thể đuợc lý giải dưới bốn góc độ: Thứ nhất, trong nền kinh tế thị trường, mọi sản phẩm đều là hàng hóa, mọi hoạt động đều là kinh doanh, mà kinh doanh là bỏ vốn ra để thu được lợi ích nhất định.
Các ngành giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa…muốn hoạt động được cần đầu tư vốn và kết quả mang lại là sự phát triển toàn diện của con người, lợi ích đó còn giá trị hơn nhiều so với lợi nhuận mà một nhà kinh doanh hàng hóa vật thể đem lại. Người làm giáo dục, y tế, văn hóa cũng phải biết tính toán lỗ lãi, thiệt hơn.
Thứ hai, trong nền kinh tế thị trường, tư nhân được quyền hoạt động giáo dục, khám chữa bệnh, lập các đoàn nghệ thuật, đoàn làm phim thì mục đích không phải chủ yếu là phục vụ không công cho xã hội mà mục đích là thu lợi, trực tiếp là lợi nhuận, tức là kinh doanh, tất nhiên nếu không đạt được mục tiêu xã hội thì cũng không thể kinh doanh được.
Thứ ba, trong các ngành sự nghiệp như giáo dục, y tế, văn hóa đều có các doanh nghiệp, mà đã là doanh nghiệp tất yếu phải kinh doanh, như Công ty thiết bị trường học, Công ty dược, Nhà xuất bản… là các doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh; còn các trường học, bệnh viện, đoàn nghệ thuật, câu lạc bộ bóng đá cũng có thể coi là doanh nghiệp.
Thứ tư, những người được phục vụ nói chung đều phải trả tiền, phải tính toán thiệt hơn để thụ hưởng sự phục vụ có hiệu quả nhất.
Thương mại dịch vụ hiện nay đang có sự lan tỏa rất lớn, ngoài tác dụng trực tiếp của bản thân dịch vụ, nó còn có vai trò trung gian đối với sản xuất và thương mại hàng hóa, nên phát triển thương mại dịch vụ có ảnh hưởng gián tiếp lên tất cả các ngành của nền kinh tế quốc dân, do đó tác dụng của thương mại dịch vụ là rất lớn.
Người ta tính rằng, nếu thương mại dịch vụ được tự do hóa thì lợi ích của nó còn cao hơn thương mại hàng hóa hiện nay và xấp xỉ bằng lợi ích thu được khi tự do hóa thương mại hàng hóa hoàn toàn cho cả hàng hóa nông nghiệp và hàng hóa công nghiệp.
Sinh viên: Lê Ngọc Phượng
Lớp: INE3104 3