TOP 5 BƯỚC ĐƠN GIẢN LÀM QUEN VỚI PHƯƠNG THỨC NHỜ THU TRONG THANH TOÁN QUỐC TẾ

phương thức nhờ thu trong thanh toán quốc tế

Có rất nhiều phương thức thanh toán quốc tế mà doanh nghiệp có thể sử dụng; trong đó, phương thức nhờ thu là một trong những hình thức được sử dụng phổ biến nhất bên cạnh phương thức thanh toán tín dụng chứng từ.

1. Khái niệm phương thức nhờ thu

Nhờ thu là phương thức thanh toán quốc tế, theo đó bên bán (nhà xuất khẩu), sau khi giao hàng hay cung ứng dịch vụ, ủy thác cho ngân hàng phục vụ mình xuất trình bộ chứng từ thông qua ngân hàng đại lý cho bên mua (nhà nhập khẩu) để được thanh toán, chấp nhận hối phiếu hay chấp nhận các điều kiện và điều khoản khác. (Giáo trình Thanh toán quốc tế, NXB Thống kê)

Có thể thấy, dù đều là các phương thức thanh toán quốc tế phổ biến nhưng nhờ thu là phương thức thanh toán an toàn, yêu cầu ít chi phí và ít rủi ro hơn so với phương thức tín dụng chứng từ.

2. Căn cứ pháp lý điều chỉnh phương thức nhờ thu

Khi thực hiện phương thức nhờ thu, các bên tham gia thanh toán thường dẫn chiếu và vận dụng văn bản “Quy tắc thống nhất về nhờ thu” – Uniform Rules for Collection (URC), do phòng thương mại quốc tế ICC (International Chamber of Commerce) soạn thảo và phát hành lần đầu vào năm 1956, sau đó được tái bản vào các năm 1967, 1978 và lần tái bản sau cùng vào năm 1995, với tiêu đề “ICC Uniform Rules for Collections, Publication No 522” (viết tắt URC522).

Đây là văn bản mang tính chất pháp lý tùy nghi – nghĩa là việc áp dụng văn bản này là không bắt buộc. Tuy nhiên khi đã có sự thống nhất của hai bên mua bán, thì phải dẫn chiếu các điều khoản của URC và phải tuân thủ các điều khoản đó.

URC 522 - phương thức nhờ thu
URC 522

Tham khảo nội dung URC 522 tại đây >>

Tiếng Anh

Tiếng Việt

3. Các chủ thể tham gia phương thức nhờ thu

Người ủy thác thu (Principal)

Là người xuất khẩu, người thụ hưởng, có quyền yêu cầu ngân hàng phục vụ mình thu hộ tiền. Người ủy thác thu là người quy định nội dung giao dịch nhờ thu, đưa ra các chỉ thị cho tất cả các bên thực hiện, đồng thời cũng là người chịu chi phí cuối cùng trong quy trình thanh toán nhờ thu.

Ngân hàng nhờ thu (Remitting Bank – NHNT)

Là ngân hàng, theo yêu cầu của Người ủy thác, chấp nhận chuyển nhờ thu đến ngân hàng đại lý (NHNT) ở gần và thuận tiện với Người trả tiền. Do đó, NHNT là ngân hàng phục vụ Người ủy thác; và trong quá trình xử lý nhờ thu, NHNT chịu trách nhiệm với Người ủy thác.

Ngân hàng thu hộ (Collecting Bank – NHTH)

Thông thường, đây là ngân hàng đại lí hay chi nhánh của NHNT có trụ sở ở nước Người trả tiền. NHTH nhận Lệnh nhờ thu từ NHNT và thực hiện thu tiền từ Người trả tiền theo các chỉ thị ghi trong Lệnh nhờ thu. Sau khi thu được tiền, NHTH phải chuyển trả cho NHNT. NHTH phải chịu trách nhiệm về Nhờ thu với NHNT.

Ngân hàng xuất trình (Presenting Bank)

Nếu người trả tiền có quan hệ tài khoản với NHTH, thì NHTH sẽ xuất trình Nhờ thu trực tiếp cho Người trả tiền; trong trường hợp này thì NHTH đồng thời là NHXT.

Nếu người trả tiền không có quan hệ tài khoản với NHTH, thì có thể chuyển Nhờ thu cho một ngân hàng khác có quan hệ tài khoản với Người trả tiền để xuất trình. Trong trường hợp này, ngân hàng phục vụ Người trả tiền trở thành NHXT, và chịu trách nhiệm trực tiếp với NHTH.

Người trả tiền (Drawee)

Là người mà Nhờ thu được xuất trình để thanh toán hay chấp nhận thanh toán. Người trả tiền trong ngoại thương là nhà nhập khẩu.

4. Các loại hình trong phương thức nhờ thu

4.1 Phương thức nhờ thu trơn (Clean Collection)

Nhờ thu trơn là phương thức thanh toán mà người bán nhờ ngân hàng thu hộ tiền trên tờ hối phiếu ở người mua, trong đó chứng từ nhờ thu chỉ bao gồm chứng từ tài chính, còn các chứng từ thương mại được gửi trực tiếp cho người nhập khẩu không thông qua ngân hàng.

Quy trình thanh toán nhờ thu trơn - Phương thức nhờ thu
Quy trình thanh toán theo phương thức nhờ thu trơn

Bước 1: Nhà xuất khẩu giao hàng hóa và bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu 

Bước 2: Nhà xuất khẩu gửi hối phiếu và bộ chứng từ hàng hoá đến ngân hàng nhận uỷ thác để nhờ thu hộ tiền ở người nhập khẩu

Bước 3: Ngân hàng nhờ thu lập lệnh nhờ thu và gửi bộ chứng từ cùng hối phiếu tới ngân hàng thu hộ

Bước 4: Ngân hàng thu hộ thông báo lệnh nhờ thu và xuất trình bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu

Bước 5: Nhà nhập khẩu chấp hành lệnh nhờ thu và thanh toán hoặc từ chối thanh toán 

Bước 6: Ngân hàng thu hộ chuyển tiền nhờ thu / hối phiếu chấp nhận / giấy nợ cho ngân hàng nhờ thu 

Bước 7: Ngân hàng nhờ thu chuyển tiền nhờ thu / hối phiếu chấp nhận / giấy nợ cho nhà xuất khẩu

4.2 Phương thức nhờ thu kèm chứng từ (Documentary Collection)

Là phương thức nhờ thu mà người bán sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng thì lập bộ chứng từ thanh toán nhờ thu (chứng từ gửi hàng và hối phiếu) và nhờ ngân hàng thu hộ tiền tờ hối phiếu đó, với điều kiện là người mua trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền thì ngân hàng mới trao toàn bộ chứng từ gửi hàng cho người mua để họ nhận hàng

Tùy theo thời hạn trả tiền, người ta chia phương thức nhờ thu kèm chứng từ làm 2 loại:

– Nhờ thu trả tiền đổi chứng từ

– Nhờ thu chấp nhận trả tiền đổi chứng từ

Quy trình thanh toán nhờ thu kèm chứng từ - Phương thức nhờ thu
Quy trình thanh toán theo phương thức nhờ thu kèm chứng từ

Bước 1: Nhà xuất khẩu giao hàng hóa cho nhà nhập khẩu nhưng không giao bộ chứng từ hàng hoá

Bước 2: Nhà xuất khẩu gửi hối phiếu và bộ chứng từ hàng hoá đến ngân hàng nhận uỷ thác để nhờ thu hộ tiền ở người nhập khẩu

Bước 3: Ngân hàng nhờ thu lập lệnh nhờ thu và gửi bộ chứng từ cùng hối phiếu tới ngân hàng thu hộ

Bước 4: Ngân hàng thu hộ thông báo lệnh nhờ thu và xuất trình bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu

Bước 5: Nhà nhập khẩu chấp hành lệnh nhờ thu và thanh toán hoặc từ chối thanh toán 

Bước 6: Ngân hàng thu hộ trao bộ chứng từ thương mại cho nhà nhập khẩu

Bước 7: Ngân hàng thu hộ chuyển tiền nhờ thu / hối phiếu chấp nhận / giấy nợ cho ngân hàng nhờ thu

Bước 8: Ngân hàng nhờ thu chuyển tiền nhờ thu / hối phiếu chấp nhận / giấy nợ cho ngân hàng nhờ thu

4.2.1 Phương thức nhờ thu trả tiền đổi chứng từ (Documents Against Payment – D/P):

Nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment – D/P) là phương thức nhờ thu kèm chứng từ, theo đó người nhập khẩu chỉ lấy được bộ chứng từ khi đã chuyển vào ngân hàng đủ số tiền thanh toán. Hình thức nhờ thu này được áp dụng trong trường hợp thanh toán trả ngay.

4.2.2 Phương thức nhờ thu chấp nhận trả tiền đổi chứng từ (Documents Against Acceptance – D/A):

Nhờ thu chấp nhận trả tiền trao chứng từ (Documents against Acceptance – D/A) là phương thức nhờ thu kèm chứng từ, theo đó người trả tiền (người nhập khẩu) chỉ cần chấp nhận trả tiền hối phiếu sẽ được ngân hàng trao cho bộ chứng từ nhận hàng. Khi đến hạn thanh toán, người nhập khẩu có trách nhiệm thanh toán cho người xuất khẩu. Đây chính là hình thức thanh toán trả chậm, trong đó người nhập khẩu được người xuất khẩu cấp tín dụng.

5. Lưu ý khi sử dụng phương thức nhờ thu

Thứ nhất, muốn sử dụng Quy tắc thống nhất về nhờ thu URC 522, hai bên mua bán phải thống nhất quy định trong hợp đồng, Lệnh nhờ thu.

Thứ hai, các bên sử dụng phương thức nhờ thu cần tìm hiểu kỹ về đối tác của mình và những quy định về thương mại, ngoại hối của các quốc gia liên quan nhằm giảm bớt rủi ro.

Thứ ba, ngân hàng là người trung gian thu hộ tiền cho khách hàng và không có trách nhiệm đến việc thu tiền có đạt kết quả hay không.

Thứ tư, trong trường hợp hàng đến trước chứng từ, người mua có thể yêu cầu ngân hàng cấp giấy đảm bảo với hãng tàu để nhận hàng.

Thứ năm, trong trường hợp người mua từ chối thanh toán và không nhận hàng thì cách giải quyết về lô hàng đó thực hiện như sau:

+ Giảm giá hàng bán cho người nhập khẩu

+ Nhờ ngân hàng thu chào bán lô hàng cho người khác,

+ Hoặc chuyển hàng về nước người xuất khẩu, nếu là hàng quý giá

+ Hoặc là có thể bán đấu giá công khai.

Thứ sáu, phương thức nhờ thu kèm chứng từ đã có sự ràng buộc chặt chẽ giữa việc thanh toán tiền và việc nhận hàng của bên mua. Nhờ vậy, phương thức này đảm bảo quyền lợi cảu người bán hơn phương thức nhờ thu trơn. Ngân hàng sẽ thay mặt người bán khống chế bộ chứng từ hàng hóa. Nếu người mua đồng ý thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán thì ngân hàng mới giao chứng từ cho người mua.

Tuy nhiên, người bán thông qua ngân hàng mới khống chế được quyền định đoạt hàng hóa của người mua, chứ chưa thực sự khống chế được việc trả tiền của người mua (đặc biệt là trong nhờ thu D/A và nhờ thu theo điều kiện khác). Người mua có thể kéo dài việc trả tiền bằng cách chưa nhận chứng từ hoặc có thể không nhận hàng hóa khi tình hình thị trường bất lợi đối với họ. Như vậy, quyền lợi của bên bán vẫn chưa thực sự được đảm bảo.

Thứ bảy, một lưu ý đối với người mua, tuy áp dụng thanh toán nhờ thu có thể giúp họ chủ động trong việc thanh toán và tiết kiệm chi phí hơn khi thanh toán L/C nhưng phương thức này cũng có điểm bất lợi là người mua phải chấp nhận trả tiền hoặc ký chấp nhận hối phiếu mà chưa kiểm tra hàng hóa trước khi nhận hàng nên có thể xảy ra trường hợp hàng hóa không đúng với hợp đồng đã ký kết.

Như vậy, bài viết đã cung cấp những thông tin cơ bản về phương thức nhờ thu trong thanh toán quốc tế. Việc nắm vững và ứng dụng hợp lý quy trình thanh toán nhờ thu sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm lựa chọn cho các hình thức thanh toán quốc tế trong hoạt động kinh doanh của mình.

Tài liệu tham khảo:

  1. PGS. TS. Hà Văn Hội (2012), Giáo trình Thanh toán quốc tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
  2. PGS. TS. Nguyễn Văn Tiến (2008), Giáo trình Thanh toán quốc tế, NXB Thống kê
  3. Giáo trình nghiệp vụ ngoại thương (2019), Đại học Kinh tế Quốc dân

Người thực hiện: Nguyễn Minh Châu

Mã sinh viên: 18050414

Lớp: QH2018E-KTQT CLC4

INE3104 2