4 hậu quả nặng nề của cuộc xung đột Nga – Ukraine

 

Trong khi những nỗi khổ phải chịu đựng chiến tranh của con người có thể rất lớn, thì hậu quả kinh tế của cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng rất thảm khốc. Những gì chúng ta thấy đang xảy ra hiện nay là sự leo thang cả về quân sự và kinh tế đang lan rộng hơn sang các lĩnh vực khác, thậm chí cả mạng xã hội và thế giới thể thao. Chúng ta hãy xem xét một số lĩnh vực chính và các tác động có thể xảy ra với chúng ta cho đến nay.

 

Khủng hoảng năng lượng và lương thực 

Kết hợp lại, Ukraine và Nga sản xuất khoảng ⅓ tổng lượng lúa mì xuất cảng trên toàn cầu. Không có gì ngạc nhiên khi giá lúa mì đã tăng đáng kể. Hơn nữa, Nga sản xuất một phần lớn phân bón, khoảng 6% nhôm, khoảng 7% niken, và hơn 40% neon – một thành phần quan trọng của sản xuất vi mạch bán dẫn (chip) – được sử dụng trên toàn cầu.

Nga là nhà sản xuất năng lượng lớn với 12% sản lượng dầu toàn cầu và 17% sản lượng khí đốt toàn cầu. Điều quan trọng là Nga cung cấp 41% lượng khí đốt và khoảng ⅓ lượng dầu được sử dụng ở EU. Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã cắt đứt hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nói trên của hai quốc gia .

Trong khi Nga bị cáo buộc đang phong tỏa các cảng tại biển Đen của Ukraine. Điều này ảnh hưởng lớn đến các nước phụ thuộc vào nhập khẩu ngũ cốc và dầu ăn của Ukraine, chẳng hạn như Ai Cập và Ấn Độ.

 

cuộc xung đột Nga - Ukraine

Nhiều người coi cuộc xung đột Nga – Ukraine là cơ hội để EU không chỉ thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, mà còn thực hiện cam kết của khối về bảo vệ khí hậu, bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng. Tuy nhiên, những cách làm trên không thể diễn ra nhanh chóng và nhu cầu cao đối với nguồn năng lượng không phải của Nga đã khiến giá cả tăng vọt.

Một số nhận định cho rằng cuộc xung đột cùng với thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu và cú sốc kinh tế do đại dịch gây ra đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng trầm trọng hơn.

Vào tháng 5, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cảnh báo rằng, hàng chục triệu người có thể phải đối mặt với nạn đói lâu dài do cuộc xung đột gây ra. Tính đến tháng 5, khoảng 23 quốc gia đã áp đặt các lệnh hạn chế xuất khẩu đối với thực phẩm. Đây là một dấu hiệu cho thấy an ninh lương thực đang suy yếu.

Tăng giá và lạm phát 

Các biện pháp trừng phạt quyết liệt của phương Tây nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine cùng đòn “ăn miếng trả miếng” từ Moskva đang gây bất ổn cho kinh tế của hàng loạt quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Âu.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo kinh tế thế giới sẽ phải “trả giá đắt” vì cuộc xung đột Nga – Ukraine khi tăng trưởng yếu hơn, lạm phát trầm trọng hơn và chuỗi cung ứng nguy cơ hứng chịu những thiệt hại lâu dài.

OECD đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống 3%, từ mức 4,5% mà họ dự đoán hồi tháng 12 năm ngoái, đồng thời tăng gấp đôi dự báo lạm phát lên gần 9% cho 38 quốc gia thành viên. Tổ chức này dự đoán tăng trưởng toàn cầu năm 2023 sẽ chậm lại, chỉ còn 2,8%.

Đánh giá ảm đạm từ OECD, lặp lại cảnh báo tương tự của WB, cho thấy hậu quả kinh tế sâu rộng từ cuộc xung đột kinh hoàng tại Ukraine. Điều này được cho là sẽ khiến việc thiết lập các chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp trở nên khó khăn hơn.

Tình trạng thiếu lương thực và năng lượng đã có nhiều ảnh hưởng, tạo nên một sự thay đổi lớn trong cuộc sống của nhiều người kể từ khi chiến sự bắt đầu: Giá cả tăng. Khi thực phẩm và nhiên liệu tăng giá, thì mọi thứ khác cũng tăng. Giá cả thực phẩm nói chung đang tăng vọt.

cuộc xung đột Nga- Ukraine
Khu vực Eurozone ghi nhận lạm phát tăng kỷ lục lên mức 10,7% trong tháng 10. (Ảnh: AFP)

Chỉ số giá lương thực của tổ chức nông lương liên hợp quốc (FAO) đo lường sự thay đổi hàng tháng về giá của một số hàng hoá lương thực đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 3/2022.

Lạm phát nghĩa là sức mua giảm khi giá cả tăng lên, ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của nền kinh tế. Theo Tổ chức lao động quốc tế, lạm phát đã tăng hơn gấp đôi trên toàn thế giới trong năm nay, kể từ tháng 3/2021.

Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, lạm phát đã chạm mốc kỷ lục vào tháng 5, lên tới 8,1%. Tuy nhiên, lạm phát được dự đoán sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nước có thu nhập thấp hơn.

Trong khi triển vọng gần đây của quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo: lạm phát ở các nước công nghiệp phát triển là 5,7%. Con số đó với các nước đang phát triển là 8,7%. Và nhiều chuyên gia dự đoán rằng giá vẫn có thể cao trong vài năm tới nếu cuộc xung đột Nga – Ukraine còn tiếp diễn. 

Gián đoạn hệ thống tài chính toàn cầu

Ngay sau khi Nga bắt đầu cuộc xung đột, các quốc gia phương Tây đã cắt một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu, hay SWIFT. Đó là một hệ thống liên lạc nhanh chóng và an toàn giữa các ngân hàng. Không có tiền thực được chuyển, nhưng đó là một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu vì thông tin giao dịch tài chính quan trọng được chuyển qua đó.

Việc bị loại trừ khỏi SWIFT sẽ khiến Nga khó hoạt động hơn đáng kể trong thế giới ngân hàng hiện đại. Hậu quả kinh tế này hiện nay đã rõ, ví dụ, ở Phần Lan, nơi các tập đoàn lớn đang báo cáo rằng các giao dịch đến và đi từ Nga đã dừng.

cuộc xung đột Nga- Ukraine
Những người ủng hộ phong trào Những ngày thứ Sáu cho Tương lai cầm một tấm biển có logo của hệ thống nhắn tin ngân hàng SWIFT và cờ Nga trong cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Ukraine hôm 03/03/2022, tại Berlin. (Ảnh: John MacDougall/AFP/Getty Images)

Mối quan hệ tài chính của một số quốc gia Âu Châu với Nga rất mạnh – ví dụ, JP Morgan đã ước tính rằng các khoản phải thu của các ngân hàng Âu Châu đối với Nga tổng cộng là 80 tỷ USD. Đặc biệt, Ý, Pháp, và Áo có những khoản phải thu chính yếu đối với Nga.

Điều này có lẽ giải thích tại sao tất cả các ngân hàng Nga chưa (ít nhất là hiện tại) bị loại khỏi SWIFT. Việc này cũng sẽ khiến các quốc gia khác thực tế không thể thực hiện được việc trả tiền nhập cảng năng lượng của họ từ Nga – và là điều mà một số quốc gia, như Đức, muốn tránh bằng bất cứ giá nào.

Tin tức về việc cắt Nga khỏi SWIFT đã làm dấy lên các đợt rút tiền ngân hàng ở Nga. Trong một động thái quyết liệt, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản từ 9.5 lên 20%. Đây là một dấu hiệu của sự tuyệt vọng và nỗi sợ hãi về sự di chuyển tiền tệ và rút tiền ồ ạt từ ngân hàng trên diện rộng.

Để ngăn chặn hơn nữa mối đe dọa này, vào ngày 28/02, Nga đã cấm tất cả các hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài. Cùng ngày, EU và Hoa Kỳ đã đồng ý cấm mọi giao dịch với ngân hàng trung ương Nga. Điều này có nghĩa là ngân hàng trung ương Nga sẽ không thể tiếp cận được phần lớn dự trữ ngoại hối của Nga.

Dòng người tị nạn khổng lồ

Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra, khoảng 6,8 triệu người đã di tản khỏi quốc gia này, cùng với ít nhất 7,7 triệu người phải sơ tán đến các nơi khác ở trong nước.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine
Người tị nạn Ukraine tại cửa khẩu Medyka, Przemysl, Ba Lan hồi tháng 3 ( Ảnh: AFP)

Theo Cơ quan Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), sau khi di tản sang các nước láng giềng, ít nhất 3 triệu người đã tiếp tục cuộc hành trình đến một nơi khác. Trong đó, Ba Lan là nước đón nhiều người tị nạn đến từ Ukraine nhất, với trên 3,6 triệu người.

Dòng người tị nạn vào Liên minh Châu Âu nhận được nhiều hỗ trợ cần thiết, nhưng mặt khác lại tạo ra nhiều căng thẳng. Người tị nạn đến định cư ở một quốc gia mới thường phải chịu phụ thuộc vào mạng lưới an sinh xã hội của quốc gia đó, ít nhất là trong một khoảng thời gian đầu.

Có thể bạn muốn biết:

KINH TẾ THẾ GIỚI NĂM 2022 – 5 DIỄN BIẾN NỔI BẬT

 

Sinh viên thực hiện: Bùi Hạnh Trang

Mã sinh viên: 20050168

Mã học phần: INE 3104 4