3 CHIẾN LƯỢC THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG TẠO NÊN THÀNH CÔNG CỦA NESTLÉ TẠI VIỆT NAM

Nestlé – công ty thực phẩm và giải khát lớn nhất thế giới là một trong những công ty xuyên quốc gia đã thâm nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Sau 27 năm chính thức bước chân vào thị trường Việt, Nestlé giờ đây đã chứng tỏ được vị thế của mình tại đây khi các sản phẩm của hãng đã chạm đến tay của hàng triệu người dân Việt Nam. Để có được thành công đó, các chiến lược thâm nhập thị trường của Nestlé tại Việt Nam từ những ngày đầu tiên là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng.

Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về những chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam của Nestlé. 

1. TỔNG QUAN VỀ NESTLÉ

Tập đoàn Nestlé là công ty hàng đầu trên thế giới về Thực phẩm và Đồ uống, có trụ sở chính đặt tại Vevey, Thụy Sĩ. 

Cho đến nay, Nestlé đã điều hành gần 500 nhà máy tại 86 nước trên toàn thế giới với 30.000 sản phẩm. Các sản phẩm hiện nay của Nestlé bao gồm từ nước khoáng, thực phẩm cho trẻ em, cà phê và các sản phẩm từ sữa.

Logo và Slogan của Nestle
Bộ nhận diện thương hiệu tập đoàn Nestle

Nestlé luôn hướng tới sứ mệnh tối ưu hóa vai trò của thực phẩm bằng việc mang lại những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, thuận tiện và hợp khẩu vị cùng với khẩu hiệu “Good food, good life”. 

Còn tại nước ta, Nestlé Việt Nam đang điều hành 6 nhà máy và gần 2300 nhân viên trên toàn quốc với tổng vốn đầu tư hơn 600 triệu USD.

2. CHIẾN LƯỢC THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG VÀ THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ LÀ GÌ?

2.1. Chiến lược thâm nhập thị trường 

 Máy tính với biểu đồ, chiến lược
Chiến lược thâm nhập thị trường

Chiến lược thâm nhập thị trường (Market Penetration Strategy) là các chiến lược nhằm gia tăng thị phần cho các sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp thông qua các nỗ lực Marketing hoặc chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Các chiến lược thâm nhập thị trường phổ biến bao gồm:

  • Định giá thâm nhập thị trường: Đưa ra mức giá thấp hơn mức giá thị trường trong thời gian đầu 
  • Điều chỉnh giá: tăng hoặc giảm giá cho phù hợp với hoàn cảnh
  • Tăng cường quảng cáo: Băng rôn, banner, truyền hình, truyền thông,…
  • Mở rộng kênh phân phối
  • Cải tiến sản phẩm: cải tiến kiểu dáng, tính năng, chất lượng nhằm đáp ứng từng thị trường khác nhau

2.2. Chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế

Thiết bị điện tử và bản đồ thế giới
Chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế

Thâm nhập thị trường quốc tế là một tiến trình mà doanh nghiệp vận dụng toàn bộ các điều kiện tài nguyên của mình để khai thác những cơ hội trên thị trường thế giới.

Không phải tất cả các công ty xuyên quốc gia đều tiền hành thâm nhập thị trường theo một cách thức nhất định. Quá trình thâm nhập thị trường của các công ty xuyên quốc gia thường thể hiện qua một trong sáu phương thức sau: 

  • Xuất khẩu (exporting)
  • Cấp phép (licensing): hình thức hợp đồng nhượng quyền sở hữu trí tuệ để tiến hành sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nước ngoài.
  • Nhượng quyền (franchising): bên nhượng quyền sẽ trao quyền cho bên nhận nhượng quyền để cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo nhãn hiệu, hệ thống.
  • Chìa khóa giao tay (turnkey project): Một dự án sau khi hoàn thành, chủ đầu tư có thể sử dụng ngay sau khi nhận bàn giao
  • Thành lập doanh nghiệp liên doanh (giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài) 
  • Thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài

3. CHIẾN LƯỢC THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM CỦA NESTLÉ

3.1.  Lựa chọn hình thức thâm nhập và đầu tư hợp lý

Tháng 9 năm 1992, Nestlé triển khai chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua việc thành lập Công ty LaVie. Doanh nghiệp liên doanh này thành lập trên nguyên tắc góp vốn, trong đó doanh nghiệp nước ngoài góp 70% vốn, Việt Nam góp 30%.

Với chiến lược thâm nhập thị trường mới như Việt Nam, việc sử dụng hình thức liên doanh mang lại lợi ích cho Nestlé về nhiều mặt như: Giảm thiểu chi phí đầu tư, tăng khả năng hòa nhập vào thị trường mới, đảm bảo mức lợi nhuận ổn định… Việc áp dụng hình thức liên doanh thời gian này cũng giúp cho doanh nghiệp Việt Nam trong nước vẫn có cơ hội để học hỏi phát triển. 

Chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam - Nhà máy Bông Sen
Chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam của Nestlé

Chỉ sau đó 3 năm, vào năm 1995, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam chính thức được thành lập dưới hình thức công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, trực thuộc Tập đoàn Nestlé. Nắm bắt thời cơ, Nestle cũng cho khởi công xây dựng nhà máy Nestlé đầu tiên tại Khu công nghiệp Biên Hòa II, tỉnh Đồng Nai. Chiến lược này đã cho thấy mong muốn cũng như tầm nhìn chiến lược của Nestlé trong quá trình thâm nhập thị trường. 

Bên cạnh đó, nước ta cũng là nơi có các yếu tố đầu vào như nguyên liệu và lao động giá rẻ phù hợp cho hoạt động sản xuất của Nestlé. Đặc biệt hơn là cả vào thời gian đó, thị trường các mặt hàng thực phẩm như sữa, gia vị, nước uống, cà phê pha sẵn – các sản phẩm nổi bật của Nestlé, tại Việt Nam vẫn vô cùng rộng mở và gần như không có đối thủ cạnh tranh khiến cho việc đầu tư thâm nhập tại thị trường này là vô cùng tiềm năng. 

3.2. Chiến lược Đa nội địa hay “Nhập gia tùy tục” của Nestlé

Trong suốt những năm qua, mục tiêu của Nestlé tại Việt Nam không chỉ nằm trong khuôn khổ sản xuất sản phẩm chất lượng cao, mà còn hướng tới việc phát triển sản phẩm theo hướng địa phương hóa bắt nguồn từ việc sử dụng nguyên liệu địa phương để sản xuất ra các sản phẩm phù hợp nhu cầu, sở thích và truyền thống tiêu dùng của người Việt. 

Các sản phẩm của Nestlé Việt Nam đều được sản xuất với sự đa dạng thông qua từ việc tận dụng giá trị văn hóa của nền ẩm thực Việt từ đó tạo nên thành công của Nestlé tại Việt Nam. Bên cạnh đó, “Địa phương hóa” ở đây còn được thể hiện thông qua việc tận dụng nguồn nguyên liệu điển hình là các sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam. 

Các sản phẩm của Nestle tại Việt Nam
Phát triển sản phẩm theo hướng địa phương hóa

Một ví dụ điển hình của chiến lược này có thể kể đến là Nescafe. Nestlé đã tập trung vào việc tận dụng nguồn nguyên liệu hạt cà phê của Việt Nam vào sản xuất. Bên cạnh đó, Nescafe cũng không ngừng thay đổi cho ra đời các sản phẩm cà phê phù hợp hơn với khẩu vị của người Việt yêu thích cà phê mạnh và cà phê phin truyền thống. 

3.3. Chiến lược xúc tiến gắn liền với phát triển cộng đồng

Trong suốt quá trình phát triển tại Việt Nam, thông qua những chiến lược xúc tiến của mình Nestle không chỉ dừng lại ở việc thâm nhập thị trường, đưa thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng mà còn luôn gắn nó với nhiều hoạt động phát triển cộng đồng. Ý thức đầy đủ về vai trò, công ty đã chi không ít cho các hoạt động cộng đồng tập trung vào các lĩnh vực dinh dưỡng, giáo dục, thể thao,…

Ví dụ điển hình có thể kể đến như các hoạt động phát triển thể thao học đường của Nestlé MILO, đồng hành cùng giải Hội khỏe Phù Đổng trên khắp cả nước với hơn 2,5 triệu trẻ em được tiếp cận đến các hoạt động thể thao do Nestlé MILO tổ chức hoặc tài trợ. 

Từ việc lấy con người làm trọng tâm Nestlé đã cho thấy tầm nhìn chiến lược phát triển bền vững và lâu dài tại thị trường Việt Nam, đồng thời gây dựng hình ảnh về một doanh nghiệp vì xã hội phát triển bền vững. Điều này đã giúp xây dựng hình ảnh, có được lòng tin của người tiêu dùng và củng cố vị trí của Nestlé tại thị trường Việt Nam. 

4. KẾT LUẬN

Nắm trong tay vị thế là một trong những công ty xuyên quốc gia lớn nhất trên thế giới cùng với đó là những chiến lược thâm nhập thị trường cũng như phát triển bền vững đầy nổi bật của mình tại Việt Nam, Nestlé chắc chắn sẽ tiếp tục tiến xa hơn tại thị trường này. Sự phát triển của Nestlé không chỉ mang lại lợi ích phát triển cho doanh nghiệp mà còn là cơ hội phát triển về nhiều mặt dành cho Việt Nam. 

Điểm nổi bật ở những chiến lược của Nestlé chính là không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn tập trung chủ yếu vào việc phát triển xã hội, cộng đồng người dân Việt. Với những bước đi như vậy trong tương lai, chắc chắn Nestlé sẽ ngày một lớn mạnh và tiếp tục trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu tại Việt Nam. 

Xem thêm các bài viết liên quan tới chủ đề Chiến lược thâm nhập thị trường: 

4 chiến lược thâm nhập thị trường thông qua Marketing TH Truemilk

5 Chiến lược thâm nhập thị trường nước ngoài của tập đoàn Viettel

5 mô hình kênh phân phối phổ biến hiện nay

Khái quát về thâm nhập thị trường và 6 chiến lược phổ biến hiện nay

Sinh viên thực hiện: Trần Lê Hân 

MSV: 20050824

Lớp: QH-2020-E KTQT CLC 6

Mã lớp học phần: INE3104 4