Bài viết: “Hướng dẫn tính thuế thu nhập cá nhân chính xác mới nhất 2021” sẽ làm rõ và giải đáp thắc mắc xung quanh vấn đề cách tính thuế thu nhập cá nhân 2021.
Kế toán doanh nghiệp cần lưu ý đến vấn đề cách tính thuế thu nhập cá nhân để thực hiện quyết toán cho người lao động đúng quy định. Bên cạnh đó, người lao động cũng nên hiểu rõ về cách tính thuế thu nhập cá nhân mới nhất 2021 để làm tròn quyền và nghĩa vụ của bản thân mỗi công dân.
Nội dung bài viết
1. Thuế thu nhập cá nhân là gì?
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp một phần từ tiền lương hoặc các nguồn thu nhập khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ.
Thuế là khoản thu bắt buộc vào ngân sách nhà nước, được pháp luật quy định rõ ràng với các tổ chức kinh tế và tất cả mọi thành viên trong xã hội. Bởi vậy, nộp thuế TNCN là nghĩa vụ phải thực hiện của các chủ thể thuộc đối tượng đóng thuế theo quy định.
2. Đối tượng nào phải nộp thuế thu nhập cá nhân?
Từ năm 2021, nếu lương tháng trên 11 triệu đồng và không có người phụ thuộc thì người có thu nhập sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, mốc thu nhập 11 triệu đồng/ tháng bao gồm những khoản gì, có trừ bảo hiểm hay chưa… thì không phải ai cũng nắm rõ. Để hiểu hơn về cách tính thuế TNCN, bạn đọc hãy tiếp tục đọc nội dung dưới đây.
Theo Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú hoặc cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế.
2.1. Cá nhân cư trú
Đối với cá nhân cư trú phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, đáp ứng một trong 2 điều kiện sau:
(1) Có mặt tại Việt Nam 183 ngày trở lên tính năm trong năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
(2) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam (có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê dài hạn).
2.2. Cá nhân không cư trú
Đối với cá nhân không cư trú, là những cá nhân có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam và không đáp ứng các điều kiện nêu ở mục 2.1.
3. Vai trò của thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân có vai trò quan trọng không chỉ với ngân sách nhà nước mà còn góp phần thực hiện công bằng xã hội.
3.1. Đối với nền kinh tế xã hội
– Tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước
Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, trong đó có thuế thu nhập cá nhân. Trong bối cảnh thực hiện tự do hóa nền kinh tế thương mại, nên nguồn thu từ các loại thuế xuất – nhập khẩu bị ảnh hưởng, vậy nên, thuế thu nhập cá nhân cũng ngày càng quan trọng với ngân sách nhà nước.
– Góp phần thực hiện công bằng xã hội
Ở Việt Nam, chênh lệch giàu nghèo còn khá rõ, Việt Nam đang là quốc gia thu nhập trung bình – thấp. Thông thường, thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng với những đối tượng có thu nhập trung bình trở lên. Vậy nên, thuế thu nhập cá nhân còn có vai trò quan trọng góp phần thực hiện chính sách công bằng xã hội.
– Điều tiết nền kinh tế vĩ mô
Thuế thu nhập cá nhân được coi như công cụ điều tiết vĩ mô, kích thích tiết kiệm, đầu tư theo hướng nâng cao năng lực hiệu quả xã hội. Thông qua việc giảm bớt thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và phân phối lại cho những đối tượng có thu nhập thấp, thuế thu nhập cá nhân giúp các chế độ phúc lợi xã hội được đảm bảo.
– Phát hiện thu nhập bất hợp pháp
Trên thực tế, một số người có các khoản thu nhập bất hợp pháp như: nhận hối lộ, tham ô, kinh doanh hàng quốc cấm, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần phát hiện các hành vi sai trái này
3.2. Đối với hệ thống thuế
– Khắc phục hạn chế về tính công bằng của các loại thuế khác
Khác với thuế giá trị gia tăng hay thuế tiêu dùng, các loại thuế này sẽ ảnh hưởng đến người nghèo nhiều hơn vì khi tiêu thụ cùng lượng hàng hóa, mọi người đều phải chịu thuế suất như nhau. Thuế thu nhập cá nhân tính theo phương pháp lũy tiến từng phần sẽ góp phần đảm bảo tính công bằng của hệ thống thuế.
– Hạn chế việc thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu doanh nghiệp kê khai cao hơn thực tế các chi phí phải trả cho cá nhân để trốn thuế, thì các cá nhân được kê khai tăng thêm sẽ phải nộp thêm thuế thu nhập cá nhân với phần phát sinh. Do đó, góp phần khắc phục hạn chế thất thu về thuế.
4. Hướng dẫn tính thuế thu nhập cá nhân mới nhất 2021.
4.1. Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công
4.1.1. Đối với cá nhân cư trú
Trường hợp 1: Không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng
Cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng mà có thu nhập từ tiền lương, tiền cồng mỗi lần nhận từ 02 triệu đồng trở lên phải nộp thuế 10%
Trường hợp 2: Hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên
Người lao động ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên chỉ phải nộp thuế khi có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở lên (132 triệu đồng/năm) nếu không có người phụ thuộc (thu nhập này đã trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc và các khoản đóng góp khác như từ thiện, nhân đạo,…).
Công thức tính thuế cụ thể như sau:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Trong đó:
Thu nhập tính thuế = Tổng thu nhập – Các khoản được miễn trừ (1) – Các khoản giảm trừ (2)
(1) Các khoản thu nhập được miễn thuế được quy định tại Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007.
(2) Các khoản giảm trừ bao gồm giảm trừ gia cảnh và giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được quy định tại Điều 19, 20 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007.
4.1.2. Đối với cá nhân không cư trú
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như sau:
Thuế thu nhập phải nộp = 20% x Thu nhập chịu thuế
4.2 Cách tính thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà, đất
Trường hợp 1: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất (không có nhà ở)
* Giá chuyển nhượng trong hợp đồng bằng hoặc cao hơn giá đất tại bảng giá đất
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 2% x Giá chuyển nhượng
Trong đó, giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng tại thời điểm chuyển nhượng.
* Hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh quy định
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 2% x (Diện tích x Giá 01m2 theo bảng giá đất)
Trường hợp 2: Chuyển nhượng nhà đất (gồm cả nhà và đất)
* Giá chuyển nhượng bằng hoặc cao hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định
Thuế thu nhập cá nhân = 2% x Giá chuyển nhượng
Trong đó, giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng tại thời điểm chuyển nhượng.
* Hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định
Thuế thu nhập cá nhân = 2% x Giá chuyển nhượng
Trong đó, giá chuyển nhượng đất là giá do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trường hợp 3: Chuyển nhượng nhà (không có đất)
– Giá nhà tại hợp đồng mua bán nhà cao hơn hoặc bằng giá do UBND cấp tỉnh ban hành thì giá chuyển nhượng là giá tại hợp đồng và được tính như sau:
Thuế thu nhập cá nhân = Giá chuyển nhượng x 2%
– Giá nhà tại hợp đồng mua bán nhà thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh ban hành thì thuế thu nhập cá nhân được tính như sau:
Thuế thu nhập cá nhân = 2% x (Diện tích x Giá 01m2 x Tỷ lệ % chất lượng còn lại)
Bài viết đến đây là hết. Xin cảm ơn các bạn đọc đã dành thời gian theo dõi.
Theo dõi thêm Clibme.com để nhận thêm nhiều thông tin hữu ích nhé!
Người thực hiện: Nguyễn Thị Huyền Trang
Mã sinh viên: 19051239
Lớp: INE3104-4
Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về kế toán có thể tham khảo tại đây:
- Chọn ngành kế toán, sinh viên 2021 phải biết điều này
- Hoá đơn điện tửu là gì, thực trạng sử dụng hoá đơn điện tử tại Việt Nam giai đoạn 2011-2021
- Top 3 phần mềm kế toán online hiệu quả nhất 2021
Bài viết hữu ích lắm
Bài viết hay lắm ạ
Hay quá ad ơi
rất đầy đủ, ghé chơi game với mình nhé https://doithuong777.com/nohu-club/