Tài chính luôn tồn tại, vận động và phát triển gắn liền với sự phát triển của xã hội. Vì thế, để thực hiện nhiệm vụ ngày một quan trọng và đa dạng, nhà nước cũng có quỹ tiền tệ riêng. Và khái niệm tài chính công ra đời cùng với sự ra đời của quỹ tiền tệ của Nhà nước tại Việt Nam. Vậy thì liệu có tồn tại những thách thức cho tài chính công Việt Nam hay không? Bài viết dưới đây sẽ trả lời câu hỏi đó một cách rõ ràng và chi tiết nhất.
Nội dung bài viết
Tài chính công là gì?
Tài chính công (tiếng Anh là “Public Finance”) là tổng hợp tất cả các hoạt động thu chi được sử dụng bằng tiền do nhà nước tiến hành. Tài chính công phản ánh hệ thống các quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình tạo lập cũng như sử dụng các quỹ công. Mục đích là nhằm phục vụ cho thực hiện các chức năng của nhà nước. Đồng thời đáp ứng các nhu cầu và lợi ích chung của toàn thể xã hội.
Đặc điểm của tài chính công?
Từ khái niệm Tài chính công ở trên, có thể thấy các đặc trưng của Tài chính công như sau:
- Tài chính công thuộc sở hữu công cộng, sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện, thường gọi là sở hữu nhà nước. Quá trình tạo lập cũng như sử dụng quỹ tài chính công do nhà nước quyết định và thực hiện theo những quy định mà pháp luật quy định.
- Các nguồn tài chính, các quỹ tiền tệ trong Tài chính công được sở dụng vì lợi ích chung của toàn xã hội, của toàn quốc, của cả cộng đồng, vì mục tiêu kinh tế vĩ mô, không vì mục tiêu lợi nhuận. Trong hoạt động tài chính công thì gồm các quan hệ giữa nhà nước với các chủ thể khác nhau trong nền kinh tế khi đó, lợi ích chung được đặt lên hàng đầu và chi phối các quan hệ khác.
- Về chủ thể trong tài chính công, các hoạt động thu, chi bằng tiền trong Tài chính công do Nhà nước hoặc các cơ quan , tổ chức của Nhà nước được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động thu, chi đó.
- Tài chính công có phạm vi hoạt động rộng trên hầu hết tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng văn hóa,…
- Thu nhập của tài chính công được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau, sản xuất, kinh doanh, lưu thông, ở trong nước, ngoài nước,… Và thu nhập của tài chính công được lấy về bằng nhiều hình thức cũng như những phương pháp khác nhau
Thực trạng tài chính công Việt Nam
Về huy động nguồn lực công
Chính sách động viên ngân sách nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, nhờ đó, đã động viên hợp lý, kịp thời các nguồn lực từ sản xuất và các nguồn lực từ tài nguyên, đất đai. Các chính sách thuế, phí, lệ phí ban hành về cơ bản đã đảm bảo minh bạch, đơn giản, phù hợp với các cam kết về hội nhập quốc tế, góp phần tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Về phân bổ, sử dụng nguồn lực công
Chính sách phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính công tiếp tục được hoàn thiện gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia, đảm bảo thực hiện phân bổ các nguồn lực tài chính nhà nước theo hướng minh bạch, ưu tiên cho những nhiệm vụ quan trọng, các vùng, đối tượng còn nhiều khó khăn, mở rộng hệ thống an sinh xã hội.
Trong thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước, trên cơ sở Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội, việc phân bổ ngân sách nhà nước đã được cơ cấu lại theo hướng tăng dần tỷ lệ chi đầu tư và giảm tỷ trọng chi thường xuyên.
Về cơ cấu lại nợ công, đảm bảo an ninh, an toàn nền tài chính công
Trong thời gian qua, các thể chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực quản lý nợ công đã được hoàn thiện và đổi mới, từng bước tiếp cận các thông lệ quốc tế. Xây dựng các chỉ tiêu an toàn nợ công, kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm và hàng năm cũng như chương trình quản lý nợ công 3 năm nhằm gắn kết với các kế hoạch về ngân sách nhà nước và đầu tư công.
Về chính sách tiền lương và chính sách xã hội
Chính phủ đã thực hiện chế độ phụ cấp công vụ đối với cán bộ, công chức, người hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước; điều chỉnh mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động hưởng lương từ ngân sách tùy theo điều kiện ngân sách hàng năm; đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công; nâng mức trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội…
Về đổi mới cơ chế, chính sách tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước
Trong thời gian qua, các cơ chế, chính sách về quản lý tài chính doanh nghiệp và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ và được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và tình hình thị trường, thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước, tạo minh bạch trong công tác quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước.
Về đổi mới cơ chế đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công
Hệ thống các văn bản pháp luật quy định về tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có tự chủ về tài chính, đã từng bước được hoàn thiện theo hướng đẩy mạnh giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập; thay đổi phương thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện hoặc đấu thầu gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công được cung cấp, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Tìm hiểu thêm: CẢI CÁCH TÀI CHÍNH CÔNG GIAI ĐOẠN 2011 – 2020
5 thách thức với tài chính công Việt Nam
Thu ngân sách chưa bền vững
Thách thức lớn nhất tỷ lệ động viên ngân sách chưa bền vững dù thu nội địa chiếm 85,6% tổng thu ngân sách năm 2020. Thực tế, một bộ phận nguồn thu lớn nhất là nguồn thu của nhiều địa phương phụ thuộc vào bán tài sản công, quyền sử dụng đất; tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại còn là nguy cơ lớn.
Chưa nâng cao hiệu quả tài sản công
Đối với tài chính công Việt Nam, cần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản trị và quản lý vốn nhà nước tại khu vực doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả tài sản công quốc gia đặc biệt là trong bối cảnh COVID 19 hiện nay.
Tỷ lệ nợ công
Tỷ lệ nợ công tính đến năm 2020 ở mức khoảng 55,3% GDP, trong đó, nợ nước ngoài khoảng 47,3% GDP trong khi các khoản nợ nghĩa vụ dự phòng rủi ro tỷ giá, đặc biệt là nợ dự phòng bảo lãnh phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc bảo lãnh nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn đáng quan ngại. Theo đó, chính phủ đã công bố dự kiến chỉ tiêu nợ công năm 2022
Cơ cấu ngân sách chưa hợp lý
Cơ cấu ngân sách chưa hợp lý. Mặc dù cơ cấu ngân sách đã có chuyển biến nhưng hiệu lực hiệu quả quản lý và sử dụng tài chính công ngoài ngân sách đang là thách thức lớn, đặc biệt trong chi thường xuyên và chi đầu tư.
Kết quả giảm nghèo chưa bền vững
Thách thức thứ năm là việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, chênh lệch giàu – nghèo còn lớn; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn. Vấn đề này làm ảnh hưởng không ít đến tình hình tài chính công của Việt Nam
Việc quản lý tài chính công luôn là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam. Trong những năm qua, chúng ta đang đừng bước đổi mới và hoàn thiện cơ cấu ngân sách nhà nước mặc dù không tránh khỏi những thách thức. Bài viết đã chỉ ra phân tích những thách thức tài chính công đè nặng lên nền kinh tế Việt Nam. Xây dựng một nền tài chính công bền vững của Việt Nam rất cần đặt trong sự cân bằng với việc phát triển nền kinh tế có hiệu suất cao và công bằng xã hội, trong đó, chú trọng đến phát triển bền vững.
Người viết: Đỗ Thị Ngoan
Mã sinh viên: 19051540
Tham khảo thêm bài viết về chủ đề tài chính:
Quản lý tài chính doanh nghiệp: https://clibme.com/tai-chinh-doanh-nghiep-9-nguyen-tac-trong-quan-ly/
Quản lý tài chính cá nhân: https://clibme.com/quan-ly-tai-chinh-ca-nhan-5-buoc-lam-chu-tuong-lai/
Dịch vụ tài chính: https://clibme.com/dich-vu-tai-chinh-la-gi/
Cùng theo dõi clibme.com để cập nhật các tin tức mới nhất!