5 rủi ro từ xung đột Nga – Ukraine đến kinh tế Việt Nam

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 thì xung đột Nga – Ukraine đã giáng thêm một đòn cho kinh tế toàn cầu. Là nước có độ mở kinh tế cao (hơn 200%) và đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, Việt Nam khó tránh khỏi những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Mặc dù tác động trực tiếp không lớn, song ảnh hưởng rủi ro gián tiếp rất đáng quan tâm. Xung đột Nga – Ukraine kèm theo đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh của phương Tây cũng như những phản ứng của Nga đã gây ra tác động tiêu cực toàn diện và sâu sắc đến kinh tế thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Những rủi ro đối với kinh tế Việt Nam bao gồm:

Thứ nhất, hoạt động thương mại và đầu tư của Việt Nam bị ảnh hưởng 

Vai trò của Nga và Ukraine ngày càng tăng đối với thương mại quốc tế khi chiếm 1,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu.  Cả Nga và Ukraine đều là những đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á – Âu. Xét về kim ngạch thương mại, Nga xếp ở vị trí thứ 1, Ukraine xếp ở vị trí thứ 6.
 

Là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN và là đối tác lớn thứ 5 trong Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Nga đạt 7,14 tỷ USD1 năm 2021 (tăng 25,9% so với năm 2020) và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Nga. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nga sang Việt Nam đạt 2,24 tỷ USD, tăng 38,3% so với năm 2020 (đứng thứ 39 trong số các đối tác thương mại của Nga); kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 4,89 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2020 (đứng thứ 12 trong các đối tác nhập khẩu chính của Nga). Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD năm 2021.

Giá gạo và nông phẩm - Kinh tế Việt Nam
Giá gạo và nông phẩm tăng có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo và nông phẩm  Việt Nam. (Nguồn ảnh: Internet)

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Nga và Ukraine với lượng hàng hóa không lớn nhưng lại có sự lan tỏa tới khu vực thị trường liên minh Á – Âu) là khu vực Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA). Do đó, sự đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ tác động đến cả những thị trường liên đới khác, liên quan đến các giao dịch thanh toán với các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã bị ngừng trệ đơn hàng, đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu, chậm trễ trong các biện pháp thanh toán.

Xung đột Nga – Ukraine gây ra sự sụt giảm đột ngột và kéo dài trong hoạt động xuất khẩu lương thực của Ukraine và Nga, tiếp tục gây áp lực lên giá hàng hóa quốc tế, gây bất lợi cho các nước dễ bị tổn thương về kinh tế.
 

Do Mỹ và các nước phương Tây loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống nhắn tin tài chính SWIFT (nghĩa là cấm các ngân hàng của Nga tham gia các giao dịch quốc tế). Việc chặn kết nối SWIFT của hệ thống tài chính Nga khiến việc hợp tác về thương mại với Nga gặp khó khăn, ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam, phần lớn là các dự án điện, dầu khí và  ảnh hưởng đến thương mại song phương Việt – Nga trong thanh toán các hợp đồng sử dụng đồng Euro.

 

Thứ hai, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp 

Giá phân bón, vật tư hàng hóa nông nghiệp luôn là “nỗi ám ảnh” với nông dân Việt Nam. Năm 2021, giá phân bón sản xuất trong nước và giá nhập khẩu đã tăng khoảng 60 – 80%. Giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng, trong khi giá các sản phẩm đầu ra bấp bênh tạo thêm khó khăn kép cho nông dân. Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới, là quốc gia sản xuất lớn về phân urê và kali khi xung đột xảy ra, cổ phiếu phân bón trên sàn chứng khoán Việt Nam tăng vọt. Sự đứt gãy trong cung ứng các thành phần của phân bón khiến giá bán các hàng hóa nông nghiệp tăng lên.
 

Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Nga hàng năm đạt 550 triệu USD (2021). Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu đáng kể như: Thủy sản đạt 164 triệu USD, cà phê 173 triệu USD, tiêu và điều khoảng 60 triệu USD. Khi xung đột nổ ra, giao dịch xuất khẩu sang Nga đều phải tạm dừng bởi rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao.

Trong khi, Việt Nam chi 500 triệu USD năm 2021 để nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản từ Nga và Ukraine2. Nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam như lúa mỳ (khoảng 1 triệu tấn, chiếm 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ), ngô (chiếm 3% tổng nhập khẩu ngô) làm thức ăn chăn nuôi; phân bón (hơn 10% tổng nhập khẩu phân bón).

Xung đột Nga – Ukraine khiến hoạt động xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam đều phải tạm dừng. Nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam không thể đưa vào Nga, Ukraine và một số quốc gia Đông Âu. Do Nga là thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu nông sản sang Nga cũng như nhập khẩu các mặt hàng từ Nga về Việt Nam.

Quan trọng hơn là sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên toàn cầu. Giá nguyên liệu đầu vào như lúa mỳ, ngô… đã tăng lên 10 – 20%, giá phân bón tăng trên 20% (tháng 02/2022), ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt của Việt Nam.
 

Ukraine và Nga là hai nước xuất khẩu ngũ cốc lớn của thế giới, chiếm 1/3 lượng xuất khẩu toàn cầu. Vì vậy, cuộc xung đột đã đẩy giá lương thực tăng vọt ở nhiều nơi trên thế giới. Khả năng gián đoạn hoạt động nông nghiệp tại hai nhà xuất khẩu hàng hóa thiết yếu này có thể khiến tình trạng mất an ninh lương thực leo thang trầm trọng trên toàn cầu khi giá lương thực và đầu vào đã tăng cao và dễ bị tổn thương.

Thứ ba, chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu phục vụ cho sản xuất bị đình trệ

Nga và Ukraine có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng và năng lượng toàn cầu. Nga là nhà cung cấp lớn trên thị trường toàn cầu với nhiều mặt hàng. Sự gián đoạn trong quá trình sản xuất hoặc phân phối các sản phẩm dẫn đến phá vỡ chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến giá nhiều mặt hàng quan trọng. Khi xung đột xảy ra, giá các mặt hàng thế mạnh của Nga như lúa mỳ, phân bón, than, thép, các kim loại cơ bản đều đã tăng vọt.
 

Nga và Ukraine là hai nhà cung cấp lớn về niken, neon, krypton, nhôm và palladium – những vật liệu quan trọng để sản xuất các nguyên phụ liệu cấu thành các thiết bị điện tử. Vì vậy, bất kỳ sự hạn chế hoặc đình trệ về nguồn cung hàng hóa từ Nga có thể gây gián đoạn chuỗi sản xuất thiết bị điện tử.

Mặc dù, Việt Nam không nhập khẩu những vật liệu này trực tiếp từ Nga và Ukraine, nhưng lại mua từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, khoảng 59 tỷ USD nhập khẩu máy móc, điện thoại, thiết bị điện tử từ các thị trường Đông Á (chiếm 17,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam năm 2021).

Vì vậy, khi Nga bị hạn chế kinh tế gây ảnh hưởng gián tiếp tới Việt Nam. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đặc biệt đối với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng điện, điện tử. Việt Nam gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất. Tăng giá nhiên liệu kéo theo giá cả sản xuất hàng hóa và tiêu dùng tăng.

Thứ tư, giá dầu cao khiến chi phí hậu cần và vận chuyển tăng

Xung đột là nguyên nhân làm tăng giá trên thị trường một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt, dầu mỏ do thị phần sản xuất và xuất khẩu của Nga và Ukraine rất lớn. Nga là quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm 12% kim ngạch thương mại toàn cầu với khoảng 2,5 triệu thùng/ngày đối với các sản phẩm dầu mỏ.

giá dầu tăng - 5 rủi ro từ xung đột Nga-Ukraine đến Việt Nam
Giá dầu tăng cao do xung đột Nga-Ukraine (Nguồn ảnh:Internet)

Giá dầu tăng cao đồng nghĩa gia tăng chi phí cho hầu hết ngành sản xuất, áp lực lạm phát với kinh tế toàn cầu càng lớn hơn. Việt Nam nhập khẩu ròng giá trị dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu với gần 6 tỷ USD trung bình mỗi năm  trong giai đoạn 2017 – 2021. Khi giá dầu tăng cao, giá trị nhập khẩu ròng cũng sẽ tăng theo khiến tăng chi phí vận chuyển, buộc các doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào của Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga và chuyển sang tìm các nhà cung ứng từ Úc, Nam Mỹ và châu Phi.

Việc giao dịch với các doanh nghiệp Nga trực tiếp bị cấm vận hoặc gián tiếp vì khó khăn trong việc chi trả thanh toán sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Tình trạng này sẽ gây thiếu hụt, chậm trễ và tăng chi phí trong dây chuyền sản xuất nhiều ngành công nghiệp.
 

Nhiều hãng tàu đã từ chối nhận đơn vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hóa. Thêm nữa, việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng chi phí hậu cần logistics lên hệ thống vận chuyển toàn cầu.
 

Thứ năm, giá cả tăng cao gây áp lực lạm phát

Nga có vai trò quan trọng trong việc cung cấp xăng dầu và khí đốt cho thế giới, nhất là cho khu vực EU. Các lệnh trừng phạt Nga đã khiến giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng vọt, đẩy mặt bằng giá cả của các hàng hóa tăng cao, đe dọa tới tính liên tục của hoạt động sản xuất và sức cầu tiêu dùng, gia tăng lạm phát. 

Xung đột Nga-Ukraine đẩy giá các loại hàng hóa lên cao
Xung đột Nga-Ukraine đẩy giá các loại hàng hóa lên cao gây (Nguồn ảnh:Internet)

 

Những rủi ro về giá dầu, giá thép và nhiều nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí sản xuất hàng hóa sẽ đắt đỏ hơn, gây áp lực đến lạm phát của Việt Nam. Rủi ro lạm phát vì giá hàng hóa tăng là vấn đề xảy ra trên diện rộng chứ không chỉ xoay quanh nhiên liệu. Lạm phát tăng 1,4% (02/2022) do chi phí vận chuyển tăng hơn 15%.  Dưới tác động của xung đột Nga – Ukraine, lạm phát của Việt Nam phải chịu những áp lực sau:
 

Một là, do nguồn cung xăng dầu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 70 – 80% nhu cầu tiêu dùng. Khi giá xăng dầu thế giới tăng cũng đồng nghĩa giá xăng dầu trong nước tăng. Vì vậy, chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí tiêu dùng và sinh hoạt của người dân bị đội lên nhiều.
 

Hai là, giá xăng dầu thế giới tăng cũng tác động đến nhiều quốc gia khác, trong đó có các quốc gia là bạn hàng của Việt Nam. Với nền kinh tế có độ mở càng lớn thì càng dễ bị ảnh hưởng của những biến động bên ngoài. Vì vậy, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng là điều không thể tránh.
 

Ba là, Nga xuất khẩu rất nhiều các loại hàng hóa khác như niken, titanium, kim loại cơ bản… thậm chí là lúa mì, lương thực và phân bón. Chỉ riêng phân bón cũng đã tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam. Giá phân bón tăng không chỉ tác động đến doanh nghiệp, nền nông nghiệp mà còn tác động đến người nông dân (chiếm 2/3 dân số quốc gia).
 

Bốn là, chỉ số giá tiêu dùng tại châu Âu tăng 5,8% (tháng 02/2022) so với cùng kỳ năm 2021 khiến nhiều quốc gia buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ, trong đó có Việt Nam. Trong khi Việt Nam đang triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế với quy mô lên tới 350.000 tỷ VND. Với áp lực mới, rủi ro lạm phát lại càng tăng gây khó khăn cho kinh tế Việt Nam.
 

Lạm phát có thể làm cho tiêu dùng và tiến độ giải ngân đầu tư trong nền kinh tế, bao gồm cả đầu tư công chậm lại do giá tăng cao và biến động khó lường.


Tóm lại, Việt Nam là bạn hàng truyền thống của cả Nga và Ukraine. Xung đột Nga – Ukraine đã  gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cả trong ngắn và dài hạn, đe dọa thiếu hụt, đứt gãy các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của nền kinh tế Việt Nam. Xung đột khiến cho tình trạng lạm phát ở cả Mỹ, châu Âu và Việt Nam leo thang, giá hàng hóa thiết yếu liên tục tăng. Trong bối cảnh khó khăn của hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine, chính phủ cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 FTA đã ký với các nước để đa dạng hóa thị trường, hạn chế những rủi ro cũng như tận dụng tốt những cơ hội của xung đột để cải thiện nền kinh tế Việt NAm.

|      Xem thêm: Thất nghiệp và 5 giải pháp giải quyết tình trạng thất nghiệp

|      Xem thêm: Chiến sự Nga – Ukraine ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dầu khí nói riêng?

Sinh viên: Đặng Trường Giang – MSSV:20050078

3 thoughts on “5 rủi ro từ xung đột Nga – Ukraine đến kinh tế Việt Nam

Comments are closed.