Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phát triển kinh tế du lịch Việt Nam – 2 khía cạnh cơ hội và thách thức

Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới của Việt Nam được thực thi, rất nhiều lĩnh vực và khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội nhận được những tác động tích cực, trong đó có sự phát triển của ngành kinh tế du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn có những đóng góp lớn vào nền kinh tế quốc dân và đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Cụ thể, những cơ hội và thách thức mà các hiệp định này đem lại cho sự phát triển kinh tế du lịch của Việt Nam là gì?

Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới

Thuật ngữ “thế hệ mới” được sử dụng để nói về các FTA có phạm vi toàn diện, vượt ra ngoài khuôn khổ những phạm vi truyền tống về thương mại, bao gồm những lĩnh vực mới như đầu tư, cạnh tranh, mua sắm công, sở hữu trí tuệ, hợp tác hải quan, lao động, môi trường, hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển, chuyển đổi hợp lý, và cả các vấn đề chính trị như dân chủ, nhân quyền,…

Xét về tổng thể, các nội dung có trong FTA truyền thống và WTO đều đã được FTA thế hệ mới đề cập nhưng với mức độ sâu sắc, đầy đủ hơn: Phạm vi ảnh hưởng vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại mà còn tác động tới các lĩnh vực như chính trị và ngoại giao.

Ông Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc hội kiến Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani nhằm thúc đẩy EVFTA nhân chuyến thăm châu Âu tháng 10/2018. Ảnh: VGP

Trong 4 FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang thực thi, FTA song phương với Hàn Quốc (VKFTA) và FTA với khối Liên minh Á – Âu (EAEU) có các lĩnh vực “thế hệ mới” khá hạn chế, chủ yếu là các cam kết mang tính tuyên bố định hướng, không có các nội dung ràng buộc cụ thể. Các FTA thế hệ mới thực sự mà Việt Nam đang tham gia bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và phát triển kinh tế du lịch

Cơ hội phát triển kinh tế du lịch

Mở rộng thị trường khách du lịch và quảng bá hình ảnh của quốc gia, khu vực

Các FTA thế hệ mới đem đến triển vọng đưa khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam do các thành viên của CPTPP và EVFTA là các thị trường khách hàng có thu nhập bình quân đầu người cao, có nhu cầu du lịch nước ngoài cao. Thị trường EU có sức mua lớn thứ 2 thế giới, số lượng người đi du lịch hàng năm lớn nhất (theo báo cáo WTO). Đồng thời, FTA thế hệ mới cũng có thể đem lại các tác động tích cực đến chính sách hàng không, tạo động lực mở đường bay kết nối trực tiếp giữa Việt Nam và một số thị trường xa.

Các FTA thế hệ mới giúp mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế. Ảnh: Chiacago Tribune

Với hiệp định CPTPP, du khách quốc tế có cơ hội làm thủ tục thuận lợi, dịch chuyển nhanh và rẻ hơn nhờ những cam kết nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh trong khuôn khổ hiệp định. Việc nới lỏng điều kiện tự do đầu tư và di chuyển lao động giữa các nước nội khối sẽ giúp tăng nhu cầu đi lại tìm kiếm cơ hội đầu tư, tìm kiếm việc làm kết hợp với du lịch, từ đó gia tăng dòng du khách quốc tế và cường mật độ, quy mô các loại hình du lịch – kinh doanh, du lịch – hội họp trong nội khối TPP.

Thu hút đầu tư nước ngoài

Các FTA thế hệ mới với việc đảm bảo thể chế FDI minh bạch, công bằng, toàn diện và tiến bộ sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy FDI từ các nước thành viên vào Việt Nam, nhất là với các quốc gia chưa có các dự án nào tại Việt Nam như Chi Lê, Australia, Canada… Trong lĩnh vực du lịch, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch như khách sạn, nhà hàng,… góp phần hình thành các sản phẩm dịch vụ đa dạng, chất lượng.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã trở thành nơi đầu tư hấp dẫn, thu hút nhiều thương hiệu khách sạn lớn của các quốc gia thành viên CPTPP và EVFTA như tập đoàn Accor (Pháp), Nikko (Nhật Bản), InterContinental Hotels Group (Anh), Somerset (Singapore),… Sự đầu tư từ các tập đoàn khách sạn cao cấp này cũng được kì vọng sẽ thu hút dòng khách du lịch cao cấp tới Việt Nam.

Hệ thống Danang Resort của InterContinental. Nguồn: Intercontinental

Cơ hội được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến

Hội nhập quốc tế cung cấp cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức làm du lịch nội địa học hỏi, tham khảo kinh nghiệm, trình độ quản lý tiên tiến từ các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch quốc tế, nâng cao chuyên môn và nghiệp vụ. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào du lịch cũng phải tiến hành hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho vùng du lịch, đồng thời mang theo những tiến bộ khoa học công nghệ đưa vào ứng dụng. Từ đó, kinh tế du lịch trong nước có  cơ hội giao lưu, học hỏi và cải cách mạnh mẽ.

Cơ hội liên kết mở rộng các tuyến du lịch và các loại hình du lịch mới

Thông qua quá trình giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch ở các quốc gia, doanh nghiệp nội địa có cơ hội liên kết, hợp tác phát triển các chuỗi sản phẩm du lịch, vừa mang bản sắc quốc gia, khu vực, vừa phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, đồng thời có lợi ích kinh tế cao.

FTA thế hệ mới tạo cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế du lịch
FTA thế hệ mới tạo cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế du lịch.

Cơ hội để đổi mới tư duy phát triển, nâng cao trình độ nhân lực

Hội nhập quốc tế tạo sức ép buộc các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải nâng cao sức mạnh nội lực, phải đổi mới mạnh mẽ chính mình, trước hết là đổi mới tư duy nếu muốn tồn tại và phát triển. Đối với nguồn nhân lực du lịch trong nước, cạnh tranh sẽ tạo áp lực để nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ nguồn khách đến từ các thị trường cao cấp.

Thách thức với phát triển kinh tế du lịch

 Gia tăng sức ép cạnh tranh cho kinh tế du nội địa 

Cạnh tranh là một yếu tố tất yếu của nền kinh tế thị trường và nó càng được đẩy lên cao hơn trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và toàn diện của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới – khi mà kinh tế du lịch nội địa phải cạnh tranh ngang hàng với các quốc gia phát triển. Doanh nghiệp du lịch Việt Nam, nhất là doanh nghiệp lữ hành hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, yếu thế hơn cả về quy mô và vốn, kinh nghiệm quản lý, trình độ khoa học công nghệ,… rơi vào khó khăn khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại.

Hội nhập quốc tế làm gia tăng sự phụ thuộc về khách du lịch của các quốc gia vào thị trường nước ngoài

Hội nhập quốc tế làm cho lượng khách quốc tế đến với các quốc gia nhiều hơn. Khi lượng khách du lịch của một quốc gia dựa vào lượng khách quốc tế thì sự phụ thuộc của kinh tế du lịch vào thị trường nước ngoài, nếu không có những giải pháp để ứng phó với sự phụ thuộc này rất có thể thời cơ sẽ biến thành thách thức.

Ước tính chi tiêu khách du lịch tại Việt Nam, 2019
Ước tính chi tiêu khách du lịch tại Việt Nam, 2019, nguồn: McKinsey & Company

Theo thống kê tổng hợp bởi McKinsey & Company, năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế tại Việt Nam chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 17% tổng lượng khách du lịch, nhưng lại chiếm hơn 50% tổng chi tiêu du lịch ở Việt Nam. Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng của khách du lịch nước ngoài tới doanh thu du lịch ở Việt Nam. Mặc dù đem lại nguồn thu lớn, việc phụ thuộc quá nhiều vào du khách quốc tế sẽ dễ gây ra những biến động và ảnh hưởng tiêu cực trước những cú sốc bên ngoài, ví dụ như trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa rồi.

Thách thức trong bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc

Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng khiến những nét đặc trưng văn hóa và bản sắc bị đe dọa, đứng trước nguy cơ bị pha trộn, hòa tan, hệ giá trị truyền thống có thể bị mai một nếu không được khẳng định, giữ gìn, phát huy. Các FTA thế hệ mới tạo điều kiện để các quốc gia thúc đẩy giao lưu văn hóa, Việt Nam  giá trị văn hóa thế giới, tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng cũng dẫn tới nguy cơ tiếp thu thiếu chọn lọc, tràn lan làm mất nét bản sắc riêng.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã kiểm tra, chấn chỉnh hiện tượng thuê trang phục Mông Cổ, Tây Tạng,… tại sông Nho Quế

Hiện nay, nhiều tụ điểm du lịch xây dựng và sao chép kiến trúc nước ngoài như Nhật Bản, Pháp, Bali,… một cách tràn lan, bừa bãi, sử dụng trang phục ngoại quốc làm mất tính sáng tạo, lại không có liên hệ và gắn bó gì với bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử của địa phương, trong khi văn hóa bản địa của nước ta vốn dĩ rất phong phú và đặc sắc.

Kiến nghị chính sách

Thông qua các cơ hội đầu tư, kinh doanh mới, các FTA tạo điều kiện phát triển, tăng trưởng, từ đó cải thiện vị thế của du lịch Việt Nam. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các cơ hội và thách thức các FTA thế hệ mới mang lại cho kinh tế du lịch Việt Nam tới các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Tăng cường sự phối hợp của các bộ, ban ngành địa phương nhằm phổ biến kiến thức, thông tin về Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cho các doanh nghiệp, địa phương, người lao động.

Các doanh nghiệp du lịch cần chủ động nắm bắt cơ hội, liên kết với các địa phương và tổ chức phát triển các sản phẩm du lịch chuẩn quốc tế, uy tín, có bản sắc riêng, phát huy nét đẹp văn hóa và truyền thống Việt Nam, tạo được danh tiếng tới bạn bè quốc tế. Doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu, vận dụng hiệu quả các điều luật, quy định của FTA, chuẩn bị kỹ càng trong việc đón nhận những cơ hội FTA mang lại, hạn chế những thách thức.

Về mặt quản lý nhà nước, ngoài việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để đáp ứng các yêu cầu của hội nhập quốc tế, Chính phủ và các bộ ngành liên quan khuyến khích tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch quốc gia; hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia các hội chợ du lịch quốc tế đón đầu cơ hội khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân thực thi các cam kết hội nhập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chuẩn quốc tế.

Khuyến khích tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch quốc gia; hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia các hội chợ du lịch quốc tế

Ngoài ra, cần hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong nước trong thực hiện thu hút vốn đầu tư, thù tục visa, chính sách xuất nhập cảnh,…

Kết luận

Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tác động, mở ra những cơ hội và thách thức đối với kinh tế du lịch Việt Nam. Các cấp chính quyền cùng các tổ chức làm du lịch cần có những hành động để tận dụng và phát huy được những lợi ích, cơ hội các hiệp định này đem lại để phát triển kinh tế du lịch Việt thực sự trở thành ngành mũi nhọn, đóng góp cho nền kinh tế quốc dân.

Đồng thời, cũng cần chú ý tới những thách thức, khó khăn để có các biện pháp phòng tránh, khắc phục, đảm bảo phát triển du lịch bền vững, bảo vệ thiên nhiên và các giá trị văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại và hội nhập quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

Báo công thương. Du lịch Việt với TPCPP.

Do, Ninh. (2022). NGHIÊN CỨU TÁC ĐỘNG CỦA CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI ĐẾN NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM.

Margaux, Mathieu (2021). Reimagining tourism: How Vietnam can accelerate travel recovery.

Kinh tế du lịch trong mối quan hệ với hội nhập quốc tế. Tạp chí tài chính kỳ 2 tháng 6/2019.

Để biết thêm về các thông tin về phát triển du lịch bền vững cũng như du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tham khảo các bài viết:

Cơ hội vàng phát triển du lịch bền vững từ Seagame 31

Kinh tế du lịch trong mối quan hệ với hội nhập quốc tế, Tạp chí Tài chính

Du lịch Việt Nam, hội nhập và phát triển. Tạp chí Công thương

Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thu Phương

Mã sinh viên: 21050988

Lớp: QH-2021-E KTQT CL3

Mã lớp học phần: INE3104 6