Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi – 8 cách bảo vệ tài khoản ngân hàng

 

Trong những năm gần đây, việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng đang trở thành một vấn nạn nhức nhối. Với bùng nổ của ngành thương mại điện tử, việc có một tài khoản trên các ngân hàng số đang ngày càng thiết yếu, việc tạo cho mình một tài khoản ngân hàng dần trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đó, đây còn có thể là kẽ hở cho các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bài viết này sẽ giúp bạn nắm chắc những bí kíp để bảo vệ tài khoản của mình !

1. Cảnh báo một số hình thức lừa đảo qua tài khoản ngân hàng

1.1. Lừa đảo bằng cách giả mạo nhân viên ngân hàng

Các đối tượng lừa đảo lựa chọn giả mạo nhân viên ngân hàng vì khách hàng có tâm lý tin tưởng và không phòng bị với nhân viên ngân hàng. Chúng thường gọi điện cho khách hàng với những kịch bản như : « Có khoản tiền đang treo, chưa thể chuyển vào tài khoản » « Có chương trình trúng thưởng lớn.. » và yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP để hoàn thiện các thủ tục.

Trên thực tế, kẻ gian muốn lấy mã OTP để thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản của bạn hoặc đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng của bạn. Ngân hàng sẽ không bao giờ lấy mã OTP của bạn trong bất kỳ trường hợp nào, vậy nên nếu có ai đó muốn lấy mã OTP của bạn thì chắc chắn đó là kẻ lừa đảo.

1.2 Giả mạo cơ quan chức năng để lừa đảo

Lợi dụng tâm lý lo sợ và ngại phiền hà khi dính đến pháp lý, các đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo các cơ quan chức năng nhằm đánh vào sự sợ hãi của khách hàng. Các đối tượng lừa đảo sẽ gọi cho bạn, tự xưng mình công tác ở các cơ quan chức năng, thông báo rằng tài khoản của bạn đang liên quan đến các vấn đề pháp lý và yêu cầu bạn cung cấp các thông tin như tài khoản, mật khẩu, mã OTP để phục vụ việc điều tra. Hoặc chúng sẽ yêu cầu bạn chuyển một khoản tiền lớn để làm việc, nếu không bạn sẽ bị bắt giữ, điều tra…

Khi gặp các tình huống tương tự như trên, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo và không nên làm theo những yêu cầu của kẻ gian mà hãy báo cho các cơ quan chức năng gần nhất. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP,…

giả mạo cơ quan chức năng lừa đảo tài khoản ngân hàng

1.3 Giả mạo người thân, bạn bè

Trong trường hợp này, kẻ gian sẽ lợi dụng tình cảm của khách hàng. Chúng sẽ giả làm người thân và nhắn tin gửi những đường link tương tự với những đường link chính thống với những nội dung nhờ vả như  “Cho em vay tiền để trả tiền lô hàng mới về, em cần gấp ! “ “ Em có khoản tiền chuyển từ nước ngoài về mà không nhận được, chị điền và nhận giúp em !”

Tuy cách lừa đảo này đã cũ nhưng khá hiệu quả nên vẫn còn nhiều đối tượng đang sử dụng. Người dân cần chú ý cảnh giác với loại hình lừa đảo này.

1.4 Lừa đảo bằng cách “Chuyển nhầm tiền vào tài khoản”

Đây là thủ đoạn lừa đảo mới, có tính chất tinh vi, phức tạp. Các đối tượng sẻ giả vờ chuyển nhầm tiền vào tài khoản của bạn.

Trường hợp đầu tiên, sau một thời gian, chúng sẽ gọi điện cho bạn và gán cho bạn rằng bạn đã vay số tiền đó với mức lãi cắt cổ. Hoặc khi nhận được tiền, bạn không báo với cơ quan chức năng mà dùng làm việc riêng hoặc để yên tiền đó trong tài khoản thì qua một thời gian bạn sẽ vướng phải tội « Chiếm đoạt tài sản ».

Trường hợp thứ hai, chúng sẽ gọi điện xin lại số tiền đã chuyển nhầm nhưng sau khi bạn chuyển lại chúng sẽ liên tục chối bỏ và bảo rằng chưa hề nhận lại được số tiền đó hoặc chúng sẽ bảo bạn điền những thông tin như tài khoản ngân hàng, mật khẩu ngân hàng, mã OTP vào một đường link khác, từ đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo các chuyên gia, để xử lý trong tình huống nhận được tiền chuyển khoản nhầm, người nhận tiền chuyển nhầm cần liên hệ với phía ngân hàng để đối chiếu, xác thực.

Người dân tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng. Đồng thời không chuyển hoàn vào một tài khoản khác với tài khoản đã chuyển cho mình, phải chờ ngân hàng giải quyết trước và cần báo cho các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho bản thân.

2. Bí kíp bảo vệ tài khoản ngân hàng.

2.1 Tuyệt đối không bao giờ cung cấp mật khẩu, mã PIN, mã OTP cho bất kỳ ai.

Các ngân hàng sẽ không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin liên quan đến bảo mật tài khoản như mật khẩu, mã PIN, mã OTP. Trong thời gian gần đây, các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và người dùng cần cảnh giác, tỉnh táo để không bị người xấu lợi dụng.

2.2 Chú ý và quan tâm đến mật khẩu ngân hàng

Bạn nên lưu ý đặt các mật khẩu có chứa các ký tự đặc biệt như @,#,$,%,*, sô hoặc chữ cái viết hoa… Không nên đặt các mật khẩu dễ đoán như tên, ngày sinh nhật hoặc những thông tin mà người khác có thể dễ dàng biết đến. Các mật khẩu ngắn, chứa các thông tin cá nhân sẽ dễ bị đoán ra và kẻ gian sẽ dễ dàng biết được mật khẩu của bạn.

Người dùng cũng nên lưu ý đổi mật khẩu mỗi 3-6 tháng một lần để đảm bảo tính bảo mật tài khoản.

2.3 Không bấm vào những đường link không rõ nguồn gốc hoặc những email đáng ngờ

Khi bạn ấn vào những đường link lạ, email đáng ngờ hacker có thể xâm nhập và theo dõi bạn hoặc phát tán những mã độc nhằm chiếm quyền điều khiển thiết bị, từ đó đánh cắp các thông tin về tài khoản của bạn. Hoặc khi bạn truy cập vào những đường link giả mạo và điền những thông tin đăng nhập vào đó, kẻ gian sẽ có cơ hội đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản.

Người dùng nên chú ý kiểm tra đường link URL và chắc chắn đó là trang web uy tín trước khi điền các mật khẩu cũng như thông tin cá nhân để tránh bị lừa đảo.

2.4 Sử dụng công nghệ xác thực hai lớp

Hầu hết ngân hàng sẽ cung cấp cho bạn tùy chọn bật xác thực 2 lớp. Dù xác thực hai lớp có điểm mạnh và điểm yếu riêng, nó vẫn bổ sung cho bạn “hàng rào” bảo mật thông tin tài khoản nhạy cảm.

Khi sử dụng bảo mật hai lớp, bạn sẽ nhận được một tin nhắn riêng đặc biệt với mật khẩu dùng một lần mỗi lần đăng nhập tài khoản. Điều này có vẻ bất tiện nhưng rất hữu ích trong việc bảo vệ tài khoản của bạn. Nếu tin tặc có thể đăng nhập tài khoản, bạn sẽ nhận được một tin nhắn chứa mật mã. Khi phát hiện bản thân không thực hiện thao tác này, bạn có thể chặn hacker ngay lập tức.

2.5 Sử dụng dịch vụ thông báo qua tin nhắn

Nếu ngân hàng cung cấp dịch vụ gửi tin nhắn cảnh báo liên quan tới tài khoản thì bạn nên sử dụng nó để bảo mật tài khoản của mình. Mỗi khi có biến động số dư từ tài khoản, bạn sẽ nhận được tin nhắn. Nếu không phải bạn thực hiện giao dịch đó, hãy xác minh lại với ngân hàng để tránh tình huống bị lừa đảo.

2.6 Tránh sử dụng tính năng đăng nhập tự động

Sử dụng đăng nhập tự động, trình duyệt của bạn sẽ lưu lại tên người dùng và mật khẩu, cho phép bạn truy cập tài khoản ngân hàng mà không cần nhớ bất kỳ thông tin nào. Dù tiện lợi nhưng nó lại tiềm ẩn rủi ro bảo mật nhất.

Bạn nên tránh đăng nhập tự động, nhất là khi dùng điện thoại để giao dịch online. Nếu ai đó vô tình dùng smartphone của bạn, họ có thể dùng tên và mật khẩu đó để đăng nhập tài khoản ngân hàng của bạn.

2.7 Hãy khóa thẻ và tài khoản khi có những dấu hiệu đáng ngờ

Khi có những dấu hiệu bất thường với tài khoản, bạn nên khóa thẻ và tài khoản ngân hàng ngay lập tức. Lúc này, nếu kẻ xấu có tài khoản của bạn, chúng cũng không thể thực hiện các giao dịch và lấy tiền của bạn được. Bạn sẽ có thêm thời gian để xử lý tình huống và báo cho các cơ quan chức năng.

2.8 Luôn chú ý tới bảng kê khai tài khoản và biến động số dư

Cuối cùng, bạn nên thường xuyên kiểm tra bảng kê khai giao dịch. Ngân hàng có thể giám sát hoạt động gian lận trên thẻ để thông báo tới người dùng. Bằng việc xem xét kỹ lưỡng bảng kê khai, chú ý tới biến động số dư bạn có thể kịp thời phát hiện mọi giao dịch bất thường. Khi đó, hãy liên lạc với ngân hàng ngay khi có thể.

3.    Kết luận

Đã đến những cuối năm, dịp năm hết tết đến lại thêm tình hình khó khăn do dịch bệnh, nhiều đối tượng lợi dụng sự sơ hở của người dân để lừa đảo, nhất là tình trạng lừa đảo qua tài khoản ngân hàng ngày càng tăng về số lượng và có tính phức tạp, tinh vi.

Khi tài khoản ngân hàng có những dấu hiệu bất thường, người dân cần tránh hoảng loạn, nên bình tĩnh và tỉnh táo, phong tỏa tài khoản và báo cho các cơ quan chức năng gần nhất để kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý nâng cao cảnh giác tránh lơi lỏng để kẻ gian có cơ hội lộng hành.

 

  • Một số ngân hàng có hệ thống bảo mật đang tin cậy

Techcombank 

Vietcombank

  • Tham khảo một số bài viết hay

5 cuốn sách hay về quản lý tài chính 

Quản lý tài chính cá nhân

Nguyễn Lê Hà Phương – 19051557

211_INE3104 3