2 loại hình thương mại quốc tế mà bạn cần biết.

1. Khái niệm thương mại quốc tế

Thương mại quốc tế là gì
Thương mại quốc tế

Ban đầu, thương mại quốc tế được hiểu theo nghĩa hẹp, là hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa hữu hình giữa các nước nhằm mục đích mang lại lợi ích mà hoạt động buôn bán, trao đổi trong nước không có hoặc không bằng. Cùng với sự phát triển của quan hệ kinh tế quốc tế, đặc biệt là trong những thập kỉ gần đây, thương mại quốc tế ngày càng được coi trọng và được hiểu theo nghĩa rộng hơn, không chỉ là buôn bán hàng hóa hữu hình mà còn bao gồm cả các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa vô hình, dịch vụ hay đầu tư vì mục đích sinh lợi…

Theo ủy ban của Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL), thương mại quốc tế được hiểu theo nghĩa rất rộng, bao gồm các hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế, theo đó bao gồm các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế, từ mua bán hàng hóa hữu hình đến các dịch vụ như bảo hiểm, tài chính, tín dụng, chuyển giao công nghệ, thông tin, vận tải, du lịch…

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Như vậy, nếu tiếp cận theo khái niệm này, thương mại quốc tế cũng sẽ được hiểu với nghĩa rất rộng.

Theo nghĩa đó, thương mại quốc tế là hoạt động thương mại có yếu tó nước ngoài (hay là hoạt động thương mại vượt ra khỏi biên giới quốc gia hoặc lãnh thổ hải quan) sẽ bao gồm cả mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các nước, hoạt động đầu tư quốc tế, xúc tiến thương mại quốc tế và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Mặc dù có nhiều khái niệm khác nhau về thương mại quốc tế, tuy nhiên, có thể hiểu: Thương mại quốc tế là hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác diễn ra giữa các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ.

2. Vai trò của thương mại quốc tế

Vai trò của thương mại quốc tế
Thương mại quốc tế

Thương mại quốc tế là cơ sở để các quốc gia điều chỉnh, hoạch định chính sách phù hợp với sự phát triển kinh tế của mình

Thương mại quốc tế đóng vai trò cực kỳ quan trọng với mỗi quốc gia, có thể kể đến lợi ích như:

  • Cho phép các quốc gia sử dụng hàng hóa phong phú với số lượng lớn hơn khả năng sản xuất hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước.
  • Hoạt động thương mại quốc tế có sự tác động qua lại buộc các quốc gia phải tự thay đổi cơ cấu kinh tế, ngành nghề, vùng miền hay thành phần kinh tế để tăng khả năng cạnh tranh của quốc gia.
  • Không đơn thuần là hoạt động xuất, nhập khẩu giữa các quốc gia, mà thể hiện sự phục thuộc tất yếu của quốc gia vào phân công lao động quốc tế thông qua chuỗi cung ứng quốc tế. Và thương mại quốc tế được xem là nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế quốc gia dựa trên cơ sở phân công lao động và sự chuyên môn hóa quốc tế.
  • Thông qua hoạt động thương mại quốc tế các quốc gia sẽ tiến hành xây dựng, hoạch định và ban hành chính sách kinh tế sao cho phù hợp với đặc thù kinh tế và trình độ phát triển của quốc gia.
  • Là cơ sở để chính phủ điều chỉnh hoạt động thương mại quốc tế thông qua việc vận dụng các công cụ (thuế quan và phi thuế quan) để tác động tới các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu.
  • Tạo ra nhiều việc làm cho lao động trong nước, từ đó sẽ giảm được tỷ lệ lao động thất nghiệp và giảm gánh nặng cho xã hội.

3. Chủ thể tham gia thương mại quốc tế

Chủ thể tham gia thương mại quốc tế
Chủ thể tham gia thương mại quốc tế

Thương mại quốc tế là hoạt động kinh tế diễn ra giữa nhiều chủ thể của các quốc gia khác nhau. Vì thế, quá trình hoạt động sẽ có 3 chủ thể tham gia trực tiếp vào hoạt động này bao gồm:

Các doanh nghiệp

Doanh nghiệp được xem là chủ thể phổ biến nhất tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế. Đó có thể là cá nhân, tập thể các nhà kinh doanh, các doanh nghiệp có thể là doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ hoạt động với mục tiêu khai thác lợi ích của thương mại quốc tế để thu lại lợi nhuận cho doanh nghiệp của mình.

Các quốc gia

Các quốc gia tham gia vào thương mại quốc tế với vai trò rất đặc biệt vừa để khai thác tối đa lợi ích của thương mại quốc tế vào sự phát triển kinh tế quốc gia. Vừa tham gia thương mại quốc tế để điều chỉnh các hoạt động trong nước một cách hiệu quả.

Các tổ chức quốc tế

Các tổ chức quốc tế tham gia vào thương mại quốc tế với mục tiêu chung đó là điều chỉnh hoạt động thương mại quốc tế để đảm bảo lợi ích và mục tiêu của các bên tham gia trong một khoảng thời gian nhất định. Có thể kể đến một số tổ chức tham gia thương mại quốc tế như:

  • Tổ chức quốc tế: Tổ chức thương mại quốc tế (WTO).
  • Tổ chức khu vực: Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) hay Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
  • Tổ chức chuyên ngành: Trung tâm thương mại quốc tế (ITC).

4. 2 loại hình thương mại quốc tế

Có nhiều cách tiếp cận về các loại hình thương mại quốc tế. Trước đây, khi nói về thương mại quốc tế, dưới góc độ quốc gia, người ta thường phân thành hai luồng hàng hóa: xuất khẩu và nhập khẩu. Tuy nhiên, trong điều kiện thương mại hiện đại, xuất hiện những hình thức thương mại quốc tế mới như: xuất khẩu tại chỗ, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập…; đặc biệt còn xuất hiện thương mại về dịch vụ. Nên cách phân loại về hình thức thương mại quốc tế này trở nên kém phù họp.

Khi nói đến thương mại quốc tế sẽ được phân chia ra 2 loại hình cơ bản đó là: Thương mại quốc tế về hàng hóa và thương mại quốc tế về dịch vụ. Cụ thể:

Thương mại quốc tế về hàng hóa

Theo nghĩa chung hàng hóa là sản phẩm do người lao động tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người. Đối với hàng hóa cũng được chia ra làm hàng hóa vô hình và hữu hình.

Hàng hóa quốc tế hữu hình bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến hàng hóa có thể nhìn thấy, sờ thấy và cân đo, đong đếm được như máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật liệu, nông sản… Còn hàng hóa vô hình là những sản phẩm thương mại không thể nhìn, sờ thấy như các phát minh, sáng chế, độc quyền nhãn hiệu, giải pháp…

Dù là hàng hóa vô hình hay hữu hình, thì cũng được cung ứng ra thị trường thông qua các phương thức như:

Xuất, nhập khẩu hàng hóa: Xuất khẩu là hoạt động đưa hàng hóa ra nước ngoài tiêu thụ, nhập khẩu là hoạt động đưa hàng hóa sản xuất từ nước ngoài vào trong nước để tiêu thụ.

Gia công quốc tế: Hoạt động gia công bao gồm  cả gia công cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Chẳng hạn, Việt Nam đang thực hiện hình thức thuê nước ngoài gia công đối với các sản phẩm giày dép, quần áo.

Tái xuất khẩu và chuyển khẩu

  • Trong hoạt động tái xuất khẩu: Là hình thức nhập khẩu hàng hóa tạm thời từ nước ngoài vào và xuất khẩu cho một nước thứ 3. Điều kiện đi kèm là hàng hóa sẽ giữ nguyên và không trải qua hoạt động gia công hay chế biến lại.
  • Trong hoạt động chuyển khẩu: Chuyển khẩu thực chất là quá trình thực hiện dịch vụ vận tải, lưu kho…chứ không phải là hoạt động mua bán hàng hóa.

Thương mại quốc tế về dịch vụ

Thương mại quốc tế dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, ngành dịch vụ có tính chất phức tạp nên cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh về lĩnh vực này.

Thương mại dịch vụ là ngành kinh tế thứ  3, ngoài công nghiệp và nông nghiệp thì đều được coi là dịch vụ. Hiểu nôm na đây là các hoạt động tạo ra sản phẩm không tồn tại dưới hình thái vật thể, không dẫn đến việc sở hữu, nhằm thỏa mãn kịp thời nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của con người.

Theo GATS, thương mại quốc tế về dịch vụ được chia làm 4 phương thức cung cấp khác nhau như:

Cung cấp dịch vụ qua biên giới: Là phương thức dịch vụ cung cấp theo lãnh thổ quốc gia này qua quốc gia khác. Ví dụ: Dịch vụ vận tải hành khách từ Việt Nam qua các quốc gia khác.

Phương thức tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài: Được hiểu là người tiêu dùng sẽ di chuyển sang quốc gia khác để sử dụng dịch vụ. Ví dụ: Các tour du lịch, du học…

Hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài: Được hiểu là các nhà cung cấp dịch vụ của quốc gia này sẽ thiết lập hình thức thương mại để cung cấp dịch vụ trên phạm vi lãnh thổ của quốc gia khác. Ví dụ: Các siêu thị nước ngoài mở tại Việt Nam để phân phối hàng hóa.

Hiện diện của thể nhân: Được hiểu là thể nhân cung cấp dịch vụ của quốc gia này sẽ di chuyển tạm thời hay có thời hạn sang quốc gia khác để cung cấp dịch vụ. Ví dụ: Các nghệ sĩ Hàn Quốc sang Việt Nam để biểu diễn hay hoạt động nghệ thuật.

Hi vọng, với những thông tin hữu ích trên đây đã giải đáp được cho bạn câu hỏi thương mại quốc tế là gì? Để được hỗ trợ chi tiết về thương mại quốc tế, bạn có thể liên hệ với cơ quan chuyên trách để được tư vấn cụ thể nhất.

Sinh viên: Hoàng Bá Khôi Nguyên

Lớp: INE3104 3