Nội dung bài viết
CHIẾN LƯỢC GIÚP GRAB CHIẾN THẮNG Ở ĐÔNG NAM Á
1. Tổng quan về Grab
1.1. Thông tin chung về Grab
Grab là một công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore, cung cấp các dịch vụ vận chuyển và đi lại tại Singapore và các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Campuchia.
Với tầm nhìn “Đưa Đông Nam Á tiến về phía trước”, doanh nghiệp đã và đang quyết tâm đưa ra những giải pháp cho các vấn đề giao thông hiện hữu, nhằm mang đến trải nghiệm tự do đi lại cho 620 triệu công dân, những người đang cố gắng dịch chuyển mỗi ngày trong khu vực này.
An toàn là ưu tiên hàng đầu của hãng, tập trung vào công tác đào tạo cho các tài xế, thiết lập các tính năng an toàn trong ứng dụng, chẳng hạn như huấn luyện về an toàn giao thông cũng như hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương trong quá trình hoạt động. Grab tin rằng một nền tảng giao thông dựa trên ứng dụng điện thoại thông minh, nếu được đầu tư hợp lý, sẽ trở thành một phương thức di chuyển an toàn nhất tại khu vực.
Mục đích của doanh nghiệp này là khiến việc đi lại trở nên dễ dàng mọi lúc, mọi nơi và với các mức chi phí nằm trong khả năng chi trả của những nhu cầu khác nhau, dịch vụ vận chuyển tiện lợi, hiệu quả sẽ trở thành quyền lợi của mọi người dân Đông Nam Á, bất kể thu nhập, nhu cầu đặc biệt, tuổi tác hay địa điểm.
Hãng cũng tin rằng, một doanh nghiệp hoạt động bền vững không chỉ dừng lại ở việc sinh lợi mà điều quan trọng hơn hết, là cùng nhau chia sẻ và góp phần cải thiện đời sống của tất cả các bên có quan hệ mật thiết với sự sống còn của doanh nghiệp: tài xế, hành khách, chính quyền sở tại và nói rộng hơn – là hướng đến lợi ích xã hội trên diện rộng.
1.2. Các dịch vụ của Grab
GrabBike: Dịch vụ di chuyển tăng trưởng nhanh nhất.
GrabCar: Kết nối các tài xế có hợp đồng điện tử với khách hàng một cách hiệu quả.
GrabTaxi: Đặt xe công nghệ thông qua hợp tác với các công ty Taxi khu vực Đông Nam Á, giúp giải quyết các vấn đề về giá cả và sự an toàn.
GrabExpress: Dịch vụ đặt giao hàng nhận hàng hóa. Giải quyết thách thức của giao nhận đầu cuối, đặc biệt ở các thành phố đông dân.
GrabFood: Dịch vụ giao nhận thức ăn. Giải quyết thách thức của giao nhận đầu cuối, đặc biệt ở các thành phố đông dân.
GrabPay: Thanh toán di động ngay trong ứng dụng giúp việc di chuyển liền mạch hơn.Cung cấp các tùy chọn thanh toán địa phương thông qua quan hệ hợp tác với các dịch vụ tài chính.
2. Chiến lược Địa phương hóa giúp Grab giành chiến thắng ở thị trường Đông Nam Á
2.1. Điều chỉnh sản phẩm phù hợp với điều kiện giao thông và thói quen di chuyển
Khi mới có mặt ở Indonesia, mặc dù hãng đã xuất hiện tại năm quốc gia Đông Nam Á khác nhưng trong thời gian đầu hoạt động, việc kinh doanh tại đây gặp khó khăn và phát triển rất chậm. Vốn có lợi thế kết nối với các tài xế xe 4 bánh, điển hình là thành công vang dội tại quê nhà Singapore, nhưng Indonesia có cơ sở hạ tầng giao thông kém, thường xuyên tắc đường. Từ những điều kiện và thói quen dùng xe ôm tại Indonesia, hãng đã tập trung phát triển dịch vụ GrabBike tại nơi này thay vì GrabCar như trước.
Vào đầu năm 2017, hãng đầu tư 700 triệu USD vào một kế hoạch tổng thể có tên “Grab 4 Indonesia”, và đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất mà hãng từng rót vào một quốc gia. Một phần của kế hoạch này là phát triển các giải pháp cụ thể dành riêng cho Indonesia, chẳng hạn như các thuật toán để giải quyết các quy định về đường bộ của Jakarta, và phát triển dịch vụ đi chung xe máy mang tên GrabHitch.
Khi tiến vào Việt Nam, doanh nghiệp nhận thấy tại đây, xe máy là phương tiện di chuyển chủ yếu, hơn nữa cũng có lợi thế hơn hẳn khi tài xế xe ôm dễ dàng đưa đón người dùng đến từng ngõ, hẻm và tiết kiệm thời gian di chuyển vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhất là giờ cao điểm tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM.
Tháng 10/2014, dịch vụ GrabBike chính thức được giới thiệu tại Việt Nam. Từ đây, người dùng trong nước dần quen khái niệm “xe ôm công nghệ”, dễ dàng đặt xe với điện thoại thông minh, “xe ôm” tại Việt Nam cũng trở nên chuyên nghiệp, hiện đại hơn.
Thành công của GrabBike đã tạo cú hích để hãng mở rộng dịch vụ dựa trên lợi thế công nghệ và đội ngũ đối tác tài xế rộng lớn. Hàng loạt dịch vụ hai bánh khác như giao nhận hàng hóa, giao nhận thức ăn và gần đây nhất là mua sắm hàng bách hóa thông qua đi chợ hộ/đi siêu thị hộ… cho thấy Grab đã thật sự trở thành siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu Việt Nam. Đây là những mảng dịch vụ vốn có nhu cầu lớn tại Việt Nam mà chưa hoặc ít có đơn vị nào khai thác.
2.2. Nắm bắt thói quen thanh toán
Khi mới vào thị trường Đông Nam Á, Uber lựa chọn phương thức thanh toán bằng thẻ tín dụng giúp công ty kiểm soát luồng tiền một cách dễ dàng. Tuy nhiên, ở thời điểm đó không nhiều người dân Đông Nam Á có thẻ tín dụng và thói quen sử dụng tiền mặt vẫn phổ biến nhất trong văn hóa tiêu dùng của người địa phương. Khi Grab tiến vào thị trường này, họ đã cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng tiền mặt và giành được nhiều khách hàng từ Uber.
Sau đó, để phù hợp với chủ trương và định hướng số hóa của Chính phủ và phục vụ đa dạng nhu cầu của người dùng, Grab hợp tác với Moca, Airpay để mở rộng dịch vụ thanh toán, đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông, đồng thời hàng loạt chương trình ưu đãi giá trị lớn khi thanh toán bằng các ví điện tử cũng thường xuyên được triển khai thúc đẩy thanh toán không tiền mặt một cách nhanh chóng và hiệu quả tại Việt Nam.
Cho đến hiện tại, chỉ với một ứng dụng này, người dùng có thể thanh toán các hóa đơn thiết yếu, nạp thẻ điện thoại, đặt khách sạn, điểm du lịch, đặt đồ ăn, thực phẩm mà không cần đến tiền mặt. Dưới tác động của dịch Covid-19, chiến lược thanh toán không tiền mặt càng được doanh nghiệp gấp rút triển khai, góp phần vào công cuộc tăng tốc số hóa của Chính phủ, cũng như hạn chế khả năng lây nhiễm virus. Theo thống kê của hãng, tính đến hiện tại, 45% giao dịch trên ứng dụng đã được thanh toán không tiền mặt.
3. Kết luận
Grab đã tập trung gia tăng sự hiện diện của mình ở Đông Nam Á thay vì tìm cách mở rộng ra các khu vực khác nhờ sự am hiểu thị trường này. Tại bất cứ nơi nào, doanh nghiệp này đều tiên phong đưa nhiều loại hình di chuyển lên nền tảng, tùy theo nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người dân từng quốc gia, khu vực.
Qua chiến thắng của Grab, có thể khẳng định việc mở rộng thị trường luôn gắn liền với chiến lược địa phương hóa. Chiến lược địa phương hóa là công cụ mạnh để doanh nghiệp nhanh chóng chiếm thế thượng phong ở bất kỳ thị trường nào.
>> Có thể bạn muốn biết:
2 CHIẾN LƯỢC KINH DOANH QUỐC TẾ TẠO NÊN SỰ THÀNH CÔNG CỦA SAMSUNG Ở THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI
4 ĐIỂM NỔI BẬT TRONG CHIẾN LƯỢC KINH DOANH QUỐC TẾ CỦA VINAMILK
BÀI TẬP LỚN
HỌC PHẦN: INE3104 2
HỌ VÀ TÊN: TRẦN NGÔ THANH VÂN
MSV: 20050179