Sau hơn 3 năm xuất hiện tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 kéo dài gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới nói chung, nền kinh tế Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, không dậm chân tại chỗ trước tình hình đó, Chính phủ và các Ban ngành đã và đang không ngừng đổi mới chiến lược, phục hồi nền kinh tế, hướng đến một Việt Nam hùng cường. Trong số đó, một trong những vấn đề đang rất được quan tâm đó là nền Kinh tế số.
Ảnh minh họa
Nội dung bài viết
1. Kinh tế số là gì?
Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin – viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.
Chiến lược đề ra là thế, nhưng trong những năm gần đây, đợt dịch covid-19 đã gây thiệt hại rất nhiều cho nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, đợt dịch kéo dài từ tháng 7/2021 đến cuối năm 2021, đầu 2022 tại các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế (GDP) cả nước, theo đó, GDP quý III/2021 có mức giảm sâu nhất kể từ khi tính và công bố GDP theo quý tại Việt Nam
Nguồn: Tổng cục Thống kê,2021
Bởi vậy việc đầu tư tập trung vào nền kinh tế số được coi là bước đầu phục hồi lại nền kinh tế, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
2 Trong bối cảnh dịch Covid làm đình trệ hoạt động kinh doanh, cơ hội để doanh nghiệp tận dụng để phát triển kinh tế số là gì?
2.1. Phát triển ngân hàng số
Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tỷ trọng của nền kinh tế số đến năm 2025 là 20% và 2030 là 30% GDP, gần đây nhất Bộ Kế hoặc và Đầu tư còn đưa ra dự kiến đến 2030 kinh tế số chiếm 50% GDP. Theo đó, một trong những mô hình kinh doanh có nhiều cơ hội phát triển là Ngân hàng số,với phương thức cung cấp các dịch vụ ngân hàng chi phí rẻ và thời gian ngắn, cạnh tranh sòng phẳng với mô hình ngân hàng truyền thống. Đồng thời, cũng là động lực thúc đẩy đổi mới trong toàn bộ hệ thống tài chính-tiền tệ.
Ảnh minh họa
Hiện tại, nhiều quốc gia đã luật hóa khái niệm Ngân hàng số và có thể hiểu là tổ chức được cấp phép cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như nhận tiền gửi, cho vay, đầu tư thông qua nền tảng số.
Cùng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng truyền thống thực hiện cung cấp thông qua những kênh truyền thống như đại lý, tư vấn, giao dịch viên hay tổng đài; còn ngân hàng số thực hiện hoàn toàn trên nền tảng số.
2.2.Trở thành trung tâm tài chính khu vực
Ngoài ra, nền kinh tế số của Việt Nam cũng có một cơ hội lớn do hậu dịch Covid-19, cùng với xung đột Nga-Ukraine khiến cho thế giới kinh doanh đang nhìn vào một vài quốc gia khu vực châu Á cho một giải pháp thay thế khác cho những thị trường trước đây.
Với thể chế chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đang cho thấy ở một vị trí chiến lược mới thu hút nguồn lực tài chính toàn cầu cho chiến lược chuyển sự tập trung vào hiệu quả sang tập trung vào an ninh, chẳng những đối với nhà đầu tư nước ngoài mà còn cho chính Việt Nam.
Hơn thế nữa, trong bối cảnh nhà đầu tư quốc tế ngày càng khó tiếp cận thị trường tài chính Trung Quốc, mới đây Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… đã cùng nhau phát động Sáng kiến chuỗi cung ứng bền bỉ (SCRI). Điều này mang lại động lực cho các công ty của họ di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Điển hình, hiện nay Nhật Bản có tài sản ròng ở nước ngoài lên tới 365.000 tỷ yen, lớn nhất thế giới. Nhiều dữ liệu cũng cho thấy, các công ty Nhật Bản đã nhanh chóng mở rộng chuỗi giá trị toàn cầu, với hơn một nửa doanh thu nhận được bên ngoài nước.
Nhật Bản nằm trên một “núi tiền mặt” lên đến 1.008.000 tỷ yen (9.250 tỷ USD). Còn những hộ gia đình Nhật Bản giữ 54% tài sản dưới dạng tiền mặt, trong khi chỉ có 14% đối với hộ gia đình ở Mỹ hoặc 35% của hộ gia đình ở các nước trong khu vực Liên minh châu Âu (EU).
Với bối cảnh địa tài chính hiện nay, việc hình thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực cho Việt Nam là chủ đề đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Nếu Việt Nam hình thành một trung tâm tài chính quy mô khu vực hoặc các khu vực kinh tế-hành chính đặc biệt với những ưu đãi thuế thu nhập cận biên ở mức thấp, không có thuế đối với tài sản thừa kế, thu nhập vốn và cổ tức, sẽ là cơ hội để hấp thụ nguồn tiết kiệm khổng lồ từ các nước, cũng như thu hút các công ty đa quốc gia hàng đầu.
3. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Thứ nhất, hạn chế về nhận thức của cộng đồng xã hội. Nhận thức về phát triển kinh tế số ở cả cấp độ quản lý nhà nước, cấp độ doanh nghiệp và của người dân chưa cao. Kiến thức của nhiều cán bộ, doanh nghiệp và người dân về kinh tế số, cùng những thời cơ và thách thức đối với sự phát triển chưa đồng đều ở các cấp, các ngành dẫn tới nhu cầu, kế hoạch và hành động nắm bắt xu thế kinh tế số chưa kịp thời.
Thứ hai, thể chế của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, sự chuẩn bị luôn ở thế bị động, hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế.Quá trình chuyển đổi số chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Thể chế và quy định pháp luật cho chuyển đổi số và các hoạt động kinh tế số của Việt Nam được đánh giá là chậm hoàn thiện. Hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới còn thiếu.
Thứ ba, thiếu với nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ thông tin – nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của nền kinh tế số. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam còn ít về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng được xem là một trong những mối thách thức lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế số của Việt Nam.
Thứ tư, thách thức về an ninh mạng, bảo mật an toàn thông tin. Kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, Internet luôn chứa đựng nguy cơ lớn về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính và tính riêng tư của dữ liệu, của các chủ thể tham gia kinh tế số. Việt Nam là một trong những quốc gia thường xuyên bị tấn công và cũng dễ bị tổn thương khi bị tấn công mạng
4. Kết luận
Kinh tế số sẽ mở ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trước bối cảnh như vậy, doanh nghiệp Việt Nam càng cần hiểu rõ được tầm quan trọng của nền kinh tế số. Kinh tế số được xác định là động lực phát triển quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trở thành quốc gia có công nghệ phát triển.
Sự dịch chuyển và thay đổi theo hướng số hóa nhanh giúp Việt Nam phát triển kinh tế số ngày càng mạnh
Để phát triển kinh tế số ở Việt Nam, các doanh nghiệp nên:
Nâng cao nhận thức về phát triển nền kinh tế số, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho thích ứng xu hướng phát triển này. Các doanh nghiệp cần tích cực chuẩn bị để nắm bắt cơ hội, cũng như bảo đảm tính cạnh tranh quốc tế trong nền kinh tế số toàn cầu; đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực khi tham gia vào nền kinh tế số.
Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng số, trong đó nhanh chóng phát triển dịch vụ internet di động 5G, đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao và tăng băng thông internet quốc tế.
Tập trung phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số. Phát triển công nghiệp sáng tạo, hệ sinh thái nội dung số Việt Nam đa dạng, hấp dẫn.
Phát triển kinh tế số không đơn thuần là xu thế mới mà còn là mô hình kinh doanh mới, mở ra cơ hội lao động, việc làm, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cuộc sống. Kinh tế số giúp tăng trưởng bền vững hơn do sử dụng nguồn tài nguyên mới (tài nguyên số và công nghệ số), xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường hiệu quả hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp nên tận dụng tốt cơ hội để phát triển kinh tế số, đưa doanh nghiệp của mình lớn mạnh hơn.
Xem thêm: Bài tập của các nhóm