Sau thời gian chịu hệ quả nặng nề của đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi tính tới hết năm 2021. Mặc dù vậy, kết quả phục hồi diễn ra không đồng đều trên nền kinh tế các quốc gia.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế và các Tổ chức Thế giới nhận định, quá trình phục hồi sẽ diễn biến tiếp trong năm 2022 nhưng sẽ không tránh được tình trạng bị chững lại do các chính sách, biện pháp kích thích tăng trưởng, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế của các nước, nhất là khi vấn đề về lạm phát đang dần trở thành thách thức lớn toàn thế giới.
Nội dung bài viết
1. Thích ứng toàn cầu với dịch bệnh
Sau hơn 2 năm nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, mặc dù vẫn chưa thể hoàn toàn triệt tiêu loại virus này, nhưng nhìn chung, nhiều nước đã có sự thích ứng tương đối tốt, giảm bớt ca mắc cũng như mức độ trầm trọng của người bệnh, dần dần ổn định xã hội để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tiêm phòng cũng được các quốc gia chú trọng tiến hành và phát động, tạo tiền đề vững chắc trong bối cảnh dịch bệnh.
Minh chứng rõ nét nhất cho những biến chuyển của các nước sau đại dịch chính là thay đổi chính sách nhập cảnh. Điển hình là EU đã dỡ bỏ lệnh cấm du lịch, cho phép các du khách từ khắp các đất nước trong và ngoài khối có thể nhập cảnh miễn đã thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Bắt đầu từ ngày 1/3/2022, những du khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, mũi thứ hai cách ngày nhập cảnh 2 tuần là ít nhất và thời gian đã thực hiện tiêm phòng không được quá 270 ngày, đều có thể du lịch châu Âu.
Đặc biệt, những người mắc Covid-19 nhưng đã phục hồi trong 180 ngày cũng được cho phép nhập cảnh. Ngoài ra, từ ngày 18/4, Hàn Quốc cũng dỡ bỏ các biện pháp giãn cách phòng ngừa dịch bệnh, tuy nhiên người dân vẫn phải tuân thủ quy định đeo khẩu trang trong nhà và khi ra ngoài.
Tính tới nay, số ca mắc và tử vong do Covid-19 đang trên đà giảm xuống, nhiều nước đã giảm bớt hoặc thậm chí là loại bỏ các chương trình xét nghiệm, theo dõi Covid-19; mặc dù vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) nhận định chủng loại dịch bệnh này vẫn sẽ là vấn đề khẩn cấp trong y tế toàn thế giới.
Vì vậy WTO đề nghị các quốc gia tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng để có thể thích ứng với các tình huống trên quy mô lớn một cách nhanh nhất cũng như luôn cảnh giác với dịch bệnh để ngừa chặn trường hợp tái bùng phát trở lại.
Mỗi một đất nước lại có những quy định và cách thức phòng ngừa dịch bệnh khác nhau, tuy nhiên, nhìn chung, các nước đều đã và đang mở cửa kinh tế trở lại nhằm thích ứng và sống chung với dịch bệnh.
2. Thách thức trong phát triển kinh tế toàn cầu
Theo Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sản lượng toàn cầu đã giảm từ 6,1% trong năm 2021 xuống còn 3,6% trong năm 2022, dự báo sự suy yếu của nền kinh tế toàn thế giới thời gian tới. IMF và Ngân hàng Thế giới cùng cho rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine gần đây cũng đang trở thành một trong những yếu tố đe dọa tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu; cùng với hệ lụy lâu dài của Covid-19, toàn cảnh kinh tế thế giới cũng sẽ tồn tại các hạn chế, rào cản nhất định.
Khảo sát của World Bank cho thấy, 143 quốc gia toàn thế giới đã phải thay đổi dự báo về mức tăng trưởng kinh tế của mình, đặc biệt tất cả đều được điều chỉnh theo chiều hướng giảm xuống. World Bank cũng nhấn mạnh vào nhiều thách thức lớn đối với phát triển kinh tế hậu Covid-19 như: lạm phát; nợ tồn đọng; giá nguyên vật liệu, giá năng lượng cùng hàng loạt các mặt hàng tăng cao,…
Do đó, Tổ chức này đã triển khai thực hiện một quỹ viện trợ trị giá 170 tỷ USD để giúp các nước kém phát triển thích ứng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đồng thời kêu gọi cơ cấu lại các khoản nợ đối với các nước đang phát triển.
Ngoài ra, xung đột Nga – Ukraine cũng tác động đáng kể tới triển vọng kinh tế thế giới bởi cuộc khủng hoảng xảy ra khi kinh tế toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn được hồi phục sau đại dịch Covid-19. Các nhà hoạch định chính sách đang rất nỗ lực để có thể tạo sức ép với Nga mà vẫn giữ được đà phục hồi của kinh tế, tránh tình trạng nhiều nước nghèo gặp khó khăn trong tình cảnh vật giá tăng cao.
Mặc dù có nhiều quốc gia đã tận dụng được tình trạng này để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nhiên liệu và lương thực nhằm thu lại lợi nhuận cao hơn nhưng với hầu hết nền kinh tế các nước thì đây vẫn là một thách thức không hề nhỏ.
Cũng theo IMF, tổng nợ của các chính phủ, doanh nghiệp cũng như nhiều hộ gia đình toàn thế giới đã tăng lên mức 256% GDP, đây là mức tăng chưa từng có kể từ khi xảy ra cuộc chiến tranh thế giới trong nửa đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, qua 2 năm vừa rồi, nhiều nước đang phát triển đã phải mang khoản nợ khổng lồ khi họ cần tiền để có thể chi trả cho các chi phí trong đại dịch Covid-19.
3. Vai trò khu vực châu Á trong tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19
Theo nội dung của diễn đàn châu Á Bác Ngao hằng năm với chủ đề: “Dịch bệnh và thế giới”, một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất là vai trò của khu vực châu Á trong phục hồi, phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu. Thực tế cho thấy, châu Á luôn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu và được kỳ vọng là bàn đạp cho sự phục hồi kinh tế thời gian sắp tới.
Điển hình trong đó là Trung Quốc khi quốc gia này vừa phê duyệt danh sách 666 doanh nghiệp là các tập đoàn đa quốc gia cùng các doanh nghiệp nội địa chủ chốt để thực hiện sản xuất trở lại mặc dù Thượng Hải vẫn đang còn phong tỏa. Đây được xem như là chìa khóa cho hoạt động bình thường hóa sản xuất ở Trung Quốc, đồng thời giảm bớt khó khăn trong nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngân hàng phát triển mới (NDB) cho rằng, vai trò của châu Á trong kinh tế toàn cầu ngày nay đang dần trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, góp phần như kinh tuyến địa kinh tế trên thế giới. Đó là nhờ vào những thành tựu nổi bật từ các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… cùng đóng góp. Hiện nay, với xu hướng phát triển kinh tế quốc gia theo cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các nước đều đang tăng tốc nhằm nâng cao vị thế trên thương trường quốc tế.
Tham khảo bài viết về giải pháp phục hồi nền kinh tế Châu Á tại đây: https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/32051
Như vậy, nền kinh tế toàn cầu đang phải bước vào giai đoạn đầy bất ổn do hậu quả mà đại dịch Covid-19 để lại cũng như các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội từ các nước tác động, dẫn tới lạm phát tăng cao và tạo rào cản cho quá trình phục hồi kinh tế vốn đã rất mong manh này. Trước nhiều thách thức hiện nay cùng diễn biến khó đoán, khả năng cao các quốc gia toàn cầu sẽ tiếp tục tiến sang một năm mới với nhiều âu lo, trắc trở trong tăng trưởng kinh tế.
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề: Kinh tế số: Lối đi nào cho doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
Sinh viên thực hiện: Đinh Tiến Anh
Lớp: QH-2020-E KTQT CLC 2
Mã học phần: INE 3104 4