Kinh doanh quốc tế đang là một ngành được nhiều bạn trẻ theo học trong những năm gần đây. Đây là một ngành học có khá nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường. Nếu bạn chưa biết, học kinh doanh quốc tế ra trường làm gì? Hãy cùng Clibme, tìm hiểu về 5 cơ hội việc làm cho sinh viên ngành kinh doanh quốc tế năm 2022!
Nội dung bài viết
Ngành kinh doanh quốc tế là gì?
Ngành Kinh doanh là ngành có các hoạt động liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc tạo ra các giá trị và tiến hành trao đổi vì lợi ích của các bên liên quan. Kinh doanh Quốc tế là các hoạt động trao đổi, giao dịch diễn ra giữa các quốc gia. Đây là lĩnh vực mang tính toàn cầu và hội nhập rất cao. Ngành Kinh doanh Quốc tế rất đa dạng. Các lĩnh vực chuyên sâu có thể kể đến như: Xuất nhập khẩu, Logistic, Hoạch định tài chính quốc tế, Tư vấn đầu tư quốc tế.
Ngành kinh doanh quốc tế học gì?
Ngành kinh doanh quốc tế cung cấp cho sinh viên kiến thức từ cơ bản về kinh doanh là gì cho đến chuyên sâu trong hoạt động kinh doanh giữa các quốc gia, chẳng hạn như:
- Những nguyên tắc về quản trị đa văn hóa
- Nguyên tắc cơ bản về tài chính
- Quản trị Logistic và xuất nhập khẩu
- Phân tích chiến thuật và hoạch định chiến lược kinh doanh quốc tế
- Đầu tư quốc tế và phát triển kinh tế
- Luật kinh doanh quốc tế
- Marketing quốc tế
- Thương mại điện tử
- Thanh toán quốc tế
Một số hình thức hoạt động trong kinh doanh quốc tế phải kể đến như:
- Sự luân chuyển hàng hóa giữa các quốc gia (xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại)
- Thỏa thuận hợp đồng cho phép các công ty nước ngoài sử dụng sản phẩm, dịch vụ và quy trình từ các quốc gia khác (cấp phép, nhượng quyền thương mại)
- Sự hình thành và hoạt động của các cơ sở bán hàng, sản xuất, nghiên cứu và phát triển và phân phối ở thị trường nước ngoài
Bên cạnh đó, ngành này còn giúp sinh viên phát triển kỹ năng thực hành như học cách phát triển kinh doanh thị trường quốc tế thông qua ứng dụng các kênh thương mại điện tử, những kiến thức về đa văn hóa, trau dồi ngoại ngữ thành thạo…
Tại sao nên học kinh doanh quốc tế?
Ngành kinh doanh quốc tế là một ngành vô cùng năng động và thu hút lượng học sinh sinh viên theo đuổi ngành này rất nhiều. Cùng Clibme tim hiểu về lý do tại sao nên học ngành kinh doanh quốc tế.
1. Nghề nghiệp có thu nhập cao
Trên thực tế, mức lương khởi điểm dành cho người trong lĩnh vực này chỉ cao sau lĩnh vực kĩ sư và khoa học máy tính. Các ngành nghề của ngành kinh doanh quốc tế có thu nhập cao như: logistic, chuyên viên tư vấn đầu tư quốc tế, chuyên viên gia marketing quốc tế, nhà tư vấn quản trị kinh doanh quốc tế, chuyên viên hoạch định tài chính quốc tế…
2. Cơ hội mở rộng việc làm
Kinh tế hội nhập các doanh nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng vươn mình ra thế giới, bên cạnh đó cũng thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong nước. ngành kinh tế cũng là sự hợp tác thương mại nói chung giữa các quốc gia khác nhau và hoạt động ngoại thương vượt qua lãnh thổ 1 quốc gia. Do đó nhu cầu việc làm ngày càng nhiều ở nhiều vị trí khác nhau ở các công ty và tập đoàn kinh tế nước ngoài.
3. Trang bị kiến thức kinh doanh quốc tế
Ngành kinh doanh quốc tế sẽ trang bị cho bạn những nền tảng kiến thức về quản trị kinh doanh, kế toán, kế toán tài chính… song song với đó là những kiến thức về đầu tư quốc tế hoạt động xuất nhập khẩu, các kiến thức về marketing, thanh toán mang tầm quốc tế, và đặc biệt là hoạch đinh những chiến lược kinh doanh vượt ra lãnh thổ một quốc gia.
4. Nhìn mọi việc với góc nhìn toàn cầu hóa
Đối với ngành kinh doanh quốc tế bắt buộc bạn sẽ phải am hiểu thị trường trong nước và quốc tế từ đó bạn phải xem xét mọi thứ theo góc độ toàn cầu đặc biệt là nền kinh tế hiện nay. Điều này vô cùng thuận lợi cho những ai mong muốn được làm việc trong môi trường đa quốc gia mong muốn vươn ra tầm quốc tế.
5 cơ hội việc làm ngành kinh doanh quốc tế
Đây là ngành học có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp bởi ngành này đang cần nguồn nhu cầu nhân lực lớn, như là:
1. Chuyên viên hoạch định
Có khả năng đảm nhận các công việc trợ lý hay chuyên viên hỗ trợ hoạch định, phân tích và tư vấn chính sách trong lĩnh vực thương mại quốc tế, tài chính quốc tế và đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, tại các Bộ, Ban, Ngành, địa phương; triển vọng trong tương lai có thể trở thành chuyên gia phân tích, tư vấn chính sách trong các lĩnh vực này.
2. Phân tích và tư vấn chính sách
Có khả năng đảm nhận các công việc trợ giúp và tham gia xây dựng, theo dõi, phân tích và tư vấn các dự án quốc tế các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc (UN), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức lao động quốc tế (ILO)…hay các tổ chức phi chính phủ (iNGOs). Triển vọng có thể trở thành các nhà quản lý dự án phát triển quốc tế.
3. Nghiên cứu viên và giảng viên
Có khả năng tham gia nghiên cứu và trợ giảng tại các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu có liên quan đến lĩnh vực kinh tế quốc tế; triển vọng trong tương lai có thể trở thành nghiên cứu viên và giảng viên có chuyên môn sâu trong lĩnh vực kinh tế quốc tế.
4. Chuyên viên kế hoạch, kinh doanh và đối ngoại
Có khả năng đảm nhận các công việc liên quan đến lập kế hoạch, giám sát hay thực thi các hoạt động về logistics và chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu, phát triển thị trường quốc tế tại các doanh nghiệp của Việt Nam, các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài; triển vọng có thể trở thành nhà quản lý hay doanh nhân trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế.
5. Chuyên viên xuất nhập khẩu
Chuyên viên xuất nhập khẩu là những người trực tiếp tham gia hoàn tất hồ sơ và các thủ tục hải quan để nhập khẩu hàng hoá và xuất bán thành phẩm ra nước ngoài với số lượng và giá cả khác nhau.
Môi trường làm việc
Môi trường làm việc cho ngành này cũng đa dạng, phong phú:
- Các công ty kinh doanh, thương mại trong nước và quốc tế
- Ngân hàng ngoại thương
- Các tập đoàn đa quốc gia, các công ty cổ phần thương mại
- Công ty xuất nhập khẩu và logistic
- Giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng về ngành Kinh doanh quốc tế
- Tự mở cơ sở đầu tư và kinh doanh riêng
Mức lương của ngành kinh doanh quốc tế
Ngành kinh doanh quốc tế có nhiều sự lựa chọn công việc khác nhau nên mức lương ở ngành này cũng có sự chênh lệch. Mức lương tùy theo bằng cấp, kinh nghiệm, vị trí chức vụ được đảm nhiệm như trợ lý, chuyên viên, trưởng phòng, quản lý, hay giám đốc và doanh nghiệp thuộc trong nước hay quốc tế, ví dụ:
- Tại Việt Nam, đối với vị trí chuyên viên kinh doanh quốc tế có mức lương khoảng từ 8 – 12 triệu/tháng, người có kinh nghiệm lâu năm có thể lên từ 15 – 20 triệu/tháng. Còn đối với vị trí giám đốc, mức lương trung bình có thể trên 20 triệu/tháng.
- Tại Mỹ, vị trí chuyên gia phân tích quản lý có mức lương trung bình là 97,580 USD/năm. Vị trí đại diện bán hàng trong các lĩnh vực như hóa, sinh học, công nghệ, kỹ thuật, máy móc có mức lương trung bình 99,680 USD/năm. Còn đối với giám đốc marketing với mức lương trung bình khoảng 154,470 USD/năm.
- Tại Anh, với mức lương trung bình khoảng 59,000 USD/năm, dao động ở mức thấp nhất khoảng 38,067 USD/năm và cao nhất khoảng 91,887 USD/năm.
- Tại Canada, với mức lương trung bình khoảng 78,699 USD/năm, dao động ở mức thấp nhất khoảng 47,000 USD/năm và cao nhất khoảng 131,000 USD/năm.
- Tại Úc, với mức lương trung bình khoảng 81,226 USD/năm, dao động ở mức thấp nhất khoảng 71,802 USD/năm và cao nhất khoảng 103,358 USD/năm.
Tuy mức lương có sự chênh lệch, dao động khác nhau, nhưng nhìn chung ngành kinh doanh quốc tế có mức thu nhập khá cao trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Tóm lại, ngành kinh doanh quốc tế đang là một xu hướng trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, ngành kinh doanh quốc tế có khá nhiều cơ hội làm việc trong tương lai và có mức thu nhập khá cao trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Bạn có thể tham khảo một số bài viết sau liên quan đến lĩnh vực kinh doanh quốc tế:
Khái niệm và 4 loại chiến lược kinh doanh quốc tế điển hình
Quản trị nguồn nhân lực trong kinh doanh quốc tế
Kinh doanh quốc tế học trường nào tốt nhất 2022
Sinh viên: Chu Thị Hường
Mã sinh viên: 19051485
INE3104 1 – Bài tập lớn