NHỮNG RỦI RO TRONG BIẾN ĐỘNG KINH TẾ TOÀN CẦU NĂM 2022

NHỮNG RỦI RO TRONG BIẾN ĐỘNG KINH TẾ TOÀN CẦU NĂM 2022

2022 là một năm được dự báo về một nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ, giá cả hạ nhiệt và sự chuyển hướng khỏi các chính sách tiền tệ khẩn cấp. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều mối nguy có thể khiến kinh tế thế giới trật bánh, từ Omicron cho đến khủng hoảng Euro mới.

Ngoài ra, các chính sách nới lỏng của cục dự trữ Liên Bang Mỹ FED, bất ổn ngành địa ốc Trung Quốc cùng cuộc khủng hoảng giá lương thực thực phẩm… được cho là những tác nhân chính gây áp lực lên chính phủ. Vậy đâu là những rủi ro trong biến động kinh tế toàn cầu năm 2022? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. KINH TẾ TOÀN CẦU TRƯỚC BIẾN CHỦNG MỚI BA.5

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, dịch Covid – 19 ngày càng trở nên phức tạp và khả năng gia tăng trở lại. Biến chủng Omicron hiện là chủ yếu nhưng vẫn chưa phải là cuối cùng. WHO khuyến cáo các quốc gia cần duy trì, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm nguy cơ cao và tiêm phòng vắc xin COVID-19.  

Mới đây, cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo 2 biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 sẽ lây lan rộng. Theo đó, biến chủng này có khả năng làm gia tăng số người lây nhiễm cần nhập viện điều trị hoặc tử vong và điều này sẽ gây áp lực cho nền y tế nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung. Hồi tháng 3/2022, WHO đã bổ sung biến chủng BA.4 và BA.5 vào danh mục các biến thể cần giám sát trong khi ECDC liệt hai dòng phụ này vào danh mục “các biến thể đáng lo ngại”.

Tuy nhiên, kịch bản này cũng có thể không xảy ra. Nếu biến chủng vừa lây lan nhanh, vừa nguy hiểm hơn, nền kinh tế toàn cầu có thể bị tác động tiêu cực. Chỉ cần 3 tháng quay về thời kỳ phong tỏa chặt nhất như năm 2021 thì tăng trưởng năm 2022 có thể giảm về 4.2%. Covid 19 đã – đang và sẽ luôn là mối lo ngại đối với nền kinh tế thế giới. Hãy cùng chờ xem những diễn biến tiếp theo của những biến chủng mà nó sẽ gây ra cho kinh tế toàn cầu. 

2. KINH TẾ TOÀN CẦU TRONG VÒNG XOÁY LẠM PHÁT

Đầu năm nay, Mỹ được dự báo kết thúc năm với lạm phát 2%. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này đã tiệm cận 7%. Qua nửa đầu năm 2022, một lần nữa giới quan sát dự báo con số 2%. Thế nhưng vẫn có khả năng không xảy ra trường hợp này. 

Biến thể Omicron chỉ là một trong những nguyên nhân gây ra biến động kinh tế toàn cầu này. Lương nhân công trong năm tới cũng có thể tăng cao. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng kéo giá khí đốt lên cao. Biến đổi khí hậu kéo theo các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, từ đó đẩy giá lương thực tăng vọt.

Mặc dù vậy, không phải tất cả rủi ro đều đi theo hướng tiêu cực. Trong trường hợp đợt dịch mới bùng phát, việc đi lại bị ảnh hưởng, giá dầu sẽ giảm. Dù vậy, sự kết hợp giữa lạm phát và tăng trưởng chậm sẽ càng đẩy các ngân hàng trung ương vào tình cảnh khó khăn, đồng thời tạo ra biến động lớn với kinh tế toàn cầu. Những dự báo kinh tế vẫn tiếp tục được đưa ra nhưng câu trả lời thực sự thì vẫn cần thời gian nửa cuối năm 2022 trả lời.

3. FED ĐẨY NHANH QUÁ TRÌNH NÂNG CAO LÃI SUẤT 

Năm 2013 và 2018 đã cho thấy việc Fed thắt chặt tiền tệ đã gây ra lượng lớn rắc rối cho thị trường. Rủi ro ở đây là giá tài sản đang ở mức rất cao. Chỉ số S&P 500 đang gần ngưỡng bong bóng. Giá nhà tại Mỹ cũng chỉ kém thời kỳ khủng hoảng dưới chuẩn năm 2007.

Mô hình của Bloomberg Economics dự báo nếu Fed nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022 và ra tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi cho đến khi chạm 2.5%, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ tăng lên và suy thoái sẽ xuất hiện vào đầu năm 2023. 

Việc Fed nâng lãi cũng sẽ kéo giá đồng dollar lên, châm ngòi cho dòng vốn tháo chạy khỏi các nền kinh tế đang phát triển. Năm 2013 và 2018, các quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất là Argentina, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Câu hỏi được đặt ra là quốc gia nào có thể “bị” bổ sung vào danh sách này trong những năm tiếp theo? Và việc Fed đẩy nhanh quá trình nâng cao lãi suất sẽ thực sự gây ra những biến động gì với kinh tế toàn cầu?

4. TRUNG QUỐC TĂNG TRƯỞNG CHẬM 

Nền kinh tế Trung Quốc đã và đang có dấu hiệu chững lại. Tác động tổng hợp từ hãng bất động sản Evergrande, các đợt phong tỏa liên tiếp vì COVID-19 và khủng hoảng thiếu năng lượng đã khiến GDP nước này chỉ tăng 0,8%, thấp hơn rất nhiều mức 6% mà thế giới đã quen thuộc. 

Trong báo cáo mới nhất ngày 8/6/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm 2022 còn 4,3%, tức giảm 0,8 điểm % so với dự báo đưa ra hồi tháng 12/2021.

Trong khi khủng hoảng năng lượng có thể dịu bớt, hai vấn đề còn lại thì đang biến chuyển tiêu cực. Chiến lược zero COVID của Bắc Kinh cũng đồng nghĩa biến chủng Omicron sẽ khiến nước này phong tỏa thêm. Với nhu cầu còn yếu và hạn chế về tài chính, hoạt động xây dựng bất động sản – chiếm 25% nền kinh tế Trung Quốc – có thể còn giảm thêm.

5. KINH TẾ TOÀN CẦU TRONG BỐI CẢNH CHIẾN TRANH NGA – UKRAINE

Chiến tranh Nga – Ukraine đã khiến không chỉ Nga và Ukraine mà nền kinh tế toàn cầu cũng bị tổn thất nặng nề. Khủng hoảng kinh tế không chỉ diễn ra nghiêm trọng ở 2 quốc gia mà còn ảnh hưởng sâu rộng tới tình hình kinh tế thế giới. Tuy nhiên, một số quốc gia được hưởng lợi từ cuộc chiến này. Ông Mike Sun, chiến lược gia đầu tư Bắc Mỹ và là chuyên gia về Trung Quốc, cho rằng các nền kinh tế dựa vào tài nguyên như Canada và Úc được hưởng lợi tương đối, nhưng Mỹ được lợi nhiều nhất, trong khi Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) lại hại nhiều hơn lợi.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các chủ nợ lớn khác trên toàn cầu ngày 18/3 đã đưa ra cảnh báo về tác động kinh tế sâu rộng từ căng thẳng Nga – Ukraine.  Trong một thông báo chung, các tổ chức trên cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu sẽ nhận thấy ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này thông qua tăng trưởng giảm tốc, hoạt động thương mại bị gián đoạn, và lạm phát tăng cao, gây thiệt hại nặng nề cho những người nghèo nhất mà dễ bị tổn thương nhất,” đồng thời cảnh báo tình hình xung đột này đang làm gia tăng sự nghèo đói.

Các thể chế tài chính này còn cảnh báo rằng tác động của cuộc khủng hoảng này sẽ rất sâu rộng, ảnh hưởng lớn tới biến động kinh tế toàn cầu từ việc làm giảm nguồn cung năng lượng và thực phẩm, đến sự gia tăng giá cả và nghèo đói…, từ đó cản trở đà phục hồi của nền kinh tế thế giới từ đại dịch COVID-19.

6. CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ THẮT CHẶT 

Chính phủ nhiều nước cho đến nay đã chi rất mạnh tay cho các gói kích thích lớn nhỏ nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong suốt cuộc khủng hoảng COVID-19.

Chính vì vậy, sau khi dịch bệnh dần đi vào kiểm soát, những nước này sẽ có xu hướng “thắt lưng buộc bụng”. Mức giảm chi tiêu công trong năm 2022 theo đó có thể sẽ tương đương 2,5% GDP toàn cầu, gấp 5 lần các chính sách “thắt lưng buộc bụng” vốn đã làm chậm đà phục hồi toàn cầu sau cuộc khủng hoảng hồi năm 2008, theo ước tính từ UBS. Việc áp dụng chính sách tài khoá thặt chặt với một số quốc gia không chỉ gây ra những tác động tới kinh tế – chính trị – xã hội của quốc gia đó mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế thế giới.

7. BẤT ỔN ĐỊA CHÍNH TRỊ ẢNH HƯỞNG KINH TẾ THẾ GIỚI

Bất ổn địa chính trị ngày càng leo thang gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh tế thế giới – văn hoá – xã hội.  Bất kỳ sự gia tăng căng thẳng nào giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan có thể kéo theo sự tham gia của cường quốc thế giới, bao gồm Mỹ. 

Kịch bản tồi tệ nhất là chiến tranh giữa các siêu cường. Các kịch bản bớt u ám hơn bao gồm các lệnh trừng phạt sẽ sẽ đóng băng quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và sự sụp đổ của ngành chất bán dẫn ở Đài Loan, bộ phận thiết yếu của hàng loạt mặt hàng, từ smartphone cho đến xe hơi.

Brazil dự kiến bầu cử vào tháng 10, trong bối cảnh đại dịch vẫn đang tàn phá kinh tế. Còn ở Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập đang muốn kéo bầu cử 2023 lên sớm vào năm sau. 

LỜI KẾT: 

Trên đây là 7 rủi ro trong biến động kinh tế toàn cầu được dự đoán vào năm 2022. Tuy nhiên, dựa trên những diễn biến mới nhất về tình hình dịch bệnh cũng như những nỗ lực đối phó với khủng hoảng của các quốc gia trên thế giới, chúng ta có thể kỳ vọng về một kịch bản tích cực sẽ tới với nền kinh tế toàn cầu trong tương lai sắp tới.

 Hy vọng sau bài viết này bạn có thể trau dồi thêm cho mình những thông tin bổ ích về tình hình kinh tế – xã hội thế giới và những rủi ro trong biến động kinh tế toàn cầu.  

Chúc các bạn thành công!

Đọc thêm các bài viết có liên quan tại đây

Mã học phần: INE3104 2

Họ và tên: Bùi Thị Ngọc Châm

Mã sinh viên: 20050780.