Chiến lược Marketing của Biti’s: Bạn có tò mò về bí quyết đằng sau sự thành công của Biti’s? Thương hiệu giày Việt này đã làm như thế nào để chinh phục trái tim của hàng triệu người tiêu dùng? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi trên và khám phá những chiến lược marketing độc đáo của Biti’s.
Nội dung bài viết
I. Tổng quan về thương hiệu Biti’s
1. Giới thiệu về thương hiệu Biti’s
Biti’s là một thương hiệu giày dép quen thuộc với người Việt Nam, được sáng lập bởi ông Vưu Khải Thành và bà Lai Khiêm vào năm 1982. Khởi đầu từ một cơ sở sản xuất tư nhân, Biti’s dần phát triển thành hợp tác xã Bình Tiên chuyên sản xuất dép cao su tại quận 6, TP.HCM.
Slogan “Nâng niu bàn chân Việt” của Biti’s đã trở thành biểu tượng ấn tượng, thể hiện cam kết thương hiệu với người tiêu dùng. Sau hơn 40 năm hoạt động, Biti’s không ngừng xây dựng chiến lược marketing và xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Hệ thống phân phối của Biti’s trải dài từ Nam ra Bắc với 7 trung tâm chi nhánh, 200 cửa hàng trực tiếp và hơn 700 đại lý. Công ty hiện sở hữu hai thành viên lớn là tổng công ty Biti’s và Dona Biti’s, tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động và sản xuất khoảng 25 triệu đôi giày dép mỗi năm.
Đặc biệt, tại Trung Quốc, Biti’s đã xây dựng bốn văn phòng đại diện, 30 tổng kinh tiêu và hơn 300 điểm bán hàng, từng bước chiếm lĩnh thị trường biên mậu đầy tiềm năng. Không chỉ tập trung vào thị trường nội địa, Biti’s còn xuất khẩu sản phẩm đến khoảng 40 quốc gia. Công ty cũng là đối tác gia công cho nhiều thương hiệu quốc tế lớn như Decathlon, Clarks, Speedo, Skechers, và Lotto. Khoảng 30% sản phẩm được xuất khẩu sang châu Âu, mang lại doanh thu đáng kể cho công ty.
Một bước tiến lớn trong chiến dịch marketing của Biti’s là ra mắt dòng sản phẩm Biti’s Hunter vào năm 2016. Với việc kết hợp cùng các nghệ sĩ trẻ hàng đầu Việt Nam như Sơn Tùng M-TP, cùng loạt phim ngắn dịp lễ Tết như “Đi để trở về”, Biti’s đã thành công trong việc gắn kết với nhóm khách hàng trẻ tuổi, mở rộng thị phần và củng cố vị trí dẫn đầu trên thị trường giày dép Việt Nam.
2. Chiến lược kinh doanh của Biti’s
Tập trung vào chất lượng sản phẩm
Một trong những yếu tố cốt lõi trong chiến lược kinh doanh của Biti’s chính là cam kết chất lượng. Với thông điệp “Nâng niu bàn chân Việt”, Biti’s luôn chú trọng vào việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm, sử dụng nguyên liệu cao cấp và công nghệ hiện đại. Điều này giúp thương hiệu tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Đa dạng hóa sản phẩm
Biti’s không ngừng mở rộng danh mục sản phẩm, từ dép cao su truyền thống đến giày thể thao hiện đại như dòng Biti’s Hunter. Sự đa dạng này đáp ứng tốt nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng, từ trẻ em, người lớn đến các tín đồ thời trang.
Đầu tư vào marketing và thương hiệu
Biti’s nổi bật với các chiến dịch marketing sáng tạo, như series “Đi để trở về” kết hợp cùng nghệ sĩ trẻ, mang lại hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng số. Thương hiệu cũng chú trọng việc xây dựng hình ảnh gần gũi, thân thiện nhưng vẫn hiện đại, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ.
Kết hợp thương mại điện tử và cửa hàng truyền thống
Trong thời đại số, Biti’s đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng khi phát triển các kênh bán hàng online trên các nền tảng thương mại điện tử. Sự kết hợp giữa mô hình kinh doanh trực tuyến và cửa hàng truyền thống giúp thương hiệu tiếp cận đa dạng khách hàng, nâng cao doanh số một cách hiệu quả.
II. Chiến lược Marketing của Biti’s
Giờ đây, Biti’s đã lớn mạnh và phát triển đi lên cùng đất nước, không chỉ trở thành một thương hiệu uy tín trong nước mà còn tiên phong xuất khẩu ra thị trường thế giới. Biti’s đã đánh dấu thương hiệu tại 40 nước trên thế giới, trong đó phải nói đến các thị trường khó tính như: Ý, Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Nhật, Nam Mỹ, Trung Quốc, Mêxicô…
Một số những thành tích nổi bật khác của Biti’s có thể được kể đến như:
- Hai lần đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam Value (các năm 2008 và 2010)
- Nhận giải thưởng “Thương hiệu đầu ngành Hàng Việt Nam chất lượng cao” năm 2007.
- Ba năm liền (2005 đến 2007) là doanh nghiệp đoạt Cúp vàng Top 10 thương hiệu Việt uy tín chất lượng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức
Để đạt được những thành công này, Biti’s đã xây dựng và triển khai các chiến lược Marketing vô cùng hiệu quả. Vậy chiến lược Marketing của Biti’s là gì? Biti’s đã triển khai chiến lược Marketing Mix theo mô hình 4P như thế nào?
1. Chiến lược Marketing của Biti’s về sản phẩm (Product)
Chiến lược Marketing của Biti’s về sản phẩm luôn đuổi kịp theo xu hướng thời trang, thăm dò thị hiếu của người tiêu dùng ở từng khu vực. Sau đó, sẽ cung cấp cho phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm của công ty. Biti’s thường xuyên cải tiến mẫu mã và cho ra đời những sản phẩm mới nhất, phù hợp với người tiêu dùng.
Hiểu được những mong đợi của khách hàng trẻ trong việc khẳng định bản thân, Biti’s không ngừng cho ra mắt các mẫu giày mới lạ, cá tính và mang chất riêng khi đưa các hình ảnh của Việt Nam thiết kế của mình.
Một số sản phẩm mà Biti’s sản xuất bao gồm: Hunter, Sandal, Giày Thể Thao, Giày Chạy Bộ, Giày Đá Banh, Giày Tây, Dép
Vào giữa năm 2020, Biti’s có bước chuyển mình mạnh mẽ và ấn tượng khi cho ra BST mới mang tên “Biti’s Hunter Street x Viet Max Hanoi Culture Patchwork”. Đúng như tên gọi, mẫu giày mới nhất của Biti’s là sự tôn vinh những nét truyền thống và cả hiện đại của Thủ Đô Hà Nội – vùng đất nghìn năm văn hiến.
Về mặt công nghệ, bộ 3 sneaker mới của Biti’s tiếp tục dùng những công nghệ hàng đầu mang lại độ êm ái và trọng lượng nhẹ. Thân giày chống nhăn, lót giày có khả năng kháng khuẩn tạo độ thoáng, giúp hạn chế mùi hôi.
Ngoài ra, những mẫu giày Biti’s Hunter X chất lượng cao, Biti’s Hunter Street với kiểu dáng đơn giản, dễ phối đồ, hay mới đây nhất là “Cảm hứng tự hào miền Trung”. – mẫu giày lấy cảm hứng từ miền Trung với nguồn gốc của hoa văn vải thổ cẩm. Tất cả các chiến dịch truyền thông của Biti’s Hunter cũng đều rất tập trung vào sản phẩm, mang hình ảnh sản phẩm tới với người tiêu dùng một cách đầy sáng tạo và vô cùng ấn tượng.
2. Chiến lược Marketing của Biti’s về giá (Price)
Đối với chiến lược Marketing của Biti’s về giá (Price), thương hiệu này đã sử dụng chiến lược định giá sản phẩm hớt váng (Price Skimming Strategy).
Chiến lược giá “hớt váng” hay chiến lược giá lướt nhanh với nội dung là người bán đặt ra giá bán ban đầu tương đối cao cho những sản phẩm mới để khai thác nhu cầu của một nhóm khách hàng có sức mua cao, để nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận ngay.
Biti’s đã lựa chọn chiến lược giá hớt váng với mục đích “hớt phần ngon” trên thị trường. Công ty tung ra mẫu mã giày dép mới đắt tiền, sau đó dần dần đưa ra những mẫu mã đơn giản hơn, giá thấp hơn để thu hút những đối tượng nhạy cảm với giá mới.
Sản phẩm của Biti’s đều có tem ghi rõ kích cỡ, màu sắc, chủng loại và cả giá của sản phẩm. Những sản phẩm giày dép mang nhãn hiệu Biti’s luôn được đẩy mạnh về chất lượng, uy tín và được người tiêu dùng công nhận và tin dùng. Đây là một căn cứ quan trọng để công ty định giá sản phẩm của mình theo nhận thức khách quan, phù hợp với ý tưởng định vị sản phẩm của công ty.
3. Chiến lược Marketing của Biti’s về hệ thống phân phối (Place)
Trong những năm gần đây, chiến lược Marketing của Biti’s về hệ thống phân phối là tiếp tục xây dựng thêm hệ thống chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm giày dép từ người lớn đến trẻ em trải dài từ Bắc vào Nam với hơn 30 mẫu mỗi tháng được ra mắt thị trường. Và trong hàng năm, giày Biti’s cho ra đời hơn 20 triệu đôi với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng về kiểu dáng và mẫu mã.
Chưa dừng lại ở đó, hiện nay, hệ thống này còn được Biti’s mở rộng ra tận nước ngoài, có mặt trên 40 quốc gia khác nhau trên thế giới như: Anh, Ý, Pháp, Mỹ, Nhật, Nga, Mexico, Nam Mỹ, Campuchia, Trung Quốc. Và với khả năng nhìn xa trông rộng của mình, Biti’s cũng không bỏ lỡ kênh bán hàng trên website cũng như các trang thương mại điện tử. Vì xu hướng của người dùng đang bắt đầu có sự thay đổi, khi họ yêu thích việc mua sắm online để thuận tiện hơn, nên việc Biti’s Hunter xuất hiện trên những gian hàng của Tiki hay Lazada, Shopee,…tạo một lợi thế cạnh tranh rất lớn khi thương hiệu nhanh chóng đón đầu xu hướng mua sắm của người dùng.
Bên cạnh đó, Biti’s còn đa dạng hóa hình thức mua hàng bằng cách kết hợp bán hàng thông qua các website. Hiện nay, xu hướng mua hàng của khách hàng đã thay đổi, họ cần sự tiện lợi trong việc mua hàng. Vì vậy, những sản phẩm của Biti’s còn được phân phối qua các kênh bán hàng online như: Lazada, Tiki, Lotte,…
4. Chiến lược Marketing của Biti’s về xúc tiến hỗn hợp (Promotion)
Với chiến lược Marketing của Biti’s về xúc tiến hỗn hợp (Promotion), thương hiệu này đã chú trọng vào triển khai các chiến dịch quảng cáo cũng như khuyến khích khách hàng lựa chọn sản phẩm của mình với những chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Quảng cáo
Hoạt động quảng cáo của Biti’s được mở rộng trên các phương tiện tivi, tạp chí, banner,… với mục tiêu quảng bá tới công chúng biết đến sản phẩm và giới thiệu sản phẩm mới, góp phần gia tăng thị phần theo kế hoạch của công ty.
Biti’s cũng chú trọng tới việc hỗ trợ cho các chi nhánh, các đại lý về nội dung và ngân sách quảng cáo. Các hoạt động quảng cáo trên các phương tiện được công ty thực hiện tỉ mỉ, có bài bản nên cuốn hút được người xem và thu hút khách hàng mua sản phẩm.
Một chiến dịch quảng cáo nổi bật của Biti’s cho dòng sản phẩm Biti’s Hunter phải kể đến chiến dịch: “Đi để trở về”.
“Đi để trở về” có lẽ là một trong những chiến dịch truyền thông thành công và được nhắc đến nhiều nhất của Biti’s. Trong chiến dịch này, Biti’s đã tập trung vào khao khát đi và trải nghiệm của người trẻ. Đi để khám phá thế giới, đi để có những kinh nghiệm cho bản thân và đi để trở về nhà, biết trân trọng những gì mình đang có như gia đình, bạn bè.
Và trên cuộc hành trình đó, người trẻ cần một đôi giày thoải mái, đồng thời giúp họ thể hiện được sự năng động cũng như phong cách của mình. Những giá trị cốt lõi của người Việt trẻ như đam mê, không ngại khó khăn, hướng về gia đình đã được Biti’s thể hiện vô cùng sáng tạo qua từng năm.
Khuyến mãi
Trong cuộc chiến khốc liệt về giá và cạnh tranh về thị phần với các đối thủ lớn trên thị trường, Biti’s luôn nhanh chóng và linh hoạt đưa ra các giải pháp kích cầu người tiêu dùng với các chương trình giảm giá hấp dẫn vào các dịp lớn. Những chương trình khuyến mãi này được Biti’s thực hiện không chỉ tại các điểm bán trực tiếp mà còn được triển khai trên website và các trang thương mại điện tử. Việc tung ra các gói ưu đãi về giá này đã góp phần lớn trong việc gia tăng tiêu thụ sản phẩm của thương hiệu
Không chỉ với người tiêu dùng, về phía các đại lý và nhà phân phối, Biti’s cũng nâng mức chiết khấu và thưởng thỏa đáng cho những đơn vị đại lý thực hiện vượt mức doanh số. Ngoài ra thương hiệu này cũng thực hiện chương trình bán hàng kèm quà tặng cho khách hàng khi mua sản phẩm của mình.
Hoạt động xã hội
Chiến lược Marketing của Biti’s về hoạt động xúc tiến hỗn hợp còn được thương hiệu triển khai thực hiện các hoạt động thiện nguyện với một số chương trình lớn liên kết với người dân và chính quyền địa phương như tài trợ giúp đỡ những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ đồng bào bão lụt, tài trợ tổ chức các sự kiện thể thao,… Những hoạt động này đã góp phần nhằm đề cao hình ảnh sản phẩm và tạo ấn tượng tốt đẹp với khách hàng.
Đây được coi là cú lội ngược dòng thành công nhất của Bitis trong hơn 20 năm qua để tạo nên tiếng vang của thương hiệu “Nâng niu bàn chân Việt”. Tuy nhiên, tạo được dấu ấn lớn như thế cũng vô tình trở nên khó khăn với Biti’s, vì nhiều hãng lớn sẽ chú ý và dùng nguồn lực của mình để hạ bệ thương hiệu Việt.
Kết luận
Nhìn chung, Chiến lược Marketing của Biti’s đã chứng minh được sức mạnh và sự sáng tạo trong việc kết nối với người tiêu dùng, tạo dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ. Bằng cách tận dụng các chiến thuật Marketing thông minh và phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại, Biti’s không chỉ thành công trong việc tăng trưởng doanh thu mà còn xây dựng được sự trung thành lâu dài từ khách hàng. Các chiến dịch Marketing của Biti’s đã thực sự làm nổi bật khả năng nắm bắt thị hiếu và thấu hiểu khách hàng, giúp thương hiệu này giữ vững vị thế trong ngành giày dép.
Hãy tìm hiểu thêm các Chiến dịch Marketing khác tại đây:
Vinamilk và chiến lược Marketing mix 4P – công thức đứng đầu thị trường sữa Việt.
Chiến lược marketing mix 4Ps của Coca Cola – Chìa khóa đến vị thế dẫn đầu.
Chiến lược marketing 4P của The Coffee House – Làm nên thương hiệu cà phê Việt.
Chiến lược Marketing 4P của Cocoon – Bước đột phá của thương hiệu Việt.
Chiến lược Marketing mix 4P của Louis Vuitton – Chìa khóa thống trị của thương hiệu xa xỉ.
Sinh viên thực hiện: Nguyễn Thế Ngọc
Mã sinh viên: 22050237
Lớp: QH-2022-E QTKD 6
Mã lớp học phần: INE3104_3