Walmart: Cross-docking và 5 “bí quyết” thành công trong chuỗi cung ứng

Mô hình Cross-docking của Walmart

Walmart là tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới có trụ sở chính ở Mỹ và song song với Amazon, Alibaba,.. Năm 2002, cái tên Walmart không chỉ được biết đến như một công ty thu hút hơn 1.1 triệu liên kết vào năm 2000 mà nó còn được biết đến với thương hiệu làm mưa làm gió ở thị trường chính quốc và kể cả ở các thi trường khó tính nhất như Nhật Bản, Mexico, Anh, Đức,… Walmart hiện sở hữu hơn 12.000 cửa hàng trên 28 quốc gia trên thế giới với hơn 2 triệu công nhân. Vậy điều gì đã làm nên thành công của họ ? Đó chính là sự tối ưu hóa trong hoạt động logistics. Với số lượng cửa hàng đáng kinh ngạc mà Walmart đạt được, quản lý chuỗi cung ứng và quản lý hàng tồn kho một cách hiệu quả là điều đáng để các doanh nghiệp học hỏi. Các phương thức hoạt động Logistics tinh chỉnh này của Walmart phụ thuộc vào bí quyết phân phối hàng hóa được gọi là ‘Cross-docking’.

Cross-docking là gì?

Cross-docking là hệ thống phân phối hàng hoá, trong đó hàng hoá được nhận trực tiếp tại kho hoặc tại trung tâm phân phối. Hàng hoá không đem vào vị trí lưu trữ mà luôn sẵn sàng vận chuyển đến các cửa hàng bán lẻ (Retailer). Cross-docking đòi hỏi sự hài hoà và nhịp nhàng giữa hoạt động nhận hàng – giao hàng. Bởi vậy, kỹ thuật cross-docking có thể giúp giảm đáng kể chi phí phân phối trong logistics.

Như vậy có thể hiểu Cross-docking là một kỹ thuật Logisticcs nhằm loại bỏ chức năng lưu trữ và thu gom đơn hàng của một kho hàng, mà vẫn cho phép thực hiện các chức năng tiếp nhận và gửi hàng.

Mô hình cross-docking
Mô hình cross-docking

Thay vì phải vận chuyển từng hàng hóa đến từng của hàng bán lẻ theo hình thức cũ, Cross-docking cho phép ta có thể phân phối đúng và đủ nhiều mặt hàng cùng một lúc. Do đó, chi phí cho hoạt động lưu trữ và phân phối được tối giản đáng kể.

Tuy nhiên không phải công ty nào cũng có thể áp dụng kỹ thuật Logistics này một cách tối ưu. Điều này xảy ra vì lý do các doanh nghiệp chưa ứng dụng thực tế vào cấu trúc và phương thức hoạt động của công ty mình. Thường thì mỗi một công ty có hệ thống hoạt động cũng như quy mô khác nhau nên cách áp dụng một mô hình hay kỹ thuật đều phải thay đổi cho phù hợp với doanh nghiệp. Vậy Walmart đã sử dụng Cross-docking như thế nào để chuỗi cung ứng của họ hoàn hảo như vậy?

Đọc thêm: Cross-docking là gì?

Bài viết tham khảo: https://gosmartlog.com/cross-docking-tai-sao-can-phai-co-mot-cach-tiep-can-toan-dien/

Vài nét về Walmart- tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới.

Wal-mart là công ty hoạt động trong ngành bán lẻ của Mỹ, được thành lập bởi Sam Walton vào năm 1962. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu kinh doanh hệ thống các cửa hàng bán lẻ này, Sam Walton đã sở hữu thành công chuỗi cửa hàng với tên gọi Ben Franklin. Cho đến khi Walton nhận ra xu hướng mới là giảm giá bán lẻ, dựa vào việc bán những khối lượng lớn hàng hóa thông qua các cửa hàng bán lẻ chi phí thấp; ông đã quyết định mở những cửa hàng lớn, với những đặc điểm như kho hàng để cạnh tranh. Walton đã đặt tên cho chuỗi cửa hàng với con số 18 cửa hàng này là “Walmart Discount City”, trụ sở tại Arkansas. Đến năm 1969, công ty Walmart Stores Inc. chính thức ra đời. Vào năm 1991, Walmart bắt đầu thâm nhập vào thị trường quốc tế bằng việc liên doanh với Cifra trên thị trường Mexico. Tiếp đến vào năm 1971, công ty gia nhập thị trường Canada bằng việc mua lại 122 cửa hàng từ Woolworth.

Năm 1997, Walmart trở thành nhà bán lẻ lớn nhất tại Canada và Mexico. Cũng trong năm 1997, Walmart tiếp tục mở rộng thị trường thông qua việc mua lại chuỗi 21 đại siêu thị Wertkauf của Đức. Nỗ lực trở thành tập đoàn xuyên quốc gia được thực hiện khi công ty liên tiếp mua lại hoặc liên doanh với các nhà phân phối địa phương ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Brazil, …  Walmart đã trở thành công ty lớn nhất thế giới về doanh thu theo bình chọn của tạp chí Fortune vào năm 2002 và đồng thời là tập đoàn bán lẻ đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng Fortune. Trong nhiều năm qua, Walmart luôn duy trì vị thế dẫn đầu của mình trong ngành công nghiệp bán lẻ thế giới.

Đọc thêm: Tổng quan về Walmart

Bài viết tham khảo: http://review.siu.edu.vn/tai-chinh-thuong-mai/walmart-tap-doan-co-doanh-thu-lon-nhat-the-gioi/340/2104

“Bí quyết” sử dụng Cross-docking thành công của Walmart

Chiến lược kinh doanh của Walmart là hướng đến lợi thế chi phí, trở thành nhà bán lẻ giá rẻ hơn mỗi ngày, hướng đến đối tượng người tiêu dùng quan tâm đến giá cả. Để tuân thủ chiến lược này, Walmart đã tối thiểu hóa chi phí trong khâu kho bãi, phân phối của mình. Để quá trình phân phối và vận tải diễn ra một cách hiệu quả nhất, Walmart đã vận dụng hệ thống cross-docking, tức là những sản phẩm hoàn thiện được vận chuyển trực tiếp từ nhà máy sản xuất của nhà cung ứng đến những kho theo những lô hàng lớn, tại đây lô hàng sẽ được tách ra, chuẩn bị theo những nhu cầu cần thiết của khách hàng hay của mỗi chi nhánh, rồi gửi đi cho các chi nhánh nhỏ.

Chuỗi cung ứng áp dụng cross-docking của Walmart
Chuỗi cung ứng áp dụng cross-docking của Walmart

Walmart đã triển khai năm loại cross-docking sau:

 

Cross-docking cơ hội:  Mua  một số lượng chính xác các sản phẩm từ các nhà cung ứng và vận chuyển cho khách hàng mà không cần lưu kho sản phẩm trong kho của Walmart.

Walmart thiết lập các mối quan hệ lâu dài và chiến lược đối với những nhà cung cấp của mình để hợp tác lâu bền và mua với số lượng lớn để được giảm giá sản phẩm. Tập đoàn này có khoảng 90.000 nhà cung cấp trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 200 nhà cung cấp chính như: P&G, Nestle, Unilever, Kraft,… Từ đó Walmart thiết lập những trung tâm phân phối được đặt tại các khu vực khác nhau và mỗi trung tâm phân phối sẽ có số lượng sản phẩm phù hợp với từng đặc điểm, nhu cầu từng khu vực. Nhờ vào điều này, Walmart sẽ có được thông tin cụ thể về nhu cầu của khách hàng để mua được chính xác các sản phẩm từ nhà cung cấp.

Cross-docking theo dòng chảy:  Đảm bảo tính liên tục của nguồn hàng trong trung tâm phân phối.

Hệ thống phân phối của Walmart trải dài 120 triệu mét vuông bao gồm 160 trung tâm phân phối phân bố trong 130 dặm của các cửa hàng. Với bộ phận logistics lên tới 75.000 người, cùng với hệ thống vận chuyển gồm 7.800 lái xe và gần 7.000 xe tải, Walmart đã tạo nên nền tảng phân phối hàng hóa hiệu quả được bày bán tại các cửa hàng thông qua 160 trung tâm phân phối trải rộng toàn nước Mỹ này. Nhờ vào đó hàng hóa được đảm bảo đến và đi liên tục từ các trung tâm phân phối.

Cross-docking của nhà phân phối: Nhà sản xuất giao hàng cho nhà bán lẻ mà không qua bất kỳ trung gian nào.

Nhờ vào đội ngũ xe vận chuyển chuyên dụng cùng với việc áp dụng cross-docking, hàng hóa được vận chuyển trực tiếp từ nhà cung cấp bởi hệ thống xe của Walmart đến các trung tâm phân phối và đến luôn các chi nhánh cửa hàng mà không cần hoạt động lưu trữ tại kho. Trong năm 2013, khoảng 81% sản phẩm của Walmart được xử lý thông qua các kho hàng và sử dụng cross-docking để vận chuyển hàng hóa.

Xe vận chuyển chuyên dụng của Walmart
Xe vận chuyển chuyên dụng của Walmart

Đội ngũ xe chuyên dụng lớn kèm theo hệ thống quản lý hiệu quả, Walmart không chỉ tối thiểu hóa được các chi phí dành cho hoạt động phân phối và dự trữ mà thời gian giao hàng và tái cung cấp cũng được giảm thiểu. Walmart có thể vận chuyển hàng hóa và phân phối cho các cửa hàng chỉ trong vòng hai ngày và bổ sung hàng hóa cho các kệ hàng trong các cửa hàng 2 lần/tuần nhờ vào kỹ thuật cross-docking này. Thời gian giao hàng nhanh chóng đã giúp Walmart đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.

TruckersLogic cũng chỉ ra rằng đội xe vận chuyển của Walmart và các tài xế luôn được kiểm soát bằng tiêu chuẩn cao, cụ thể, xuyên suốt 250.000 dặm đường không xảy ra tai nạn, tối thiểu trong vòng 3 năm đối với hàng ngàn tài xế của công ty.

Cross-docking của nhà sản xuất: Nhà máy của nhà sản xuất đóng vai trò như một nhà kho hoặc trung tâm phân phối.

Với một quy mô hoạt động phân phối và bán lẻ khổng lồ như Walmart, để có thể vừa đáp ứng được phân phối một cánh linh hoạt hoạt, kịp thời đến các cửa hàng, vừa cạnh tranh với các đối thủ về cắt giảm chi phí là một vấn đề không nhỏ. Giải pháp để giải quyết vấn đề này đương nhiên là cross-docking và cụ thể hơn là cross-docking của nhà sản xuất. Áp dụng Cross-docking ở Walmart là đưa hàng hoá thành phẩm từ cơ sở sản xuất và phân phối trực tiếp nó cho các cửa hàng và siêu thị mà rất ít và hầu như không phải lưu trữ hàng qua khâu trung gian. Bởi vậy kho của nhà sản xuất có thể được tận dụng như một nhà kho hay thậm chí là trung tâm phân phối của Walmart.

Cross-docking được phân bổ trước: Sản phẩm được nhà sản xuất hoàn thiện, bao gồm đóng gói và dán nhãn, sau đó được vận chuyển đến trung tâm phân phối.

Để tăng cường sự hiệu quả với nhà cung cấp, Walmart và P&G đã đi đầu trong viêc thay đổi mô hình hợp tác, kết hợp những ứng dụng công nghệ như: hệ thống kết nối bán lẻ, công nghệ EDI, chương trình CPFR… Việc này cho phép luồng thông tin di chuyển liên tục, đồng thời hàng hóa được sản xuất, vận chuyển kịp thời. Thông tin về hàng hóa giữa Walmart và các nhà cung cấp sẽ được đồng bộ. Bởi vậy tất cả hàng hóa của Walmart sẽ do nhà sản xuất đóng gói và dán tem nhãn mà không cần Walmart phải kiểm tra lại hàng hóa cũng như tiến hành dán tem nhãn cho sản phẩm. Mô hình đồng bộ này hiện nay đã được Walmart mở rộng cho nhiều nhà cung ứng khác nhau.

Đọc thêm: Quản trị chuỗi cung ứng của Walmart

Bài viết tham khảo: https://gosmartlog.com/kinh-nghiem-quan-ly-chuoi-cung-ung-cua-walmart/

Trên đây là Walmart: Cross-docking và “bí quyết” thành công trong chuỗi cung ứng. Hy vọng những thông tin mình cung cấp trong bài viết này sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan về mô hình Cross-docking và nắm bắt được cách mà Walmart áp dụng mô hình này để làm nên thành công trong chuỗi cung ứng của họ.

Hãy xem thêm bài viết: Dropshipping là gì? Ưu nhược điểm của Dropshipping

Người thực hiện: Ngô Nhật Ánh- 18050405

QH-2018-E KTQT CLC 4