Nội dung bài viết
Khái niệm
Nền kinh tế xanh, tiếng anh là Green economy, là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên (theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc – 2010)
Kinh tế xanh là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội.
Xu hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam
Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là lợi thế sẵn có cho Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới xây dựng một “nền kinh tế xanh” phát triển bền vững.
Nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, các bon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi và bảo vệ môi trường. Trên thực tế hiện nay, công nghệ sản xuất ở Việt Nam so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, lạc hậu tiêu hao năng lượng lớn, vì vậy, việc thay đổi công nghệ mới và các dụng cụ bảo vệ môi trường, phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ.
Tuy đã có một số lĩnh vực sản xuất thân thiện với môi trường được chú ý phát triển nhưng gặp khó khăn về nguồn vốn, đầu ra của sản phẩm thiếu ổn định, lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận thấp nên vẫn chưa hình thành được những ngành kinh tế đủ mạnh để giải quyết có hiệu quả các vấn đề môi trường hiện nay.
Thứ ba, cơ chế chính sách thực hiện “nền kinh tế xanh” ở Việt Nam hiện nay gần như chưa rõ ràng, trong khi trên thế giới cũng mới đề xuất hướng tiếp cận. Việc rà soát lại cơ chế chính sách liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới nền “kinh tế xanh” là thách thức không nhỏ.
Thứ tư, mặc dù Việt Nam có chủ trương hướng tới một nền công nghiệp xanh, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế thấp nhất sản xuất gây ô nhiễm môi trường, nhưng việc thực hiện còn mang tính lẻ tẻ, chưa đồng bộ, do khu vực này chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển rõ ràng theo hướng xanh.
Nguyên nhân
Những tồn tại, hạn chế trên do một trong những nguyên nhân sau:
– Nhận thức của các doanh nghiệp và người dân về ô nhiễm và bảo vệ môi trường còn hạn chế. Việc lạm dụng phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc kháng sinh, các chất cấm,… trong sản xuất nông nghiệp đang diễn ra là thực trạng đáng báo động trong vấn đề an toàn thực phẩm.
– Công tác tuyên truyền, truyền thông về thực hành kỹ thuật xanh trong cộng đồng còn nhiều mặt hạn chế; công tác đào tạo sản xuất sạch cho cán bộ địa phương, doanh nghiệp và nông dân chưa được chú trọng; triển khai ứng dụng cá hoạt động kỹ thuật xanh vào sản xuất còn phân tán, dàn trải và thiếu sự phối hợp.
– Thiếu sự liên kết và liên kết thiếu tính cam kết giữa các tác nhân từ quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản xuất nông nghiệp xanh.
– Doanh nghiệp và người dân chậm áp dụng các quy trình công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả,…; áp dụng tái xử lý phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ chưa nhiều.
– Công tác quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp hữu cơ, bền vững còn chậm, chưa quyết liệt. Quản lý nhà nước về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất đảm bảo môi trường của doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ, còn nhiều yếu kém.
– Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh mà trọng tâm là tăng trưởng xanh, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng xã hội các bon thấp, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn giảm nghèo và phục hồi môi trường là vấn đề lớn đặt ra.
– Phát triển thiếu các ngành kinh tế hỗ trợ, kinh tế công nghệ cao sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, kinh tế môi trường, như: Công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, công nghiệp tái sử dụng và tái chế chất thải, sản xuất năng lượng từ chất thải, năng lượng tái tạo,…
– Nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ chủ yếu là sản xuất tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, sản xuất tự phát còn xảy ra phổ biến.
Giải pháp
Một là, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ,… ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên; đẩy mạnh liên kết để phát triển nông nghiệp xanh, phát triển bền vững; xây dựng, phát triển và tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Trồng rừng, phát triển diện tích trồng rừng theo quy hoạch của tỉnh; chăm sóc, bảo vệ, bảo tồn và sử dụng bền vững rừng và đất lâm nghiệp hiện hữu; phục hồi rừng phòng hộ.
Hai là, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghiệp sạch, kiến tạo công nghệ xanh. Xây dựng và phát triển mạnh các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu truyền thống sang nhiên liệu sinh học, khí thiên nhiên và năng lượng điện; cải tiến, phát triển và áp dụng công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển và áp dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu xanh trong lĩnh vực nhà ở và thương mại.
Bốn là, phát triển các loại hình du lịch sinh thái; chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng hóa; tái cơ cấu thị trường vận tải; chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các phương tiện giao thông.
Năm là, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn: Vốn đầu tư trung hạn đầu tư các dự án trọng điểm, dự án đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng và thực hiện các chính sách; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất – kinh doanh; các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, thực hiện theo quy định hiện hành.
Những bài viết liên quan – có thể độc giả quan tâm:
Tác giả
Sinh viên: Nguyễn Mai Anh
Mã sinh viên: 18040213
Lớp: 2022-INE3104-4