Hợp đồng ngoại thương: 6 điều khoản không thể thiếu

Hợp đồng ngoại thương

Hợp đồng ngoại thương đóng vai trò rất to lớn trong quá trình hội nhập như hiện nay khi giao dịch trao đổi hàng hóa giữa các nước trên thế giới càng ngày càng phổ biến. Có thể nói rằng hợp đồng ngoại thương là chứng từ quan trọng nhất trong mua bán hàng hóa quốc tế, nhờ nó mà quan hệ mua bán giữa các bên và là căn cứ pháp lý để giải quyết các tranh chấp xảy ra. Vì vậy, hiểu về hợp đồng ngoại thương là gì, vấn đề liên quan đến hợp đồng, các điều khoản cần có của hợp đồng ngoại thương là điều vô cùng cần thiết trong ngành xuất nhập khẩu.

Hợp đồng ngoại thương là gì?

Hợp đồng ngoại thương hay hợp đồng xuất nhập khẩu là sự thỏa thuận giữa các bên có trụ sở kinh doanh ở các nước khác nhau, theo đó một bên là Bên xuất khẩu (Bên bán) có nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu hàng hóa sang cho Bên nhập khẩu (bên mua). Bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán tiền.

Nguồn: Vũ Hữu Tửu (2006)

Điều kiện hiệu lực của hợp đồng ngoại thương

Để hợp đồng ngoại thương có được hiệu lực thì cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

  • Chủ thể của hợp đồng ngoại thương là các bên ( bên mua và bên bán) phải có đủ tư các pháp lý.
  • Hàng hóa trong hợp đồng ngoại thương là hàng hóa được phép mua bán theo quy định pháp luật của nước cả hai bên
  • Hợp đồng ngoại thương có các nội dung chủ yếu bao gồm: Tên hàng/ Số lượng/ Quy cách chất lượng/ Giá cả/ Điều kiện giao hàng/ Phương thức thanh toán
  • Hình thức của hợp đồng ngoai thương phải bằng văn bản

Điểm khác biệt giữa hợp đồng ngoại thương và hợp đồng mua bán khác là gì?

Trước hết phải khẳng định rằng hợp đồng ngoại thương là một hợp đồng mua bán hàng hóa. Nó có đầy đủ những đặc điểm như mọi hợp đồng mua bán khác. Sự khác nhau cơ bản nhất là ở chỗ hợp đồng mua bán hàng ngoại thương có YẾU TỐ QUỐC TẾ, được thể hiện qua:

  • Chủ thể của hợp đồng : các bên ký kết là những người có quốc tịch khác nhau. Đây là đặc trưng quan trọng nhất của yếu tố quốc tế
  • Đối tượng của hợp đồng: hàng hóa phải qua biên giới, hoặc người nước ngoài dùng, ở lãnh thổ nước bán hàng (sứ quán, công trình đầu tư nước ngoài)
  • Đồng tiền thanh toán: phải là ngoại tệ đối với một trong hai bên hoặc đối với cả hai

Nguồn luật điều chỉnh hợp đồng ngoại thương

Trong khi các chủ thể của hợp đồng mua bán trong nước chịu sự điều chỉnh của luật trong nước, các nguồn luật điều chỉnh hợp đồng ngoại thương gồm có:

  • Điều ước quốc tế, công ước, các hiệp định do các nguyên thủ quốc gia của các bên tham gia hợp đồng ký và được quốc hội phê chuẩn.
  • Luật quốc gia: có thể áp dụng luật nước người bán, luật nước người mua hoặc luật của một nước thứ 3 do hai bên tham gia hợp đồng quy định hoặc do tòa quyết định.
  • Tập quán thương mại là những thói quen được hình thành trong thương mại. 

Bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên nên các bên hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn nguồn luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng của mình.

Hợp đồng ngoại thương - tập quán quốc tế
Incoterms ( International Commercial Terms) –  bộ các quy tắc thương mại quốc tế được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Khi các bên lựa chọn luật quốc gia điều chỉnh quan hệ ngoại thương cần chú ý các nguyên tắc sau:

  • Không trái luật pháp của nhà nước
  • Không hạn chế năng lực pháp lý và năng lực hành vi của chủ thể
  • Không làm phương hại đến lợi ích của nhà nước

Bố cục của một hợp đồng ngoại thương

Bạn sẽ thường nhìn thấy cấu trúc của hợp đồng bao gồm những phân như sau:

(1) Tên hợp đồng

(2) Địa điểm, ngày tháng năm

(3) Phần mở đầu:

  • Cơ sở pháp lý ký kết hợp đồng ngoại thương
  • Các bên ký hợp đồng: tên đơn vị, địa chỉ, điện thoại, fax, tên và chức vụ cử người đại diện lý hợp đồng
  • Các định nghĩa có liên quan

(4) Các điều khoản cam kết cụ thể có trong hợp đồng ngoại thương

  • Các điều khoản bắt buộc 
  • Các điều khoản tùy ý

(5) Phần ký kết: các bên ( bên mua bên bán ký vào hợp đồng ngoại thương)

 

 

Hợp đồng ngoại thương: Mẫu hợp đồng thực tế
Hợp đồng ngoại thương thực tế

 

6 ĐIỀU KHOẢN BẮT BUỘC CẦN CÓ TRONG HỢP ĐỒNG NGOẠI THƯƠNG

Trong hợp đồng ngoại thương, phần nội dung chính là các điều khoản cụ thể mà các bên cam kết. Các điều khoản này lại được chia thành hai loại bao gồm: Điều khoản bắt buộc phải được quy định trong hợp đồng ngoại thương và điều khoản túy ý nhằm đảm bảo thêm tính đầy đủ của hợp đồng:

#1 Điều khoản về tên hàng hóa (Commodity) 

Đây là điều khoản cực kì quan trọng không chỉ trong hợp đồng ngoại thường mà trong mọi đơn hàng, thư hỏi hàng. Điều khoản này xác định đối tượng mua bán của hợp đồng (subject of contract) nên các bên luôn tìm cách diễn đạt chính xác tên hàng hóa trong hợp đồng. 

Tên hàng hóa thường được biểu đạt theo những cách dưới đây:

  • Tên thương mại của hàng hóa kèm tên thông thường và tên khoa học: Cooking oil Neptune, Urea fertilizer (Đạm Urê)
  • Tên hàng kèm theo tên địa phương sản xuất ra hàng hóa: thủy tinh Bohemia,..
  • Tên hàng kèm theo tên nhà sản xuất: xe máy Honda, xe hơi Toyota,..
  • Tên hàng kèm theo quy cách chính của hàng hóa: TV màn ảnh màu 32 inches
  • Tên hàng kèm theo công dụng: xe nâng hàng
  • Tên hàng kèm theo số hiệu hạng mục của hàng đó trong danh mục của Bảng phân loại và mã hóa hàng hóa (HS): Motor điện, mục 100.101
  • Kết hợp giữa nhiều cách ghi: Smart Tivi Samsung Crystal 4K 50 inch

|Tìm hiểu thêm: HS code là gì? Cách tra mã HS code chính xác nhất

Hợp đồng ngoại thương - HS CODE
“Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa” (HS code)

 

#2 Điều khoản về quy cách phẩm chất hàng hóa  (Quality) 

Điều khoản về phẩm chất nói lên mặt “chất” của hàng hóa bao gồm tính năng, quy cách, kích thước, tác dụng, công suất, hiệu suất,v.v Để quy định chính xác phẩm chất hàng hóa, thông thường sẽ có 2 phương pháp chính: 

Xác định dựa và hàng thực, hàng mẫu: thỏa thuận dựa vào chất lượng thực tế của hàng hóa (actual quality) và dựa vào mẫu hàng (by sample). 

Mua bán dựa theo mẫu hàng mẫu (sale by sample) có mấy loại sau:

  • Hàng mẫu của bên bán
  • Hàng mẫu của bên mua
  • Hàng mẫu đối đẳng
  • Hàng mẫu tham khảo

Dùng thuyết minh mô tả để định chất lượng, gồm có một vài phương pháp:

  • Dựa vào tiêu chuẩn hoặc phẩm cấp
  • Dựa vào điều kiện kỹ thuật (với máy, thiết bị)
  • Dựa vào mẫu hàng
  • Dựa vào chất lượng trung bình hợp lý – F.A.Q
  • Dựa vào hiện trạng của hàng hóa – hàng “như thế đấy”
  • Dựa vào nhãn hiệu hàng hóa
  • ….

|Tìm hiểu thêm để rõ hơn: Điều khoản quy cách phẩm chất hàng hóa

#3 Điều khoản về số lượng (Quantity) 

Xác định mặt “lượng” của hàng hóa được giao dịch cũng hết sức quan trọng. Khi quy định điều khoản về số lượng hóa hóa trong hợp đồng ngoại thương cần quan tâm đến các vấn đề sau:

Đơn vị tính số lượng, trên thế giới có hai hệ thống đo lường quốc tế: 

  • Hệ đo lường mét hệ 
  • Hệ đo lường Anh – Mỹ

Phương pháp quy định số lượng: 

  • Quy định cụ thể số lượng (VD: 100 chiếc ô tô) 
  • Quy định phỏng chừng cho phép có một khoảng chênh lệch là dung sai. Đặc biệt là đối hàng hóa như lươmg thực, gạo, dầu khó xác định ngay số lượng nên phải dùng “khoảng chừng hoặc hơn hay kém”.

Phương pháp xác định khối lượng: 

  • Khối lượng cả bì (gross weight)
  • Khối lượng tịnh (net weight)
  • Khối lượng thương mại (commercial weight) 
  • Khối lượng lý thuyết

#4 Điều khoản về giá cả (Price) 

Có thể nói là điều khoản về giá cả quan trọng nhất của hợp đồng ngoại thương. Mọi điều khoản khác trong hợp đồng có thể dễ dàng thương lượng nhưng với điều khoản này các bên đều không muốn nhượng bộ nên thường rất thận trọng đối với điều khoản này. Thông thường các bên phải thống nhất những nội dung sau: 

Đồng tiền tính giá:

  • Của Nước xuất khẩu / Nước nhập khẩu / Nước thứ ba.
  • Thường thống nhất chọn đồng tiền mạnh: USD, JPY, EUR, GBP.

Phương pháp tính giá:

  • Giá cố định
  • Giá linh hoạt
  • Giá quy định sau
  • Giá di động

Điều kiện cơ sở giao hàng có liên quan tới giá cả

Xác định mức giá: Đơn giá theo điều kiện cơ sở giao hàng tương ứng.

VD: 300 USD/MT theo điều kiện FOB Hải Phòng Incoterms 2010

Giảm giá để kích thích tiêu thụ

  • Theo nguyên nhân giảm giá: Giảm giá do trả tiền sớm, giảm giá thời vụ, giảm giá do mua số lượng lớn,…
  • Theo cách tính: giảm giá đơn, giảm giá kép, giảm giá lũy tiến,..

#5 Điều khoản về điều kiện giao hàng  (Shipment) 

Điều khoản về điều kiện giao hàng cũng nằm trong nhóm điều khoản bắt buộc trong hợp đồng ngoại thương vì nó sẽ ràng buộc các bên hoàn thành trách nhiệm của mình đối với đối phương. Chỉ khi nào bên bán giao hàng xong mới có thể nhận được tiền và bên mua mới có cơ sở để nhận hàng như mong muốn. Nếu không có điều khoản này, hợp đồng mua bán coi như không có hiệu lực.

Nội dung cơ bản của điều kiện giao hàng bao gồm:

Thời hạn giao hàng (Time of shipment/Shipment time)

  • Thời hạn giao hàng có định kỳ: giao vào một ngày cố định, bằng khoảng thời gian như quý, tháng,..
  • Thời hạn giao hàng ngay: Giao nhanh, giao lập tức, giao càng sớm càng tốt,..
  • Thời hạn giao hàng không định kỳ: giao sau khi nhận được L/C, giao khi nhận được giấy phép xuất khẩu,..

Địa điểm giao hàng (place of shipment): Việc lựa chọn địa điểm giao hàng có liên quan chặt chẽ đến phương thức chuyên chở và điều kiện cơ sở giao hàng, ví dụ như: FOB Sài gòn Incoterms 2020. Tuy nhiên, nhiều điều kiện cơ sở không xác định cảng đi (CIF) và các bên giành giật lợi thế về mình nên cần có thêm quy định về địa điểm:

  • Quy định cảng (ga) giao hàng, cảng (ga) đến, cảng (ga) thông qua
  • Quy định cảng (ga) khẳng định và cảng (ga) lựa chọn

Phương thức giao hàng

  • Có cho phép chuyển tải hay không (Transhipment)
  • Giao hàng toàn bộ hay giao hàng từng phần (Partial shipment)
  • Giao hàng một lần hay giao hàng nhiều lần (Shipment by Instalment)

#6 Điều khoản về thanh toán (Payment) 

Tại sao nói điều khoản về thanh toán cũng rất quan trọng trong hợp đồng ngoại thương? – Điều khoản này được hai bên quan tâm nhiều nhất vì nó liên quan mật thiết đến lợi ích các bên. Nó sẽ bao gồm các nội dung sau:

 

Hợp đồng ngoại thương - phương thức L/C
Letter of Credit-L/C được cho là phương thức thanh toán quốc tế an toàn nhất cho người bán và người mua

Điều kiện về tiền tệ

Phân loại tiền tệ

  • Phạm vi sử dụng: Tiền tệ thế giới, Tiền tế quốc tế, và Tiền tệ quốc gia
  • Sự chuyển đổi tiền tệ: Tiền tệ tự do chuyển đổi, Tiền tệ chuyển nhượng và Tiền tệ clearing
  • Hình thức tồn tại của tiền tệ: Tiền mặt, và Tiền tín dụng
  • Mục đích sử dụng tiền tệ: Tiền tệ tính toán và Tiền tệ thanh toán

Yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng đồng tiền thanh toán?

  • So sánh lực lượng của hai bên mua và bán
  • Vị trí của đồng tiền đó trên thị trường quốc tế
  • Tập Quán sử dụng đồng tiền thanh toán 
  • Đồng tiền thanh toán thống nhất trong các khu vực kinh tế thế giới

Lợi thế của việc sử dụng đồng tiền của nước mình thanh toán:

  • Nâng cao địa vị của đồng tiền đó
  • Không phải dùng đến ngoại tệ để trả nợ 
  • Tránh rủi ro tỷ giá hối đoái 
  • Tạo điều kiện tăng thêm xuất khẩu hàng

Điều kiện đảm bảo ngoại hối

  • Điều kiện đảm bảo vàng
  • Điều kiện đảm bảo ngoại hối
  • Điều kiện đảm bảo theo rổ tiền tệ
  • Điều kiện đảm bảo căn cứ vào tiền tệ quốc tế

Điều kiện thời gian thanh toán 

Điều kiện này liên quan chặt chẽ với việc luân chuyển vốn, và sự biến động và rủi ro về tỷ giá

Quy định về thời gian thanh toán gồm:

  • Thời gian trả tiền trước (Payment in advance)
  • Trả tiền ngay
  • Trả tiền sau
  • Trả tiền hỗn hợp

Điều kiện phương thức thanh toán 

Căn cứ vào chứng từ thanh toán

Không phụ thuộc vào chứng từ hàng hóa

Phụ thuộc vào chứng từ hàng hóa

  • Chuyển tiền (Remittance)
  • Ghi sổ (Open Accounts)
  • Nhờ thu hối phiếu trơn (Clean collection)
  • Nhận hàng trả tiền (Cash on Delivery –COD)
  • Nhờ thu kèm chứng từ (Documentary Collection)
  • Tín dụng chứng từ (Documentary Credit–L/C)


Căn cứ vào tính chất pháp lý điều chỉnh

Có tập quán điều chỉnh

Không có tập quán điều chỉnh

  • Nhờ thu (Documentary Collection)
  • Tín dụng chứng từ (Documentary Credit–L/C)
  • Chuyển tiền (Remittance)
  • Ghi sổ (Open Accounts)
  • Trả trước
  • Nhận hàng trả tiền (Cash on Delivery –COD)
  • Thư ủy thác mua

 

Hợp đồng ngoại thương - nhờ thu
Phương thức thanh toán nhờ thu được điều bởi URC 522 (Quy tắc thống nhất về nhờ thu)

Chứng từ Thanh toán

Bên bán để nhận được tiền thanh toán từ bên mua phải xuất trình là đầy đủ và hợp lệ  những chứng từ chứng minh việc đã giao hàng cho người vận tải như hai bên đã thoả thuận.  Những chứng từ  thanh toán mà bên bán gửi thường bao gồm:

  • Hối phiếu (Bill of Exchange)
  • Vận tải đơn (Bill of Lading/Airwaybill/Railwaybill…)
  • Hoá đơn bán hàng (Commercial Invoice)
  • Bảng kê chi tiết hàng hoá (Packing List)
  • Giấy chứng nhận số lượng, chất lượng hàng hoá thực giao (Certificate of Quantity/Certificate of Quality)
  • Giấy chứng nhận bảo hiểm do công ty bảo hiểm cấp (nếu bán hàng theo giá CIF hoặc CIP).
  • Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá  (Certificate of Origin – C/O)
  • Giấy chứng nhận kiểm tra, giám định hàng hoá (khi hàng hoá là thực phẩm, thuốc chữa bệnh, máy móc – thiết bị…)
  • Giấy phép xuất nhập khẩu, nếu là hàng chịu sự quản lý của nhà nước
hợp đồng ngoai jthương - bộ chứng từ
Bộ chứng từ thanh toán

# Các điều khoản tùy ý trong hợp đồng ngoại thương

  • Warranty: bảo hành hàng hóa (nếu có)
  • Packing & Marking: quy cách đóng gói, và ghi nhãn hiệu hàng hóa
  • Insurance: Bảo hiểm
  • Force Majeure: bất khả kháng
  • Claim: khiếu nại
  • Arbitration: trọng tài
  • Other conditions: các quy định khác
  • Termination of the contract: chấm dứt hợp đồng
  • Patent right: vi phạm bản quyền
  • Installation – Test run – Commissioning – Tranning: Lắp đặt – Chạy thử – Nghiệm thu- Đào tạo

Lời kết

Quan hệ trao đổi hàng hóa quốc tế ngày càng được phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Hợp đồng ngoại thương là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng để hoạt đồng trao đổi hàng hóa diễn ra thuận lợi và đạt được kết quả. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích về hợp đồng ngoại thương và các nội dung quan trọng không thể thiếu khi soạn thảo một hợp đồng ngoại thương!

Có thể bạn cũng quan tâm

7 bước để hốt bạc trên sàn thương mại điện tử Shopee: Tiềm năng của mô hình kinh doanh Dropshipping trên Shopee

TikTok Marketing – Bật mí top 4 cách marketing cho doanh nghiệp trên “Vùng đất hứa” của tiếp thị trực tuyến

Biến động giá trị kinh hoàng của Bitcoin 2021: Bong bóng kinh tế hay Sự đầu tư

Người thực hiện

Bùi Thanh Thảo – 18050573