Bùng nổ thị trường Ví điện tử Việt Nam: 6 cơ hội và thách thức

Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng về thanh toán điện tử cao nhất thế giới, khoảng 35% mỗi năm, trong đó ví điện tử đang là một trong những lựa chọn của phương thức thanh toán hiện đại và tiện ích. Bên cạnh đó, các đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử ngày càng tăng đã tạo nên cuộc cạnh tranh quyết liệt nhằm chiếm lĩnh thị phần.

Vậy ví điện tử tại Việt Nam đang phát triển như thế nào trong những năm gần đây? Thị trường ví điện tử đang phải đối mặt với những cơ hội và thách thức gì? Làm thế nào để có thể thúc đẩy tối đa sự phát triển của nó? Hãy cùng tìm hiểu và giải đáp trong bài viết này nhé!

1. Sự phát triển của ví điện tử tại Việt Nam 

1.1. Tổng quan về ví điện tử

Ví điện tử, hay còn được gọi là ví tiền online là 1 tài khoản được đăng ký trên ứng dụng di động do các đơn vị cung cấp dịch vụ này phát hành nhằm hỗ trợ người dùng thanh toán các dịch vụ trực tuyến có liên kết với ví mà không cần dùng tiền mặt.

Ví điện tử là tài khoản online, có chức năng giúp bạn thanh toán các đơn hàng, hoá đơn mua sắm. Bên cạnh việc thanh toán trực tuyến khi mua hàng online, một số ví điện tử có kết hợp tính năng quét mã QR cũng giúp bạn thanh toán tại các cửa hàng. Đây là 1 phương thức thanh toán đơn giản, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và giúp bạn quản lý chi tiêu tốt hơn.

Sự ra đời của ví điện tử đã thay đổi đáng kể thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt và mang đến rất nhiều tiện lợi cho mọi người. Nhờ có ví điện tử mà người dùng đã tiết kiệm được không ít thời gian di chuyển đến ngân hàng hoặc các điểm giao dịch để thực hiện các giao dịch như chuyển tiền, nhận tiền, thanh toán hóa đơn.

Chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối internet và một tài khoản ví điện tử đã được liên kết với tài khoản ngân hàng, bạn có thể thực hiện chuyển – nhận tiền cho người thân, bạn bè hoặc thanh toán các hóa đơn một cách nhanh chóng, an toàn với thao tác hết sức đơn giản.

Tiện ích của ví điện tử
Tiện ích của ví điện tử

Xem thêm: Ví điện tử và top 6 lợi ích sử dụng ví điện tử là gì?

1.2. Thực trạng phát triển ví điện tử ở Việt Nam 

Theo Asian Banker Research, dự kiến năm 2020 tại Việt Nam tổng số người dùng ví điện tử dự kiến sẽ vượt mốc 10 triệu người. Với thị trường đầy tiềm năng này, các ví điện tử đang thi nhau nở rộ để chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử.

Cụ thể, tính đến tháng 12/2019 có 32 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán. Phần lớn các đơn vị này cung cấp dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ chi hộ, chuyển tiền điện tử.

Sự sôi động và hấp dẫn của ví điện tử đã thu hút các ngân hàng thương mại cũng như các công ty, tập đoàn công nghệ lớn từng bước thâm nhập vào thị trường. Đến nay, một số ngân hàng đã phát triển hệ thống thanh toán điện tử: Ví điện tử Bank Plus ra đời là sự kết nối giữa Viettel và MBBank bảo trợ; VPBank với Timo và Maritime Bank với MEED, LienVietPostbank với Ví Việt.

Không những thế, thị trường năng động và sôi nổi của ví điện tử tại Việt Nam cũng tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Một số doanh nghiệp nước ngoài chọn cách bắt tay với các doanh nghiệp nội trong cuộc đua giành thị phần ví điện tử phải kể đến Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs đã hợp tác với CTCP M_Services bỏ vốn vào Momo. VNPT Epay có 65% vốn sở hữu thuộc quỹ đầu tư của Hàn Quốc; 90% vốn của CTCP 1Pay thuộc về Tập đoàn TrueMoney đến từ Thái Lan,…

Căn cứ trên mức độ phổ biến, từ số liệu thuê bao và thị phần mà chính các doanh nghiệp ví điện tử công bố thì MoMo đang là ví điện tử có thị phần lớn nhất và được yêu thích nhất tại Việt Nam. Bên cạnh Momo, còn có nhiều tên tuổi từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước như Viettelpay, Airpay, Moca, Payoo, Zalopay, VinIDPay,…

thị trường ví điện tử tại Việt Nam

2.    Cơ hội và thách thức đối với thị trường ví điện tử tại Việt Nam

Ví điện tử đang ngày càng trở thành một hình thức thanh toán quen thuộc của người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ. Với xu hướng số phát triển mạnh mẽ và nhiều tiện ích, ví điện tử có tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.

Thị trường ví điện tử ở Việt Nam hiện nay đang bùng nổ với sự xuất hiện của nhiều cái tên mới, tăng con số ví điện tử lên hơn 20 với những tiện ích đa dạng. Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có khoảng hơn 10 triệu người dùng ví điện tử ở nước ta năm 2020. Qua đó, có thể thấy thị trường phát triển của ví điện tử tại Việt Nam còn nhiều cơ hội đang chờ đón phía trước.

2.1. Cơ hội

#1: Mục tiêu của Chính phủ

Chính phủ đặt ra mục tiêu, cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp nhất hơn 10% và 8% vào năm 2025. Điều này có nghĩa là trong thời gian tới ví điện tử sẽ có nhiều tiềm năng để phát triển.

#2: Lượng người sử dụng điện thoại thông minh và sử dụng điện thoại vào Internet tăng lên đáng kể

Theo tổng hợp từ báo cáo Digital marekting năm 2019 của WeareSocial và Hootsuite, trong số 64 triệu người dùng Internet tại Việt Nam thì số lượng người dùng truy cập bằng thiết bị di động là 61,73 triệu người (chiếm 96% số người sử dụng internet).

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê năm 2019, tỷ lệ người Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày là 94% và 6% là số người sử dụng Internet ít nhất một lần trong tuần. Qua số liệu thống kê có thể thấy, người dùng Internet ở Việt Nam không tách rời các hoạt động liên quan đến Internet quá một tuần. Điều đó cho thấy cơ hội gia tăng số lượng người dùng ví điện tử trong tương lai rất lớn.

#3: Sự bùng nổ của thương mại điện tử

Hiện nay, thương mại điện tử đã trở thành một phương thức giao dịch đang càng ngày càng quen thuộc triển tại Việt Nam. Nó làm thay đổi cách thức mua bán, giao nhận hàng hóa của con người. Đặc biệt, đối với người tiêu dùng: thương mại điện tử giúp họ có nhiều lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ; giảm thiểu thời gian mua hàng và chi phí đi lại; tạo cơ hội mua được sản phẩm với giá bán thấp hơn, tiếp cận được nhiều thông tin hơn,…

Song hành cùng sự phát triển của thương mại điện tử đó là các hình thức thanh toán hiện đại như thẻ ngân hàng, ví điện tử. Do đó, sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ là một trong những cơ hội lớn cho sự phát triển của ví điện tử trong tương lai.

Thương mại điện tử giúp thúc đẩy sự phát triển của ví điện tử

2.2. Thách thức

Tuy có nhiều tính năng đáp ứng nhu cầu của người dùng hiện đại như tiết kiệm thời gian, chi phí, thanh toán nhanh chóng, đơn giản và có nhiều ưu đãi nhưng ví điện tử cũng gặp phải không ít thách thức trong quá trình phát triển thị trường.

#1: Thói quen thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam

Thói quen thanh toán bằng tiền mặt cùng với tâm lý lo sợ lừa đảo và rủi ro trong quá trình thanh toán nên một bộ phận người tiêu dùng Việt vẫn chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt. Mặc dù có khá nhiều ví điện tử xuất hiện trong thời gian gần đây nhưng chưa có giải pháp nào nổi bật, tạo ra xu thế cho thị trường. Đây cũng là những trở ngại lớn nhất cho người tiêu dùng và sự phát triển chung của thị trường.

#2: Vấn đề rủi ro gian lận trong thanh toán điện tử

Đây là một thách thức lớn đối với sự phát triển của ví điện tử trong thời gian tới. Thực tế cho thấy có rất nhiều người ngại sử dụng các phương tiện thanh toán di động vì mức độ rủi ro của nó như mất tiền, đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo,…

Rủi ro gian lận là một trong các lý do khiến người tiêu dùng ngại sử dụng ví điện tử. Ngoài ra, nỗi sợ bị tấn công hoặc đối mặt với cuộc tấn công phần mềm độc hại hoặc bị rò rỉ dữ liệu cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng cảm thấy không an toàn khi sử dụng phương thức thanh toán hiện đại này.

#3: 1 bộ phận người Việt chưa bắt kịp những tiến bộ công nghệ

Họ chưa nhận thức và ít tin tưởng về những hình thức thanh toán hiện đại nói chung và ví điện tử nói riêng. Sự thiếu hiểu biết khiến họ nghĩ rằng ví điện tử không phải là một phương tiện thanh toán thuận tiện, an toàn.

3. Một số đề xuất, giải pháp

Thực tế cho thấy, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã thay đổi thói quen kinh doanh và thanh toán tiêu dùng của người Việt Nam.

Thêm vào đó, trong giai đoạn hiện nay khi ngành ngân hàng đang đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, với mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào cuối năm 2020 thì sự ra đời và phát triển của ví điện tử là điều tất yếu.

Tuy nhiên, với tâm lý người dân còn e ngại về độ an toàn của các dịch vụ thanh toán trực tuyến, đồng thời thói quen sử dụng tiền mặt từ lâu thì bên cạnh việc gia tăng tiện ích, các ví phải đặc biệt chú trọng đến bảo đảm an toàn, bảo mật cho khách hàng mới có thể phát triển nhanh, bền vững.

Từ việc phân tích thực trạng cũng như chỉ ra các cơ hội và thách thức mà thị trường ví điện tử Việt Nam đang phải đối mặt, bài viết sẽ đưa ra 1 số đề xuất như sau:

  • Hoàn thiện và đồng bộ hóa hành lang pháp lý để quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi đối với các hình thức thanh toán điện tử mới, ban hành quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng và bên thứ ba, đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động ổn định, hạn chế rủi ro phát sinh. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng thương mại và các tổ chức không phải ngân hàng, tăng cường các biện pháp bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử.
  • Đa dạng tính năng các ví điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu tối đa của khách hàng: Đa dạng tính năng là yêu cầu tất yếu giúp người sử dụng có thể nạp tiền vào ví với nhiều cách thức: nạp tiền từ thẻ điện thoại, nạp tiền thông qua tài khoản thanh toán, chuyển khoản thông qua ngân hàng, Internet Banking, Mobile Banking…
  • Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, công tác truyền thông và phối hợp với cơ quan báo chí để thực hiện các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó tập trung phát triển, mở rộng các mô hình ứng dụng các phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
  • Tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin: Cần có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán quan trọng. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nên chủ động theo dõi, cập nhật tình hình an ninh mạng trong nước và quốc tế để cảnh báo cũng như chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành kịp thời phòng chống, xử lý các rủi ro, lỗ hổng bảo mật công nghệ thông tin.

Với thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, hàng loạt các ngành và các loại hình kinh doanh cùng với các hình thức thanh toán giao dịch mới ra đời. Ví điện tử là một trong những hình thức thanh toán mới đã xuất hiện và sẽ phát triển trong thời gian tới. Hình thức này tồn tại bên cạnh các hình thức thanh toán truyền thống và dần dần chiếm lĩnh thị phần của các hình thức thanh toán truyền thống.

Với sự ủng hộ từ phía nhà nước cùng với sự tăng trưởng vượt bậc như hiện nay, thì có lẽ trong tương lai hình thức thanh toán điện tử sẽ lên ngôi làm thay đổi thói quen người tiêu dùng. Theo báo cáo của Việt Nam IT Landscape 2020 cho thấy thị trường thanh toán điện tử 2020 có sự phát triển gia tăng đáng kể dù dịch bệnh vẫn còn, vì người tiêu dùng vẫn luôn có nhu cầu mua sắm.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan nhanh, Ngân hàng nhà nước đã khuyến cáo người dân hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. Đây là một cơ hội lớn cho các công ty cung cấp ví điện tử, đặc biệt là những start-up sẵn sàng “đốt” tiền để lôi kéo khách hàng mới. Bên cạnh đó, các ví điện tử cũng cần phải khắc phục các điểm yếu của mình để gây dựng được lòng tin cho người dùng.

Có thể bạn cũng quan tâm: 

Điểm nóng 2020: Bùng nổ cuộc chạy đua của các ví điện tử tại Việt Nam

Điểm danh TOP 5 “ông lớn” ví điện tử tại Việt Nam

Ví điện tử momo, những gì bạn cần biết!

Người thực hiện:

Phạm Huyền Trang – 18050612