“Lãi suất tỷ lệ nghịch với chứng khoán?”. Đây chắc hẳn là điều mà nhà đầu tư nào cũng từng nghe qua khi mới tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán. Vậy lãi suất và thị trường chứng khoán có mối liên hệ gì mà tại sao giới đầu tư lại thường gọi lãi suất là mốc tham chiếu để dự báo biến động của thị trường chứng khoán?
Trong bài viết này Clibme.com sẽ giải thích chi tiết và đầy đủ về mối tương quan giữa hai khái niệm này, từ đó có thể giúp bạn tự tin đưa ra quyết định đầu tư trong các giai đoạn thị trường khác nhau!
Nội dung bài viết
I. Thị trường chứng khoán là gì?
1.1. Khái niệm
Thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi diễn ra các giao dịch mua bán trao đổi các loại chứng khoán. Các quan hệ mua bán trao đổi này làm thay đổi chủ sở hữu của chứng khoán, và như vậy, thực chất đây là quá trình vận động của tư bản chuyển từ tư bản sở hữu sang tư bản kinh doanh.
TTCK không giống với các thị trường các hàng hóa thông thường khác vì hàng hóa của thị trường chứng khoán là loại hàng hóa đặc biệt, là quyền sở hữu về tư bản. Loại hàng hóa này cũng có giá trị và giá trị sử dụng. Như vậy, có thể nói, bản chất của TTCK là thị trường thể hiện mối quan hệ giữa cung và cầu của vốn đầu tư nào đó, giá cả của chứng khoán chứa đựng thông tin về chi phí vốn hay giá cả của vốn đầu tư. TTCK là hình thức phát triển bậc cao của nền sản xuất và lưu thông hàng hóa.
1.2. Vai trò, chức năng
Thị trường chứng khoán có vai trò rất lớn cho nền kinh tế đất nước.
Huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế
Khi các nhà đầu tư mua chứng khoán do các công ty phát hành, số tiền nhàn rỗi của họ được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh và qua đó góp phần mở rộng sản xuất xã hội. Bằng cách hỗ trợ các hoạt động đầu tư của công ty, TTCK đã có những tác động quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Thông qua TTCK, chính phủ và chính quyền ở các địa phương cũng huy động được các nguồn vốn cho mục đích sử dụng và đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, phục vụ các nhu cầu chung của xã hội.
Cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng
TTCK cung cấp cho công chúng một môi trường đầu tư lành mạnh với các cơ hội lựa chọn phong phú. Các loại chứng khoán trên thị trường rất khác nhau về tính chất, thời hạn và độ rủi ro, cho phép các nhà đầu tư có thể lựa chọn cho loại hàng hóa phù hợp với khả năng, mục tiêu và sở thích của mình. Chính vì vậy, TTCK góp phần đáng kể làm tăng mức tiết kiệm quốc gia.
Tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán
Nhờ có TTCK các nhà đầu tư có thể chuyển đổi các chứng khoán họ sở hữu thành tiền mặt hoặc các loại chứng khoán khác khi họ muốn. Khả năng thanh khoản (khả năng chuyển đổi thành tiền mặt) là một trong những đặc tính hấp dẫn của chứng khoán đối với người đầu tư. Đây là yếu tố cho thấy tính linh hoạt, an toàn của vốn đầu tư. TTCK hoạt động càng năng động và có hiệu quả thì càng có khả năng nâng cao tính thanh khoản của các chứng khoán giao dịch trên thị trường.
Đánh giá hoạt động của doanh nghiệp
Thông qua giá chứng khoán, hoạt động của các doanh nghiệp được phản ảnh một cách tổng hợp và chính xác, giúp cho việc đánh giá và so sánh hoạt động của các doanh nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện, từ đó cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kích thích áp dụng công nghệ mới, cải tiến sản phẩm.
Tạo môi trường giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô
Các chỉ báo của TTCK phản ánh động thái của nền kinh tế một cách nhạy bén và chính xác. Giá các chứng khoán tăng lên cho thấy đầu tư đang mở rộng, nền kinh tế tăng trưởng; và ngược lại giá chứng khoán giảm sẽ cho thấy các dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế.
Vì thế, TTCK được gọi là phong vũ biểu của nền kinh tế và là một công cụ quan trọng giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Thông qua TTCK, chính phủ có thể mua và bán trái phiếu chính phủ để tạo ra nguồn thu bù đắp thâm hụt ngân sách và quản lý lạm phát.
Ngoài ra, chính phủ cũng có thể sử dụng một số chính sách, biện pháp tác động vào TTCK nhằm định hướng đầu tư đảm bảo cho sự phát triển cân đối của nền kinh tế.
II. Lãi suất là gì?
Lãi suất là giá cả của quyền sử dụng một đơn vị vốn vay trong một đơn vị thời gian ( có thể là 1 tháng hoặc 1 năm). Đây là loại giá cả đặc biệt, được hình thành trên cơ sở giá trị sử dụng chứ không phải trên cơ sở giá trị. Giá trị sử dụng của khoản vốn vay là khả năng mang lại lợi nhuận cho người đi vay khi sử dụng vốn vay trong hoạt động kinh doanh hoặc mức độ thỏa mãn một hoặc một số nhu cầu nào đó của người đi vay.
Khác với giá cả hàng hóa, lãi suất không được biểu diễn dưới dạng số tuyệt đối mà dưới dạng tỷ lệ phần trăm. Lãi suất cũng được xem là tỷ lệ sinh lời mà người chủ sở hữu thu được từ khoản vốn cho vay.
III. Tác động của lãi suất đến thị trường chứng khoán
Khi nhắc đến lãi suất, phần lớn chúng ta chỉ nghĩ đến lãi suất huy động (tiết kiệm). Tuy nhiên trên thực tế có 3 loại lãi suất khác nhau mà bạn cần phân biệt được. Đó là: Lãi suất huy động, lãi suất cho vay và lãi suất cơ bản.
3.1. Lãi suất huy động
Lãi suất huy động (LSHĐ) là lãi suất mà ngân hàng đưa ra khi huy động tiền gửi từ các cá nhân, tổ chức. Được tính bằng % lãi suất trên số tiền mà các cá nhân và tổ chức này gửi vào ngân hàng. Và mức % này thường được áp dụng trong khoảng thời gian là 1 năm.
Ví dụ:
Khi ngân hàng Vietcombank (VCB) thông báo rằng LSHĐ hiện tại là 6%. Tức khi bạn gửi 100 triệu vào VCB với kỳ hạn là 1 năm thì sau 1 năm bạn sẽ nhận lại số tiền lãi là 6 triệu cộng với số tiền gốc ban đầu là 100 triệu. Như vậy trong trường hợp LSHĐ bị điều chỉnh giảm thì việc gửi tiền vào ngân hàng để nhận lãi sẽ không thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư mà thay vào đó là các kênh đầu tư khác có mức lợi nhuận cao hơn.
Dòng tiền từ kênh gửi tiết kiệm lúc này sẽ được rút ra và bơm vào các kênh đầu tư khác. Trong đó bao gồm kênh đầu tư chứng khoán, từ đó tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán tăng trưởng và ngược lại khi LSHĐ tăng lên thì cũng là lúc dòng tiền từ các kênh đầu tư khác được kéo ngược trở lại kênh gửi tiết kiệm. Dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng bị rút bớt khiến cho thị trường chứng khoán sụt giảm .
3.2. Lãi suất cho vay
Lãi suất cho vay (LSCV) là chi phí mà bạn phải trả khi sử dụng vốn của ngân hàng. Ngân hàng cho khách hàng vay và sau khi sử dụng vốn vay khách hàng có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ lại số tiền gốc đã vay cộng thêm một khoản tiền lãi theo quy định của ngân hàng đó.
Ví dụ:
Khi ngân hàng VCB cho công ty A vay 100 tỷ với LSCV là 9% thì có nghĩa là sau 1 năm công ty A có nghĩa vụ hoàn trả 100 tỷ tiền gốc và 9 tỷ tiền lãi cho ngân hàng VCB. Tiến độ trả tiền gốc và tiền lãi có thể từng tháng hoặc từng quý tùy thuộc vào thỏa thuận của công ty A và ngân hàng VCB.
Đối với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng có thể coi LSHĐ là chi phí đầu vào còn LSCV là doanh thu đầu ra. Và các ngân hàng sẽ duy trì 1 khoản biên độ chênh lệch giữa 2 loại lãi suất này. Khoảng chênh lệch này chính là phần lợi nhuận mà ngân hàng có được thông qua hoạt động cho vay.
LSCV luôn là yếu tố tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bởi cơ cấu tài sản của doanh nghiệp thì bao gồm Vốn chủ sở hữu và vốn vay. Và trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh thì: “ Vay nợ là nhu cầu tất yếu của doanh nghiệp nhằm bổ sung vốn lưu động hoặc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Do đó khi LSCV tăng, áp lực trả lãi cũng tăng lên tương ứng khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp có khả năng bị suy giảm trong tương lai, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư dẫn tới giá cổ phiếu có nguy cơ bị sụt giảm.
Ngược lại nếu lãi suất cho vay giảm thì gánh nặng trả lãi của doanh nghiệp cũng được giảm đi, bên cạnh đó doanh nghiệp có thể vay nhiều hơn để tiếp tục đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn tới tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Từ đó giá cổ phiếu cũng sẽ tăng lên tương ứng.
3.3. Lãi suất cơ bản
Lãi suất cơ bản (LSCB) là lãi suất điều hành bởi lãi suất này được quyết định bằng luật. Cụ thể ngân hàng nhà nước sẽ quyết định mức lãi suất cơ bản và áp dụng lãi suất này đối với thị trường liên ngân hàng.Tức là đối tượng được áp dụng LSCB tại Việt Nam là các ngân hàng thương mại.
Ví dụ:
Ngân hàng VCB đang thiếu tiền mặt để cho các khách hàng vay thì VCB có thể đi vay từ các ngân hàng thương mại cổ phần khác như Agribank, BIDV, … hoặc VCB cũng có thể đi vay từ chính Ngân hàng Nhà nước. Và mức lãi suất mà ngân hàng VCB phải trả cho các ngân hàng thương mại khác hoặc ngân hàng nhà nước trong trường hợp này chính là lãi suất cơ bản.
Ngoài ra lãi suất cơ bản cũng chính là mức lãi suất thấp nhất được các ngân hàng thương mại áp dụng đối với tài khoản vay dành cho các khách hàng lớn, ít có khả năng vỡ nợ. Khi bạn nghe báo đài đề cập đến việc tăng hoặc giảm lãi suất nói chung thì thường họ đang nói đến LSCB.
Thông thường LSCB sẽ là cơ sở để các ngân hàng thương mại ấn định LSHĐ và LSCV. Cụ thể NHNN quy định LSCV không được vượt quá 1.5 x LSCB. Như vậy ngân hàng thương mại sẽ có một khoảng biên độ là 50% so với LSCB để tùy ý điều chỉnh LSCV. Và trên thực tế ở một số thời điểm NHNN điều chỉnh giảm LSCB nhưng LSCV của các ngân hàng thương mại không hề giảm, do đó việc điều chỉnh LSCB đôi khi không tác động trực tiếp đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp mà sẽ là tác động gián tiếp.
Cụ thể, khi LSCB giảm, các ngân hàng thương mại sẽ vay nhiều hơn từ thị trường liên ngân hàng từ đó đẩy một lượng tiền lớn vào trong lưu thông, điều này sẽ làm cho giá trị của đồng nội tệ giảm cũng như làm tăng lạm phát giúp kích thích hoạt động xuất khẩu, từ đó hỗ trợ nền kinh tế mà thị trường chứng khoán là một thành phần nằm trong cơ cấu của nền kinh tế.
Do đó mà nền kinh tế vĩ mô được hỗ trợ cũng sẽ giúp cho tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tích cực hơn, từ đó duy trì sự tăng trưởng của thị trường. Ngoài ra, trong đầu tư, LSCB còn được coi là phần lợi nhuận phi rủi ro mà các nhà đầu tư sẽ căn cứ vào đó để đánh giá khả năng sinh lời của các tài sản tài chính như cổ phiếu hay trái phiếu. Do đó sự thay đổi của LSCB sẽ tác động tới kỳ vọng của các nhà đầu tư, từ đó dẫn tới việc các tài sản tài chính này sẽ bị thị trường định giá lại.
Ví dụ:
Ở thời điểm lãi suất cơ bản là 6%/ năm thì nhà đầu tư sẽ sẵn sàng mua cổ phiếu công ty A với mức sinh lời kỳ vọng là 10%/ năm bởi cổ phiếu là tài sản có tính rủi ro cao hơn nên mức sinh lời kỳ vọng cũng sẽ cao hơn. Tức là với 100 $ bỏ ra để mua cổ phiếu công ty A ở thời điểm ban đầu thì nhà đầu tư sẽ kỳ vọng cổ phiếu công ty A mang lại 10$ lợi nhuận hàng năm, hệ số P/E = 100/10 = 10 lần.
Sau đó ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản từ 6% xuống 4% với mức giảm 33.3 % thì lúc này kỳ vọng của nhà đầu tư về mức sinh lời của công ty A cũng sẽ giảm tương ứng 33.3%, tức từ 10%/ năm xuống còn 6.7%/ năm, với mỗi 100$ bỏ ra để mua cổ phiếu công ty A thì nhà đầu tư giờ đây sẽ kỳ vọng cổ phiếu công ty A mang lại 6.7$ mỗi năm.
Hệ số P/E = 100/6.7 = gần 15 lần. Như vậy mặc dù tình hình kinh doanh của công ty A gần như không thay đổi nhưng hệ số P/E của công ty A lại tăng 50% (từ 10 lần lên 15 lần) dẫn tới giá cổ phiếu cũng tăng 50% tương ứng.
IV. Kết luận
Như vậy qua việc tìm hiểu về 3 khái niệm lãi suất cơ bản, lãi suất huy động và lãi suất cho vay ta có thể khẳng định rằng biến động của các loại lãi suất nói chung sẽ tác động tỷ lệ nghịch với thị trường chứng khoán và các giai đoạn điều chỉnh giảm lãi suất sẽ luôn là thời điểm tuyệt vời để chúng ta tham gia đầu tư trên thị trường.
Xem thêm tại:
Lãi suất ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán như thế nào?
Lãi suất tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán?
Các bài viết có liên quan:
7 yếu tố ảnh hưởng đến sự biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam
Điểm mặt 4 yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán mà các nhà đầu tư nên biết
5 yếu tố tác động đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán
Sinh viên: Trịnh Thị Hiền
Mã sinh viên: 19051468
Lớp học phần: INE3104 1
Những kiến thức rất mới mẻ với mình