Việt Nam năm 2021- điểm “hot” trong thu hút FDI.

Việt Nam 2021 thu hút FDI

Việt Nam 2021 vẫn duy trì được sức hút về đầu tư FDI và càng ngày càng chứng tỏ được rằng Việt Nam là điểm đến đầy hấp dẫn của giới đầu tư thế giới. Mặc dù năm 2020, với xuất hiện và bùng nổ của đại dịch toàn cầu Covid-19 đã ngăn cản những kỳ vọng nối dài với những con số ấn tượng của năm 2019 về đầu tư nước ngoài. Việt Nam 2021 là một điểm rất sáng, sẽ tiếp tục là nơi gửi gắm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc, từ đó đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo.

1.    Thực trạng FDI tại Việt Nam

1.1.        Tổng quan tình hình FDI tại Việt Nam giai đoạn trước 2021

Nhìn chung thì sau khi chịu tác động của cuộc khủng hoàng tài chính châu Á năm 1997, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có xu hướng tăng và tăng mạnh vào năm 2008 sau khi Việt Nam gia nhập WTO (2007). Tuy nhiên thì do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và sự suy giảm kinh tế toàn cầu vốn FDI Việt Nam đã bị sụt giảm đáng kể vào những năm 2008-2009 và tăng không đáng kế vào những năm tiếp theo 2011-2015.

Cho tới những năm gần đây, tình hình thu hút FDI có nhiều khởi sắc hơn do một loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực, cùng với đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như việc duy trì ổn định an ninh, chính trị và phát triển kinh tế.

Hình 1: Tình hình thu hút vốn FDI qua các năm
Hình 1: Tình hình thu hút vốn FDI qua các năm             Nguồn: Tổng cục thống kê

Tình hình FDI tại Việt Nam giai đoạn 2000-2020 có thể phân chia thành các mốc nhỏ hơn như sau:

Năm 2000, vốn đăng ký đạt 2,7 tỷ USD và vốn thực hiện đạt 2,3 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước do sự kiện khủng hoảng tài chính châu Á 1997 bắt nguồn từ Thái Lan sau đó di chuyển và ảnh hưởng sang các nước khu vực trong đó có cả Việt Nam.

Từ 2001 đến 2004: Sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, giai đoạn này cả vốn đăng ký và vốn thực hiện có xu hướng phục hồi, nhưng với tốc độ chậm. Tuy vậy thì số lượng dự án lại tăng khá nhanh, có những năm tốc độ tăng lên tới 40%.

Từ 2005 đến 2007: Từ năm 2005, tốc độ tăng vốn FDI nhanh hơn, một phần do kết quả của cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư bằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Chính phủ cho phép đầu tư gián tiếp vào 35 ngành, đồng thời mở cửa hơn một số ngành do Nhà nước độc quyền nắm giữ trước đây như điện lực, bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông cho đầu tư nước ngoài và cho phép chuyển đổi doanh nghiệp có vốn đầu 36 tư nước ngoài sang công ty cổ phần.

Bên cạnh đó, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO (2007), dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Chỉ tính riêng năm 2007 đã có tới 1544 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 21,3 tỷ USD và vốn thực hiện khoảng 8 tỷ USD, tăng tới 96% so với năm 2006.

Từ 2008 đến 2011: FDI có sự biến động thất thường do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Năm 2008 mặc dù là năm thu hút vốn FDI đăng ký cao kỷ lục với 71,7 tỷ USD nhưng số lượng dự án giảm so với năm 2007 và tỷ lệ thực hiện chỉ đạt 16%, bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình 40% của giai đoạn 2005 – 2007.

FDI tăng không đáng kể trong giai đoạn này do là giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế khó khăn, các nhà đầu tư giảm sút niềm tin, bên cạnh đó lạm phát và các chi phí đầu vào tăng, việc giải phóng mặt bằng nhiều dự án gặp nhiều khó khăn. Số lượng dự án FDI tại Việt Nam vẫn tăng lên đều với mức từ 8% đến 20% ngoại trừ năm 2011; tuy nhiên quy mô vốn lại có xu hướng dao động mạnh, không ổn định.

Từ 2012 đến 2019: Từ năm 2012, số lượng dự án FDI và tổng số vốn đăng ký đã có xu hướng cải thiện so với thời kỳ trước. Quy mô dự án nhìn chung tăng đều qua các năm. Cụ thể số lượng dự án tăng từ 5% đến 23%, số vốn đăng ký tăng từ 5% đến 38% và số vốn thực hiện tăng từ 7% đến 16%. Năm 2019 ghi nhận 3883 dự án với vốn thực hiện khoảng 20,4 tỷ USD – mức cao nhất kể từ năm 1994.

Đối với Việt Nam, đây là giai đoạn tăng cường hội nhập sâu với thế giới và có những cải thiện về chính sách liên quan đến đầu tư, thông qua một số sự kiện như tổ chức thành công Tuần lễ APEC năm 2017, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – Hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba trên thế giới năm 2018, ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA với Liên minh châu Âu năm 2019.

Năm 2020, có sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các dự án FDI giảm cả về số dự án lẫn quy mô so với năm trước. Cụ thể, số dự án giảm 12,5% và vốn đăng ký giảm 25%. Dù chịu tác động nặng nề từ đại dịch, vốn thực hiện của các dự án FDI chỉ giảm nhẹ 2%, đây là một kết quả rất đáng ghi nhận.

1.2.        Đánh giá FDI vào Việt Nam giai đoạn trước 2021

FDI vào Việt Nam phân theo lĩnh vực đầu tư (lũy kế đến T12/2019)

Hình 2: FDI vào Việt Nam phân theo lĩnh vực đầu tư (lũy kế đến T12/2019)
                                                                          Nguồn: Tổng cục thống kê

Trong giai đoạn 2000 – 2020, mặc dù có những biến động nhưng nhìn chung nguồn vốn FDI từng bước tăng cả về số lượng dự án cũng như lượng vốn đầu tư. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng đầu tư cao nhất, theo sau lần lượt là các hoạt động kinh doanh bất động sản và sản xuất phân phối điện, khí đốt…. Vốn FDI có xu hướng ngày càng dịch chuyển tập trung vào ngành công nghiệp và dịch vụ và dần giảm trong ngành nông nghiệp.

FDI tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. FDI là nguồn vốn phát triển quan trọng, đóng góp vào thu ngân sách nhà nước. Nhiều việc làm cũng được tạo ra, tăng thu nhập cho người lao động.

FDI giúp Việt Nam đa dạng hóa cơ cấu sản xuất, tạo sự lan tỏa về công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại, góp phần đưa Việt Nam tham gia nhiều công đoạn của chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Sự có mặt của các doanh nghiệp FDI cũng là động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa trong việc ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới quản trị kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.

Với tiềm lực mạnh hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước về vốn, công nghệ, quản trị, kết nối thị trường, lại ít bị tác động hơn bởi những rào cản từ thể chế, bất ổn kinh tế, các doanh nghiệp FDI đã nhanh chóng vượt lên nắm giữ tỷ trọng ngày càng cao trong những lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, như công nghiệp chế tác và xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, nguồn vốn FDI vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như:

Mất cân đối trong thu hút và sử dụng FDI, đặc biệt là FDI theo ngành. Nước ta chưa thu hút được nhiều FDI vào nông nghiệp và phát triển kết cấu hạ tầng hoặc các dịch vụ giáo dục – đào tạo, y tế, môi trường. Công nghệ lạc hậu, việc chuyển giao công nghệ không được như kỳ vọng.

Số lượng dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ nguồn từ Hoa Kỳ và Châu Âu còn thấp, chủ yếu là công nghệ trung bình, trong đó xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 30 đến 40%. Rất ít doanh nghiệp FDI thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển hoặc tập đoàn đa quốc gia mở trụ sở tại Việt Nam.

Vì mục tiêu lợi nhuận, FDI thường đầu tư vào những ngành, lĩnh vực khai thác nguồn tài nguyên, lao động sẵn có và thu hồi vốn nhanh như khai khoáng, gia công, lắp ráp sản phẩm sử dụng nhiều lao động. Các dự án tạo ra giống cây trồng vật nuôi mới hay dự án thuộc các lĩnh vực chuyên môn, khoa học công nghệ còn chiếm tỷ lệ thấp.

Như vậy, chỉ khai thác thế mạnh, mà không tạo được sự phát triển lan tỏa ra các ngành, làm mất cân đối trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu vùng kinh tế của Việt Nam.

Ngoài ra thì tồn tại các tác động tiêu cực đến môi trường. Nhiều dự án FDI không tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, dẫn đến những tác động tiêu cực đến môi trường như gia tăng ô nhiễm, xói mòn và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên.

2.    Tại sao Việt Nam lại là điểm “hot” trong thu hút FDI

2.1.        Những nhân tố tác động tới thu hút FDI vào Việt Nam 2021

Thứ nhất, về điều kiện tự nhiên.

Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới, vừa là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía tây Bán đảo Đông Dương.

Thứ hai, về điều kiện kinh tế

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở một số địa phương cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

Thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam ở nhóm thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp lại được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, thị thực.

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam phát triển liên tục, việc liên tiếp ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVIPA)… sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, về điều kiện chính trị-xã hội

Việt Nam có một môi trường chính trị-xã hội ổn định. Với quy mô dân số lớn và số người gia nhập tầng lớp trung lưu ngày càng tăng; lực lượng lao động trẻ và có tính cơ động cao; chi phí lao động thấp hơn và giá thuê các khu công nghiệp trung bình cũng thấp hơn 45 đến 50% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Thể chế, luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam dần được hoàn thiện, gắn với hội nhập, không những tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài mà còn giúp các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi.

Ngoài ra thì việc khống chế thành công dịch Covid-19… là điểm cộng lợi thế để Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI.

Thứ tư, về phát triển cơ sở hạ tầng

Trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, cơ sở hạ tầng được coi là ưu tiên kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực như giao thông và năng lượng. Vì vậy mà phát triển cơ sở hạ tầng sẽ vẫn là một vấn đề then chốt, được coi là một trong những nhiệm vụ kinh tế trọng tâm trong Nghị quyết số 1 của Chính phủ năm 2021. 

2.2.        Triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam 2021

 

FDI vào Việt Nam 4 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021
Hình 3: FDI vào Việt Nam 4 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021                              Nguồn: Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 4 tháng đầu năm bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12.25 tỷ USD, bằng 99,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có 451 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,456 tỷ USD; có 263 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2,747 tỷ USD; có 1,151 lượt dự án góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,047 triệu USD.

Có thể nói rằng triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam năm 2021 là rất sáng và có thể coi là điểm “hot” trong bối cảnh khi rất nhiều các nhà đầu tư lớn, vừa và nhỏ đến từ các quốc gia phát triển dần dần chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam.

Nhiều đối tác gia công lớn của Apple như Foxconn, Luxshare, GoerTek, Compal đều có các nhà máy tại Việt Nam. Năm 2020, dịch bệnh tại Trung Quốc khiến các nhà máy tại đây phải tạm ngừng hoạt động, thương chiến Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng, nhiều đối tác chuyển dây chuyền sang Việt Nam để tiếp tục lắp ráp sản phẩm cho Apple. (theo Lưu Quý 2021, vnepress.net)

FDI vào Việt Nam 4 tháng đầu năm 2021 theo quốc gia/vùng lãnh thổ
Hình 4: FDI vào Việt Nam 4 tháng đầu năm 2021 theo quốc gia/vùng lãnh thổ                                               Nguồn: Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các doanh nghiệp FDI tiếp tục phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt sau tác động của đại dịch Covid-19. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm 2021 ước tính  đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 4 tháng đầu năm, đã có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư FDI tại Việt Nam. Trong số các đối tác FDI vào Việt Nam đó, 4 đối tác FDI hàng đầu chủ yếu là các nước châu Á như Singapore (4,85 tỷ USD-39.6%); Nhật Bản (2,51 tỷ USD -20.5%); Hàn Quốc (1,48 tỷ USD-12.1%); Trung Quốc (1,08 tỷ USD-8.8%).

3.    Kết luận

Bước sang năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh trên diện rộng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt đã xuất hiện chủng vi rút mới có khả năng lây lan mạnh hơn vi rút SARS-CoV-2 tại khoảng 40 quốc gia, khiến nhiều nước phải áp dụng các biện pháp mạnh, tái phong tỏa để phòng, chống dịch. Trong bối cảnh này, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến an toàn của nhiều nhà đầu tư FDI.

Ngoài vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường thuận lợi, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nguồn nhân lực dồi dào… thì những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư FDI đặt niềm tin đến Việt Nam trong năm 2021 chính là sự ổn định về mặt chính trị nhất là trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 (tăng kinh tế năm 2020 dương và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trên toàn thế giới).

Chính vì thế mà hiện có nhiều tập đoàn, hãng sản xuất đa quốc gia lớn như Apple, Foxconn, Luxshare, Toyota, Ford, Honda, Hyundai, Mazda, Mitsubishi, Samsung… triển khai kế hoạch gia tăng đặt hàng các nhà cung ứng ở Việt Nam cũng như gia tăng hoạt động đầu tư tại Việt Nam với số vốn đầu tư rất lớn. Ngoài ra thì rất nhiều nhà đầu tư FDI vừa và nhỏ đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ với những dự án FDI nhỏ, tận dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, sẽ tiếp tục vào nước trong năm 2021. 

Do vậy, có thể khẳng định được rằng: “Việt Nam năm 2021- điểm “hot” trong thu hút FDI”

                                                                                                           Người viết: Nguyễn Cẩm Nhung

                                                                                                                    MSV: 18050300

————————————————

Nguồn tham khảo:

  1. https://vneconomy.vn/phong-su-nhan-dien-va-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai.htm
  2. http://consosukien.vn/nam-2021-viet-nam-ky-vong-tiep-tuc-la-noi-gui-gam-niem-tin-cua-cac-nha-dau-tu-nuoc-ngoai.htm
  3. http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=22278

Có thể tham khảo thêm bài viết trên Web:

  1. https://clibme.com/phu-thuoc-vao-xuat-khau-cua-khu-vuc-fdi-3-rui-ro-shock/
  2. https://clibme.com/incoterms-2020-co-gi-thay-doi-so-voi-incoterms-2010/
  3. https://clibme.com/top-yeu-to-thu-hut-fdi/