Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa thì thương mại quốc tế đang được các nước chú trọng. Điều này kéo theo yêu cầu phát triển của các phương thức thanh toán quốc tế. Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ hay L/C (Letter of Credits) được coi là một trong những phương thức thanh toán ít rủi ro nhất cho các bên liên quan. Sau đây, mời quý độc giả dành 5 phút để tìm hiểu những điều cơ bản về phương thức này
Nội dung bài viết
1. Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ
Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ là một phương thức thanh toán mà ngân hàng sẽ phát hành một bức thư tín dụng (Gọi là thư tín dụng hay L/C) nhằm cam kết trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu cho một bên thứ 3 khi người này xuất trình được bộ chứng từ cho ngân hàng phù hợp với những điều kiện, điều khoản quy định trong thư tín dụng.
2. L/C là gì? Khái niệm L/C
Thư tín dụng hay L/C là một bức thư do ngân hàng phát hành theo yêu cầu của một doanh nghiệp (Bên nhập khẩu). Ngân hàng sẽ cam kết trả tiền cho người được thanh toán một số tiền nhất định trong khoảng thời gian nhất định với điều kiện người này thực hiện đúng và đầy đủ những điều khỏan trong thư đó.
Như vậy từ định nghĩa của L/C ta có thể thấy rằng L/C lời lời cam kết và trách nhiệm của ngân hàng là việc thanh toán sẽ chắn chắn được thực hiện và Cơ sở của thanh toán là chứng từ.
L/C thể hiện nghĩa vụ giữa người hưởng và ngân hàng không phụ thuộc vào mối quan hệ giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu. Và ngân hàng chỉ trả tiền cho người hưởng căn cứ vào bộ chứng từ do người xuất khẩu trình.
3. Quy trình thanh toán L/C
Sau khi 2 bên nhà xuất khẩu và nhập khẩu kí hợp đồng thương mại, Nhà nhập khẩu sẽ căn cứ vào hợp đồng thương mại và làm phiếu yêu cầu phát hành L/C và gửi lên Ngân hàng Phát hành L/C (Mẫu phiếu L/C của ngân hàng tham khảo tại Mẫu phiếu phát hành L/C của Vietcombank) .Mỗi ngân hàng sẽ có những loại giấy tờ kèm theo, tuy nhiên những loại giấy tờ thường kèm theo bao gồm: Hợp đồng nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, giấy chứng nhận đăng kí mã số nhập khẩu và phương án kinh doanh với mặt hàng nhập khẩu.
Ngân hàng phát hành sẽ xem xét các điều kiện về giấy tờ, nội dụng L/C và yêu cầu công ty kí quỹ (100%, dưới 100% hay không cần kí quỹ tùy vào mối quan hệ, uy tín, số dư tài khoản tài sản của doanh nghiệp…) từ đó đưa ra quyết định phát hành L/C dựa theo mẫu của ngân hàng (theo tiêu chuẩn của ICC) hoặc theo hệ thống SWIFT và cân nhắc các điều kiện rang buộc, tôn trọng hợp đồng XNK.
Sau đó vì người xuất khẩu là công ty nước ngoài nên ngân hàng phát hành L/C sẽ gửi tới ngân hàng bên nước ngoài (Có thể là ngân hàng chi nhanh bên nước ngoài hoặc ngân hàng đã có mối quan hệ làm ăn) để thông báo “nguyên văn” L/C đến người xuất khẩu.
Người xuất khẩu sau khi nhận được thông L/C sẽ quyết định đồng ý L/C hay yêu cầu cần chỉnh L/C . Sau khi đã chấp nhận L/C người bán sẽ thực hiện giao hàng và chuẩn bị các chứng từ gửi hàng phù hợp với nội dung L/C. Người bán phải chuẩn bị đúng chứng từ mà L/C yêu cầu để có thể nhận được tiền từ ngân hàng phát hành vì phương thức thanh toán này chỉ thanh toán trên cơ sở là chứng từ. Sau khi có đầy đủ, người xuất khẩu sẽ gửi bộ chứng từ cho ngân hàng thông báo để ngân hàng thông báo chuyển lại cho ngân hàng phát hành.
Sau khi nhận được bộ chứng từ từ người xuất khẩu. Ngân hàng tiến hành các bước kiểm định bộ chứng từ bao gồm các bước về số loại chứng từ, số lượng chứng từ và tính chính xác về nội dung của chứng từ. Nếu bộ chứng từ hợp lệ, ngân hàng phát hành L/C sẽ thanh toán tiền cho bên xuất khẩu thông qua ngân hàng thông báo. Số tiền thanh toán có thể là do người xuất khẩu trả khi yêu cầu phát hành L/C hoặc có thể là do ngân hàng phát hành cho người xuất khẩu vay.
Nếu bộ chứng từ không hợp lệ thì ngân hàng cần thông báo cho nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Các lỗi có thể xảy ra bao gồm lỗi có thể sửa chữa và không thể sửa chữa. Các lỗi có thể sửa chữa bao gồm: Lỗi đánh máy, xuất trình thiếu số lượng, ghi sai điều kiện …. Các lỗi không thể sửa chữa: Trễ hẹn L/C, giao hàng chậm, giao hàng thiếu….
Ngân hàng phát hành có thể xử lí các lỗi bằng cách yêu cầu nhà xuất khẩu liên hệ với nhập khẩu đàm phán sửa lại về L/C, thương lượng chứng từ với điều kiện bảo lưu hoặc gửi chứng từ trên cơ sở nhờ thu (Xem phương thức nhờ thu tại:Nhờ thu )
Ngân hàng phát hành sau khi nhận bộ chứng từ yêu cầu người phát hành thanh toán số tiền và sẽ giao bộ chứng từ cho bên nhà nhập khẩu để nhận hàng hóa, bởi bộ chứng từ chứng minh người có bộ chứng từ là chủ sở hữu của hàng hóa đó. Người bán muốn nhận được bộ chứng từ phải trả tiền cho ngân hàng hoặc thực hiện các khoản tín dụng tại ngân hàng.
4. Một số rủi ro khi thanh toán LC
Mặc dù trong các thanh toán quốc tế, Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ được coi là một trong những phương thức an toàn và có lợi cho các bên. Tuy nhiên hình thức này có thể tồn tại một số rủi ro:
4.1 Rủi ro đối với nhà xuất khẩu
Rủi ro từ Bộ chứng từ: Bộ chứng từ do người thụ hưởng thành lập có thể mắc phải các lỗi như sai chính tả, sai tên, địa chỉ, sai số lượng hay những sai sót lớn hơn như thiếu loại chứng từ, nội dung giữa các chứng từ không thống nhất vơi nhau, hối phiếu sai biệt…
Rủi ro từ người nhập khẩu: Người nhập khẩu có thểcấu kết với những cá nhân hay tổ chức phi ngân hàng lập nên những bộ chứng từ giả để lừa đảo chiếm đoạt hàng mà không ra tiền.
Rủi ro do thiếu kinh nghiệm: rủi ro như hàng giao không đúng quy định về chất lượng, chủng loại, thời hạn giao hàng, xuất trình chứng từ muộn, chọn sai cảng bốc dỡ, sai hãng vận tải,…
Rủi ro phi chứng từ: Một số L/C có quy định những loại giấy tờ được coi là phi chứng từ. Ví dụ như ngân hàng có thể yêu cầu vận đợn phải đến trước khi hàng cập cảng , nhưng không có loại giấy tờ nào có thể chứng minh rằng vận đơn đã đến trước khi tàu cập cảng. Vì vậy khi chấp nhận những loại giấy tờ này người xuất khẩu có thể gặp hoàn toàn rủi ro.
4.2 Rủi ro đối với những ngân hàng phát hành
Rủi ro khi kiểm tra sự chính xác của bộ chứng từ. Khi người hưởng trình bộ chứng từ tới ngân hàng phát hành, ngân hàng phát hành có trách nhiệm kiểm tra bộ chứng từ để quyết định trả nếu bộ chứng từ hoàn hảo hay từ chối bộ chứng từ nếu bộ chứng từ sai biệt. Vì vậy, ngân hàng phát hành phải đánh giá chính xác tình trạng bộ chứng từ. Nếu xác định sai sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho ngân hàng phát hành.
Rủi ro tín dụng khi người nhập khẩu mất khả năng chi trả. Khi phát hành thư tín dụng, ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho người nhập khẩu vì thông thường thư tín dụng được phát hành với mức ký quỹ dưới 100%. Rủi ro tín dụng đối với ngân hàng phát hành xảy ra khi người nhập khẩu mất khả năng thanh toán hoặc bị phá sản, ngân hàng phát hành phải thực hiện thanh toán cho người hưởng theo quy định của thư tín dụng nhưng không có khả năng đòi tiền bồi hoàn trả từ người nhập khẩu.
5. Cơ sở pháp lý của thanh toán tín dụng chứng từ:
UCP là tên viết tắt của Uniform Customs and Practice for Documentary Credits – Quy tắc thực hành thống nhất tín dụng chứng từ được ICC biên soạn và công bố được khuyến khích sử dụng trong phương thức tín dụng chứng từ. UCP chỉ là tập quán thương mại quốc tế không phải là luật, mang tính chất pháp lý tùy ý và đồng thuận. Các bên có thể lựa chọn nguyên tắc phù hợp để áp dụng. Khi 2 bên đồng ý tuân theo UCP và có ghi trong hợp đồng thì các bên khi xảy ra tranh chấp sẽ sử dụng UCP để giải quyết các tranh chấp.
Tham khảo nội dung UCP 600 tại đây: UCP 600
Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ được coi là một trong những phương thức đem lại ít rủi ro cho các bên liên quan. Ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hóa, thương mại quốc tế phát triển – phương thức thanh toán L/C đang được sửu dụng rất nhiều trong giao dịch thương mại quốc tế. Hy vọng bài viết đã cung cấp phần nào cho người đọc những kiến thức cơ bản về L/C.
Ngoài phương thức thanh toán tín dụng chứng từ còn rất nhiều phương thức thanh toán quốc tế khác như nhờ thu, hay hối phiếu … quý đọc giả có thể tham khảo tại:Hối phiếu, Phương thức nhờ thu
Người thực hiện:
Nguyễn Hữu Chuyên
Mã sinh viên: 18050417
Lớp: INE3104 2