Trong bối cảnh ở nhà mùa dịch những năm gần đây, chắc hẳn bạn đã quá quen thuộc với cụm từ “săn sale”, “chốt đơn”. Đó chính là sự bùng nổ của Ecommerce (Thương mại điện tử), kéo theo đó hàng ngàn nhu cầu tuyển dụng dành cho các ứng viên trẻ khám phá. Nhưng bạn có biết, ngoài các tên tuổi quen thuộc như Shopee, Lazada, Tiki…thì thực chất Ecommerce còn rộng hơn thế.
Bạn có biết cơ hội làm việc tại các Sàn chỉ chiếm 10% nguồn lao động của toàn ngành Ecommerce. Vậy 90% còn lại nguồn nhân lực đến từ đâu? Cơ hội nào cho sinh viên trong thị trường đầy tiềm năng này? Hành trang nào cần chuẩn bị trước khi gia nhập? Hãy cùng tìm hiểu xem nhé!
Nội dung bài viết
1. Những công ty tham gia vào thị trường Ecommerce
Điều gì làm bạn nghĩ tới khi nhắc đến Ecommerce? Chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay tới Shopee, Lazada, Tiki…Thế nhưng đó không phải là những cái tên xuất hiện duy nhất trong ngành. Sự thực, Ecommerce bao quát rộng hơn thế và có rất nhiều các công ty đang tham gia vào chuỗi giá trị ngành này.
1.1 Sàn thương mại điện tử
Shopee, Lazada, TIKI, Sendo, Hotdeal, Lotte, Adayroi…là các website thương mại điện tử hay còn biết đến là các sàn giao dịch thương mại điện tử. Hoạt động kinh doanh trong các sàn này thường được chia làm hai nhánh:
- Marketing & Commercial (Tiếp thị và Thương mại): Vốn được mệnh danh là “trái tim” và “xương sống” của một nền tảng thương mại điện tử. Các bộ phận này thường liên quan đến việc kinh doanh của sàn như đưa ra các chính sách, lên chiến dịch để tăng Tổng giá trị hàng hóa (GMV) cho sàn
- Operation (Vận hành): Vận hành nội bộ như theo dõi phân tích các chỉ số hoạt động của sàn, quản lý vận hành các sản phẩm và hỗ trợ các nhà bán hàng trong các hoạt động kinh doanh trên sàn, làm việc với các đơn vị vận chuyển…
1.2 Nhà bán hàng (Brand/Seller)
Là các nhãn hàng (brand) hay người bán hàng (seller) trên các sàn thương mại điện tử. Họ thường tìm ra các giải pháp để tăng số lượng hàng bán ra, tối ưu việc vận hành gian hàng và mục tiêu cuối cùng là để tối đa hóa lợi nhuận. Để làm được điều đó, các nhà bán hàng thường phải làm 2 công việc chính là Marketing và Commercial
1.3 Agency (Ecommerce Enabler & Software)
Hiểu đơn giản là một công ty bên thứ 3 (Agency) chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ giúp các khách hàng (Client) dễ dàng bán hàng trên tất cả các kênh thương mại điện tử. Các Agency hoạt động trong thị trường Ecommerce thường chia làm 2 mảng:
- Chuyên về dịch vụ (Ecommerce Enabler): Hỗ trợ brand/seller bán hàng đa sàn, bao gồm tư vấn, quản lý gian hàng, vận hành, tối ưu hoạt động kinh doanh…
VD: Jet Commerce, OnPoint, Acommerce, Cybercorp
- Chuyên về phần mềm (Ecommerce Software): Xây dựng sản phẩm dịch vụ hỗ trợ người bán tự động hóa các quy trình vận hành, báo cáo doanh thu đa sàn.
VD: Haravan, OpenCommerce, Shopify, Sapo
Tìm hiểu thêm về Ecommerce Enabler tại đây
2. Môi trường làm việc trong ngành Ecommerce
Ecommerce luôn được biết đến là một ngành còn khá mới và luôn có sự thay đổi chóng mặt. Bạn hãy thử nghĩ đến các chiến dịch Big Sale 11.11, 12.12, sinh nhật, Tết của các sàn thương mại điện tử để hình dung được môi trường làm việc này. Trong mỗi mùa sale, khối lượng công việc khổng lồ, tốc độ và cường độ làm việc cực kỳ cao của các phòng ban, từ việc lên kế hoạch giảm giá, dự báo nhu cầu mua hàng, đặt hàng, thay đổi giá, thay đổi banner, chạy chiến dịch quảng cáo tới canh khung giờ flash sales cho đến khâu xếp hàng, vận chuyển.
- Thị trường thay đổi nhanh chóng: Khách hàng ngày càng thông minh hơn, các nhà bán hàng gia nhập nhiều hơn để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, làm cho ngành Ecommerce mỗi lúc lại càng mở rộng. Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng thay đổi liên tục kéo theo rất nhiều thay đổi về chiến lược cũng như vận hành.
VD: Năm 2020, xu hướng Marketing là KOLs và chẳng ai nói nhiều về Affiliate Marketing . Nhưng năm 2021 vừa qua, với sự bùng nổ của Livestream trên các nền tảng social media cho tới các sàn thương mại điện tử, KOC lên ngôi, hàng loạt reviewer, tiktoker với các link affiliate dẫn trực tiếp tới các sàn thương mại điện tử. Không giống như các chiến dịch KOL rầm rộ, KOC họ là những người tiêu dùng có ảnh hưởng lớn tới quyết định mua hàng của người trẻ, nhất là thế hệ Gen Z.
Xem thêm: Những điều bạn nên biết về KOC – xu hướng mới thay thế cho KOLs
- Ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần
Thức khuya, dậy sớm, chạy deadline, chạy KPI là những cụm từ đã quá quen thuộc với dân trong ngành. Trong các đợt Mega Sale, dù bạn làm trong Sàn, Agency hay Client cũng đều phải đối mặt với khối lượng công việc và tần suất làm việc lớn. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
Thế nhưng tại sao môi trường làm việc Ecommerce nghe có vẻ khắc nghiệt như vậy mà vẫn rất nhiều người trẻ lựa chọn dấn thân với niềm đam mê bất tận này? Cùng tìm hiểu xem những cơ hội nghề nghiệp nào có thể đưa bạn gia nhập ngành Ecommerce nhé
3. Cơ hội nghề nghiệp trong ngành Ecommerce
Khác với tưởng tượng phải làm việc trong chốn văn phòng khô khan, ngành Ecommerce tạo ra rất nhiều lựa chọn cho các bạn trẻ năng động, không ngại dấn thân thử thách để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, một môi trường hiện đại, cởi mởi để giúp các bạn tìm ra giá trị riêng sau khi gia nhập ngành.
3.1 Các sàn thương mại điện tử
Nếu bạn đang tìm kiếm môi trường quốc tế, đa văn hóa với hàng loạt đãi ngộ tốt, nơi được trao quyền phát triển ý tưởng theo ý mình, có view sống ảo xịn xò và luôn quan tâm tới đời sống tinh thần của nhân viên thì các Sàn là nơi rất thích hợp để khám phá và trải nghiệm. Trước khi trở thành một phần của các Sàn, bạn phải trải qua các vòng tuyển dụng có độ cạnh tranh lớn giữa rất nhiều ứng viên tiềm năng, đòi hỏi cao cả về kỹ năng lẫn vốn kiến thức chuyên môn.
Vị trí thường được tuyển dụng
- Operations: Vị trí này thiên về các hoạt động điều phối như nhân viên vận hành, nhân viên điều phối
- Marketing: Do chịu áp lực mở rộng quy mô lớn nên bộ phận Marketing thường làm cả hoạt động gia tăng nhận diện thương hiệu (Branding) và gia tăng tỷ lệ chuyển đổi/mua hàng trên nền tảng
- IT: Các coder sẽ chủ yếu làm về lĩnh vực như Frond End (HTML, CSS…), có kinh nghiệm về UI/UX và Back End (PHP, Python, SQL)
- Business Development: Phát triển merchant, tức các cửa hàng sẽ đưa gian hàng của mình lên sàn và trao đổi với bộ phận này để cùng triển khai các chương trình khuyến mãi
3.2 Ecommerce Agency
Đây là nhóm đang tuyển dụng nhiều nhất trên các trang thông tin tuyển dụng, phù hợp với các ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy vẫn còn khá mới ở Việt Nam nhưng các Agency dẫn đầu thị trường đang đầu tư vào các chương trình Tài năng trẻ như OnPoint Management Trainee, Opencommerce Elite Program mở ra cơ hội cho các tài năng trẻ gia nhập thị trường.
Vị trí thường tuyển dụng
- Service & Solution
- Engineering
- Commercial
- Operation
- Finance
3.3. Các công ty giao nhận, chuyển phát, logistics
Mặc dù không phải là công ty Ecommerce nhưng các đơn vị giao hàng này đã đồng hành với các sàn thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ các chủ shop bán hàng tới tay người tiêu dùng.
Vị trí thường tuyển dụng
- Vận hành: Quản trị Vận hành (OMS), Tối ưu Vận hành (OOS), Phân tích dữ liệu (BA)
- IT: HelpDesk, Web, Tester
- Dịch vụ khách hàng: CSKH, Quan hệ đối tác
- Nhân sự (HR)
4. Cần chuẩn bị gì để gia nhập thị trường Ecommerce?
4.1 Tìm hiểu bản thân và tích cách
Tuy Ecommerce đang rất hot nhưng tỷ lệ đào thải nhanh bởi cạnh tranh thương mại điện tử ở Việt Nam là rất lớn. Chính vì thế, bạn cần hiểu rõ bản thân có dám đương đầu, dám dấn thân để tỏa sáng hay không. Nên tìm hiểu xem mình đã có gì, đang thiếu gì và cần bổ sung gì trước khi “nhập gia tùy tục”.
4.2 Phát triển tư duy (Mindset)
Ecommerce là một nền tảng rất khác biệt và vô cùng rộng lớn, phức tạp, trải dài các kỹ năng như content, SEO, design, ads, web,…nhưng điều làm nên sự khác biệt giữa một nhân sự giỏi và một nhân sự trung bình nằm ở Mindset. Ecommerce yêu cầu cả về Tư duy kỹ thuật số (Digital mindset), Tư duy kinh doanh (Business mindset) và Tư duy phát triển (Growth mindset).
Thị trường đề cao việc bạn hiểu bản chất các công cụ để kết nối với nhau như thế nào thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các tips; cần thấu hiểu khách hàng và những cơ hội nảy sinh từ sự biến động của thị trường; cần có tinh thần đổi mới, cải tiến và tự động hóa liên tục để gia tăng năng suất. Do đó, nếu bạn thích thiết kế, hãy học về mindset của một designer; nếu bạn thích marketing, hãy học về mindset của một marketer.
Có vô số nguồn giúp bạn phát triển tư duy, cập nhật kiến thức về Ecommerce như sách; website; các khóa học miễn phí và trả phí; tham dự webinar, hội thảo; tham gia các cộng đồng, hội nhóm; follow những người có kinh nghiệm trong ngành Ecommerce, Digital Marketing, IT…
4.3 Chuẩn bị kiến thức nền tảng
Các công ty Ecommerce đều có những phòng ban cơ bản như phòng Marketing, Commercial, Finance…Bạn cần tìm hiểu kỹ các yêu cầu của phòng ban muốn apply, nắm rõ các thuật ngữ chuyên ngành hay các nguyên tắc, tư duy nền tảng cơ bản. Việc chuẩn bị các kiến thức nền tốt sẽ giúp bạn đỡ bỡ ngỡ và tiếp cận dễ dàng hơn khi bước vào thực chiến.
4.4 Rèn luyện sức khỏe và kỹ năng mềm
Đa số người trong ngành Ecommerce phải thường xuyên chịu nhiều áp lực công việc với tần suất, cường độ dày đặc, đỉnh điểm là trong những mùa chạy campaign. Do đó rất dễ gây ra tình trạng quá tải. Việc có một sức khỏe, thể chất, tinh thần tốt sẽ giúp bạn vượt qua các giai đoạn căng thẳng và sáng suốt trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh.
Lời kết
Để gia nhập và thích nghi với thị trường đặc thù này và kiếm được một công việc “lương cao – job xịn” không phải là điều dễ dàng. Nhưng cũng đừng quá lo lắng bởi cơ hội sẽ luôn rộng mở với bạn trong một ngành Ecommerce rất nhiều tiềm năng. Bởi vậy, việc tìm hiểu và chuẩn bị đầy đủ hành trang trước khi nhập cuộc là rất quan trọng. Chúc bạn sẽ tìm được đam mê đích thực đối với thị trường này nhé.
Hy vọng bài viết mang tới cho bạn những thông tin hữu ích nhất. Cùng theo dõi Clibme.com để cập nhật các thông tin thú vị về nhiều lĩnh vực khác nhé!
Cùng tìm hiểu thêm các bài viết về chủ đề Ecommerce tại đây:
Tiềm năng của M-Commerce tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong thời đại 4.0
5 cơ hội việc làm ngành thương mại điện tử cho giới trẻ hiện nay
So sánh 2 sàn thương mại điện tử phổ biến nhất hiện nay. Shopee hay Lazada?
Người thực hiện: Đào Thị Mỹ Anh
Mã sinh viên: 19051010
Lớp: INE3104 – 4