Thương mại quốc tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia, phản ánh xu thế tất yếu của toàn cầu hóa. Trong lĩnh vực Logistics quốc tế, vận tải đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, chuyển đổi và di chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng một cách hiệu quả. Tìm hiểu về các loại hình vận tải là bước đầu tiên quan trọng để hiểu rõ hơn về cách các hàng hóa được di chuyển và quản lý trên toàn cầu.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá top 5 loại hình vận tải thông dụng nhất trong logistics quốc tế gồm : phương thức vận chuyển đường bộ, phương thức vận chuyển đường sắt, phương thức vận chuyển đường biển, phương thức vận chuyển đường hàng không và phương thức vận chuyển đường ống. Tùy mục đích sử dụng, khối lượng và kích thước hàng hóa, thời gian giao nhận, chi phí vận chuyển mà doanh nghiệp có thể linh hoạt các hình thức vận chuyển để tối ưu và hiệu quả nhất.
Nội dung bài viết
Dưới đây là các phương thức vận chuyển thông dụng trong logistics quốc tế
Phương thức vận chuyển đường bộ (Roadways Transport)
Phương thức vận chuyển đường bộ thông qua phương tiện chủ yếu là ô tô, xe tải, xe container, rơ moóc, sơ mi rơ moóc kéo theo ô tô… là phương thức vận chuyển phổ biến nhất hiện nay, tuy nhiên lại không được sử dụng nhiều trong thương mại quốc tế vì còn phụ thuộc nhiều vào khoảng cách, vị trí địa lý giữa các quốc gia.
Vận chuyển bằng đường bộ thích hợp vận chuyển hàng hóa có khối lượng không quá lớn, cự li vận chuyển ngắn và trung bình, hàng hóa yêu cầu tốc độ giao hàng nhanh. Tuy nhiên, vận chuyển bằng phương thức này thường phải nộp thêm các khoản phụ phí đường bộ như trạm thu phí, phí nhiên liệu, phí cầu đường… Hình thức này chủ yếu phục vụ cho chuyên chở nội địa còn đối với vận chuyển quốc tế bị hạn chế rất nhiều.
Phương thức vận chuyển đường sắt (Railway Transport)
Phương thức vận tải đường sắt được ra đời từ năm 1976 (đường ray bằng gỗ do ngựa kéo) và đến năm 1825 là sử dụng đường ray bằng kim loại. Cho đến thời điểm hiện tại có đến 120 quốc gia có hệ thống đường sắt với tổng chiều dài lên đến 2 triệu km. Những quốc gia có đường sắt đi qua có thể kể đến như: Mỹ, Canada, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc…
Vận chuyển đường sắt có ưu điểm là khả năng vận chuyển lớn, tốc độ nhanh, thời gian chính xác và phù hợp cho các loại hàng hóa với giá thành thấp. Tuy nhiên, khi vận chuyển bằng đường sắt các quốc gia phải đầu tư chi phí xây dựng lớn và tính chất kém linh hoạt chỉ hoạt động ở các tuyến đường cố định.
Phương thức vận chuyển đường biển (Maritime Transport)
Vận chuyển hàng hóa thông qua đường biển là hình thức vận chuyển hàng hóa ra đời sớm nhất. Ngay từ thế kỷ V TCN, người ta đã lợi dụng vùng biển là tuyến đường giao thông qua lại giữa các vùng miền và các quốc gia. Đến thời điểm hiện tại, vận tải biển đã phát triển đa dạng và mạnh mẽ trong hệ thống logistics toàn cầu.
Phương thức vận chuyển đường biển là phương thức trọng yếu, chiếm đến 80% khối lượng hàng hóa trong thương mại quốc tế. Ưu điểm của vận chuyển bằng đường biển là có năng lực vận chuyển lớn, giá thành thấp, chi phí đầu tư xây dựng các tuyến đường hàng hải thấp, thích hợp cho việc vận chuyển hầu hết các loại hàng hóa (đặc biệt là hàng hóa rời có khối lượng lớn và giá trị thấp). Tuy nhiên, vận chuyển đường biển phụ thuộc nhiều vào điệu kiện khí hậu, thiên nhiên. Bên cạnh đó, tốc độ di chuyển thấp, thời gian kéo dài nên khả năng xảy ra rủi ro cao hơn.
Phương thức vận chuyển đường hàng không (Air Transport)
Phương thức vận chuyển đường hàng không là phương thức quan trọng và đặc biệt phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Vận chuyển hàng không là hình thức vận chuyển mới mẻ, được phát triển trong những năm đầu của thế kỷ XX. Dù có mặt muộn hơn các phương thức vận chuyển hàng hóa khác, nhưng vận chuyển hàng không đóng vai trò quan trọng và được khai thác rất nhiều trong việc lưu thông hàng hóa. Hình thức vận chuyển này sử dụng phương tiện máy bay chuyên chở hàng hóa hoặc chở trong phần bụng máy bay dân dụng để vận chuyển hàng hóa.
Đối với hàng mặt hàng quý hiếm, giá trị cao và hàng khẩn cấp nên ưu tiên vận chuyển đường hàng không. Ưu điểm của nó là không mất chi phí xây dựng tuyến đường, tốc độ cao, an toàn và đều đặn và tối ưu hóa thời gian giao hàng. Nhược điểm của phương thức này là giá thành cao, không thích hợp cho các loại hàng hóa với khối lượng lớn, cồng kềnh và hàng hóa giá trị thấp.
Phương thức vận chuyển đường ống (Pipeline Transport)
Phương thức vận chuyển bằng đường ống là con đường an toàn nhất để vận chuyển chất lỏng và khí há lỏng như xăng, dầu, gas và hóa chất. Vận chuyển bằng đường ống bị giới hạn bởi chi phí cố định rất lớn và thiết kế phức tạp do xây dựng đường ống, trạm bơm, trạm điều khiển và kiếm soát. Chi phí vận hành bằng đường ống không đáng kể và gần như không có hao hụt, trừ trường hợp ống bị vỡ hoặc rò rỉ. Phương thức vận chuyển này phù hợp cho các đối tượng đặc biệt như các công ty đa quốc gia hoặc công ty Nhà nước.
Tại sao hiểu biết về 5 loại hình vận tải này lại quan trọng ?
Tối Ưu Hóa Chi Phí
Hiểu rõ về các loại hình vận tải giúp tổ chức lựa chọn phương thức vận chuyển phù hợp nhất cho hàng hóa cụ thể. Điều này giúp giảm chi phí vận chuyển và tối ưu hóa nguồn lực. Doanh nghiệp cần cân nhắc về các yếu tố như: khối lượng và kích thước hàng hóa, khoảng cách vận chuyển và thời gian vận chuyển.
Quản Lý Rủi Ro
Hiểu biết sâu hơn về các loại hình vận tải trong logistics quốc tế giúp đánh giá rủi ro liên quan, từ việc xử lý hàng hóa đến việc ứng phó với khó khăn trong quá trình vận chuyển. Các loại rủi ro có thể kể đến như: rủi ro về hư hỏng, mất mát hàng hóa; rủi ro về chậm trễ và rủi ro về tổn thất kinh doanh.
Cân Nhắc Thời Gian Vận Chuyển
Mỗi phương thức vận chuyển có thời gian vận chuyển khác nhau. Hiểu biết về thời gian này giúp dự đoán và quản lý thời gian giao hàng hiệu quả. Khoảng cách vận chuyển càng xa thì thời gian vận chuyển càng lâu. Tình trạng giao thông cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển. Ví dụ như tắc nghẽn giao thông, thời tiết, thủ tục hải quan…
Gia Tăng Chất Lượng Dịch Vụ
Sự hiểu biết về các loại hình vận tải trong logistics quốc tế giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, từ việc đảm bảo an toàn cho hàng hóa đến việc cung cấp giải pháp linh hoạt cho khách hàng. Chẳng hạn như: Vận chuyển bằng đường hàng không có thể giúp doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa tươi sống, hàng hóa dễ hư hỏng một cách an toàn. Vận chuyển bằng đường biển giúp vận chuyển các mặt hàng cồng kềnh và khối lượng lớn dễ dàng hơn.
Tăng Hiệu Quả Chuỗi Cung Ứng
Sự chọn lựa thông minh và kết hợp linh hoạt giữa các loại hình vận tải giúp tối ưu hóa hoạt động trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến phân phối. Các loại hình vận tải có thể giúp tăng hiệu quả chuỗi cung ứng theo nhiều cách bao gồm: tăng tốc độ và độ linh hoạt, giảm chi phí, tăng độ an toàn và tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc.
Mở Rộng Thị Trường
Một số loại hình vận tải như đường biển hoặc đường hàng không mở ra cơ hội kinh doanh rộng lớn, cho phép các doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu. Việc hiểu rõ và lựa chọn đúng loại hình vận chuyển giúp doanh nghiệp giảm chi phí, điều này giúp họ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, vận chuyển an toàn và hiệu quả giúp họ bảo vệ sản phẩm khỏi hư hỏng, mất mát và duy trì chất lượng sản phẩm.
Liên Kết Với Hệ Thống Logistics Toàn Cầu
Vận chuyển hàng hóa là một yếu tố quan trọng trong hệ thống logistics toàn cầu. Nó giúp doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa đến bất kì điểm nào trên thế giới, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Sự hiểu biết về các loại hình vận tải là cơ sở quan trọng trong việc xây dựng hệ thống logistics quốc tế, từ việc kết nối các thị trường đến việc tối ưu hóa hoạt động.
Cách lựa chọn loại hình vận tải phù hợp
Các nhà quản lý vận tải quản lý trung bình khoảng 60% chi phí logistics của doanh nghiệp. Một nhà quản lý cần cân nhắc để tìm những đối tác giao hàng phù hợp và đưa ra lựa chọn loại hình vận tải phù hợp hoặc xem doanh nghiệp nên vận hành đội xe riêng hay lựa chọn thuê bên thứ ba. Có rất nhiều tiêu chí cần xem xét, bao gồm khả năng tiếp cận, khối lượng hàng hóa, thời gian vận chuyển, độ tin cậy,… Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể rút gọn thời gian đánh giá dựa trên 3 tiêu chí: kích thước lô hàng, thời hạn giao hàng và độ bền của hàng hóa.
Kích thước sản phẩm
Trong 3 tiêu chí đánh giá này, kích thước sản phẩm là một trong các yếu tố quan trọng nhất. Doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ ràng về trọng lượng, tỷ trọng, hình dạng cũng như bao bì của hàng hóa. Ví dụ với các sản phẩm có kích thước nhẹ như linh kiện điện tử, chúng có thể được vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường không, trong khi các sản phẩm nặng hơn như quặng sắt lại thích hợp với việc vận chuyển qua đường sắt hoặc đường thủy.
Hình dạng của hàng hóa cũng là một yếu tố cần xem xét, vì trên thực tế, việc vận chuyển bằng đường bộ và đường không có những giới hạn nhất định về kích thước. Sức chứa của phương tiện cần phải tương thích với trọng lượng và kích thước của hàng hóa.
Độ bền của hàng hóa
Nhà quản lý cần xem xét về độ bền của hàng hóa trước khi đưa ra quyết định. Những hàng hóa dễ vỡ như được làm từ thủy tinh hoặc các thiết bị điện tử với những yêu cầu đặc biệt trong khâu đóng gói cần được vận chuyển trên những tuyến đường bằng phẳng để tránh va chạm. Những sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như thực phẩm hoặc dược phẩm cũng có những yêu cầu về việc đóng gói đúng quy định và được vận chuyển trong các phương tiện có thể điều chỉnh nhiệt độ.
Giá trị của sản phẩm và tốc độ vận chuyển
Đây là một tiêu chí phức tạp mà nhà quản lý cần xem xét trước khi chọn lựa phương tiện vận chuyển phù hợp. Càng phải chi trả nhiều cho khâu vận chuyển, giá cả của hàng hóa sẽ càng kém cạnh tranh trên thị trường. Tốc độ giao hàng được coi là yếu tố quyết định khi lựa chọn phương thức vận tải, vì nó là yếu tố có ảnh hưởng lớn tới chi phí vận chuyển hàng hóa. So với việc xem xét về kích thước của lô hàng, thì thời hạn giao hàng ở mức quan trọng hơn.
Doanh nghiệp cần tính toán giá trị của từng đơn vị được vận chuyển theo mét khối so với số lượng có thể được đóng gói trên từng mét khối. Những mặt hàng có mật độ giá trị cao hơn có xu hướng được vận chuyển bằng phương pháp vận tải có tốc độ nhanh hơn; và ngược lại, những mặt hàng có mật độ giá trị thấp hơn sẽ được gửi bằng những phương tiện có tốc độ chậm hơn và có khả năng được lưu trữ trong kho chờ ngày xuất. Cần lưu ý, mật độ đơn vị càng nhiều trên một mét khối thì càng cần phải có máy móc tự động để xử lý hàng hóa.
Kết luận
Sự đa dạng trong các phương thức vận tải cung cấp cho các doanh nghiệp nhiều lựa chọn khi xây dựng chiến lược vận chuyển. Việc hiểu rõ về các phương thức vận chuyển là yếu tố then chốt để tối ưu hóa chi phí, thời gian và hiệu suất trong chuỗi cung ứng. Việc chọn lựa thông minh giữa các phương thức này là chìa khóa để tối ưu hóa hoạt động logistics, giảm thiểu chi phí và tăng cường hiệu quả trong chuỗi cung ứng.
Mỗi loại hình vận tải có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Do đó, doanh nghiệp có thể kết hợp các loại hình vận tải khác nhau để tận dụng được những ưu điểm và giảm thiểu những nhược điểm của từng phương thức vận chuyển. Việc kết hợp giữa các loại hình vận tải có thể tối ưu hóa chi phí vận chuyển và cải thiện hệ thống logistics cho doanh nghiệp.
***Bài viết liên quan
- 3 bước thúc đẩy Logistics số cho doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi số ngày nay. (clibme.com)
- 4 điều thiết yếu cần nắm vững khi quản trị rủi ro trong ngành logistics để nắm chắc chìa khóa vàng tiết kiệm chi phí. – Clibme.com – Thư viện kiến thức Kinh tế – Tài Chính
- Top 4 Xu Hướng Công Nghệ Trong Ngành Logistics – Clibme.com – Thư viện kiến thức Kinh tế – Tài Chính
- Logistics và chuỗi cung ứng: 15% tăng cường hiệu suất khi sử dụng công nghệ Blockchain – Clibme.com – Thư viện kiến thức Kinh tế – Tài Chính
Sinh viên thực hiện: Hà Thị Hoa
Mã sinh viên: 21050859
Mã lớp học phần: INE3104 6
Nhóm 2