Biến động kinh tế quốc tế ảnh hưởng mạnh mẽ đến Việt Nam 2022, đâu sẽ là giải pháp cho nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh mới?

Trên toàn thế giới, các động lực tăng trưởng đang gặp lực cản khi lạm phát và tình hình chiến sự tại Ukraine đã gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng từ trước đó. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khi cũng phải chịu những tác động đáng kể đến từ những biến động kinh tế quốc tế này, đâu sẽ là giải pháp hữu hiệu?

Nền kinh tế thế giới bất ổn trước các biến số khó lường

Kinh tế thế giới đã bước vào một thời kỳ bất ổn hơn bao giờ hết, nhất là khi đại dịch COVID-19 và tác động từ căng thẳng Nga-Ukraine đã “cộng hưởng,” khiến lạm phát leo thang và cản trở đà phục hồi còn yếu ớt của nền kinh tế.

Vốn phụ thuộc nặng nề vào Nga để có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình, châu Âu đặc biệt bị ảnh hưởng bởi tình hình hiện tại. Nếu nguồn cung khí tự nhiên từ Nga sang Đức đột ngột bị cắt đứt, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này được dự đoán sẽ bị thiệt hại 238 tỷ USD trong hai năm tới, một con số gây sốc.

Còn tại Mỹ, lạm phát đã chạm mức cao chưa từng thấy trong suốt 40 năm qua. Tình hình này đã buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải cân nhắc rút lại các chính sách kích thích kinh tế được ban hành trong thời kỳ đại dịch, từ đó làm gia tăng những lo ngại rằng Fed có thể nâng lãi suất mạnh đến mức đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới này rơi vào một đợt suy thoái.

Trong khi đó, Trung Quốc ghi nhận doanh số bán lẻ tháng 3/2022 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng như mức sụt giảm lớn nhất trong chi tiêu tiêu dùng và tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ những tháng đầu bùng phát dịch COVID-19, trong bối cảnh các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã kìm hãm hoạt động kinh tế tại các trung tâm lớn như Thượng Hải.

Chưa dừng lại ở đó, các quốc gia nhỏ hơn cũng không thoát khỏi bối cảnh kinh tế khó khăn. Nhiều nước đã nợ nần chồng chất trong 10 năm qua để giải quyết những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đại dịch COVID-19. Giờ đây, lãi suất đang bắt đầu tăng lên, đúng ngay lúc giá nhiều mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và nhiên liệu đang leo thang.

Xem thêm: 4 ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đến kinh tế thế giới. 

Biến động kinh tế quốc tế do các yếu tố khó lường
  Biến động kinh tế quốc tế do các biến số khó lường

Triển vọng ảm đạm cho nền kinh tế toàn cầu

Tác động nặng nề của cuộc xung đột tại Ukraine đang lan rộng trên khắp thế giới, khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,6% trong năm 2022 và trong năm 2023. Mức dự báo tăng trưởng cho năm nay của WB thậm chí còn thấp hơn chỉ vào khoảng 3,2%, giảm so với mức dự báo 4,1% được thể chế này đưa ra trước đó.

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMF cũng chỉ rõ tăng trưởng toàn cầu trung hạn cũng sẽ giảm xuống mức 3,3%, thấp hơn so với mức trung bình 4,1% trong khoảng thời gian 2004-2013. IMF quan ngại rằng kinh tế sụt giảm có thể thấy rõ nhất tại các quốc gia nghèo nhất, đe dọa xóa bỏ những thành quả trong phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Báo cáo của IMF còn nhận định các quốc gia châu Âu sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm hơn do cuộc xung đột tại Ukraine đẩy giá nhiên liệu và lương thực tăng cao, kéo theo lạm phát tăng và tình trạng này sẽ diễn ra trong thời gian dài hơn dự kiến. Do vậy, các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển và mới nổi, sẽ chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm tại khu vực này.

IMF cho rằng nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ cảm nhận được sự tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine và làn sóng dịch COVID-19, theo đó nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 3,7% trong khi mức này đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc là 4,4%. Với hai quốc gia trung tâm của cuộc xung đột đang khiến cả thế giới điêu đứng, IMF dự báo nền kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 35% trong năm nay, trong khi GDP của Nga giảm 8,5%.

Biến động toàn cầu ảnh hưởng đến Việt Nam

Tính đến thời điểm này, triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 của hầu hết các ngành kinh tế được dự báo tích cực. Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 7% từ năm 2023. 

Tuy nhiên, môi trường kinh tế, chính trị toàn cầu năm 2022 với nhiều biến động đã gây ra những khó khăn mới cho nền kinh tế thế giới. Cuộc xung đột đang tiếp diễn giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá nguyên nhiên liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu liên tục tăng cao. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn vì vậy sẽ chịu nhiều tác động đan xen tình hình kinh tế thế giới. 

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã trải qua hơn 10 lần điều chỉnh giá. Trong lần điều chỉnh mới đây, giá xăng RON 95 tăng lên hơn 32.000 đồng/ lít, giá dầu lên hơn 29.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu thế giới vẫn được dự báo sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới khi nhu cầu ở Trung Quốc sắp phục hồi, làm khan hiếm hơn nữa thị trường dầu toàn cầu.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của năm tháng đầu năm 2021. CPI tăng chủ yếu là do ảnh hưởng từ giá xăng dầu. Kiềm chế giá nguyên liệu cũng là thách thức không nhỏ được đặt ra cho việc điều hành kiểm soát lạm phát, kiềm chế giá cả lúc này.

Ông Tim Evans – Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam đánh giá: “Lạm phát đang tác động đến tất cả các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Có thể nhận thấy là chi phí vận tải đang tăng cao. Áp lực chi phí có thể nói là không nhỏ đối với nhiều ngành kinh tế của Việt Nam”.

“Lạm phát sẽ ảnh hưởng tới quá trình sản xuất kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam. Giá cả leo thang cũng ảnh hưởng tới tiêu dùng của người dân trong nước, ảnh hưởng tới tiêu dùng của Chính phủ và hoạt động chi tiêu của các tác nhân khác nhau của nền kinh tế. Như vậy có thể ảnh hưởng đến tổng cầu của nền kinh tế”, TS Lê Duy Bình – Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam nhận định.

Giải pháp để phục hồi nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới từ VCCI

Nhằm khôi phục phát triển kinh tế và sớm vực dây hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp để kinh tế Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng, ngày 21/2, tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2022, bà Trần Thị Lan Anh – Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra các đề xuất nhằm phục hồi và phát triển nền kinh tế bền vững bối cảnh mới.

Toàn cảnh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên VBF 2022
Toàn cảnh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên VBF 2022

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp sớm phục hồi, người đứng đầu VCCI đề xuất các giải pháp tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc nâng cao hiệu quả công tác phổ biến các chính sách, quy định của các cơ quan nhà nước để các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ). Các hướng dẫn thực hiện cần rõ ràng hơn với những tiêu chí đánh giá cụ thể giúp đánh giá mức độ hoàn thành của mục tiêu đề ra và kết quả thực hiện.

VCCI cho rằng, cần đẩy nhanh triển khai dịch vụ công cấp độ 4 ở hầu hết các thủ tục hành chính. Tiến tới mục tiêu giải quyết hoàn toàn các thủ tục hành chính với doanh nghiệp và người dân trên môi trường mạng.

Cần có giải pháp kiểm tra quá trình triển khai thực hiện, quan tâm nâng cao hiệu quả thực thi của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương để củng cố niềm tin cho cộng đồng kinh doanh và người dân. 

Nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ. 

Cần xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo cơ chế thúc đẩy thương mại điện tử; hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tăng cường triển khai các chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, marketing số…

Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, tiêu dùng hàng nội địa, đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nhau để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ đầu ra, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế.

Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, VCCI cho biết, cần tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp như thủ tục hành chính về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, môi trường, kho bạc và lao động…

 

Tìm hiểu thêm về ”Bất ổn trong các chính sách kinh tế mới toàn cầu 2020-2030”  >>> tại đây.

Tìm hiểu thêm về ”Sự biến động mạnh mẽ trong quan hệ thương mại toàn cầu 2022” >>> tại đây.

 

Người thực hiện

Vũ Cảnh Hưng

Mã sinh viên: 20050099

 

Tài liệu tham khảo:

https://petrotimes.vn/

https://www.vietnamplus.vn/

https://baoquangninh.com.vn/