SẢN XUẤT SẠCH HƠN – 1 XU THẾ SẢN XUẤT KẾT HỢP VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI ĐẠI MỚI

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên dần trở nên khan hiếm và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhu cầu phát triển kinh tế gắn liền bảo vệ môi trường dần trở thành xu thế của thời đại, đồng thời là động thực thúc đẩy tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất thường xuyên không được tận dụng tối đa nguồn lực và gây lãng phí nguyên vật liệu trong suốt quá trình hoạt động.

Vì vậy, cleaner production (hay sản xuất sạch hơn) được ra đời như một giải pháp bảo vệ môi trường thông qua việc thực hiện tổng hợp các biện pháp can thiệp vào hoạt động sản xuất với mục đích làm giảm tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người. 

Hãy cùng tìm hiểu sản xuất sạch hơn là gì, mục tiêu của sản xuất sạch hơn, lợi ích của phương pháp sản xuất sạch hơn và cách các doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng sản xuất sạch hơn vào các nhóm ngành trong bài viết này nhé!

1. Sản xuất sạch hơn là gì?

Khái niệm sản xuất sạch hơn

Sản xuất sạch hơn (Cleaner production)  là sự áp dụng liên tục một chiến lược phòng ngừa môi trường tổng hợp đối với các quá trình sản xuất, các sản phẩm và các dịch vụ nhằm làm giảm tác động xấu đến con người và môi trường (UNEP, 1994). 

Định nghĩa về Sản xuất sạch hơn (Theo UNEP) - Nguồn: Vilas
Định nghĩa về Sản xuất sạch hơn (Theo UNEP) – Nguồn: Vilas
  • Đối với các quá trình sản xuất, sản xuất sạch hơn bao gồm việc bảo toàn nguyên liệu, nước và năng lượng, loại trù các nguyên liệu đọc hại và làm giảm khối lượng, độc tính của các chất thải vào nước và khí quyển.
  •  Đối với các sản phẩm, chiến lược sản xuất sạch hơn nhắm vào mục đích làm giảm tất cả các tác động đến môi trường trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm, từ khâu khai thác nguyên liệu đến khâu thải bỏ cuối cùng
  • Đối với các dịch vụ, sản xuất sạch hơn là sự lồng ghép các mối quan tâm về môi trường vào trong thiết kế và cung cấp các dịch vụ.

2. Mục tiêu của sản xuất sạch hơn

Mục tiêu hướng tới của sản xuất sạch hơn là nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên/năng lượng và giảm các tác động tiêu cực tới môi trường.

sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả
Mục tiêu của sản xuất sạch hơn là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất.

Khác với suy nghĩ truyền thống về môi trường là tập trung vào vấn đề phải làm gì với các chất thải và phát thải đã phát sinh. Sản xuất sạch hơn hướng tới việc tránh hay giảm thiểu được các chất thải và ô nhiễm trước khi chúng được sinh ra.

Sự khác nhau cơ bản giữa kiểm soát ô nhiễm và sản xuất sạch hơn là thời điểm thực hiện. Kiểm soát ô nhiễm được thực hiện sau khi đã có các chất thải, hay nói cách khác là tiếp cận “phản ứng và xử lý”. Trong khi đó, sản xuất sạch hơn là tiếp cận chủ động, theo hướng “dự đoán và phòng ngừa” theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

3. Vì sao doanh nghiệp nên áp dụng sản xuất sạch hơn?

Có thể thấy rất rõ việc áp dụng sản xuất sạch hơn mang đến nhiều lợi ích đến doanh nghiệp: 

  • Giảm các chi phí đầu vào của sản phẩm, giảm chi phí cho việc xử lý môi trường (các khoản chi phí, thuế ngày càng trở thành sức ép lớn đối với doanh nghiệp)
  • Giúp doanh nghiệp thu về khoản lợi nhuận cao hơn nhờ vào việc giảm chi phí sản xuất 
  • Nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm do được quản lý tốt hơn, hiệu suất sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu cũng như nguồn lực tăng
  • Khích lệ doanh nghiệp đổi mới nhờ vào việc áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn như đổi mới thiết bị, công nghệ,… 
  • Nâng cao tính cạnh tranh và chỗ đứng trên thị trường nhờ vào chất lượng sản phẩm được cải thiện, uy tín của doanh nghiệp tăng lên trong mắt cộng đồng, người tiêu dùng 
  •  Nâng cao năng suất do cải tiến quá trình và lôi kéo mọi người tham gia. Việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo cách tiếp cận này là một cách tiếp cận chủ động, làm thay đổi tích cực thái độ của các thành viên trong doanh nghiệp
    Lợi ích khi áp dụng sản xuất sạch hơn

      => Từ đó, việc áp dụng sản xuất sạch hơn sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. 

4. Doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng sản xuất sạch hơn như thế nào 

Ngày 7/9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệtChiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các cơ sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và phát triển bền vững. 

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Qua 10 năm triển khai Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, đến nay đã có 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn, tăng 20,5% so với năm 2010. 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng sản xuất sạch hơn, tăng 35,9% so với năm 2010, 12% trong số đó đã đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, đã có 21% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động sản xuất sạch hơn.

>> Xem thêm về Chiến lược sản xuất sạch hơn tại: Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Ngành công nghiệp sản xuất

Trong công nghiệp sản xuất, một trong những doanh nghiệp đầu tiên đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng sản xuất sạch hơn là Công ty CP Mía đường Phan Rang. Trước đây, để bảo đảm công suất trên 1.500 tấn mía/ngày, công ty phải sử dụng hơn 400 kWh điện, và thải ra môi trường một lượng lớn bã mía.

Từ khi đơn vị đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng lò hơi cao áp siêu nhiệt và sử dụng bã mía làm chất đốt để chạy tuabin phát điện theo mô hình sản xuất sạch hơn, công ty đã tiết kiệm được hơn 70% điện năng và giải quyết được thực trạng bã mía thừa, làm sạch môi trường, hạ giá thành sản phẩm, nên được xem là điểm sáng trong ứng dụng SXSH tại tỉnh Ninh Thuận.

Ngành dệt may

Ngoài ra, trong ngành dệt may, một số công nghệ tiên tiến đang được áp dụng tại các nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Công nghệ Plasma 

Các nhà sản xuất sử dụng plasma để sửa đổi các đặc tính bề mặt vật liệu dệt nhằm cải thiện chức năng nhuộm hoặc loại bỏ các hóa chất dư thừa khỏi vật liệu (khắc plasma). Do không làm thay đổi đặc tính vốn có của vật liệu dệt, và được thực hiện ở giai đoạn khô nên không phát sinh vấn đề xử lý nước thải.

Sử dụng các công nghệ hiện đại giúp tăng cường hiệu quả xử lý vật liệu, giảm các nguy cơ tiềm ẩn về môi trường trong ngành dệt may - Nguồn: https://www.scp.gov.vn/
Sử dụng các công nghệ hiện đại giúp tăng cường hiệu quả xử lý vật liệu, giảm các nguy cơ tiềm ẩn về môi trường trong ngành dệt may – Nguồn: Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững – Bộ Công Thương

Công nghệ nhuộm sóng siêu âm

Sử dụng sóng siêu âm trong chế biến ướt hàng dệt giúp tiết kiệm năng lượng tới 20%, giảm thời gian xử lý và tiêu thụ nước.

Hệ thống máy nhuộm tân tiến - Nguồn: https://www.scp.gov.vn/
Hệ thống máy nhuộm tân tiến – Nguồn: Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững – Bộ Công Thương

Ngành nông nghiệp

Không riêng các ngành công nghiệp, trong nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đầu tư, nâng cấp hệ thống sản xuất. Điển hình là nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoàng Đăng, thuộc Công ty TNHH chế biến nông sản Hoàng Đăng đã đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại: hệ thống sản xuất dây chuyền khép kín cùng với hệ thống xử lý nước thải tối tân giúp cho việc sản xuất không gây ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường.

Hệ thống xử lý nước thải hiện đại
Hệ thống xử lý nước thải hiện đại giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường

Nước thải đã qua sử dụng sẽ được đi qua hệ thống lọc, rồi xử lý để đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau đó lại được tái sử dụng. Ngoài ra, bã sắn còn được nhà máy tận dụng để chế biến thành thức ăn chăn nuôi hoặc bán cho bà con nông dân làm phân bón.

Ngành dịch vụ

Bên cạnh đó, một số tòa nhà, công trình được xây dựng với công nghệ xây dựng hiện đại, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về công trình kiến trúc xanh và tiết kiệm năng lượng.  Tòa nhà Vincom Center có thể được lấy như một ví dụ cho công trình thân thiện với môi trường giữa lòng TP.HCM. Bên cạnh sự hiện đại và đẳng cấp, Vincom Center còn là tòa nhà “xanh” và tiết kiệm năng lượng đầu tiên của TP HCM và Việt Nam theo đúng tiêu chuẩn thiết kế “kiến trúc xanh” – một trong những tiêu chí đầu tiên để đánh giá các công trình hàng đầu trên thế giới

Ngoài việc tận dụng phát triển các không gian xanh trong và ngoài tòa nhà; tất cả các công trình thuộc Vincom Center còn đều được sử dụng kính Low-E, một loại kính tiết kiệm năng lượng và nhiên liệu đang được nhiều công trình và tòa nhà cao cấp trên thế giới ưa dùng. Loại kính này sẽ giúp các văn phòng giảm được chi phí vận hành điều hòa nhiệt độ, chống lãng phí năng lượng; tăng tuổi thọ, độ bền cho các thiết bị văn phòng.

Vincom Center – Tòa nhà “xanh” giữa lòng TP.HCM- Nguồn: Cyber Real

Ngoài ra, Tòa nhà Vincom Center còn tích hợp hệ thống nước nóng năng lượng Mặt trời; Hệ thống xử lý nước đảm bảo khi thải ra không gây ô nhiễm môi trường; Hệ thống thông gió và điều hòa không khí tiết kiệm.

KẾT LUẬN

Có thể nói, các loại chất thải từ các khâu sản xuất không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mà còn gây ra những tác hại lớn tới môi trường và đời sống của các hộ dân ở các khu vực xung quanh. 

Vì vậy, việc áp dụng sản xuất hơn trong sản xuất là vô cùng cần thiết. Giải pháp này nhằm tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường hơn, cung cấp các cơ hội giảm chi phí nhờ giảm tổn thất, tăng cường tuần hoàn và tái sử dụng, góp phần cải thiện môi trường làm việc, giảm tải lượng dòng thải và đáp ứng bảo vệ môi trường; mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.. 

Với sự thành công của các doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong công cuộc áp dụng phương pháp sản xuất sạch hơn vào sản xuất ở nhiều nhóm ngành, các doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm và đẩy mạnh hơn việc áp dụng phương pháp sản xuất này trong tương lai.

 

Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết khác tại đây:

Xem thêm phát triển bền vững môi trường có thực sự cần thiết? 4 nguyên tắc phát triển bền vững môi trường tại đây

Xem thêm ”kinh tế xanh” – 1 con đường hiệu quả để phát triển bền vững kinh tế ở Việt Nam tại đây

Xem thêm 5 giải pháp phát triển bền vững gắn liền với kinh tế xanh tại đây

Sinh viên thực hiện: Dương Ngọc Huyền Linh

Mã sinh viên: 20050861

Lớp: QH-2020-E KTQT CLC 3

Mã học phần: INE3104 5 2022

 

 

2 thoughts on “SẢN XUẤT SẠCH HƠN – 1 XU THẾ SẢN XUẤT KẾT HỢP VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI ĐẠI MỚI

Comments are closed.