TĂNG TRƯỞNG XANH VÀ CUỘC ĐUA CỦA 6 NƯỚC DẪN ĐẦU

Tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang từng bước chuyển dịch mô hình theo hướng tăng trưởng xanh trong đó nổi bật là Trung Quốc, EU, Hoa Kì, Nhật Bản,… Bài viết dưới đây sẽ trả lời về cuộc đua của tăng trưởng xanh của một số quốc gia dẫn đầu kể trên.

1. Khái niệm về tăng trưởng xanh

Khái niệm về Tăng trưởng Xanh có nguồn gốc đầu tiên từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về Môi trường và Phát triển (MCED) diễn ra vào tháng 3 năm 2005 tại Seul – Hàn Quốc.

Khái niệm tăng trưởng xanh - Tăng trưởng xanh
Khái niệm tăng trưởng xanh

Cụ thể định nghĩa về tăng trưởng xanh tại mỗi quốc gia cũng khác nhau phản ảnh mỗi quốc gia, tổ chức có những tầm nhìn khác nhau về tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện, sứ mệnh và định hướng của chính quốc gia, tổ chức mình.

Theo UNESCAP: Tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng chú trọng vào quá trình phát triển kinh tế đảm bảo bền vững về môi trường, thúc đẩy phát triển các-bon thấp và xã hội toàn diện

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD: Tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo rằng các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới.

World Bank: Tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên, sạch với việc tối thiểu hóa ô nhiễm và các tác động môi trường

GGGI: Tăng trưởng xanh là một mô hình phát triển mới với việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế với bền vững về môi trường và khí hậu. Chú trọng vào xử lý tại nguồn của các thách thức trong khi đảm bảo việc tạo ra các kênh cần thiết cho phân phối tài nguyên và tiếp cận đối với hàng hóa cơ bản cho cho nhu cầu của con người.

Tổ chức Sáng kiến tăng trưởng xanh của Liên Hợp Quốc: Tăng trưởng xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội.

Hàn Quốc: “Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng đạt được bằng cách tiết kiệm và sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng hiệu quả để giảm thiểu biến đổi khí hậu và thiệt hại tới môi trường, tạo ra tác động lực tăng trưởng mới thông qua nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh, tạo các cơ hội việc làm mới và đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường”.

Việt Nam: Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Như vậy, Tăng trưởng xanh nhấn mạnh tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn giữ cân bằng hài hòa với môi trường sinh thái – mà cụ thể là tránh gây các áp lực làm phá vỡ sự cân bằng của môi trường, với mục tiêu cao nhất là duy trì bền vững sự tăng trưởng kinh tế (sustainable economic growth).

2. Cuộc đua tăng trưởng xanh của các nước trên thế giới

Trung Quốc: Đầu tư vào năng lượng sạch

Hiện tại Trung Quốc Xếp thứ nhất với 21% trong 162 tỷ USD đầu tư trên toàn thế giới về năng lượng sạch.

Để làm được điều đó, Trung Quốc đã áp dụng hàng loạt các chính sách và chương trình liên quan đến kinh tế xanh, trong đó phải kể tới chính sách phát triển năng lượng tái tạo. Chính sách này bao gồm Chương trình tiết kiệm năng lượng. Kế hoạch 3 năm mới đây nhất của Trung Quốc đặt mục tiêu giảm năng lượng tiêu thụ trên 1 đơn vị GDP xuống 16%, giảm lượng CO, phát thải trên1đơn vị GDP xuống 17% so với năm 2010.

Khung chiến lược tăng trưởng xanh của Trung Quốc gồm: Tái cơ cấu ngành công nghiệp: giảm tỷ trọng công nghiệp nặng và các ngành tạo ra nhiều khi CO khác, đồng thời tăng tỷ trọng ngành dịch vụ.

Ba hướng chính cho tăng trưởng kinh tế:

Hiện đại hóa các ngành, nghề chủ chốt để tiếp cận công nghệ mới. Trong gói kích thích kinh tế 386 tỷ USD, Trung Quốc coi trọng đầu tư cho đổi mới công nghệ, tài cơ cấu kinh tế, phát triển năng lượng tái tạo nhằm từng bước hướng tới phát triển xanh, chuyển dần sang mô hình tăng trưởng sử dụng hiệu quả năng lượng.

Chuyển các ngành sử dụng nhiều lao động và công nghệ trung bình – thấp sang các tỉnh miền Tây và ra nước ngoài.

Chấn chỉnh các ngành khai thác, tăng cường nhập khẩu tài nguyên và năng lượng, hạn chế khai thác và sản xuất trong nước nhằm chủ động ứng phó với các cú sốc năng lượn trong tương lai … Ngoài ra, để bảo vệ môi trường. Trung Quốc tiến hành quy hoạch lại sử dụng đất đô thị và nông thôn, sửa Luật môi trường theo hưởng nẵng tiêu chuẩn môi trường quy định bắt buộc tái chế trong một số ngành

Trên thực tế,Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu giảm cường độ phát thải khi cácbon xuống 18%từ năm 2015, vượt xa mục tiêu năm 2009, mục tiêu này có thể giúp Trung Quốc hoàn thành được mục tiêu đạt mức phát thải cácbon vào năm 2030 hoặc sớm hơn.

EU: Dẫn đầu thị trường xuất khẩu công nghệ xanh

Chính sách Tăng trưởng Xanh của Liên minh châu Âu là một lộ trình với các hành động cụ thể để sử dụng có hiệu quả tối đa các nguồn tài nguyên bằng cách đạt được một nền kinh tế sạch và tuần hoàn. Hơn nữa, Chính sách này cũng nhằm ngăn chặn sự thay đổi khí hậu, đảo ngược tổn thất đa dạng sinh học và cắt giảm ô nhiễm.

Cụ thể, Chính sách này điều chỉnh các ngành sau: giao thông vận tải, nông nghiệp, xây dựng, và cả, xi măng, thép, công nghệ thông tin và truyền thông, hóa chất và dệt.

Trước hết, khuôn khổ pháp lý được lên kế hoạch tích hợp tham vọng chính trị của châu Âu trở thành châu lục đầu tiên không gây biến đổi khí hậu vào năm 2050. Trong vòng 100 ngày, Ủy ban châu Âu sẽ giới thiệu “Luật Khí hâu” đầu tiên của Liên minh châu Âu. Theo đó, tất cả các chính sách có liên quan đến khí hậu sẽ được sửa đổi. Các chính sách này bao gồm: Hệ thống Mua bán Phát thải , Chỉ thị Đánh thuế Năng lượng , quy ch về giảm phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính và quy chế về sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất và lâm nghiệp .

Thứ hai, sẽ có hàng loạt công cụ cụ thể mới. Một trong số đó là cơ chế điều chỉnh giới hạn các-bon, đảm bảo rằng giá nhập khẩu phản ánh nội dung các-bon của hàng hóa. Vấn đề mà cơ chế này cố gắng khắc phục mang tính hai mặt. Một mặt, có thể là cơ sở sản xuất được chuyển từ Liên minh châu Âu sang các nước khác có ít tham vọng hơn về giảm phát thải. Mặt khác, các sản phẩm của Liên minh châu Âu có thể bị thay thế bằng các sản phẩm thâm dụng các-bon nhập khẩu.

Hoa Kỳ: Nền kinh tế sáng tạo nhất với kĩ thuật sản xuất xanh

Mỹ lựa chọn việc phát triển năng lượng thay thế làm hướng đi chính cho sự phát triển kinh tế xanh. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đặt mục tiêu đến năm 2030, 65% năng lượng tiêu thụ và 35% nhiệt lượng là năng lượng từ lắp đặt tấm pin mặt trời.

Trong chiến lược tiết kiệm năng lượng, Mỹ đặt mục tiêu đến 2025, nguồn năng lượng tái tạo chiếm 25% lượng phát điện và nhu cầu điện sẽ giảm 15% đến năm 2030. Chính phủ Mỹ cũng thành lập cơ quan chuyên ngành nhằm huy động và giải ngân đầu tư cho các chương trình xanh, có tên gọi Cơ quan Triển khai năng lượng sạch (CEDA).

Đồng thời, Mỹ đã triển khai Đạo luật Chống biến đổi khí hậu với mục tiêu giảm khí thải nhà kính và cho phép các công ty xả khi thấp hơn hạn ngạch có thể bán phần hạn mức cho doanh nghiệp khác. Mỹ yêu cầu các công ty sản xuất ôtô chuyển sang các mẫu xe sử dụng cả điện và xăng dầu, cải tiến động cơ tiết kiệm nhiên liệu.

Nhật Bản: Sở hữu tảng công nghệ tốt cho các giải pháp xanh

Nhằm thực hiện mục tiêu vào năm 2030 cắt giảm 26% lượng khí thải so với mức phát thải năm 2013 (cao hơn so với con số 18 – 21% của Mỹ năm 2025 và 24% của Liên minh châu Âu năm 2030).

Năm 2003, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành “Chiến lược năng lượng sinh khối” và xây dựng các mô hình đô thị thông minh, đô thị xanh và sinh thái, đặt trọng tâm vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời; phát triển các phương tiện vận tải không dùng xăng; thiết kế xe chạy bằng điện; thực hiện xanh hóa lối sống, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tiết kiệm năng lượng hướng tới giảm khí nhà kính… Kết quả là năm 2009, có 208 thành phố, đô thị thành công trong xây dựng mô hình này và đến năm 2010 là 300 thành phố, đô thị.

Đặc biệt, từ sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 để lại tác hại lâu dài cho môi trường, Nhật Bản ngày càng quan tâm tới phát triển kinh tế xanh, năng lượng xanh với việc chú trọng đầu tư công nghệ mới sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo trong tự nhiên.

Tokyo là thành phố đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển thành phố hàm lượng các bon thấp, hài hòa, thân thiện với môi trường. Để đạt mục tiêu, chính quyền Tokyo đã thiết lập “Trung tâm xây dựng thành phố giảm thiểu các bon” và xây dựng “Đô thị xanh”, đồng thời, triển khai một số dự án, chương trình điển hình như: Chiến lược sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng; Đô thị sử dụng tối đa hóa năng lượng tái tạo; Xây dựng hệ thống giao thông bền vững; Phát triển các công nghệ môi trường mới và tạo lập lĩnh vực kinh doanh về môi trường…

Bên cạnh Tokyo, Fujisawa cũng được lựa chọn xây dựng mô hình thành phố thông minh, với hạ tầng vật chất và xã hội chuẩn của một thành phố thông minh trên thế giới. Toàn bộ hệ thống hạ tầng của thành phố thiết kế theo hướng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Theo đó, 1.000 ngôi nhà sinh thái được xây dựng độc lập, sử dụng năng lượng mặt trời và lưu trữ sử dụng pin tại nhà. Bên cạnh đó, thay vì sử dụng những chiếc xe chạy bằng dầu hay xăng, người dân nơi đây sử dụng ô tô điện và xe đạp điện.

Hàn Quốc: Nền tảng vững chắc với chính sách tăng trưởng xanh

Hàn Quốc đã được công nhận rộng rãi là quốc gia duy nhất cho đến nay đã thực hiện tăng trưởng xanh trên quy mô toàn quốc bằng cách thiết lập các mục tiêu đầy tham vọng và thực hiện các kế hoạch hành động.

Hàn Quốc là quốc gia duy nhất cho đến nay coi tăng trưởng xanh như một chiến lược phát triển trên quy mô toàn quốc – được hỗ trợ bởi luật pháp rõ ràng, có sự quản lý của các tổ chức cấp cao, có mục tiêu toàn diện với những khung thời gian cụ thể (ngắn hạn và dài hạn).

Chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc - Tăng trưởng xanh
Chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc

Tăng trưởng xanh có ý nghĩa kinh tế đối với Hàn Quốc thông qua việc phổ biến công nghệ xanh trong điều kiện tiềm năng thị trường đầy hứa hẹn. Đổi mới công nghệ là điều quan trọng để biến mối quan hệ mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế và sự bền vững của môi trường thành một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Công nghệ xanh cũng là điểm nổi bật khi Hàn Quốc đẩy mạnh mô hình tăng trưởng xanh cacbon thấp.

Hàn Quốc đã thực sự nâng cao được vị thế quốc tế của mình bằng cách đảm nhận những vai trò tích cực hơn trong các vấn đề khu vực và toàn cầu thông qua “ngoại giao xanh”. Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều để đạt được danh tiếng trên trường quốc tế là một nước tiên phong trong tăng trưởng xanh, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa các nước phát triển và đang phát triển trong việc giải quyết biến đổi khí hậu và đưa ra các định hướng chính sách hiệu quả giúp họ đạt được tăng trưởng xanh trên quy mô lớn.

Điều làm cho kinh nghiệm của Hàn Quốc trở thành một nghiên cứu điển hình thú vị về tăng trưởng xanh là đất nước này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng xanh trong nước, mà còn dựa vào vị thế trung gian của mình để phổ biến tăng trưởng xanh như một mô hình phát triển mới cho các nước đang phát triển. Tính liên tục của chính sách tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc xuất phát từ vai trò thiết yếu trong việc nâng cao uy tín của quốc gia trên trường quốc tế.

Đan Mạch: Quốc gia đi đầu trong phát triển xanh

Đan Mạch là quốc gia Bắc Âu có mục tiêu tham vọng trở thành “quốc gia xanh” nhất tại châu Âu và trên thế giới. Theo chiến lược năng lượng đến 2035, Đan Mạch sẽ hoàn toàn từ bỏ sử dụng nguyên liệu hoá thạch trong ngành công nghiệp năng lượng. Tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được cung cấp bởi các nguồn nhiêu liệu tái tạo.

Đan Mạch đã thông qua mức thuế đặc biệt với việc xử lý chất thải, bao gồm cả mức phí xử lý chất thải xây dựng. Đồng thời, chi tiêu công cho các sản phẩm hàng hoá do nhà nước điều chỉnh nhằm giảm thiểu lượng rác sinh hoạt và việc sản xuất quá nhiều bao bì hàng hoá. Đan Mạch ra lệnh hạn chế sử dụng các vỏ loại túi và bao bì khác nhau. Ví dụ, cho phép sử dụng không quá 20 loại chai trong sản xuất nước giải khát.

20% tổng tiêu thụ năng lượng ở Đan Mạch là năng lượng gió. Các nhà sản xuất cối xay gió đạt được thành công đột phá về mặt công nghệ, nên chi phí sản xuất năng lượng gió tương đương với sản xuất điện ở nhà máy nhiệt điện. Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt 1/3 điện năng tiêu thụ từ turbin gió.

Năng lượng gió tại Đan Mạch - Tăng trưởng xanh
Năng lượng gió tại Đan Mạch

Ngoài năng lượng gió, Đan Mạch còn phát triển ngành sản xuất khí biogas tại nhà máy ở Zealand, cho phép sản xuất hàng ngày khoảng 6.000m­3 từ 135 tấn rác thải sinh học (1m3 khí sinh học tương đượng với 0,6l dầu).

Đối với ngành xây dựng, Đan Mạch quyết tâm xây những toà nhà có có lượng carbon đioxin vô hại đối với môi trường. Tại các công trình nhà ở, xây dựng, Đan Mạch tiến hành lắp đặt các cửa sổ lớn, sao cho các phòng nhận được tối đa ánh sáng. Hạn chế sử dụng điện bằng việc lắp đặt bóng đèn tiết kiệm điện. Trên mái, bên các bức tường hay ban công được lắp đặt tấm pin mặt trời, chuyển đổi năng lượng thành nhiệt điện. Người dân có thể tự tạo ra năng lượng xanh và bán năng lượng dư thừa cho hệ thống năng lượng quốc gia.

Điều đặc biệt ở Đan Mạch là người dân có thể tự đầu tư thiết bị của mình vào xây dựng tạo thu nhập, cũng như trang trải chi phí sử dụng năng lượng cho tương lai. Chính phủ còn thông qua đề án “Bạn phải trả đúng bằng những gì bạn thải ra môi trường”. Theo đó, các công ty phải đóng thuế do trực tiếp xả khí thải ra môi trường.

3. Tăng trưởng xanh tại Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19

Tăng trưởng xanh đã được đề cập và quan tâm trong những năm gần đây, tuy nhiên khái niệm này còn khá mới mẻ đối với nhiều chủ thể trong xã hội. Mặc dù có nhiều cách định nghĩa khác nhau về tăng trưởng xanh, nhưng nhìn chung thì các khái niệm này đều dựa trên một số tiêu chí cơ bản và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tại Việt Nam tăng trưởng xanh được xác định là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tăng trưởng xanh tại Việt Nam - Tăng trưởng xanh
Tăng trưởng xanh tại Việt Nam

Thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Cơ hội

Không thể phủ nhận, với tình hình bối cảnh hiện nay của nước ta, quá trình phát triển tăng trưởng xanh là một nhu cầu cấp thiết nhằm từng bước tạo nên sự phát triển bền vững. Khi trên thực tế, tình trạng ô nhiễm và các vấn đề về biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam. Tuy nhiên, với những lợi thế sẵn có, bối cảnh hiện nay không chỉ mang lại thách thức mà chúng ta có thể tận dụng các lợi thế được tạo ra từ đó. Sau đây là một số cơ hội nổi bật cho Việt Nam đối với tăng trưởng xanh trong bối cảnh hậu Covid-19, cụ thể:

Các dự án xanh được đầu tư phê duyệt. Việt Nam được nhiều nhà đầu tư lựa chọn là quốc gia tiềm năng để tiếp nhận các làn sóng đầu tư mới. Đồng thời, với những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 và các chính sách điều chỉnh theo hướng tăng cường năng lượng tái tạo, nhiều chuyên gia nhận định, có thể có một là sóng thứ hai đầu tư vào năng lượng sạch tại Việt Nam.

Giá nhiên liệu hiện nay tăng cao góp phần hình thành nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng khác thay thế năng lượng hóa thạch. Bối cảnh hiện nay sẽ là cơ hội để các chủ thể nhìn nhận về việc có nên tìm một nguồn năng lượng thay thế nhiên liệu hóa thạch, nhằm từng bước hạn chế sự phụ thuộc vào chúng và thân thiện với môi trường hơn.

Sự quan tâm đúng mức của Chính phủ. Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách, mục tiêu về việc bảo vệ môi trường, trồng cây xanh, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, các ngành kinh tế xanh.

Thay đổi tư duy sản xuất nhờ thích nghi với tình hình giãn cách. Đại dịch Covid-19 góp phần chuyển đổi hoạt động kinh doanh truyền thống qua hoạt động kinh doanh trên nền tảng kinh tế số. Từ đó, giảm bớt gánh nặng cho môi trường thông qua việc thực hiện các hoạt động kinh doanh bằng nền tảng kinh tế số thay thế cho lối kinh doanh truyền thống.

Thách thức

Bên cạnh những cơ hội mang lại thì vấn đề tăng trưởng xanh trong bối cảnh hậu Covid-19 tại Việt Nam cũng đang gặp phải không ít những thách thức đặt ra, cụ thể:

Cuộc khủng hoảng do Covid-19 để lại đã làm cho các doanh nghiệp không còn chú trọng vào các vấn đề bảo vệ môi trường. Trải qua nhiều tháng phải hoạt động cầm chừng, hoặc đình chỉ sản xuất kinh doanh bởi những lệnh giãn cách từ Chính phủ, một số doanh nghiệp còn hoạt động đến nay đã tìm cách tối đa hóa lợi nhuận sau thời gian dài đứng trước tình trạng thua lỗ, điều đó có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp dành ít sự quan tâm trong việc đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường mà thay vào đó tập trung tối đa vào quá trình sản xuất kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thường ít chú trọng vào vấn đề môi trường. Các doanh nghiệp FDI thường tận dụng cơ hội Việt Nam là một thị trường đang phát triển, nguồn nhân công rẻ, với mục tiêu nhằm tối đa hóa lợi nhuận nên thường sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên liệu và gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường.

Ý thức, thói quen tiêu dùng của đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn mang tính truyền thống, chưa quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Đa số thường lựa chọn các sản phẩm có giá thành rẻ hơn là quan tâm đến chất lượng. Các sản phẩm công nghiệp thường sẽ phù hợp hơn đối với đa số người tiêu dùng Việt Nam, nhưng đây cũng là sản phẩm ảnh hưởng lớn đến môi trường vì tốc độ phân hủy rất lâu, cũng như quy trình xử lý không đơn giản và thường mất rất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, các sản phẩm thân thiện với môi trường thường có giá thành đắt hơn, sản xuất phức tạp hơn, không tiện dụng như các sản phẩm công nghiệp khác. Điều này đã tạo nên thách thức đối với các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm chất lượng, theo mô hình sản xuất bền vững, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Có thể thấy rằng, dưới sự tác động của đại dịch Covid-19 cũng như nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân, Nhà nước ta đã đưa ra rất nhiều chính sách, kế hoạch định hướng khôi phục kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường trong bối cảnh hậu Covid-19, với quan điểm tăng trưởng xanh là một nội dung hàng đầu để phát triển bền vững.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu, phân tích đánh giá, làm rõ những cơ hội, thách thức về tăng trưởng xanh trong bối cảnh hậu Covid-19 tại Việt Nam và từ đó đưa ra một số giải pháp, khuyến nghị nhằm thúc đẩy khôi phục và phát triển nền kinh tế bền vững song song với bảo vệ môi trường là một yêu cầu quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

4. Kết luận

Kết luận - Tăng trưởng xanh
Kết luận

Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.Các quốc gia lớn trên thế giới đang ngày càng nhận thức rõ hơn về con đường phát triển tăng trưởng xanh chính là chìa khóa để giải quyết các vấn đề như đói nghèo và biến đổi khí hậu, hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Ðể giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường sống, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang từng bước chuyển dịch mô hình theo hướng tăng trưởng xanh. Những quốc gia chuyển hướng đầu tiên trong việc tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế bền vững, sử dụng tài nguyên hiệu quả sẽ gặt hái được nhiều lợi ích từ việc tăng lợi nhuận, đời sống người dân được nâng cao và khả năng phục hồi môi trường cũng tích cực hơn.

Tìm hiểu thêm về PHÁT TRIỂN XANH VÀ 4 GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP XANH TẠI VIỆT NAM >>> tại đây

Người thực hiện

Phạm Ngọc Quỳnh

Mã sinh viên: 19051572

Tài liệu tham khảo

http://vssr.vass.gov.vn.

http://www.unep.org.

http://tailieu.ttbd.gov.vn/

http://tapchimoitruong.vn/