Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC)
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) là gì ?
Diễn đàn Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation – APEC) là diễn đàn của 21 nền kinh tế thành viên Vành đai Thái Bình Dương với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế và chính trị.
Diễn đàn thường tổ chức các kỳ họp thường niên lần lượt tại mỗi quốc gia thành viên, với người đứng đầu chính phủ của mỗi quốc gia thành viên (ngoại trừ Đài Loan, do sức ép của Trung Quốc).
Mục tiêu của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được thành lập vào năm 1989 nhằm đáp ứng sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng của các nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương, thiết lập các khối thương mại khu vực ở các nơi trên thế giới; đồng thời cân bằng lại hoạt động kinh tế giữa các nước khi nền kinh tế công nghiệp hóa cao của Nhật Bản đang ngày càng vượt xa các nước khác trong khu vực. Ngoài 3 mục tiêu trên, APEC cũng góp phần vào quá trình thiết lập thị trường mới cho các sản phẩm nông nghiệp và nguyên liệu ngoài châu Âu.
Việt Nam gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
Việt Nam là thành viên thứ 21 của APEC, chính thức gia nhập vào ngày tại 15/11/1998, tại Kuala Lumpur, Malaysia tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 10. Đây là một dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển và mở rộng của Diễn đàn. Riêng đối với Việt Nam, việc trở thành thành viên của một diễn đàn quốc tế là cơ hội tốt khi Việt Nam đang tích cực triển khai các chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Vai trò quan trọng của Việt Nam đối với Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
Trong gần 23 năm tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đã nhận được rất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế cũng như thúc đẩy giao lưu hoạt động thương mại, 13 trong 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang triển khai/đàm phán/chờ phê chuẩn là với thành viên APEC. Vậy đổi lại, vai trò của Việt Nam trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương là gì?
Thứ nhất, với tư cách chủ nhà APEC, Việt Nam đã có hai nhiệm kì thành công vào năm 2006 và 2017.
Trong suốt năm 2006 mà đỉnh cao là Tuần lễ cấp cao APEC, đã có hàng chục hiệp định, thỏa thuận, hợp đồng hợp tác giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên APEC được ký kết, với trị giá nhiều tỷ USD. Đặc biệt đã diễn ra năm chuyến thăm hữu nghị chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Hoa Kỳ George Bush, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Chilee Michelle Bachelet, cùng hơn 30 cuộc tiếp xúc song phương với các nhà Lãnh đạo cấp cao khác của APEC
Tiếp nối những thành công, vị thế chủ nhà của Việt Nam lại được nâng cao trong năm 2017. Toàn bộ lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản…, đều hội tụ trong Tuần lễ cấp cao APEC tại thành phố Đà Nẵng, cùng với hơn 11.000 đại biểu, doanh nghiệp và phóng viên trong và ngoài nước. Đây là lần thứ hai trong 10 năm qua sự kiện này có được sự tham dự đông đủ của nhiều lãnh đạo cấp cao như vậy.
Thứ hai, với tư cách thành viên, Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực.
Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, MSMEs xanh, bền vững và sáng tạo, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn và đô thị…
Thứ ba là, Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC
Những đóng góp này của Việt Nam được thể hiện thông qua việc đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký (năm 2005 – 2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt như Ủy ban thương mại và đầu tư, Ủy ban quản lý ngân sách, các Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp… Riêng trong giai đoạn 2016 – 2018, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 Ủy ban, Nhóm công tác của APEC và ABAC, được các thành viên đánh giá cao.
Thứ tư là, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC ngày càng được đề cao.
Doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực, đề xuất nhiều khuyến nghị lên các nhà Lãnh đạo và các Bộ trưởng. Đặc biệt, trong năm APEC 2017, doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp trí tuệ, công sức và trực tiếp tham gia nhiều hoạt động, khẳng định sự trưởng thành, năng lực hội nhập, vai trò và trách nhiệm đối với hợp tác APEC cũng như liên kết kinh tế khu vực
Kết luận
Với những đóng góp đầy ý nghĩa, Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời nâng cao vị thế của quốc gia khi xu hướng toàn cầu hóa và khu vực hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc tới mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, Việt Nam đã luôn thể hiện tốt tinh thần chủ động, tích cực phối hợp với các thành viên khác, chung tay ứng phó với đại dịch và phục hồi nền kinh tế bị suy thoái.
Người thực hiện: Vũ Hà Phương
MSV: 19051338
INE3104-6_Bài tập lớn