Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế đồng thời cũng là một kênh đầu tư nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, đây là thị trường nhạy cảm, có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau bao gồm cả các yếu tố kinh tế lẫn phi kinh tế. Trong số đó, trước hết phải kể đến những yếu tố vĩ mô, chúng không chỉ chi phối hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mà còn có thể tác động đến tâm lý và niềm tin của thị trường.
Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến tác động của 4 yếu tố vĩ mô đến thị trường chứng khoán từ đó giúp nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đầu tư tốt nhất.
Nội dung bài viết
1. Thị trường chứng khoán là gì?
1.1. Khái niệm
Thị trường chứng khoán là thị trường diễn ra các hoạt động phát hành, giao dịch mua bán chứng khoán. Việc mua bán này được tiến hành ở thị trường sơ cấp, khi người mua mua được chứng khoán lần đầu từ những người phát hành chứng khoán và ở thị trường thứ cấp khi có sự mua đi bán lại các chứng khoán đã được phát hành từ thị trường sơ cấp.
Thị trường chứng khoán thể hiện quan hệ giữa cung – cầu vốn và là nơi chuyển đổi quyền sở hữu chứng khoán giữa các nhà đầu tư. Giá chứng khoán chứa đựng các thông tin về chi phí vốn, hay còn gọi là giá của vốn đầu tư. Thị trường chứng khoán là một bộ phận của thị trường tài chính, là nơi diễn ra quá trình phát hành, mua bán các chứng khoán, đó là các chứng khoán nợ và chứng khoán vốn (còn gọi là công cụ sở hữu) và là hình thức phát triển bậc cao của nền sản xuất, lưu thông hàng hóa.
1.2. Vai trò và chức năng
Thị trường chứng khoán có vai trò và chức năng quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Cụ thể với từng nhóm đối tượng, thị trường này sẽ có các lợi ích như sau:
- Đối với nền kinh tế: Là thước đo sức mạnh kinh tế tại thời điểm đó. Nền kinh tế đang phát triển tốt hay không thể hiện qua các chỉ số đo lường thị trường hoặc sự phát triển giá cổ phiếu của các công ty. Thị trường chứng khoán sẽ giúp chính phủ kiểm soát tốt hơn tình hình hoạt động của các công ty niêm yết thông qua các bản báo cáo kinh doanh, sản xuất định kỳ được công bố.
- Đối với các doanh nghiệp: Là nguồn vốn dài hạn để phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp, được huy động thông qua việc phát hành chứng khoán bên cạnh việc đi vay ngân hàng.
- Đối với nhà đầu tư: Có tiềm năng đầu tư lớn, ngoài ra do tính rủi ro cao nên nhà đầu tư sẽ cần tìm hiểu nhiều trước khi tiến hành giao dịch mua bán. Cơ hội tăng lợi nhuận cao, do thị trường chứng khoán có xu hướng tăng theo sự phát triển của kinh tế nên nếu bạn đầu tư vào các doanh nghiệp phát triển ổn định sẽ giúp bạn có thêm nguồn lợi nhuận đảm bảo.
2. 4 yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán
2.1. Lạm phát
Lạm phát là sự gia tăng liên tục giá cả của hàng hóa, dịch vụ và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây, do đó lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ.
Ví dụ: Vào năm 2018, gạo được bán với giá 15 nghìn đồng/kg thì trong trường hợp nền kinh thế tăng trưởng cao, cũng với loại gạo đó vào năm 2022 sẽ có giá cao hơn. Giả định rằng gạo được bán với giá 20 nghìn đồng/kg vào năm 2022. Với 60 nghìn đồng, vào năm 2018 bạn có thể mua được 4 kg gạo nhưng vào năm 2022 sức mua của bạn sẽ giảm xuống và bạn chỉ có thể mua được 3 kg gạo cũng với số tiền đó.
Lạm phát được đo lường bằng tỉ lệ lạm phát, thể hiện % tăng lên của mức giá chung. Để có cái nhìn cụ thể hơn về yếu tố vĩ mô này, chúng ta hãy xem xét 2 nguyên nhân chính gây ra lạm phát trong nền kinh tế:
- Lạm phát do cầu kéo: Có những thời điểm nhu cầu của thị trường về một sản phẩm, dịch vụ nào đó tăng lên sẽ kéo theo giá cả của sản phẩm, dịch vụ đó cũng tăng theo. Khi đó, người mua sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho chúng.
- Lạm phát do chi phí đẩy: Tỷ lệ lạm phát cũng tăng nếu chi phí sản xuất hàng hóa tăng do tăng chi phí nguyên vật liệu, máy móc, nhân lực,… Một khi những chi phí này tăng lên sẽ bắt buộc doanh nghiệp phải tăng giá thành sản phẩm nhằm đảm bảo thu được lợi nhuận. Từ đó dẫn đến tình trạng mức giá chung của toàn thể nền kinh tế tăng theo.
Xem thêm: Lạm phát là gì? Những nguyên nhân nào dẫn đến lạm phát?
Những tác động của lạm phát đến thị trường chứng khoán
Lạm phát ảnh hưởng đến sức mua của các nhà đầu tư. Khi tỉ lệ lạm phát tăng, giá trị của tiền sẽ giảm đi từ đó dẫn đến sức mua của các nhà đầu tư giảm. Điều này có thể có tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán vì các nhà đầu tư sẽ có thể mua ít cổ phiếu hơn với cùng một số lượng.
Lạm phát tăng dẫn đến lãi suất tăng để đảm bảo lãi suất thực dương. Thị trường chứng khoán sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác ví dụ như gửi tiết kiệm ngân hàng, từ đó gây nên tình trạng giá cổ phiếu giảm do lượng cung lớn hơn lượng cầu.
Ngoài ra, lạm phát cũng có thể tác động đến thị trường chứng khoán thông qua thị trường hàng hóa. Trong trường hợp lạm phát tăng sẽ làm cho các chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng, buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán hàng hóa để đảm bảo lợi nhuận. Tuy nhiên, việc tăng giá khiến cầu hàng hóa giảm, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm. Điều này khiến cổ phiếu của doanh nghiệp trở nên kém hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.
Bên cạnh những tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán, việc tăng tỷ lệ lạm phát cũng có những lợi ích đối với thị trường này. Thực tế cho thấy, lạm phát tăng nhưng tăng trong vùng kiểm soát được thì đây lại là dấu hiệu tăng trưởng của một nền kinh tế. Trong quá khứ, hầu hết các trường hợp xảy ra lạm phát đều dẫn đến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được cải thiện.
Lạm phát cần được kiểm soát vì nếu tỷ lệ lạm phát quá cao sẽ dẫn đến nền kinh tế giảm sút. Tuy nhiên, nền kinh tế có thể bị kìm hãm nếu tỷ lệ này quá thấp. Do đó, nhà đầu tư cần phải nghiên cứu kĩ, so sánh lạm phát qua các năm để xác định tỷ lệ lạm phát có tăng đều đều đặn hay không. Tỷ lệ lạm phát tăng đều đặn có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và cho nền kinh tế. Đây là một điều kiện tốt cho thị trường chứng khoán phát triển.
2.2. Lãi suất
Lãi suất là khoản chi phí mà người đi vay phải trả cho việc sử dụng nguồn vốn của người vay. Đây là một trong những nhân tố quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của một nền kinh tế.
Lãi suất thường có tác động gián tiếp và ngược chiều đến thị trường chứng khoán
Khi lãi suất vay tăng, nhu cầu cho các hoạt động mua sắm và tiêu dùng của khách hàng sẽ giảm xuống. Bên cạnh đó lãi suất tăng cũng làm cho doanh nghiệp phải chịu chi phí cao hơn gây ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền tương lai của các doanh nghiệp đó. Những điều này khiến cho kỳ vọng của các nhà đầu tư vào doanh nghiệp giảm sút dẫn đến sự sụt giảm của giá cổ phiếu. Tuy nhiên với một số ngành như: ngân hàng, tài chính, bảo hiểm…vẫn được hưởng lợi nếu tăng lãi suất do đặc thù ngành nghề thông qua cho vay.
Việc các nhà đầu tư tiến hành đầu tư vào thị trường chứng khoán cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ bỏ lỡ mất chi phí cơ hội nhận lãi suất khi gửi ngân hàng. Hơn nữa, đầu tư chứng khoán còn là đầu tư mạo hiểm vì vậy khi lãi suất tăng, thị trường chứng khoán sẽ kém hấp dẫn hơn so với việc gửi ngân hàng. Thay vì có thể phải nhận rủi ro thua lỗ khi đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư có thể nhận lấy khoản không rủi ro khi gửi tiền vào ngân hàng.
Ngược lại, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc nếu lãi suất giảm. Bởi vì khi lãi suất giảm, người tiêu dùng có thể vay với mức lãi thấp hơn, ít có xu hướng gửi tiền ngân hàng từ đó nhu cầu tiêu dùng tăng lên, đảm bảo nguồn cầu cho doanh nghiệp. Lãi suất giảm làm cho giá vốn rẻ hơn so với trước, điều này giúp các công ty dễ huy động nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư cũng như giảm chi phí cho các công ty sử dụng đòn bẩy tài chính lớn từ đó sẽ làm cải thiện lợi nhuận của công ty và làm tăng giá cổ phiếu của công ty.
Xem thêm: Bí kíp đầu tư 2022 – Tác động của Lãi suất đến thị trường chứng khoán
2.3. Tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái hay còn gọi là tỷ giá trao đổi ngoại tệ. Được hiểu là tỷ giá của một đồng tiền này có thể được quy đổi cho một đồng tiền khác, tỷ giá giữa 2 loại tiền tệ, là số lượng đơn vị tiền tệ cần thiết để mua một đơn vị ngoại tệ. Về mặt bản chất của tỷ giá hối đoái, ngân hàng nhà nước sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để tiến hành mua bán trên thị trường ngoại hối nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia đó là tác động trực tiếp đến tương quan giá trị của tiền tệ một nước và các ngoại tệ khác.
Giữa tỷ giá hối đoái và thị trường chứng khoán có một số tương quan. Khi tỷ giá tăng mạnh thì thị trường chứng khoán có xu hướng giảm và khi tỷ giá ổn định thì thị trường chứng khoán lại có xu hướng đi ngang và ổn định. Vì vậy, nhà đầu tư khi nhìn vào xu hướng tỷ giá hối đoái, sẽ hiểu được hướng đi của thị trường chứng khoán và có thể đưa ra chiến lược đầu tư phù hợp với tình hình từ đó đầu tư thành công.
Sự biến động tỷ giá hối đoái sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư khi dấy lên những lo ngại về dự trữ ngoại hối và những vấn đề liên quan như lạm phát, nợ quốc gia. Trong trung hạn, đây vẫn là yếu tố có thể tác động mạnh đến diễn biến thị trường chứng khoán, đặc biệt là trong những tháng cuối năm khi sức ép tỷ giá tăng lên theo tính mùa vụ.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu tác động của việc thay đổi về tỷ giá hối đoái đối với thị trường chứng khoán thì cần phải đặt trong một bức tranh tổng thể bao gồm các yếu tố vĩ mô khác như lạm phát, lãi suất,… Nếu lạm phát được kiểm soát tốt thì những tác động của việc điều chỉnh giảm giá đồng nội tệ mang tính chủ động nhằm cân bằng cung cầu ngoại tệ, thu hẹp khoảng cách giữa thị trường ngoại hối chính thức và thị trường tự do sẽ được giảm thiểu và xu hướng thị trường chứng khoán trong tương lai sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
2.4. Tỷ lệ thất nghiệp
Tỷ lệ thất nghiệp là phần trăm số người lao động không có việc làm trên tổng số lực lượng lao động xã hội. Tỷ lệ này cũng là một chỉ báo để giới đầu tư quan tâm.Thất nghiệp có mối quan hệ ngược chiều với lạm phát, lạm phát gia tăng là cái giá đánh đổi cho việc giảm tỷ lệ thất nghiệp. Trong khi đó, lạm phát tăng sẽ gây ra một số tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán và nền kinh tế như đã đề cập ở trên.
Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp giảm cho thấy ngày càng có nhiều người có việc làm và thu nhập, khi đó người dân có khuynh hướng chi tiêu cho tiêu dùng nhiều hơn tạo cơ hội cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và thúc đẩy gia tăng sản lượng cũng như lợi nhuận trong nền kinh tế. Trong bối cảnh tích cực như vậy, niềm tin và triển vọng tương lai của thị trường được nâng lên và nhà đầu tư có thể sẵn sang hơn trong việc đầu tư vào thị trường chứng khoán.
3. Kết luận
Tổng kết lại, bài viết đã điểm mặt 4 yếu tố của môi trường vĩ mô ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán và không phải lúc nào chúng cũng có tác động tích cực. Vì vậy mỗi nhà đầu tư cần có những hiểu biết nhất định về cơ chế tác động của các yếu tố này đến thị trường chứng khoán để có những quyết định đầu tư kịp thời và phù hợp nhất.
Xem thêm các bài viết liên quan:
5 yếu tố tác động đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán?
7 nhân tố ảnh hưởng đến sự biến động thị trường chứng khoán Việt Nam
Sinh viên: Phan Thị Diệu Huyền
Mã sinh viên: 19051492
Lớp: QH-2019-E QTKD CLC 2
Mã học phần: INE3104 1