Cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu

Tình trạng thiếu chip toàn cầu vẫn tiếp tục trầm trọng, ảnh hưởng nhiều lĩnh vực

Sự thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu đã làm gián đoạn sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp. Hầu hết đều tập trung vào ngành công nghiệp ô tô, ngoài ra các lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng bao gồm chăm sóc sức khỏe, thiết bị gia dụng và điện tử tiêu dùng.

Tình trạng thiếu chip toàn cầu vẫn tiếp tục trầm trọng, ảnh hưởng nhiều lĩnh vực
Tình trạng thiếu chip toàn cầu vẫn tiếp tục trầm trọng, ảnh hưởng nhiều lĩnh vực. Nguồn: Internet

Simon Segars, giám đốc điều hành của ARM Holdings, nhà thiết kế chip đồ họa và công nghệ xử lý có trụ sở tại Cambridge, được sử dụng trong hơn 95% điện thoại thông minh trên thế giới, nhận định tình trạng thiếu chip máy tính đang gây khó khăn cho các nhà sản xuất ô tô sẽ kéo dài đến cuối năm sau.

Nội dung bài viết:

  1. Chip bán dẫn là gì?

  2. Nguyên nhân của sự thiếu hụt chip toàn cầu

  3. Tác động kéo dài

  4. Hướng tới tương lai

 

1. Chip bán dẫn là gì?

Tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn thế giới thực sự là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Với sự tiến bộ trong một số lĩnh vực, con chip này là “trái tim” của hàng nghìn sản phẩm, chẳng hạn như điện thoại thông minh, trung tâm dữ liệu, máy tính cá nhân, máy tính bảng, thiết bị thông minh, ô tô và hơn thế nữa.

Chip bán dẫn được làm từ silicon vì nó là chất dẫn điện tốt. Trên thực tế, tất cả các bộ phận của mạch tích hợp, vi mạch, bóng bán dẫn và cảm biến đều được làm bằng silicon. Vật liệu này cho phép máy móc hiện đại hoạt động như bình thường – để kiểm soát hoạt động, xử lý thông tin, lưu trữ dữ liệu, kết nối không dây và hơn thế nữa.

Sự thiếu hụt chip bán dẫn trên toàn thế giới có thể ảnh hưởng đến nhiều công nghệ hiện đại, bao gồm AI, Máy học, Mạng 5G không dây và hơn thế nữa. Những con chip bị thiếu hụt không gây ra chi phí đáng kể cho quá trình sản xuất, tuy nhiên, chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng của những đổi mới công nghệ hiện tại. Nói một cách đơn giản, chúng rất cần thiết khi sản xuất các thiết bị thông minh.

Chip bán dẫn đóng vai trò then chốt trong việc chế tạo các sản phẩm và linh kiện công nghệ hiện đại.
Chip bán dẫn đóng vai trò then chốt trong việc chế tạo các sản phẩm và linh kiện công nghệ hiện đại. Nguồn: Internet

2. Nguyên nhân của sự thiếu hụt chip toàn cầu

Các nhà máy sản xuất chip vi mạch bán dẫn đang phải vật lộn chạy hết công suất để đáp ứng kịp các đơn đặt hàng, vậy đâu là nguyên nhân thực sự dẫn tới tình trạng thiếu hụt này. Rất nhiều phân tích đã chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung là nguyên nhân của tình trạng này.

Khi đại dịch bắt đầu lan rộng khắp châu Âu và Mỹ đầu năm 2020, các nhà sản xuất ôtô như General Motors, Ford hay Volkswagen phải dừng một số dây chuyền sản xuất. Với dự đoán về hiện tượng suy giảm thị trường kéo dài, nhiều công ty yêu cầu các nhà cung cấp ngừng vận chuyển linh kiện, trong đó có chip – bộ phận sử dụng trong các hệ thống điện tử xe hơi như hỗ trợ lái xe và điều khiển điều hướng.

Khi đó, các xưởng gia công chip như TSMC của Đài Loan phải chuyển năng lực sản xuất chip cho ôtô sang các sản phẩm có nhu cầu cao trong mùa dịch như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và thiết bị chơi game.

Tuy nhiên, khi doanh số ôtô tăng trở lại nhanh hơn dự kiến trong quý III/2020 và các nhà sản xuất cố gắng tăng cường sản xuất, các xưởng đúc không thể đáp ứng chip đủ nhanh do thời gian cần thiết để hoàn thành đơn hàng kéo dài.

Và nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử cho học tập và làm việc online tại nhà, cùng sự bùng nổ của công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) dẫn tới nhu cầu nguồn cung chip phục vụ các đơn đặt hàng sản xuất thiết bị điện tử tăng cao.

Ngoài ra, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, trong đó Mỹ hạn chế Trung Quốc tiếp cận nguồn cung chip dẫn tới sự tích trữ nhiều hơn bình thường của các nhà sản xuất thiết bị điện tử.

Vì vậy các nhà sản xuất bán dẫn rơi vào tình thế phản ứng hoàn toàn bị động vì họ không hề có kịch bản chuẩn bị sẵn để đối phó với sự đứt gãy đột ngột trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

Những gã khổng lồ trong ngành sản xuất ô tô như Ford, General Motors, Toyota, và rất nhiều hãng khác đã phải vật lộn để tìm cách đối phó với cuộc khủng hoảng chip toàn cầu.
Những gã khổng lồ trong ngành sản xuất ô tô như Ford, General Motors, Toyota, và rất nhiều hãng khác đã phải vật lộn để tìm cách đối phó với cuộc khủng hoảng chip toàn cầu. Nguồn: Internet

3. Tác động kéo dài

Trong khi các nhà sản xuất ô tô và các nhà phân tích ban đầu tin rằng tác động này sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và hạn chế, nhưng giờ đây, họ nhận thấy tình trạng này sẽ kéo dài đến hết năm và tác động ngày càng đáng kể.

Công ty Jaguar Land Rover đã cảnh báo tình trạng thiếu chip có thể làm giảm một nửa sản lượng quý 3 của hãng. Tập đoàn Volkswagen cho biết, tác động có thể sẽ “rõ rệt hơn” trong quý 3 khi họ cắt giảm dự báo sản lượng hàng năm khoảng 450.000 xe. Con số đó tương đương 5% mức sản xuất của năm ngoái, hay một phần ba mức tăng sản lượng mà Volkswagen đã dự kiến hồi đầu năm. Nhà sản xuất ô tô Đức cho biết: “Nguy cơ tắc nghẽn và gián đoạn nguồn cung cấp linh kiện bán dẫn ngày càng gia tăng trong toàn ngành”.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook, đã cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất iPhone và iPad. Các nhà sản xuất điện thoại nhỏ hơn có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn nữa, theo các nhà phân tích. Các máy chơi game như PlayStation 5 và Xbox Series X cũng đang trong tình trạng khan hàng.

4. Hướng đi tương lai

Các chính phủ đang gấp rút tăng cường năng lực sản xuất chip của họ. Vào tháng 5-2021, Hàn Quốc đã công bố khoản đầu tư khổng lồ 451 tỷ USD trong nỗ lực trở thành gã khổng lồ bán dẫn, trong khi Thượng viện Mỹ vào tháng trước đã bỏ phiếu thông qua 52 tỷ USD trợ cấp cho các nhà máy chip, được gọi là “fabs”. Liên minh Châu Âu (EU) đang tìm cách tăng gấp đôi thị phần năng lực sản xuất chip của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, lên 20% vào năm 2030.

Tuy nhiên, các nhà máy không thể mở cửa trong một sớm một chiều – đặc biệt là những nhà máy sản xuất chất bán dẫn, một quá trình tinh vi liên quan đến việc ép các lớp hóa chất vào silicon. Ondrej Burkacky, đối tác cấp cao tại công ty tư vấn McKinsey, nói: “Việc xây dựng một nhà máy chip mới cần có thời gian – lên tới hơn 2,5 năm – vì vậy hầu hết các hoạt động mở rộng đang bắt đầu từ bây giờ sẽ không tăng công suất khả dụng cho đến năm 2023.

Ông nói thêm rằng các yếu tố dài hạn cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu toàn cầu đang ở mức “siêu tăng trưởng”, chẳng hạn như xu hướng các công ty lưu trữ dữ liệu của họ trên đám mây, đòi hỏi ngày càng nhiều trung tâm dữ liệu được xây dựng – vốn sử dụng lượng chip lớn.

Bất luận tình hình cấp bách hiện nay, những thay đổi trong chính sách bán dẫn phải được thực hiện một cách thận trọng. Chuỗi cung ứng chất bán dẫn trị giá 500 tỷ đôla là một trong những chuỗi cung ứng phức tạp nhất thế giới. Việc sản xuất một con chip thường đòi hỏi hơn 1.000 bước và vượt qua nhiều biên giới quốc tế trước khi đến tay khách hàng cuối cùng. Các chính sách ảnh hưởng đến ngay cả một công ty hoặc quy trình có thể gây ra những ảnh hưởng lớn trên toàn cầu.

Ngày nay, Mỹ vẫn thống trị lĩnh vực nghiên cứu và phát triển vi xử lý nhưng nước này thiếu các công ty trong một số phân ngành chính, đặc biệt là các công cụ quang khắc (dạng thiết bị sản xuất bán dẫn phức tạp và đắt tiền nhất) và các nhà máy sản xuất chip tiên tiến nhất (đặc biệt là các xưởng đúc, sản xuất chip cho bên thứ ba). Đài Loan hiện chiếm ưu thế trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến nhất trong khi Hàn Quốc cũng sản xuất một lượng đáng kể vật liệu và một số thiết bị sản xuất.

Trung Quốc đang đạt được tiến bộ trong cả thiết kế và sản xuất chất bán dẫn, với sự hỗ trợ của nhà nước. Ngoài việc đầu tư mạnh mẽ vào năng lực sản xuất và chế tạo, Mỹ phải đẩy nhanh đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn tiên tiến để thúc đẩy thế hệ đổi mới tiếp theo và duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ trong công nghệ quan trọng này.

Việc đảm bảo chuỗi cung ứng vi điện tử là một thách thức mà thế giới cần phải đối mặt. Đó là cách duy nhất chúng ta có thể đảm bảo năng lực lâu dài bền vững trong lĩnh vực cực kỳ quan trọng này.

Các bài viết liên quan:

“Cuộc Chiến Thương Mại Tác Động Xấu Đến Ngành Công Nghiệp Chip Bán Dẫn”. Thegioididong.Com, 2021, https://www.thegioididong.com/tin-tuc/cuoc-chien-thuong-mai-tac-dong-xau-den-nganh-cong-nghiep-chip-ban-dan-1193601. Accessed 23 Dec 2021.

“Cuộc Khủng Hoảng Thiếu Hụt Chip Bán Dẫn Toàn Cầu – Báo Công An Nhân Dân Điện Tử”. Báo Công An Nhân Dân Điện Tử, 2021, https://cand.com.vn/ho-so-mat/cuoc-khung-hoang-thieu-hut-chip-ban-dan-toan-cau-i623513/

News, VietNamNet. “Tình Trạng Thiếu Chip Toàn Cầu Vẫn Tiếp Tục Trầm Trọng, Ảnh Hưởng Đến Nhiều Ngành”. Vietnamnet, 2021, https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/tinh-trang-thieu-chip-toan-cau-van-tiep-tuc-tram-trong-anh-huong-nhieu-linh-vuc-760513.html. Accessed 23 Dec 2021.

“Tình Trạng Thiếu Chip Bán Dẫn Sẽ Kéo Dài Đến Cuối Năm 2022”. Bnews.Vn, 2021, https://bnews.vn/tinh-trang-thieu-chip-ban-dan-se-keo-dai-den-cuoi-nam-2022/220083.html

“Elon Musk: “Thiếu Hụt Chip Ô Tô Toàn Cầu Sẽ Chấm Dứt Vào Năm 2022””. Nhịp Sống Kinh Tế Việt Nam & Thế Giới, 2021, https://vneconomy.vn/elon-musk-thieu-hut-chip-o-to-toan-cau-se-cham-dut-vao-nam-2022.htm

Mách bạn 8 nguyên tắc “vàng” xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả

Sinh viên: Nguyễn Thị Ngọc

Mã sinh viên: 17050267

INE3104 3 – Bài tập lớn