7 NÉT ĐỘC ĐÁO TRONG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP CỦA NGƯỜI NHẬT BẢN

7 nét văn hóa doanh nghiệp của người Nhật

Văn hóa doanh nghiệp là nguồn tài sản quý giá. Có thể nói, đây chính là yếu tố quyết định sự trường tồn và phát triển theo thời gian của một chủ thể kinh doanh. Văn hóa doanh nghiệp cũng nhận được sự ảnh hưởng lớn từ nền văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia. Vậy, một nền kinh tế lớn như Nhật Bản sẽ có nét văn hóa doanh nghiệp nào đặc trưng?

Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin hấp dẫn về lĩnh vực Quản trị đa văn hóa, đa quốc gia, đồng thời chỉ ra 7 nét độc đáo trong văn hóa doanh nghiệp của Nhật Bản.

I. Khái niệm của Văn hóa doanh nghiệp

Edgar Schein cho rằng: Văn hóa doanh nghiệp hay văn hóa công ty là tổng hợp các quan niệm chung mà các thành viên trong công ty học được trong quá trình giải quyết các vấn đề nội bộ và xử lý với các môi trường xung quanh.

Dựa vào quan điểm của Edgar Schein, chúng ta có thể hiểu rằng: Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp. Nó trở thành các giá trị, quan niệm và tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp ấy. Đồng thời, nó cũng chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra.

Văn hóa quốc gia và văn hóa doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết với nhau. Cụ thể, văn hóa quốc gia chính là nền tảng của văn hóa doanh nghiệp, ảnh hưởng sâu sắc đến từng cá nhân là công dân của quốc gia ấy – cũng là ảnh hưởng đến từng thành viên của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, văn hóa quốc gia còn góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa riêng, đặc thù văn hóa cho từng doanh nghiệp.

II. Các dạng văn hóa doanh nghiệp

Về khía cạnh văn hóa tổ chức, theo nghiên cứu của Trompenaars, ông đã đề xuất việc sử dụng hai thể liên tục. Một cái phân biệt giữa cơ cấu ngang bằng và cơ cấu có thứ bậc, còn lại nghiên cứu định hướng về con người và nhiệm vụ.

 Hình 1. 4 loại hình văn hóa doanh nghiệp theo Trompenaars (1993)

Theo hai thể liên tục này, ông đã xác định và miêu tả 4 loại hình văn hóa tổ chức khác nhau, gọi là:

  • Văn hóa gia đình: Đây là dạng mô hình định hướng về quyền lực, người lãnh đạo như một người chủ gia đình có trách nhiệm chăm lo cho các thành viên, và đòi hỏi sự trung thành của các thành viên.
  • Văn hóa tháp Eiffel: Mô hình văn hóa này thiên về nhiệm vụ và tôn trọng thứ bậc. Mô hình doanh nghiệp như tòa tháp nhiều tầng, mỗi tầng có một nhiệm vụ riêng, phân cấp từ trên xuống dưới. Mỗi vị trí sẽ được quy định rõ ràng trong quy chế và bảng mô tả công việc để đảm bảo sự phân cấp vững chắc của tòa tháp. Các nhà lãnh đạo điều khiển dựa trên sự phối hợp và tổ chức dựa trên hiệu quả công việc.
  • Văn hóa tên lửa: Mô hình này thiên về nhiệm vụ và phân quyền. Do vậy, nó chú trọng đến sự bình đẳng ở nơi làm việc và định hướng vào công việc, tạo ra một môi trường làm việc năng động, sáng tạo và chấp nhận rủi ro.
  • Văn hóa lò ấp trứng: Mô hình này thiên về con người và bình đẳng. Vai trò của lò ấp là để các thành viên tự phát huy khả năng và tự tạo mối quan hệ. Nhân viên được thỏa sức sáng tạo mà không bị gò bó theo bất kì lề lối nào.

Tất nhiên trong thực tế không có một tổ chức nào hoàn toàn nằm ở trong số 4 phân loại này, song việc phân ra từng loại hình sẽ giúp cụ thể hóa về mức độ khác nhau giữa các cá nhân trong mối quan hệ học hỏi, suy nghĩ, động cơ và giải quyết vấn đề.

III. 7 nét độc đáo trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản

1. Triết lý kinh doanh trong văn hóa doanh nghiệp

Doanh nghiệp nào của Nhật Bản cũng sẽ có một triết lý kinh doanh. Điều này được hiểu là sứ mệnh tồn tại của doanh nghiệp ấy trong xã hội, trong sự nghiệp kinh doanh, đóng vai trò như hình ảnh của nó trong ngành và trong xã hội. Triết lý kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhật Bản có ý nghĩa như mục tiêu phát biểu, xuyên suốt, có ý nghĩa định hướng cho doanh nghiệp trong toàn quá trình phát triển.

Thông qua triết lý kinh doanh, doanh nghiệp tôn vinh một hệ giá trị chủ đạo, tự xác định được nền tảng cho sự phát triển, gắn kết mọi người và làm cho khách hàng biết đến doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp Nhật Bản sớm ý thức được tính xã hội hóa ngày càng tăng của hoạt động sản xuất kinh doanh nên triết lý kinh doanh còn đóng vai trò là thương hiệu, bản sắc của doanh nghiệp.

Ví dụ như triết lý kinh doanh của Công ty Điện khí Matsushita: “Tinh thần xí nghiệp phục vụ đất nước”. Doanh nghiệp Honda: “Không mô phỏng, kiên trì sáng tạo, độc đáo”. Và công ty Sony: “Sáng tạo là lý do tồn tại của chúng ta…”

2. Lựa chọn giải pháp tối ưu

Mọi mối quan hệ xung quanh doanh nghiệp như mối quan hệ với xã hội, khách hàng, đối tác thường nảy sinh nhiều mâu thuẫn về lợi ích, tiêu chí, đường lối. Để giải quyết vấn đề, doanh nghiệp Nhật Bản thường tìm cách mở rộng đường tham khảo giữa các bên, tránh gây ra những xung đột đối đầu. Các bên đều có thể đưa ra các quyết định trên tinh thần giữ chữ “Tình” đối với cơ sở hợp lý đa phương. Các quy định Pháp luật hay Quy chế của Doanh nghiệp được soạn thảo khá “lỏng lẻo” để dễ linh hoạt nhưng rất ít trường hợp chúng bị lạm dụng bởi một bên.

Lựa chọn giải pháp tối ưu
     Hình 2. Lựa chọn giải pháp tối ưu

3. Khéo léo trong đối nhân xử thế

Trong quan hệ, người Nhật bản chấp nhận người khác có thể mắc sai lầm nhưng luôn cho đối phương hiểu rằng điều đó không được phép lặp lại và tinh thần sửa chữa phải được thể hiện ở kết quả cuối cùng.

Mọi người đều có ý thức rõ ràng rằng không được xúc phạm người khác, cũng không cần buộc ai phải đưa ra những cam kết cụ thể. Nhưng những chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức doanh nghiệp đã tạo ra sức ép vô hình lên tất cả khiến mọi người phải xác định được bổn phận của mình nếu muốn có chỗ đứng trong tổ chức.

Điều này được thể hiện rõ ràng đến mức khi tiếp xúc với các nhân viên người Nhật, người nước ngoài sẽ cảm thấy họ tận tụy và kín kẽ, đến mức nếu có trục trặc gì thì lỗi rất ít khi là lỗi của người Nhật Bản. Người Nhật Bản có quy tắc bất thành văn trong khiển trách và phê bình như sau:

  • Người khiển trách là người có uy tín, được mọi người kính trọng và chính danh.
  • Không phê bình khiển trách tùy tiện, vụn vặt, chỉ áp dụng khi sai sót có tính hệ thống, gây lây lan, có hậu quả rõ ràng.
  • Phê bình khiển trách trong bầu không khí hòa hợp, không đối đầu, dựa trên nguyên tắc win – win.

4. Phát huy tính tích cực của nhân viên

Người Nhật Bản quan niệm: trong bất cứ ai cũng tồn tại 2 mặt tốt và xấu, tài năng dù ít nhưng đều ở đâu đó trong mỗi cái đầu, khả năng dù nhỏ nhưng đều nằm trong mỗi bàn tay, cái Tâm có thể còn hạn hẹp nhưng đều nằm trong mỗi trái tim. Nhiều khi còn ở dạng tiềm ẩn, hoặc do những cản trở chủ quan hoặc khách quan.

Vấn đề là doanh nghiệp Nhật Bản sẽ định vị giá trị của nhân viên bằng các chuẩn mực của tổ chức, tạo điều kiện làm việc thuận lợi, sẵn sàng cho họ tham gia vào việc đưa ra quyết định của công ty.

Người Nhật Bản quen với điều: sáng kiến thuộc về mọi người. Tích cực đề xuất ý kiến quan trọng không kém gì tính hiệu quả của nó, bởi vì đó là điều cốt yếu khiến mọi người luôn suy nghĩ cải tiến công việc của mình và của người khác. Người Nhật Bản quan niệm rằng: doanh nghiệp sẽ thất bại khi mọi người không có động lực và không tìm thấy chỗ nào họ có thể đóng góp.

5. Tổ chức sản xuất kinh doanh năng động và độc đáo

Tinh thần kinh doanh hiện đại là lấy thị trường làm trung tâm, xuất phát từ khách hàng và hướng tới khách hàng. Điều này thể hiện rất sớm trong phong cách cũng như đường lối kinh doanh Nhật Bản. Các doanh nghiệp lớn của Nhật chỉ chiếm không đến 2% trong tổng số doanh nghiệp, đại bộ phận là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng sự liên kết giữa chúng rất đa dạng và hiệu quả.

Đó là sự liên kết ngang giữa các công ty mẹ (loại lớn) nhằm phát huy lợi thế tuyệt đối của các công ty thành viên, tăng khả năng cạnh tranh vào thị trường lớn, với các đối thủ quốc tế. Dưới các công ty mẹ là những công ty con (vừa và nhỏ) liên kết theo chiều dọc nhằm phát huy các lợi thế tương đối của các công ty thành viên, khai thác lợi thế tiềm năng của thị trường tại chỗ, tăng lợi thế tuyệt đối cho công ty mẹ và uyển chuyển thích nghi khi có biến động kinh tế.

Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn đề cao chất lượng thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, cam kết kinh doanh, đi trước thị trường và kết hợp hài hòa các lợi ích. Cải tiến liên tục ở từng cá nhân, từng bộ phận trong các doanh nghiệp Nhật Bản để tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp và thỏa mãn khách hàng tốt hơn là mục tiêu phát triển của doanh nghiệp Nhật Bản.

6. Công ty như một cộng đồng

Doanh nghiệp Nhật Bản đề cao tinh thần chia sẻ trách nhiệm để gắn kết nhau hơn là chi phối nhau bằng hệ thống quyền lực. Họ quan niệm rằng tổ chức như một con thuyền vận mệnh, là một mái nhà chung, nên việc anh đóng góp gì cho tổ chức sẽ quan trọng hơn việc xuất thân của anh là ai. Tương tự vậy, người Nhật cũng sẽ gắn sự nghiệp và lộ trình công danh của họ với các chặng đường thành công của doanh nghiệp, sống vì doanh nghiệp, vui buồn với thăng trầm của doanh nghiệp.

Triết lý kinh doanh của doanh nghiệp cũng được hình thành trên cơ sở đề cao ý nghĩa cộng đồng và phù hợp với chuẩn mực xã hội, hướng tới những giá trị đẹp đẽ mà xã hội tôn vinh. Người Nhật cũng chú trọng tới tinh thần sẻ chia, lớp người trước sẽ dành sự dìu dắt cho thế hệ sau, lãnh đạo sẽ là tấm gương sáng cho nhân viên, khiến cho tinh thần cộng đồng ngày một bền chặt.

7. Công tác đào tạo và sử dụng người

Nguồn lực con người là yếu tố quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp – đây là điều đương nhiên trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản. Các doanh nghiệp khi hoạch định chiến lược luôn coi đào tạo nhân lực và sử dụng tốt con người là khâu trung tâm. Điều này được thể hiện ở việc doanh nghiệp Nhật Bản luôn có hiệp hội và quỹ học bổng dành cho sinh viên những ngành nghề mà họ quan tâm.

Công tác dùng người
  Hình 3. Công tác đào tạo và dùng người

 

Họ sẽ chủ động có kế hoạch nâng cấp trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên. Các hình thức đào tạo đều vô cùng đa dạng, chú trọng các hình thức đào tạo nội bộ mang tính thực tiễn cao.

Việc sử dụng người luân chuyển và đề bạt từ dưới lên cũng là một hình thức giúp cho nhân viên hiểu rõ yêu cầu và đặc thù của từng vị trí để họ xác định cách hiệp tác tốt với nhau. Cách thức ấy cũng khiến cho các tầng lớp, thế hệ hiểu nhau, giúp đỡ nhau và cho mọi người cơ hội gắn mình vào một lộ trình công danh rõ ràng trong doanh nghiệp.

IV. Kết luận

Doanh nghiệp Nhật Bản mạng nặng văn hóa gia đình. Nơi mà ở đó nhân viên sẽ nhận được phát triển, dìu dắt bởi những người lãnh đạo có tâm có tầm. Ưu điểm của văn hóa gia đình tại doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tạo nên sự gắn kết giữa các cá nhân bởi sự trung thành và truyền thống văn hóa.

Thành công sẽ được các doanh nghiệp xác định là giải quyết tốt các nhu cầu của khách hàng và chăm sóc nhân viên hạnh phúc. Văn hóa gia đình phù hợp với doanh nghiệp Nhật Bản bởi lẽ 98% doanh nghiệp tại đây là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở quy mô là những tập đoàn lớn, văn hóa doanh nghiệp này sẽ không còn phù hợp, và việc duy trì nó sẽ có rất nhiều khó khăn.

Những nét văn hóa doanh nghiệp của Nhật Bản vừa mang tính hiện đại, vừa mang đậm nét truyền thống của đất nước mặt trời mọc, nhờ vậy đã tạo nên một đặc trưng văn hóa doanh nghiệp vô cùng độc đáo.

 

> Tham khảo thêm 4 mô hình doanh nghiệp trên thế giới

> Tham khảo thêm Hội nhập văn hóa và bài học của 4 công ty đa quốc gia

> Tham khảo thêm 5 Bí kíp quản trị đa văn hoá tại doanh nghiệp hiệu quả

> Tham khảo thêm 3 kinh nghiệm “xương máu” khi đàm phán với đối tác Trung Quốc

Họ và tên: Hà Thị Thu Trang

Mã sinh viên: 20050169