Bánh đa cua từ lâu đã trở thành đặc sản của thành phố cảng Hải Phòng. Với những ai đã có cơ hội ghé thăm Hải Phòng và thưởng thức món bánh đa cua, chắc hẳn sẽ vô cùng cũng ấn tượng bởi những tầng hương vị độc đáo mà món ăn này mang lại. Nếu đã trót thương nhớ món ăn dân dã này thì đừng chần chờ gì nữa mà hãy lăn ngay vào bếp để chiêu đãi gia đình với công thức bánh đa cua siêu đơn giản mà chuẩn vị Hải Phòng dưới đây nhé !
Nội dung bài viết
Hương vị bánh đa cua của thành phố Hải Phòng
Đến Hải Phòng, bạn sẽ bắt gặp món bánh đa cua ở khắp các phố phường, từ nhà hàng sang trọng cho tới những sạp hàng trong những con ngõ bình dân khắp 4 mùa. Với nhiều người, bánh đa cua là một món ăn sáng quen thuộc và có rất nhiều địa chỉ uy tín để thực khách có thể thưởng thức món quà sáng này ở Hải Phòng.
Món ăn là sự kết hợp của hương sắc đất trời, sự mặn mòi, bình dị mà không kém phần độc đáo, thơm ngon của miền biển. Bát bánh đa cua là sự hội tụ của cả sắc và vị, màu nâu đỏ từ bánh đa hòa trong nước dùng sánh vàng, vị ngọt tự nhiên, thịt cua thơm, gạch cua bùi béo, tóp mỡ, hành phi giòn rụm làm đã nên món ăn trứ danh Hải Phòng.
Nhờ vậy mà không chỉ những thực khác ở Việt Nam, món ăn này cũng nhận được sự yêu mến và mong muốn được trải nghiệm của rất nhiều thực khách quốc tế. Để làm ra món ăn này bạn chỉ cần khéo léo một chút để thực hiện các bước dưới đây là sẽ có ngay món bánh đa cua nóng hổi thơm lừng cực kích thích vị giác trong chốc lát.
Nguyên liệu làm bánh đa cua
- Bánh đa đỏ 400 gram
- Cua đồng xay 400 gram
- Sườn 300 gram
- Thịt lợn xay 150 gram
- Chả cá – mỡ phần – tôm khô 100 gram
- Rau muống 50 gram
- Cà chua 6 quả
- Rau sống 100 gram
- Mộc nhĩ 20 gram
- Lá lốt 10 gram
- Hành khô 10 gram
- Hành lá – mùi tàu 10 gram
- Chanh 3 quả
- Gia vị nêm nếm: hạt nêm, nước mắm, tiêu xay, sa tế, đường, xì dầu, nước lọc
Lưu ý: Nguyên liệu trên đây có thể đáp ứng khẩu phần của 4 người ăn. Bạn có thể tùy chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu của bản thân. Ngoài ra, bạn có thể thêm chuẩn bị thêm một số đồ để ăn kèm với bánh đa cua tùy vào sở thích của cá nhân và gia đình như thịt thăn trần, giá đỗ hay chả viên.
Sơ chế nguyên liệu
Đối với sườn
Sườn mang đi rửa sạch và luộc sơ sườn trong 2 – 3 phút để cho ra những chất bẩn. sau khi sườn đã sôi, đổ sườn ra và rửa sạch lại với nước.
Cho sườn vào nồi và đổ nước ngập sườn và tiến hành ninh sườn trong lửa nhỏ với thời gian từ 30 – 40 phút. Có thể thả thêm vài của hành khô đã bóc vỏ nướng xém vàng để nước dùng thêm thơm và đậm vị.
Nước ninh xương có vị ngọt tự nhiên, không bị vẩn đục sẽ giúp cho món bánh đa cua sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Để có một nồi nước ninh xương như ý, bạn có thể tham khảo một số mẹo tại đây.
Đối với phần cua đã xay sẵn
Với phần cua đã xay, cần hòa cùng với nửa bát to nước, dùng tay khuấy nhẹ và bóp để thịt cua ra hết và hòa cùng nước. Lọc lại phần nước này 1 lần nữa qua rây để phần vỏ cứng được giữ lại.
Dùng tay bóp phần vỏ này để kiệt nước và chắt được nhiều nhất có thể rồi đổ trở lại bát. Lặp lại thao tác bóp và lọc cua với nước trên 1 – 2 lần nữa để lấy được hết thịt cua. Để phần nước lọc cua này vào nồi riêng.
Sơ chế những nguyên liệu khác
Mỡ phần rửa sạch, để ráo, xắt hạt lựu.
Tôm khô ngâm cùng nước ẩm. Khi đã nở mềm thì vớt ra rửa sạch lại với nước.
Mộc nhĩ ngâm cùng nước ấm trong 10 – 15 phút để nở mềm. Sau đó rửa lại cho sạch, cắt bỏ chân và thái chỉ.
Phần lá lốt đem đi rửa sạch, chọn những là to giữ lại để gói. Phần còn lại thái nhỏ và trộn cùng thịt lợn đã xay.
Cà chua đem rửa sạch, bổ múi cau để xào. Hành khô bóc vỏ, thái lát mỏng. Các loại rau thơm, rau sống và rau muống đem đi nhặt và rửa sạch. Ngâm rau với nước rửa rau củ trong khoảng 15 – 20 phút ( nếu không có nước ngâm rau củ thì có thể thay thế bằng muối ăn), vớt ra rổ rồi để ráo.
Nếu sử dụng sợ bánh đa khô, cần ngâm qua với nước để bánh nở mềm, khi ăn sẽ không bị cứng hay sượng. Với bánh đa tươi thì chỉ cần rửa qua với nước là được.
Làm phần gạch cua
Đổ từ từ nước lọc cua đã lọc vào nồi, cẩn thận để phần cặn không rơi xuống nồi. Đun nước lọc cua ở lửa vừa với chút muối. Dùng đũa khuấy để thịt cua không bị xát dưới đáy nồi, khi nước bắt đầu có gạch cua nổi lên thì ngừng khuấy để gạch cua không bị nạt và đóng bánh.
Khi gạch đã đóng thành tảng và nổi trên mặt nước, dùng muôi để vớt gạch cua vào bát riêng. Nước đun cua vẫn giữ lại để đun cùng nước sườn đã ninh.
Làm chả lá lốt
Trộn đều phần thịt đã xay cùng mộc nhĩ và lát lốt đã thái nhỏ. Nêm nếm lại cùng hạt nêm, hành khô và tiêu. Để thịt ngấm gia vị trong 5 phút.
Sau đó trải lá lốt đã rửa và lấy 1 lượng thịt xay vừa đủ đặt ngang lên mặt lá và cuộn tròn chả. Có thể dùng cuống lá hoặc tăm để cố định chả để trong quá trình rán chả không bị bung ra. Lưu ý khi trải lá lốt thì để mặt lá xanh bóng úp xuống dưới.
Cho dầu ăn vào chảo, rồi thả từ từ chả vào chảo, nên lăn tròn các miếng chả trên chảo để lá lốt se lại và bám chặt vào phần thịt hơn. Rán tới khi chả chín, xém đều các mặt thì gắp ra đĩa.
Chế biến tóp mỡ và chả cá ăn kèm
Làm nóng chảo với dầu ăn, cho chả cá vào rán trên lửa vừa tới khi chín vàng đều 2 mặt thì gắp ra đĩa, cắt miếng vừa ăn.
Tiếp theo, cho mỡ phần đã rửa sạch và cắt nhỏ vào áp chảo trên lửa vừa. Khi mỡ đã tóp lại, xém vàng thì để riêng ra bát.
Hành đã xắt lát cho vào chảo phi vàng. Không nên để hành quá đậm màu mới vớt ra, khi hành hơi hanh vàng thì vớt ra vì hành đọng mỡ sẽ tiếp tục cháy giòn thêm.
Sau đó, cho gạch cua vào chảo đảo đều rồi đổ phần tóp mỡ và hành phi vừa làm vào đảo cùng. Khi gạch đã chín thì vớt ra bát, phần gạch cua này để tạo màu và mùi thơm cho bánh đa cua. Cà chua đã sơ chế và bổ múi cau cho vào xào, đổ thêm 15ml nước để chín mềm, nêm nếm thêm với chút nước mắm và hạt nêm.
Luộc rau muống ăn kèm
Đun sôi nồi nước lọc rồi thả rau muống vào luộc. Mở nắp nồi và cho 1 chút muối vào để giúp rau không bị thâm. Luộc từ 3 đến 5 phút tới khi rau chín vừa tới thì vớt ra rồi cho vào nước lạnh. Ngâm trong nước lạnh 5 đến 7 phút để rau được giòn. Không nên luộc rau quá lâu để tránh rau bị mềm, không giữ được độ giòn khi chan nước dùng,
Nấu nước dùng bánh đa cua
Vớt sườn ra khỏi nồi, đổ nước lọc cua vào nồi nước xương đã ninh. Đun sôi trở lại, cho tôm đã ngâm vào trụng sơ, tới khi tôm mềm thì có thể vớt ra. Cho tiếp cà chua đã xào vào và đun sôi, nêm nếm với hạt nêm và nước mắm cho vừa vị.
Với bánh đa, cho vào trụng sơ tới khi bánh chín vừa tới, nếu trụng lâu quá bánh sẽ bị nát, không nên trụng vào nồi nước dùng vì sẽ làm nước dùng đục và bị đặc. Bánh sau khi trụng vớt ra chia vào các bát, xếp chả lá lốt, chả cá, rau muống, tôm, phần gạch cua đã chưng, hành phi và rau thơm để ăn kèm.
Nước dùng sôi thì chan đều nước vào bát và dùng được luôn với rau sống.
Thưởng thức thành phẩm
Bát bánh đa cua mềm dai vừa phải, ăn kèm cùng nước dùng đậm đà vị cua, thơm mùi hành phi thơm phức xen lẫn thêm hương vị đậm đà của chả lá lốt và các loại đồ ăn kèm sẽ làm những thực khách sẽ không khỏi mê đắm.
Đồng thời, khi thưởng thức bạn có thể dùng kèm chí chương để gia tăng hương vị và phù hợp với khẩu vị cá nhân. Chí chương là một trong những gia vị lạ mà quen của Hải Phòng, bề ngoài giống tương ớt nhưng chí chương lại có hương vị rất riêng mà không nơi nào có được. Bạn có thể tham khảo cách làm chí chương đúng chuẩn vị Hải Phòng để dùng kèm với bánh đa cua tại đây.
Với công thức trên, hi vọng bạn sẽ tham khảo để bổ sung vào thực đơn của gia đình mình để những bữa ăn sẽ thêm phần ấm cúng và ngon miệng. Chúc các bạn thực hiện thành công và có thật nhiều trải nghiệm với món bánh đa cua – đặc sản Hải Phòng này nhé !
Xem thêm một số bài viết khác mà bạn có thể quan tâm:
- Toàn cảnh ngành Logistics – Top 10 thách thức “cản đường” sự phát triển của Logistics
- Bật mí kinh nghiệm du lịch Đà Lạt “tự do tự lo” cho bạn mới nhất 2023
- 7 bước giúp bạn trở thành Affiliate marketing kiếm thêm thu nhập
Người thực hiện: Nguyễn Thị Nhã Nam
Mã sinh viên 21050945
Lớp QH2021E KTQT CLC 6
Lớp học phần INE3 104 5